SỰ BIỂU HIỆN CỦA TÁNH GIÁC - TULKU URGYEN RINPOCHE - AS IT IS

SỰ BIỂU HIỆN CỦA TÁNH GIÁC

Tác giả: TULKU URGYEN RINPOCHE

Trích từ nguyên tác AS IT IS (những bài pháp trong 2 năm cuối cùng 1994, 1995)

Dịch Việt: Nguyên Chân Lê Việt Dũng.

----o0o----

Nếu bạn đã tu tập đủ để đạt được sự nhận biết trọn vẹn về tánh giác và có một mức độ an trú ổn định nào đó—ví dụ, trong hai mươi hoặc ba mươi phút liên tục, bạn sẽ thành công trong trung ấm. Không có nghi ngờ gì về điều này, mặc dù bạn chưa đạt được sự giác ngộ toàn hảo khi đã hoàn toàn loại bỏ được ảo tưởng mê lầm trong suốt cả ngày lẫn đêm. Nếu không...
SỰ BIỂU HIỆN CỦA TÁNH GIÁC - TULKU URGYEN RINPOCHE - AS IT IS

Tôi muốn giải thích chi tiết hơn về hai nguyên lý quan trọng: tinh túy và sự biểu hiện, ‘ngowo’ và ‘tsal’ trong tiếng Tạng. Mối quan hệ giữa hai điều này giống như mối quan hệ giữa mặt trời và ánh sáng mặt trời: bạn không thể có ánh sáng mặt trời nếu không có mặt trời chiếu sáng.

Cũng giống như sự biểu hiện của tinh túy tâm và bản thân tinh túy tâm. Tinh túy tâm thì không tăng không giảm, không được cải thiện hay bị làm xấu đi. Cho dù nó được nhận ra hay không được nhận ra, trong tự thân tinh túy tâm, không có sự khác biệt nào cả. Khả năng duy nhất của sự nhận biết nằm ở sự biểu hiện. Sự biểu hiện của tinh túy này có thể tự biết hoặc không tự biết chính nó, đó là toàn bộ tầm quan trọng của trí huệ—trong tiếng Sanskrit là ‘prajna’ , tiếng Tây Tạng là ‘sherab’.

Có nói rằng khi sự biểu lộ xuất hiện như ‘sherab’, như là trí huệ—khi sự biểu lộ biết bản tánh của chính nó—nó được giải thoát, đó là tự do. Khi sự biểu hiện chuyển động như tư tưởng, như suy nghĩ, nó bị bối rối—đó là ảo tưởng mê lầm. Toàn bộ sự khác biệt nằm trong sự phân biệt này.

Nói cách khác, sự biểu hiện được giải thoát như trí huệ hay bị lầm lẫn như suy nghĩ được xác định bởi việc hành giả biết hay không biết bản tánh của chính mình. Trong tự thân tinh túy, không có sự khác biệt; nó không tốt hơn bởi việc được nhận ra hoặc trở nên tệ hơn bởi không được nhận ra.

“Khi sự biểu hiện chuyển động như trí huệ, nó được giải thoát. Khi sự biểu hiện chuyển động như tư tưởng, nó là mê lầm.” Đây chính là điều tạo nên toàn bộ sự khác biệt. Là một chúng sinh bình phàm tức là không bao giờ nhận ra bản tánh của sự biểu hiện này. Giống như một kẻ ngốc không bao giờ nhìn thấy mặt trời chiếu sáng trên bầu trời, và nghĩ rằng mặt trời là ánh sáng chiếu sáng lên mọi thứ.

Sự biểu hiện này là biểu hiện của chính bạn. Nó không đến từ bất kỳ ai ngoài chính bản thân bạn, cũng giống như ánh sáng của mặt trời không đến từ bất kỳ nơi nào khác ngoài chính bản thân mặt trời. Khả năng để phân biệt giữa tinh túy và sự biểu hiện chính là dấu chỉ sự khác biệt giữa chư Phật và chúng sinh.

Đó giống như một sự đồng nhất nhưng có hai phương diện. Bản thân sự đồng nhất, tinh túy, giống như mặt trời nguyên thủy, nó tự nhiên tỏa sáng và không cần tạo tác. Sự biểu hiện của riêng bạn mà bạn không nhận ra, ngay sau đó mang lấy dạng thức của người tri giác và cái được tri giác. Cái được tri giác thì được thấy là ở ngoài, trong khi người tri giác thì ở đây.

Khi tinh túy trong sự biểu hiện không được nhận biết, sự biểu hiện mang lấy dạng thức của suy nghĩ. Sự nhận biết tinh túy tâm giống như một người thông minh hiểu rằng, "Phải có một nguồn cho ánh sáng mặt trời này chiếu sáng khắp mọi nơi." Khi một đạo sư chỉ ra bản tánh của bạn, ngài đang nói một ý tương đương như thế này, "Tất cả ánh sáng này là sự biểu hiện của mặt trời; bây giờ hãy nhìn lên bầu trời. Bạn có thấy rằng có một mặt trời chiếu sáng khắp thế gian này không?" Và người thông minh trả lời, "Vâng! Đó chính là bản thân mặt trời, và sự biểu hiện của nó là ánh sáng ở khắp mọi nơi." Đây là cách mà người ta cần hiểu.

