SỰ CHẤP NHẬN: NƠI DUY NHẤT KHƠI NGUỒN CHO SỰ THAY ĐỔI - DESMOND TUTU – DOUGLAS ABRAMS – TENZIN GYATSO - HỶ LẠC TỪ TÂM

SỰ CHẤP NHẬN: NƠI DUY NHẤT KHƠI NGUỒN CHO SỰ THAY ĐỔI

DESMOND TUTU – DOUGLAS ABRAMS – TENZIN GYATSO

HỶ LẠC TỪ TÂM

–––––o0o–––––

Khi đến thăm Làng Trẻ em Tây Tạng vào tháng Giêng, chúng tôi nhìn thấy một bức tường có treo câu trích dẫn mà Đức Đạt Lai Lạt Ma hay nhắc đến trong các cuộc đối thoại.
SỰ CHẤP NHẬN: NƠI DUY NHẤT KHƠI NGUỒN CHO SỰ THAY ĐỔI - DESMOND TUTU – DOUGLAS ABRAMS – TENZIN GYATSO - HỶ LẠC TỪ TÂM

Khi đến thăm Làng Trẻ em Tây Tạng vào tháng Giêng, chúng tôi nhìn thấy một bức tường có treo câu trích dẫn mà Đức Đạt Lai Lạt Ma hay nhắc đến trong các cuộc đối thoại. Đó là bản dịch những câu hỏi nổi tiếng của Ngài Shantideva mà Đức Pháp Vương đã kể. Bản dịch này chỉ hơi khác một chút: “Tại sao phải đau buồn về điều gì đó nếu nó còn có thể khắc phục được? Và việc đau buồn cũng có ích gì nếu điều đó không thể khắc phục được nữa?”. Hàm chứa trong lời huấn thị ngắn gọn này là bản chất sâu sắc của phương pháp tiếp cận với cuộc sống của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đó là nguồn gốc của khả năng tuyệt vời đã giúp Ngài chấp nhận thực tế về việc lưu đày mà không hề rầu rĩ - như cách mà Ngài Tổng Giám Mục đã diễn đạt.

Một khi chúng ta có thể nhìn cuộc sống dưới góc nhìn rộng hơn, một khi chúng ta có thể thấy vai diễn của mình trong bộ phim cuộc đời với một mức độ khiêm nhường nào đó, và một khi chúng ta có thể cười nhạo chính mình, chúng ta sẽ đến với phẩm chất thứ tư – đó là khả năng chấp nhận cuộc sống của chúng ta trong tất cả vẻ đẹp cũng như nỗi đau và sự không hoàn hảo của nó.

Cần phải chỉ ra rằng chấp nhận là trái ngược với sự cam chịu và thất bại. Đức Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma là hai trong số những nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người trên hành tinh này, nhưng hoạt động của các Ngài đều xuất phát từ sự chấp nhận sâu sắc về những gì đang xảy ra. Ngài Tổng Giám Mục không chấp nhận nạn phân biệt chủng tộc vốn đang tồn tại, Ngài muốn thay đổi nó nhưng Ngài đã chấp nhận thực tế về nó.

“Chúng ta muốn sống được trong niềm an vui” – Đức Tổng Giám Mục giải thích. - “Điều này không có nghĩa là cuộc sống sẽ dễ dàng hoặc không xảy ra đau đớn. Mà nó có nghĩa là chúng ta có thể quay mặt về phía gió và chấp nhận rằng đây là cơn bão mà chúng ta phải đi qua. Chúng ta không thể thành công bằng cách phủ nhận những gì đang tồn tại. Sự chấp nhận thực tế là nơi duy nhất mà sự thay đổi có thể bắt đầu”.

Đức Tổng Giám Mục đã từng nói rằng khi một người đã phát triển trong đời sống tâm linh, thì “Bạn có thể chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra với bạn”. Bạn chấp nhận được những sự thất vọng và khó khăn không thể tránh khỏi như một phần của cấu trúc nền tảng trong cuộc đời. Câu hỏi mà Ngài đã đưa ra không phải là: Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi nó? Mà là: Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng nó như một điều tích cực?

Thời khóa thực hành cầu nguyện của Đức Tổng Giám Mục bao gồm đọc những lời trích dẫn từ Kinh Thánh cũng như lời dạy từ các vị thánh nhân và các bậc thầy tâm linh xuyên suốt trong lịch sử.

Sự chấp nhận – bất luận rằng chúng ta có tin vào Chúa hay không - sẽ cho phép chúng ta bước vào niềm vui trọn vẹn. Nó cho phép chúng ta tham gia vào cuộc đời theo cách riêng của nó chứ không phải là chống lại thực tế rằng cuộc sống đang không như chúng ta mong muốn. Nó cho phép chúng ta không chống lại hiện tại mỗi ngày. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rằng căng thẳng và lo lắng đến từ những kỳ vọng của chúng ta về việc cuộc sống của mình nên như thế nào. Khi chúng ta có thể chấp nhận cuộc sống như cách mà nó đang là, chứ không phải như cách chúng ta nghĩ nó cần phải ra sao, thì chúng ta có thể thảnh thơi trên cuộc hành trình, để bỏ đi cái trục gập ghềnh đó (dukkha), với tất cả sự đau khổ, căng thẳng, lo lắng và bất mãn của nó, rồi thay bằng cái trục trơn tru (sukha), với sự dễ dàng, thoải mái và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Vì vậy, nhiều nguyên nhân của khổ đau là đến từ việc chúng ta phản ứng với con người, vị trí, sự vật và hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta, thay vì chấp nhận chúng. Khi chúng ta phản ứng, chúng ta bị kẹt cứng trong sự phán xét và chỉ trích, lo lắng và tuyệt vọng, thậm chí là chối bỏ hoặc quá đam mê. Sẽ không thể nào trải nghiệm được chút an vui nào khi mà chúng ta bị mắc kẹt theo cách đó. Sự chấp nhận là thanh kiếm cắt xuyên qua tất cả sự chống đối này, cho phép chúng ta thư giãn, nhìn thấu và phản ứng một cách thích hợp hơn.

