QUẢ VÀ CÁCH HÀNH XỬ - CHOGYAL NAMKHAI NORBU - DZOGCHEN TRẠNG THÁI TỰ TOÀN THIỆN

QUẢ VÀ CÁCH HÀNH XỬ

CHOGYAL NAMKHAI NORBU

Trích: DZOGCHEN TRẠNG THÁI TỰ TOÀN THIỆN; NXB THIỆN TRI THỨC.

-------o0o-------

Mọi sự đã hoàn thành, và như vậy, đã vượt thắng căn bệnh nỗ lực người ta thấy mình trong trạng thái tự-toàn thiện: đây là tham thiền.
QUẢ VÀ CÁCH HÀNH XỬ - CHOGYAL NAMKHAI NORBU - DZOGCHEN TRẠNG THÁI TỰ TOÀN THIỆN
  

Mọi sự đã hoàn thành, và như vậy,

đã vượt thắng căn bệnh nỗ lực

người ta thấy mình trong trạng thái tự-toàn thiện: đây là tham thiền.

Nếu chúng ta đã thực sự hiểu thể trạng thật của chúng ta là trạng thái tự-toàn thiện, bấy giờ có một nền tảng trên đó người ta có thể khai triển. Nếu không hiểu cái này, dù có nghiên cứu mọi hệ thống giáo lý, người ở vẫn ở trong một trạng thái vô minh. Từ quan điểm này, dù một người học rộng vẫn được xem là không biết gì, trong khi một người không có chút học vấn lại có thể xem là có hiểu biết hoàn hảo. Nghiên cứu, phân tích, truy tầm triết học và vân vân, có thể ích lợi nếu người ta biết làm sao rút lợi lạc từ chúng, nhưng thường thì chúng là một chướng ngại cho việc hiểu thực sự.

Chúng ta hãy lấy thí dụ một người say mê triết học Đông phương bởi vì không thỏa mãn với triết học Tây phương. Người ấy nghiên cứu sâu về những dòng tư tưởng Đông phương khác nhau, rồi tình cờ gặp triết học Phật giáo, trở nên say mê, tin rằng cuối cùng đã tìm thấy một thay thế vững chắc cho văn hóa của mình. Đi sâu vào nghiên cứu và trở thành một người theo triết học Long Thọ, hoàn toàn tin tưởng sự vững chắc của quan điểm này. Nhưng sự kiện xảy ra là người ấy thành một người nô lệ của ý thức hệ Long Thọ vì bây giờ y hình thành một ý tưởng, một khái niệm, về tánh Không mà không có hiểu biết thật về nó, căn cứ trên kinh nghiệm thật. Thật ra những niềm tin triết học và lý thuyết, dù có vẻ hoàn hảo, đến một ngày nào sẽ sụp đổ, vì đặt nền trên tâm.

Nguyên lý trong Dzogchen là tránh tạo ra cái gì giả tạo, và hiểu thực sự những lý do cho điều người ta đang làm. Căn bản, cảm thấy mình là người theo phái này phái nọ chỉ là một giới hạn, và điều người ta thực sự cần là hiểu thể trạng của chính mình và mở mình vất bỏ mọi rào cản.

Ở Tây Tạng trong thế kỷ vừa qua, một truyền thống khởi lên từ những nỗ lực của một số vị thầy dẹp bỏ những rào cản ý thức hệ giữa các phái khác nhau, và tán dương sự rộng mở và trao đổi những ý tưởng giữa các trường phái khác biệt. Các vị là những hành giả lớn của Dzogchen và thậm chí không tự định nghĩa theo cách nào cả, và được những vị khác gọi là “không bộ phái” (ris med). Với một hành giả Dzogchen, thậm chí tự gọi mình là “không bộ phái” cũng chỉ là một cách khác để nhận một vị trí trong tương quan với những người khác, điều đó không cần thiết, vì chân lý là bất kỳ định nghĩa nào cũng là một giới hạn.

Chẳng hạn, trạng thái bổn nguyên được định nghĩa làm bằng “ba trí huệ”, tinh túy, bản tánh và năng lượng, nhưng sự giải thích này chỉ làm một công thức tạm thời để giúp đỡ chúng ta dễ nhớ khi chúng ta còn bị giam cầm trong những giới hạn, đang lang thang trong sanh tử chuyển di liên tục. Nhưng không có những định nghĩa hay phân tích có thể thực sự bao trùm trạng thái bổn nguyên, và chúng chỉ là phương tiện thích hợp với tình trạng vô minh của chúng ta. 