Mục đích của trí huệ là gì? Khi nhận ra tinh túy của sự biểu hiện của tư tưởng, sự biểu hiện đó ngay lập tức hiện ra như là trí huệ. Nó giống như việc nhìn thấy chính mặt trời. Nếu không, chúng ta không nhận ra sự biểu hiện đó đến từ đâu, và chúng ta sẽ tìm kiếm mặt trời ở khắp mọi nơi.

Điều đó được gọi là 'sự biểu hiện chuyển động như những tư tưởng' - cách nó trở thành các khuôn mẫu tư tưởng. Sự biểu hiện bị cuốn vào những tư tưởng của năm đối tượng được nhận thức của các giác quan – những sắc tướng hữu hình, những âm thanh có thể nghe được, những hương, vị, và đối tượng của xúc chạm. Những tư tưởng cũng chuyển động theo sau các đối tượng thuộc tinh thần như vui sướng và đau đớn.

Một người thông minh có thể nhận ra rằng thật sự có một mặt trời thực đang chiếu sáng.

Dharmadhatu Kosha của Longchenpa viết:

Tinh túy bổn nguyên giống như sự tỏa sáng

Quang minh tự nhiên và nguyên sơ.

Những chúng sinh không nhận biết bản tánh của sự biểu hiện nơi họ, và bị cuốn vào những biểu hiện đó. Hai giai đoạn này được mô tả là sự biểu hiện đầu tiên và thứ cấp. Sự biểu hiện đầu tiên chỉ đơn giản là không biết tinh túy tâm là gì. Rồi nó mang lấy dạng thức của năm độc, đó là sự biểu hiện thứ cấp. Năm độc có thể biến thành tám trạng thái tư tưởng bẩm sinh, hoặc thậm chí nhiều hơn, tám mươi bốn nghìn cảm xúc phiền não. Đây chính là sự sáng tạo của luân hồi. Tuy nhiên, khi sự biểu hiện xuất hiện như là trí huệ, thì giống như một người thông minh nghĩ rằng, "Phải có một mặt trời. Nó ở đâu?" Người đó nhìn về phía mặt trời và nhận ra, "Nó ở đó!"

Giống như nhìn thấy chính bản thân mặt trời. Ngay lập tức, tinh túy được thấy như là cái biết trống không vô biên.

Thông thường, chúng ta coi tâm là trống không hoặc rõ biết. Xin hãy hiểu rằng tinh túy tâm là một sự trống không vô biên. Phương diện trống không là pháp thân, rõ biết là báo thân, và phẩm tính vô biên không giới hạn là hóa thân.

Nhận ra điều này trong thực tế giống như đối mặt với ba thân như là một, đó là thân tinh túy, tự tánh thân, svabhavikakaya. Đó không phải là khoảnh khắc trống không của người tri giác và cái được tri giác sao? Trong hệ thống Đại Ấn (Mahamudra), đây chính xác là ý nghĩa của “một vị”.

Không phải hai vị, bạn không bao giờ được nghe về hai vị. Hai vị có nghĩa là chủ thể và đối tượng được giữ trong tâm. Một vị có nghĩa là không có gì được giữ, không có hành động của dính mắc. Khi không có sự dính mắc, không thể có hai vị. Nó chỉ là một vị. Sự nhất thể này là không có đối tượng, không dấu vết.

Nếu vẫn còn tin vào một kiểu loại của sự nhất thể nào đó, thì đó chỉ là một sự dính mắc. Chúng ta có thể giả vờ rằng mình đã buông bỏ sự dính mắc nhị nguyên, nhưng chúng ta vẫn tin vào ý niệm của trạng thái phi nhị nguyên. Để có thể thực sự đạt đến trạng thái không có đối tượng, ngay cả điều đó cũng phải được buông bỏ.

RINPOCHE: Bạn có nhận ra tinh túy tâm không?

HỌC VIÊN: Đó là một việc khó, nó rất ngắn.

RINPOCHE: Điều gì là vấn đề mà bạn đang trải qua? Khó khăn chính xác là gì? Nếu nó rất ngắn, thì vấn đề khi lặp lại nó nhiều lần là gì? Khoảnh khắc ngắn ngủi này có phải là thứ gì đó bạn tạo ra bằng thiền định không?

HỌC VIÊN: Không.

RINPOCHE: Vậy thì thực ra không khó lắm, đúng không? Nếu bạn muốn khoảnh khắc này kéo dài thật lâu, và bạn muốn ngay lập tức trở thành một vị A-la-hán, thì bạn có thể nói rằng rất khó. Từ đời vô thủy cho đến bây giờ chúng ta đã bị mê lầm. Để đạt được những thành tựu to lớn trong khoảng thời gian năm hoặc sáu năm là điều khó khăn, bởi vì chúng ta có tập khí của sự dính mắc và mê lầm ăn sâu vào bản chất.

Bây giờ chúng ta cần đạt được một thói quen mới—không phải bằng cách thiền định về nó mà bằng cách làm quen dần với sự nhận biết này. Nếu bạn không bị lạc vào khuôn mẫu thói quen xấu này ngay từ đầu, thì sẽ là dễ dàng. Nếu bạn đã là một vị Bồ tát giác ngộ, nếu sự vững chắc ổn định tự nhiên của tinh túy không bị trượt đi mất, thì bạn sẽ có cái biết trống không vô biên tràn ngập với hiểu biết. Nhưng đó là điều mà tất cả chúng sinh đã đánh mất. Nói rằng nó đã bị đánh mất thì không hoàn toàn đúng; đúng hơn là nó đã vuột khỏi tầm mắt do bị bận tâm và xao lãng, bởi sức mạnh của tâm chúng ta bị cuốn vào tư tưởng. Đó là thói quen ăn sâu vào bản chất của chúng ta.

Từ vô thủy, thân tinh túy, trạng thái giác ngộ của ba thân bất khả phân, luôn luôn tương tục; nó không bao giờ bị gián đoạn, không bao giờ mất đi. Bởi vì tâm tự lừa dối chính nó, nó tạo ra thói quen tiêu cực này; và thất bại trong sự hiện thực hóa sự kiên cố ổn định bẩm sinh của tinh túy tâm. Ngay bây giờ, sự nhận biết tinh túy tâm giống như một đứa trẻ sơ sinh, trong khi suy nghĩ mê lầm thì giống như một người trưởng thành mạnh mẽ, một người lớn cõng đứa trẻ sơ sinh này trên lưng và chạy loanh quanh khắp nơi. Đứa trẻ sơ sinh dường như bất lực. Tánh giác của chúng ta ngay bây giờ cũng giống như đứa trẻ đó vậy. Nó được sinh ra, nhưng nó chưa được phát triển lớn lên. Người lớn mạnh khỏe chạy xung quanh kia là suy nghĩ nhị nguyên, sự biểu hiện mà chúng ta đang bị cuốn vào ngay bây giờ. Đứa trẻ tánh giác bị bắt đi bởi kẻ lừa đảo lớn tuổi - kẻ chạy xung quanh và làm đủ mọi trò lừa đảo, cả ngày lẫn đêm.

HỌC VIÊN: Làm thế nào mà sự biểu hiện khởi sinh như là giai đoạn phát triển?

RINPOCHE: Tất nhiên, giai đoạn phát triển chỉ có khả năng khởi sinh như sự biểu hiện của tánh giác sau khi người ta đã nhận ra tánh giác một cách trọn vẹn. Cách tiếp cận sự biểu hiện của tánh giác này giống như để cho hình ảnh xuất hiện không bị chướng ngại trong một tấm gương trong suốt. Trước đó, giai đoạn phát triển là một quá trình tu tập để tạo ra 'những suy nghĩ trắng'—không phải những suy nghĩ của luân hồi: tức là những suy nghĩ đen; mà là sự tận tụy, lòng từ bi, tri giác thanh tịnh, v.v.

Chừng nào sự biểu hiện của bạn chuyển động như là suy nghĩ, tức là ảo tưởng mê lầm, thì suy nghĩ mê lầm này có thể là trắng hoặc đen. Nếu bạn bị vướng vào những suy nghĩ đen, bạn sẽ bị vướng vào ba độc. Bất cứ điều gì phát sinh ra từ đó đều là đen, giống như tám mươi bốn nghìn loại cảm xúc phiền não. Khi bị vướng vào đó, người ta chắc chắn sẽ đi đến ba cõi thấp.

Mặt khác, những suy nghĩ trắng là sự tận tụy và lòng biết ơn thuần túy đối với những bậc giác ngộ, lòng từ bi đối với những chúng sinh chưa giác ngộ và một cảm giác mạnh mẽ của lòng trung thực. Bất cứ điều gì phát sinh từ những điều này đều tự động là sự tốt lành hoặc đức hạnh, đó là lý do tại sao chúng được gọi là 'trắng'. Do đó, việc tạo ra một trạng thái đức hạnh của tâm, không phải là điều gì đó không thể làm được.

Tu tập trong điều này có lợi ích gì? Nhận ra tinh túy tâm của bạn trong khoảnh khắc của lòng sùng mộ mạnh mẽ, đó là một cảm xúc mãnh liệt đến nỗi nước mắt trào ra và lông tóc trên cơ thể dựng đứng. Như ngài Karmapa thứ III đã nói, "Trong khoảnh khắc của tình yêu thương, tinh túy trống không bừng sáng một cách trần trụi." Trong cùng khoảnh khắc đó, tánh giác tự hiện hữu không cần tạo tác hoàn toàn không có bất kỳ lỗi lầm hay khiếm khuyết nào. Tinh túy trống không của bạn đã được hiển bày hoàn toàn, và hiện ra một cách trần trụi.

Điều tương tự cũng có thể được kinh nghiệm thông qua lòng từ bi mãnh liệt. Hãy nghĩ đến tất cả các chúng sinh đã lang thang trong luân hồi sinh tử trong một thời gian lâu dài, xuyên qua những đau khổ như vậy. Họ quay cuồng trong một vòng tròn vô tận nhưng dường như họ không bao giờ thấy đủ.

Thật đáng tiếc! Một lần nữa, đôi mắt chúng ta lại ứa lệ; lông tóc trên cơ thể ta dựng đứng, chúng ta cảm thấy choáng ngợp. Khi bạn nhận ra tinh túy tâm vào khoảnh khắc ấy, lại không có gì lầm lỗi. Đây là cách những suy nghĩ 'trắng', những suy nghĩ đức hạnh, có thể mang lại lợi lạc.