Jamyang Khyentse Wangpo và Jamgon Kongtrul, những vị sáng lập truyền thống không bộ phái chúng ta vừa đề cập, đã nói, trong cùng cách như vậy. Khi mặt trời mọc trong bầu trời những tia sáng phóng ra, nhưng mặt trời không nói, “Hãy thấy những tia sáng của ta chiếu soi như thế nào!” Thế nên những đạo sư của truyền thống này, thực hành Dzogchen, hành xử vượt khỏi những giới hạn của một tông phái, không hề có một vị trí chống lại cách thấy sự vật theo tông phái.

Có một câu nói Dzogchen như vầy, “Nó không bị giam trong những biên giới, nó không thuộc về một trường phái”, và thật ra những giới hạn là một biểu lộ kiểu mẫu của nhị nguyên, đây là nguyên nhân của chuyển di trong sanh tử. Vượt thắng những giới hạn của chúng ta nghĩa là khám phá thể trạng thật của “cái đang là”, và hành xử, cư xử trong cách thế mà hiểu biết của chúng ta xứng hợp với thực tại đời sống trong các phương diện thân lời tâm của chúng ta. Điều này cực kỳ quan trọng. Ý tưởng “không bộ phái” nói lên một chia tách nhị nguyên giữa mình và những người khác, nó là một hàng rào cần vứt bỏ để có thể hòa nhập sự thực hành của mình vào mọi hoàn cảnh, tình huống. Trong thể trạng thật của cái đang là thì không có hàng rào nào và trong thể trạng ấy tất cả căng thẳng đều thư giãn. Thực hành thật sự là mở những căng thẳng của mình. Chúng ta nói nhiều về vượt khỏi bám luyến, nhưng cái gì là nguồn gốc của nó? Nó thật ra sinh khởi từ những căng thẳng mà chúng ta tạo ra sau khi chúng ta đã chia tách thực tại của mình thành mình và người. Như thế cách thực sự duy nhất để vượt khỏi sự bám luyến này là thấy mình trong một trạng thái thư giãn của hiện diện. Sự kiện là một trạng thái hiện diện đích thực thì vốn thư giãn từ chính bản tính của nó.

Hai câu chót của Sáu Câu Kệ Kim Cương giải thích nghĩa của quả và cách hành xử. Trong Dzogchen cách người ta hành xử trong trạng thái của hiện diện là quả, và không có cái gì khác để đạt được. Khi người ta có trạng thái hiểu biết này, người ta khám phá rằng mọi sự vốn luôn luôn hoàn thành từ sơ thủy. Trạng thái tự toàn thiện là phẩm tính vốn có của thể trạng của “cái đang là”; không có gì để hoàn thiện, và tất cả điều người ta cần làm là có hiểu biết đích thực thể trạng này.

Không cần thiết phải dùng tư thế đặc biệt nào của thân hay cái nhìn của mắt, để thực hành, và người ta không nên quy định hay điều kiện hóa hiện hữu của mình theo cách nào cả, mà chỉ ở trong một trạng thái tự nhiên. Nỗ lực và một cảm thức bắt buộc, sanh từ lo nghĩ và căng thẳng, là những biểu lộ điển hình của tâm phân biệt lý luận, và trong những câu kệ này chúng được ví với một căn bệnh mà khi người ta đã vượt thắng nó, mở đường cho người ta cuối cùng tìm thấy mình trong chiều kích của cái biết đích thực trạng thái tự toàn thiện. Trạng thái thật thì không thể được tạo ra hay xây dựng, nhưng là thể trạng chân thật sẵn có của mỗi cá nhân, nối kết với thể trạng tương đối của thân, lời, tâm. Khi người ta có hiểu biết trạng thái này, không cố gắng, không nhốt mình trong những thời thực hành giới hạn, sự hiện diện thư giãn của chúng ta hòa nhập với toàn bộ đời sống. Như vậy, sự tham thiền của chúng ta trở nên liên tục, và khi người ta đạt đến trạng thái này, những phẩm tính của tự toàn thiện, được biết như “ba thân”, biểu lộ cách tự động, như những tia sáng chiếu từ mặt trời.

Trong Dzogchen, cách hành xử là chìa khóa cho thực hành, không phải bởi vì có những luật lệ cố định nên làm và không nên làm, mà bởi vì nguyên lý là người ta phải học trở nên trách nhiệm với chính mình, làm việc với cái biết hay tánh giác của chính mình.