Trong khoảnh khắc của lòng sùng mộ đối với những bậc giác ngộ, hoặc lòng từ bi đối với những chúng sinh chưa giác ngộ, trạng thái tâm của bạn không bị trộn lẫn với ba độc. Có phải lòng sùng mộ và từ bi không bị trộn lẫn với tham muốn, sân giận hay ngu si không? Chúng cũng không trộn lẫn với sự gian dối hay lừa lọc. Lòng sùng mộ là chân thành, trung thực và thẳng thắn, và lòng từ bi cũng vậy.

Thông qua con đường của trung thực, người ta đạt đến một trạng thái trung thực. Đây là lý do tại sao tất cả chư Phật được gọi là ‘rishi’. Có nghĩa là một con người ngay thẳng, hoàn toàn thẳng thắn và trung thực, trong khi các chúng sinh thực hành một con đường gian dối và đạt đến trạng thái của kẻ lừa đảo. "Gian dối" ở đây có nghĩa là một kiểu không trung thực. Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng suy nghĩ ‘trắng’- những trạng thái đức hạnh của tâm - dẫn đến một con đường thanh tịnh.

Lòng sùng mộ và lòng từ bi không phải là chỉ cầu nguyện hay nói suông với chư Phật và các chúng sinh, rằng: "Xin chư Phật hãy nghĩ đến con" hay "Chúng sinh thật tội nghiệp" mà không đặt vào đó một chút thực tâm nào.

Để thực sự chân thật, cảm giác của lòng sùng mộ và từ bi phải gần như tràn ngập thân tâm bạn.

Để tránh bị lạc hướng khỏi cái thấy, không có phương pháp nào vượt trội hơn lòng sùng mộ và từ bi. Hai điều này là phương dược phổ quát chữa bách bệnh, là nền tảng để có thể du hành trên ‘con đường trắng’ và thành tựu được mười địa.

Không có hai điều này, bạn không có khả năng để tiến bộ. Người ta nói rằng, “Với một trái tim tốt lành, mọi con đường và cấp độ đều tốt; với một trái tim xấu ác, mọi con đường và cấp độ đều xấu.” Mọi thứ đều phụ thuộc vào việc trái tim của một người là tốt lành hay xấu ác. Để đạt được sự giác ngộ, chúng ta phải trải qua các con đường và các địa. Sự tiến bộ đó phụ thuộc vào thái độ trong sáng và trái tim tốt lành. Nếu không có thái độ trong sáng này, mọi con đường đều dẫn đến một hướng đi sai lệch. Đây là lý do tại sao mọi thứ đều phụ thuộc vào một trái tim thanh tịnh.

Trước tiên, hãy nhận biết bản tánh của chính mình. Sau đó, hãy giữ lòng sùng mộ hướng thượng và lòng từ bi hướng xuống dưới, và hãy tinh tấn siêng năng trong khoảng giữa. Sự tinh tấn có nghĩa là cảm giác về sự kiên định. Nó giống như độ căng thích hợp của một dây cung: nếu bản thân cây cung được kéo ra, độ căng dây cung không thay đổi; không phải đôi khi thì trở nên lỏng hơn, đôi khi lại căng hơn. Thay vào đó, nó là sự giữ nguyên không thay đổi.

‘Tinh tấn’ ở đây có nghĩa là cảm giác không bị xao lãng, một sự không xao lãng nhẹ nhàng. Ba phẩm tính của lòng sùng mộ, lòng từ bi và sự tinh tấn này giúp bạn tiến bộ qua các con đường và các địa. Thêm vào đó, sự áp dụng tịnh hóa các che chướng và tích tập công đức, Ngöndro, là vô cùng quan trọng.

Một thiền giả không cần thiết phải tham gia vào nhiều cuộc tranh luận và phân tích về việc một điều gì đó là có hay không, chứng minh và bác bỏ, khẳng định và phủ nhận. Bạn có thể bị cuốn vào loại tranh luận này đến mức mồ hôi xuất hiện trên trán, đôi tay bạn rung lên bần bật và môi bạn thì run rẩy, bởi vì bạn rất muốn chứng minh quan điểm của mình và bác bỏ quan điểm của đối thủ. Nhưng toàn bộ mục đích của Pháp là để thoát khỏi sự sân giận và tính ganh đua. Nếu một người nuôi dưỡng sự giận dữ và ganh đua thông qua Pháp, thì giống như câu nói nổi tiếng của Gampopa: "Nếu Pháp không được thực hành như nó nên là, nó có thể trở thành nguyên nhân cho sự tái sinh ở các cõi thấp hơn."

HỌC VIÊN: Nhận ra bản tánh của tâm trong một thời thiền định dường như không quá khó khăn. Nó chỉ là một vấn đề của việc nhắc nhớ. Tuy nhiên, có vẻ khó để mà kết hợp điều này với cuộc sống hàng ngày. Đây có phải là ý nghĩa của sự tinh tấn không?

RINPOCHE: Tinh tấn giống như ví dụ về công tắc điện mà tôi đã sử dụng trước đó. Nếu bạn không bật công tắc, đèn sẽ không bao giờ sáng. Khi nhận được hướng dẫn trực chỉ, người ta được dạy cách nhận ra tinh túy của tâm. Nếu không có điều đó, sẽ không có sự nhận ra tinh túy này là gì. Nó không tự xảy ra, giống như ánh sáng không bao giờ tự bật lên.

Chúng ta đã nghe nói rằng chúng ta không nên quên tinh túy tâm, rằng chúng ta không nên đánh mất tính tương tục của nó. Nhưng điều này không giống như việc liên tục nhìn, nhìn và nhìn lại, như thể liên tục nhấn công tắc để giữ cho đèn sáng.

Vào khoảnh khắc nhận biết có một khoảng kéo dài tự nhiên. Giống như khi bạn cầm lên một chiếc chuông Tây Tạng: bạn rung nó một lần, và âm thanh chỉ đơn giản là tiếp tục. Nó không kéo dài mãi mãi, nó sẽ tắt mất ở một thời điểm nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải ngồi và rung chuông liên tục—ding, ding, ding. Đó là cách nói tương tự cho việc ngồi đó và nghĩ rằng, “Tôi nên không bị phân tâm, tôi nên không bị xao lãng, tôi nên không bị xao lãng.” Làm như vậy chỉ tạo ra thêm nhiều tư tưởng hơn; nó hoàn toàn không cần thiết.

Vào khoảnh khắc nhận biết, bạn đã thấy nó rồi. Không phải là có thêm điều gì đó cần được nhận ra ngoài việc thấy được tinh túy tâm. Như tôi đã nói: khi bạn chỉ tay vào không gian, bạn chạm vào không gian ngay từ khoảnh khắc đầu tiên. Bạn không cần phải duỗi ngón tay của mình ra xa hơn để chạm vào không gian. Là những người sơ cơ, chúng ta quên mất tinh túy của tâm. Cách để nhớ lại là nhận ra rằng bạn đã quên, bằng cách nhận biết sự xao lãng. Sau đó, bạn có thể nhớ để không bị xao lãng. Thầy đã giải thích sự khác biệt giữa sự xao lãng và không xao lãng, đúng không? Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là nhận ra khi nào chúng ta bị xao lãng.

Khi nhận ra mình đã bị xao lãng, sẽ có một chút cảm giác của sự hối tiếc. Một thiền sinh tu theo loại thực hành này thực sự sẽ trải qua một số hối tiếc khi tinh túy tâm hoàn toàn mất đi; khi anh ta hoặc cô ta hoàn toàn không chú ý đến tính liên tục của sự nhận biết. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải nuôi dưỡng sự hối tiếc; chúng ta chỉ cần nhận ra cái gì cảm thấy tiếc nuối vì đã đánh mất đi sự nhận biết. Thành thật mà nói, trừ khi chúng ta nuôi dưỡng cảm giác của sự nhận biết khi bị xao lãng, nếu không thì sẽ chỉ có sự xao lãng, mà không còn gì khác nữa. Đây là cái mà chúng ta gọi là ‘sự khuếch tán đen của luân hồi’, nơi chỉ có sự vô minh, không bao giờ biết được tinh túy thực sự là gì. Đối với một người trong luân hồi, sự khuếch tán đen này là liên tục không ngừng nghỉ.

Bây giờ, điều thiết yếu là nhận ra tinh túy tâm và sau đó không làm bất cứ điều gì với nó. Không cần phải cố gắng để cải thiện tinh túy trống không đã được nhận biết. Bạn không cần phải điều chỉnh hay sửa chữa nó theo bất kỳ cách nào. Nó giống như một cái cây mọc trên một ngọn núi; không ai cần phải uốn nắn nó theo một cách đặc biệt nào đó, nó chỉ lớn lên. Hoặc là, sự tương tục của tinh túy tâm giống như dòng chảy đều đặn của một con sông. Sự tỉnh giác chỉ đơn giản là tự nó tiếp diễn, giống như nước chảy dọc theo lòng sông. Không ai cần phải kéo nước xuống dòng sông, không ai phải đẩy nó chảy; nó chỉ tiếp tục chảy bởi tự chính nó. Có một cụm từ luôn được lặp đi lặp lại trong tất cả các hướng dẫn về Đại Ấn (Mahamudra) và Đại Toàn Thiện (Dzogchen): "Đừng đánh mất sự tương tục!" Đó là cách bạn tu tập.

Cách để không đánh mất sự tương tục là, trong khoảnh khắc nhận biết, không cần làm bất cứ điều gì với nó. Nếu bạn cố gắng thay đổi hay cải thiện sự nhận biết, bạn sẽ mất nó hoàn toàn. Khi chỉ để nó ‘như vậy’ trong cái gọi là 'dòng chảy tự nhiên', nó vẫn luôn tương tục, nó không bị mất đi—giống như dòng chảy tự nhiên của một con sông. Khoảnh khắc chúng ta cố gắng làm gì đó với nó, nó sẽ ngay lập tức bị ngắt quãng. Khoảnh khắc chúng ta quên lãng, nó cũng bị mất. Vào thời điểm đó, chỉ đơn giản là vấn đề nhớ lại hoặc nhận ra rằng mình đã bị cuốn đi, và sau đó nhận biết tinh túy tâm một lần nữa.

Có nói rằng, “Tâm bình thường không tạo tác là con đường của các bậc chiến thắng.” Tạo tác có nghĩa là sửa chữa hoặc cải thiện, hy vọng hoặc sợ hãi, khẳng định hoặc phủ nhận, chấp nhận hay là bác bỏ. Không tham gia vào bất kỳ điều nào trong số đó chính là ý nghĩa của việc không tạo tác giả tạo.