Nhưng một trong những nguy hiểm là người ta hiểu lầm “không sửa chữa” là họ chỉ đi với cái gì xảy ra, thì vẫn ở trong một trạng thái xao lãng. Có nói Padmasambhava đã cho các đệ tử lời khuyên này: “Về trạng thái hiểu biết, hãy theo cách thấy và cách thực hành Dzogchen. Nhưng về cách hành xử, hãy theo những giới luật Vinaya”. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Padmasambhva không nói điều này bởi vì ngài xem việc học trách nhiệm với chính mình là không quan trọng, mà ngài nói từ sự thận trọng, để không sanh hiểu lầm.

Nubchen Sangye Yeshe, một vị thầy Tây Tạng là một đệ tử của Padmasambhava, trong luận của ngài có tên Ánh sáng cho Đôi mắt của Thiền định nói, “Một số vị thầy xác nhận rằng dù nếu nguyên lý của Dzogchen là không sửa sang cái gì, người ta không thể đạt đến trạng thái này mà không sửa chữa. Họ gọi cái họ dạy là Dzogchen, nhưng nói cách thực hành, điều họ dạy là những cách khác nhau để sửa chữa mọi sự. Đây là một lỗi lầm; giống như bắn một mũi tên mà không biết nhắm vào cái gì.”

Trong Dzogchen, quan trọng là biết chính xác nơi người ta nhắm đi đến, nhưng đồng thời người ta phải biết khả năng của mình. Nếu người ta khám phá rằng khả năng người ta không đủ để cho phép sống với tánh giác, bấy giờ tốt hơn là theo một số điều luật cho đến khi tỉnh giác của người ta phát triển hơn. Nếu tôi muốn uống nhưng tôi biết rằng rượu ấy là không tốt cho tôi, bấy giờ tôi chỉ cố gắng thôi uống. Nhưng nếu vừa thấy chai rượu, tôi kinh nghiệm một ham muốn mạnh mẽ mà tôi không kiểm soát mình được, điều này nghĩa là tôi cần một điều luật phải theo để làm chủ tình huống. Nhận biết điều này cũng là phần của tỉnh giác.

Dzogchen được nói là một giáo lý cho những người khả năng cao. Cái “khả năng cao” này nghĩa là người ta có những phẩm tính cho phép hiểu và áp dụng giáo lý. Nếu người ta thiếu cái nào trong những phẩm tính này, người ta nên cố gắng phát triển nó. Để có kết quả, tỉnh giác phải luôn luôn đi cùng hiện diện. Tỉnh giác nghĩa là biết những hậu quả của những hành động của mình, nhưng đôi khi, dù biết là tai hại, người ta vẫn tiến lên và làm, bởi vì người ta không hiện diện từ phút giây này sang phút giây khác. Nếu người ta không hiện diện thì không có khác biệt nào giữa tỉnh giác và không tỉnh giác. Một người trong một phút giây xao lãng, uống một cốc thuốc độc dù biết những hậu quả tai hại của nó, sẽ chết cùng cách như người không biết. Thường rất dễ xao lãng bởi những phiền não, những trạng thái xáo động của tâm chúng ta, những bám luyến và vân vân.

Một hành giả Dzogchen phải cố gắng tỉnh giác và hiểu bản tánh thật của những mối tương quan mà không lầm chúng với những phiền não. Tương quan giữa người và người rất quan trọng, và đặc biệt khi giữa hai hành giả, cốt yếu là mỗi người biết cách hợp tác với người kia mà không tạo ra những vấn đệ và chướng ngại. Nếu là một cặp vợ chồng thì mối tương quan phải không đặt nên trên đam mê mù quáng, bởi vì sẽ có những hậu quả cực kỳ xấu. Nhưng nếu họ hiểu bản tánh tinh túy của đam mê phiền não, bấy giờ, không từ bỏ hoặc hạ thấp giá trị chúng, họ có thể hòa nhập những đam mê phiền não với thực hành của họ.

Đây chính xác là điều trong Mật giáo nói về chuyển hóa những đam mê phiền não thành những trí huệ. Trong Dzogchen, nếu người ta biết làm thế nào đi vào và ở trong trạng thái của “cái đang là”, tất cả những phiền não, cảm giác và vân vân có thể trở thành những kinh nghiệm giúp người ta khai triển hiểu biết. Một hành giả không phải hoàn toàn không có những phiền não và phải trở thành như một tảng đá. Thật ra, thì ngược lại, y phải có đầy đủ những biểu lộ của năng lượng mà không bị chúng làm xao lãng, phải hòa nhập chúng với tham thiền.