Người ta có thể có ý tưởng sai lầm rằng sự trống không tự nhiên này là không hiệu quả hoặc không hữu dụng, rằng: “Có một sự trống không khác, sự trống không thực sự, điều mà bằng cách nào đó tôi phải khám phá ra.” Nếu bạn bắt đầu nuôi dưỡng ý tưởng này, điều đó thực sự khó khăn, bởi vì khi ấy, điều đó có nghĩa là phải có một tâm khác ngoài tâm mà bạn đã có. Bạn biết ý nghĩa của việc khỏa thân, không mặc quần áo, phải không? Vâng, nghĩ rằng, “Tôi cần đạt trạng thái của tánh giác, nó phải là thế này, phải là thế kia; đây là những gì tôi cần,” cũng giống như mặc càng ngày càng nhiều quần áo vào. Sự tỉnh giác trần trụi, giống như một thân thể trần truồng, không cố gắng cải thiện hay thay đổi, chấp nhận hay bác bỏ, khẳng định hoặc phủ nhận—không hy vọng hay sợ hãi. Chỉ bằng cách như vậy, sự tỉnh giác của bạn đã trần trụi rồi.

“Tâm bình thường không tạo tác là con đường của những bậc chiến thắng.” Điều này không có nghĩa là cái tâm hiện tại này nên bị vứt bỏ và một trạng thái mới nào đó sẽ xuất hiện hoặc được thực thể hóa, như thể bị một linh hồn khác chiếm hữu. Điều đó đơn giản là sẽ không xảy ra. Cái biết tự hiện hữu là điểm mấu chốt. Bạn có thể nhận ra mặt trời dựa trên ánh sáng của nó: bạn chỉ cần nhìn vào nơi từ đâu mà ánh sáng mặt trời đến. Tương tự như vậy, nếu bạn nhận biết bản tánh của người suy nghĩ, bạn sẽ nhận biết được tánh giác. Đó là lý do tại sao có nói rằng người ta nên nhìn, và nhận biết.

Bạn phải nhận biết bởi vì, như các mật điển nói, “Trí huệ vĩ đại ngự trong thân thể.” Một khi thân và tâm tách lìa vào lúc chết, trí huệ vĩ đại sẽ không còn ngự trong thân thể nữa. Ngay khi đó, trong thành phố của một thân huyễn ảo này, trong thành phố của năm uẩn này, có một thứ gì đó rất quý báu. Nó vẫn chưa bắt đầu quay cuồng loanh quanh trong trung ấm vì nó vẫn còn trong thân thể này, là thứ cột buộc nó lại theo một cách nào đó.

Điều này khá tuyệt diệu. Ở trong một thân vật lý giống như một con ngựa hoang bị buộc vào một cái cọc: nó có thể di chuyển xoay quanh theo vòng tròn, nhưng không bao giờ có thể chạy trốn ra xa. Khi tâm hỗn loạn này ở trong thân vật lý, nó không thể đột nhiên rời đi; vì vậy theo nghĩa này, thân vật lý rất hữu ích. Tuy nhiên, khi chúng ta chết, nó giống như dây cương của con ngựa đã bị đứt. Con ngựa sẽ chạy hoang qua các thung lũng và núi non, và chúng ta sẽ không thể dễ dàng bắt được nó.

Khi thân và tâm còn ở cùng nhau, chúng ta cần tu tập trong sự nhận biết tinh túy này. Hiện tại, khi chúng ta nhận biết tánh giác trong vài giây, điều đó không có nghĩa là chúng ta đã được giải thoát. Nhưng sau khi chết, khi thân và tâm tách biệt và chúng ta thoát khỏi thân, có nói rằng nhận biết và được giải thoát là đồng thời. Hành giả yogi thoát khỏi sự bao bọc của thân thể được cho là giống như khi một con chim kim sí điểu nở ra từ quả trứng. Nhưng một người không tu tập khi còn sống trong thân sẽ không thể nhận ra tánh giác khi thân và tâm tách biệt. Đối với một người không có kinh nghiệm của nhận biết, hoàn thiện sức mạnh và đạt được sự an trú ổn định thì chắc chắn không có sự giải thoát.

Nếu bạn đã tu tập đủ để đạt được sự nhận biết trọn vẹn về tánh giác và có một mức độ an trú ổn định nào đó—ví dụ, trong hai mươi hoặc ba mươi phút liên tục, bạn sẽ thành công trong trung ấm. Không có nghi ngờ gì về điều này, mặc dù bạn chưa đạt được sự giác ngộ toàn hảo khi đã hoàn toàn loại bỏ được ảo tưởng mê lầm trong suốt cả ngày lẫn đêm. Nếu không phải như vậy, trung ấm sẽ là một nơi kinh hoàng khủng khiếp. Bạn cảm thấy như mình đang bị rượt đuổi theo từ phía sau bởi bốn kẻ thù đáng sợ là tứ đại; trong khi trước mặt bạn là ba vực thẳm mênh mông của sự tham muốn, ác cảm và trì trệ. Tham muốn giống như rơi vào một đại dương bao la. Ác cảm giống như rơi xuống một vực sâu không đáy. Trì trệ giống như bị nhấn chìm trong bóng tối mênh mông. Tất cả những điều này chỉ cách bạn một bước về phía trước, trong khi ngay sau lưng bạn là bốn kẻ thù đáng sợ. Ở trong trung ấm không phải là một điều vui vẻ gì!

Khi chết, địa đại tan rã được kinh nghiệm như một trận lở đất đổ ập xuống bạn từ phía sau. Thủy đại được cảm nhận giống như một trận lũ của một đại dương lớn đang ập đến bạn. Hỏa đại thì giống như một ngọn núi rực lửa, trong khi phong đại lại giống như khi bạn thổi một cái ống thổi thẳng vào một con kiến, con kiến bất lực bị thổi bay. Hiện giờ, thân thể được tạo thành từ năm nguyên tố (ngũ đại), nhưng trong trung ấm, chúng xuất hiện như những kẻ thù. Hoặc ít nhất là có vẻ như vậy.

Nhưng nếu bạn có thể nhận ra tinh túy tâm, năm uẩn tự nhiên được thấy như năm trí huệ, trong khi năm nguyên tố xuất hiện như năm vị Phật mẫu. Đây là lý do tại sao thân thể được gọi là mạn đà la của các bậc chiến thắng. Nếu bạn không nhận ra, chúng có vẻ là những kẻ thù; nhưng nếu bạn nhận ra, chúng lại là những người trợ giúp.

Chúng ta chỉ phải biết một điều duy nhất. Người ta thường nói, "Nếu tánh Không mà tốt, mọi thứ đều ổn thỏa. Nếu tánh Không mà không tốt, thì không có gì ổn cả." Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta nhận ra trạng thái của tánh Không, mọi thứ đều ổn.

Tất cả các bạn, hãy tu tập để nhận ra bản tánh trống không này của tâm mình. Các bạn không cần phải hy vọng trở thành một học giả vĩ đại hay một đại thành tựu giả. Thông qua sự tu tập này, trí huệ hai phần là vô phân biệt trí và sai biệt trí sẽ tự nhiên khai mở từ bên trong. Bạn không thể tránh khỏi việc được giác ngộ; bạn không thể không làm lợi lạc cho chúng sinh. Nếu bạn nhận ra điều này một cách trọn vẹn, không ai có thể ngăn cản bạn trở nên giác ngộ, và không ai có thể gây trở ngại bạn làm lợi ích cho chúng sinh. Trí huệ hai phần sẽ tràn ngập từ bên trong. “Tràn ngập từ bên trong” có nghĩa là hiện diện tự nhiên, hoàn toàn giác ngộ. Nếu một người tu tập theo cách này, ngay cả một người chăn bò cũng sẽ được giải thoát, và tất cả chúng ta sẽ phải tỏ lòng tôn trọng và cúi đầu trước người đó. Nếu anh ấy trở thành một thành tựu giả, tất cả chúng ta sẽ tranh nhau để giành được đặc quyền uống nước tiểu của anh ấy!

 

 

HỌC VIÊN: Làm sao chúng ta nhận ra được tinh túy tâm trong trạng thái mơ? Điều đó là rất khó đối với con.

 

RINPOCHE: Nó khó bởi vì bạn chưa tu tập đủ để trở nên quen thuộc với nó. Một người mới bắt đầu không kinh nghiệm được rõ ràng khoảng thời gian tồn tại của việc nhận ra tinh túy tâm, và do đó, việc nhận biết trong khi đang rơi vào giấc ngủ hoặc trong trạng thái của giấc ngủ sâu dường như là không thể. Khả năng này chỉ đến sau khi đạt được một mức độ an trú ổn định nào đó trong việc nhận ra tinh túy tâm. Do tập khí thói quen mạnh mẽ của nhiều kiếp sống, chúng ta luôn bị cuốn vào những tư tưởng và suy nghĩ, bất kể là ngày hay đêm, dù chúng ta đang thức hay đang ngủ. Không dễ để thoát khỏi thói quen đó.

 

Chỉ khi chúng ta thực sự quen thuộc với sự nhận biết trong trạng thái thức thì mới có khả năng để nhận biết trong khi ngủ. Chúng ta đã bị cuốn vào vòng quay của mười hai mắt xích nhân duyên, gốc rễ của điều đó là sự vô minh, sự không biết căn bản.

Giai đoạn ngủ sâu chỉ là một phương diện thứ yếu của sự vô minh; sự vô minh thực sự là không biết về bản tánh nền tảng của chúng ta. Chừng nào sự vô minh này còn tồn tại, mười hai nhân duyên vẫn còn tiếp tục. Đó là lý do tại sao không dễ để nhận biết trong giấc ngủ sâu; chúng ta phải làm việc với trạng thái thức vào ban ngày trước.

Nếu bạn có thể nhận ra tinh túy tâm trong trạng thái ngủ, bạn chắc chắn sẽ có thể vượt qua trung ấm. Điều này không đòi hỏi một sự nhận biết liên tục của tánh giác trong trạng thái ngủ. Một cuốn kinh nói rằng, "Nếu bạn nhận ra trạng thái của tánh giác bất nhị bảy lần trong khi ngủ, không còn nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ được giải thoát trong trung ấm."

 

Trạng thái bình thường mà trong đó chúng ta chưa nhận ra trạng thái của tánh giác được gọi là ảo tưởng mê lầm. Trạng thái mơ được gọi là ảo tưởng kép. Giấc ngủ dài của sự vô minh đã tiếp diễn từ vô thủy kiếp sống cho đến bây giờ. Thời gian ban đêm là ảo tưởng kép, một ảo tưởng mê lầm chồng lên một ảo tưởng mê lầm khác.