Những giáo lý Dzogchen luôn luôn khuyên rằng người ta phải cố gắng tự giúp mình, rằng phải cho chính mình một bàn tay giúp đỡ. Nhưng việc ấy chính xác là thế nào? Người ta cần luôn luôn cố gắng tỉnh giác thể trạng của chính mình trong mọi tình huống người ta gặp, và nếu quá xáo động hay rối loạn, người ta cố gắng thư giãn và cho mình không gian. Nếu mệt thì cần nghỉ. Không cần theo những điều luật tỉ mỉ, dù như chúng ta đã nói, đôi khi chúng ích lợi. Chúng ta cần luôn luôn nhớ mục tiêu chúng ta nhắm tới, đó là một cách sống đời mình với hiện diện thực sự của tánh giác.

Chúng ta cần hành xử với tánh giác trong quan hệ với xã hội để sự phát triển bên trong của cá nhân tiến đến chỗ chín muồi, trưởng thành. Nhiều ý thức hệ chính trị khuyến khích cá nhân đi vào một cuộc tranh đấu để xây dựng một xã hội tốt hơn. Nhưng cách họ đề nghị để làm điều này là vứt bỏ xã hội cũ, có lẽ nhờ một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, những lợi lạc sản sanh từ những phương tiện như vậy luôn luôn tương đối và tạm thời, và một sự bình đẳng giữa những giai cấp xã hội không bao giờ hoàn thành. Chân lý là một xã hội tốt hơn sẽ chỉ sanh khởi qua sự tiến hóa của cá nhân, bởi vì xã hội được làm bằng hàng triệu cá nhân. Để đếm đến một triệu phải bắt đầu từ số một, nghĩa là phải bắt đầu từ cá nhân, nơi chốn duy nhất đích thực để bắt đầu thay đổi cái gì. Điều này không có nghĩa đặt mình lên thứ nhất theo một cách ích kỷ, mà đúng ra là việc chúng ta đến chỗ hiểu thể trạng của toàn thể nhân loại qua hiểu kinh nghiệm riêng của chúng ta. Với kinh nghiệm này như là người hướng dẫn của chúng ta, chúng ta sẽ biết làm thế nào hành xử với tỉnh giác trong bất kỳ tình huống nào trong bất kỳ loại xã hội nào.

Chúng ta cần biết như thế nào làm việc với hoàn cảnh của chúng ta và với những người khác theo những trường hợp mà chúng ta gặp, không có thiên kiến hay giả mạo cái gì. Như vậy, để học làm sao thực hành Dzogchen người ta phải tự quan sát mình. Để làm điều này, người ta chỉ chú ý trong vài phút cách những tư tưởng, phán xét, quan niệm đến và đi như những làn sóng sanh khởi và biến mất. Tính chất của tâm chúng ta là mỗi tư tưởng là một nguyên nhân thứ yếu cho sự thực hiện một hành động. Thế nên nếu trong đời, chúng ta tỉnh giác và hiện diện trong tương quan với mọi mặt của hiện hữu chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ ít trải nghiệm những vấn đề rắc rối.

Quan trọng nhiều hơn là cố gắng hiện diện và tỉnh giác mọi lúc hơn là để một thời gian giới hạn mỗi ngày cho những thực hành đặc biệt. Học những chi tiết của những kỹ thuật thiền định, quán tưởng vân vân, là chuyện phụ. Có một câu nói của Dzogchen, “Việc chính yếu không phải là thiền định mà là hiểu biết, hay trí huệ.” Và, thật vậy nếu người ta không có hiểu biết này, thiền định chỉ trở nên một sáng tạo của tâm, một xây dựng thừa thải. Nhưng hiểu biết thực sự này đến từ đâu? Nó sanh khởi từ tỉnh giác của chúng ta về đời sống của chúng ta ở cấp độ tương đối, nó là căn cứ thực cho một cái hiểu về thiền định và bản tánh của tâm.