Có phải sự thật là khoảng thời gian của tánh giác bất nhị trong thực tế là rất ngắn và trôi qua gần như ngay lập tức không? Trong suốt thời gian còn lại, là phần lớn khoảng thời gian trong trạng thái thức của chúng ta, chúng ta bị cuốn vào hết tư tưởng mê lầm này tới ý nghĩ mê lầm khác, tất cả chúng đều không nhận biết được bản tánh của chính chúng.

Đây là sự khuếch tán đen của tâm mê lầm, diễn ra suốt ngày đêm. Sau khi bạn tu tập siêng năng trong suốt thời gian ban ngày để nhận ra trạng thái của tánh giác bất nhị nhiều lần, bạn có khả năng nhận ra nó vào thời gian ban đêm. Thước đo của sự thành công được đảm bảo trong trung ấm là nhận ra nó bảy lần trong trạng thái mơ.

 

Đây là một phương pháp để bắt đầu. Hãy quán tưởng một bông hoa sen màu đỏ, có bốn cánh ở trung tâm trái tim bạn. Hãy tưởng tượng rằng tâm của bạn ở trong hình dạng của chủng tự Ah ở giữa bông hoa sen này. Chủng tự Ah sáng chói và chiếu tỏa ra ánh sáng. Trong khi quán tưởng điều này, đồng thời cũng nhận ra cái gì đang quán tưởng. Nhận ra điều mà vị đạo sư của bạn đã chỉ ra như là trạng thái của tánh giác, và chỉ cần để thả nó ‘như thế’ một cách tự nhiên, trong khi để cho sự quán tưởng tiếp tục. Trong trạng thái đó, hãy nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Đây không phải là điều gì đó xảy ra trong một đêm; chúng ta cần phải tu tập điều này mỗi tối khi chìm vào giấc ngủ. Duy trì sự quán tưởng trong khi chìm vào giấc ngủ, cũng như trong khi ở trong trạng thái tự nhiên của tánh giác.

 

Trong bối cảnh này, ánh sáng của chữ Ah được gọi là quang minh biểu hiện, và tánh giác được nhận biết được gọi là quang minh trống không. Theo cách này, sự xuất hiện và tánh Không là nhất thể, bất khả phân. Đó chính là quang minh của tánh giác.

Ánh sáng rực rỡ, trắng sáng, giống như khi bạn bật đèn điện. Hình ảnh truyền thống cho điều này là một ngọn đèn bơ bên trong một chiếc bình, vì không có điện ở Tây Tạng. Đó là hình ảnh cho quang minh biểu hiện. Ánh sáng trắng là quang minh biểu hiện, trong khi quang minh trống không là sự thanh tịnh nguyên thủy của tinh túy tâm trống không. Nhận ra điều đó. Đối tượng được giữ trong tâm ở một mức độ nhất định nào đó là chủng tự Ah màu trắng rạng rỡ, trong khi sự tỉnh giác về phần còn lại vẫn không có bất kỳ sự cố định hay quy chiếu nào. Chỉ cần chìm vào giấc ngủ trong trạng thái đó.

 

Tư thế nằm ngủ được gọi là 'tư thế của sư tử ngủ'. Nằm nghiêng về bên phải rất quan trọng, vì các kinh mạch mà các cảm xúc phiền não di chuyển chủ yếu nằm ở bên phải.

Để triệt tiêu dòng cảm xúc phiền não đó, bạn nằm nghiêng bên phải. Khi nén ép vào hệ thống kinh mạch mà dòng cảm xúc phiền não chảy qua, sẽ có ít suy nghĩ khái niệm hơn. Giống như khi bạn thở ra hơi thở cũ: bạn chẳng bắt đầu bằng cách thở ra qua lỗ mũi phải sao?

 

Người ta nói rằng thân thể vật lý là một thành phố, thành phố của thân huyễn ảo. Thân này là một thành phố lớn. Có rất nhiều kinh mạch, rất nhiều dòng khí di chuyển qua chúng—hàng nghìn và hàng nghìn kinh mạch, và hai mươi mốt nghìn sáu trăm chuyển động của ‘prana’ hoặc khí trong một ngày và một đêm. Có tám mươi bốn nghìn loại trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc phiền não khác nhau. Quy mô khổng lồ của sự chuyển động này giống như một thành phố lớn, phải không? Có bao nhiêu vi khuẩn trong một thân thể này? Không thể đếm được. Mỗi loại trong chúng đều có tri giác, vì vậy nó thực sự giống như một thành phố lớn. Thành phố ảo huyễn của thân xác vật lý giống như Kathmandu vậy!

Khi thực hành chính yếu là nhận biết tinh túy của tâm, các dòng khí được gọi là khí nghiệp, có nghĩa là tư duy khái niệm, tự nhiên được chuyển hóa thành khí trí huệ. Các kinh mạch bất tịnh tự nhiên được chuyển hóa thành kinh mạch trí huệ, và tâm nhị nguyên tự nhiên được chuyển hóa thành sự tỉnh biết nguyên thủy.

Thông thường điều này được mô tả như là các luồng khí hòa tan vào kinh mạch trung tâm. Lưu lượng khổng lồ của khí đi qua các kinh mạch khác nhau đều hòa tan vào kinh mạch trung tâm.

 

Bài viết liên quan