Danh từ này, “bản tánh của tâm”, rất có thể là một câu nói tao nhã và thu hút, nhưng vấn đề là người ta không thực sự hiểu nó có nghĩa là gì. Nếu chúng ta không thực sự sống trong bản tính của tâm, chúng ta chỉ có một khái niệm ý thức về nó, và dù chúng ta có thể nói về nó, nghĩ về nó, nhưng tất cả những cái ấy không dính dáng gì với thực tại của nó. Chẳng hạn nếu đói mà chỉ nghĩ “Ăn và không ăn cũng như nhau”; hay “Không có cái gì là thức ăn ở cấp độ bản tánh của tâm”, thì không đủ. Tốt hơn là chúng ta hiểu tình huống vật lý đúng như nó thực sự là. Bản tánh của tâm là một từ ám chỉ một thể trạng vượt khỏi hiện hữu của thân, lời, tâm, cái hiểu biết nó thì chỉ có thể sanh khởi qua kinh nghiệm. Biết những giới hạn và tính cách của tình trạng tương đối người ta có thể thực sự trở nên tỉnh giác về bản tánh thực của chúng.

Một hành giả phải luôn luôn tỉnh giác về sự quan trọng của mối liên hệ của nó với vị thầy. Một vị thầy dạy qua ba sự trao truyền, trực tiếp, tượng trưng và bằng lời. Nhưng trao truyền qua lời nói chỉ xảy ra trong những lúc vị thầy ngồi chính thức trong một phòng với hàng trăm người trước ngài, và ngài giải thích cho họ những phương diện khác nhau của những giáo lý. Đạo sư có thể trao truyền trạng thái hiểu biết vào bất cứ lúc nào, và bất kỳ cuộc nói chuyện hay lời khuyên nào ngài cho đều là phần của trao truyền qua lời nói.

Nếu vị thầy thấy một con chuột chết hôi thối và chỉ cho đệ tử và nói, “Hãy ngửi mùi hôi này đi!” điều ấy có thể là phương tiện ngài chọn dùng để trao truyền hiểu biết trạng thái tham thiền. Ngửi mùi hôi của một con chuột chết là một kinh nghiệm trực tiếp, cụ thể, và người ta không cần phải làm bộ hay cố gắng nhiều để có kinh nghiệm. Nếu bấy giờ, qua kinh nghiệm, đệ tử có thể hiểu trạng thái trong đó không có phân biệt giữa một mùi kinh khủng và mùi hương một hoa hồng, con chuột chết sẽ đủ như một phương tiện để trao truyền. Nhưng cái này chỉ là một thí dụ trong vô số hoàn cảnh khác nhau mà vị thầy có thể dùng. Những giáo lý không phải là cái gì thiêng liêng chỉ tìm thấy trong những ngôi chùa và kinh điển, chúng thực sự là cái hiểu về trạng thái nội tại vốn sẵn của tất cả kinh nghiệm thuộc con người.

Garab Dorje, đạo sư đầu tiên của Dzogchen, sau khi dạy trong toàn bộ cuộc đời ngài, đã để lại cho tất cả những hành giả Dzogchen tương lai một di chúc nhỏ, dài ba câu. Các câu kệ là:

Hãy khám phá trực tiếp trạng thái của bạn

Chớ ở lại trong nghi ngờ.

Hãy tin chắc vào tự-giải thoát.

“Khám phá trực tiếp trạng thái của bạn” ám chỉ sự trao truyền bởi vị thầy, ngài, qua nhiều cách khác nhau, giới thiệu và đưa đệ tử đến chỗ hiểu thể của “cái đang là”, trạng thái bốn nguyên của cá nhân. Đây là nền tảng. “Chớ ở lại trong nghi ngờ” nghĩa là người ta phải có một hiểu biết rõ ràng trạng thái này, tìm thấy trạng thái hiện diện của tham thiền, nó là một và như nhau trong tất cả hàng ngàn kinh nghiệm có thể có. Đây là con đường. “Hãy tin chắc vào tự-giải thoát” là quả. Nó có nghĩa là cái hiểu biết trọn vẹn và bất biến của tự giải thoát là hoàn toàn hòa nhập với đời sống hàng ngày, và trong mọi trường hợp người ta tiếp tục trong trạng thái này. Tất cả hàng trăm và hàng trăm bản văn gốc của Dzogchen có thể được xem là một giải thích của ba câu kệ này của Garab Dorje. Nhưng những giáo lý không chỉ là một cuốn sách hay một truyền thống, chúng là một trạng thái sống động của hiểu biết.

 

-------o0o-------

Ảnh: Nguồn Internet.

 

Bài viết liên quan