Phần lớn các thực hành truyền thống của Phật giáo đều hướng đến khả năng nhìn nhận cuộc sống một cách chính xác, vượt ra ngoài mọi sự kỳ vọng, dự đoán và méo mó mà chúng ta thường mang đến cho nó. Thực hành thiền định cho phép chúng ta làm an dịu những suy nghĩ và cảm xúc xao lãng và sai lạc, để chúng ta có thể nhận thức được đúng thực tế, và phản ứng với nó một cách khéo léo hơn. Khả năng hiện diện trong từng khoảnh khắc không gì khác hơn là khả năng chấp nhận được sự tổn thương, khó chịu và lo lắng của cuộc sống mỗi ngày.

“Với sự hiểu biết sâu sắc hơn về thực tế – Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục giảng giải - “bạn có thể vượt ra khỏi vẻ bề ngoài và liên kết với thế giới theo một cách hiệu quả, phù hợp và thực tế hơn nhiều. Tôi thường đưa ra ví dụ về cách chúng ta nên kết nối với hàng xóm của mình. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang sống bên cạnh một người hàng xóm khó tính. Bạn có thể phán xét và chỉ trích họ. Bạn có thể sống trong lo lắng và hết hy vọng, nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ Có mối quan hệ tốt với họ. Hoặc bạn có thể phủ nhận vấn đề và giả vờ rằng bạn không có mối quan hệ khó khăn nào với hàng xóm cả. Nhưng trong số này không có phương án nào là hữu ích hết.

Thay vào đó, bạn có thể chấp nhận rằng mối quan hệ của bạn với hàng xóm là rất khó khăn và bạn muốn cải thiện nó. Bạn có thể sẽ thành công hoặc không, nhưng tất cả những gì bạn có thể làm là cố gắng. Bạn không thể kiểm soát ông hàng xóm nhà mình, nhưng bạn có một số quyền kiểm soát đối với suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Thay vì giận dữ, thay vì hận thù, thay vì sợ hãi, bạn có thể nuôi dưỡng tâm bi mẫn đối với họ, bạn có thể nuôi dưỡng lòng tốt đối với họ, bạn có thể nuôi dưỡng lòng từ ái đối với họ. Đây là cơ hội duy nhất để cải thiện mối quan hệ. Theo thời gian, có thể họ sẽ trở nên bớt khó tính hơn. Mà cũng có thể là không. Điều này bạn không kiểm soát được, nhưng bạn sẽ có được sự bình an ở trong lòng. Bạn sẽ có thể vui tươi và hạnh phúc dù người hàng xóm của bạn có trở nên bớt khó tính hơn hay không”.

Chúng tôi quay trở lại phần mở đầu của cuộc thảo luận với những câu hỏi của Ngài Shantideva. Cách chấp nhận mà Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Tổng Giám Mục đang đồng tình đó không phải là một trạng thái thụ động. Mà ngược lại, nó tràn đầy sức mạnh. Nó không phủ nhận tầm quan trọng của việc coi trọng cuộc sống và hành động tích cực để thay đổi những gì cần phải thay đổi, để chuộc lại những gì cần sự cứu chuộc. “Bạn không được oán hận những người đã làm những việc gây tổn hại” – Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích – “Hành động từ bi là hãy làm những gì bạn có thể để ngăn chặn họ – vì họ đang làm hại chính họ cũng như những người phải chịu đựng những hành động của họ gây ra”.

Một trong những nghịch lý chủ chốt trong Phật giáo là chúng ta cần có mục tiêu để được truyền cảm hứng, để phát triển và trưởng thành, thậm chí là trở nên giác ngộ. Nhưng đồng thời, chúng ta lại không được quá bám chấp hoặc dính mắc với những khát vọng này. Nếu mục tiêu của bạn cao cả, thì cam kết của bạn với mục tiêu không nên phụ thuộc vào khả năng của bạn để đạt được nó. Và trong việc theo đuổi mục tiêu, chúng ta phải thoát khỏi các giả định cứng nhắc về cách chúng ta phải đạt được điều đó như thế nào. Bình an và thanh thản đến từ việc buông bỏ sự bám chấp của chúng ta vào mục tiêu và phương pháp. Đó là bản chất của sự chấp nhận.

Suy nghĩ theo cách dường như nghịch lý này, về việc theo đuổi một mục tiêu mà không bám chấp vào kết quả của nó, Jinpa giải thích với tôi rằng có một sự thấu hiểu quan trọng. Đây là một sự thừa nhận sâu sắc rằng trong khi mỗi chúng ta nên làm mọi thứ có thể để nhận ra mục tiêu mà chúng ta tìm kiếm, nhưng việc chúng ta có thể thành công hay không lại thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là theo đuổi mục tiêu với tất cả sự cống hiến mà chúng ta có thể tập hợp được, làm tốt nhất có thể nhưng không cố chấp vào một quan niệm định sẵn về kết quả. Đôi khi, mà sự thực là khá thường xuyên, những nỗ lực của chúng ta sẽ dẫn đến một kết quả không mong đợi – thậm chí có thể tốt hơn nhiều những gì mà chúng ta nghĩ lúc đầu.

Tôi nghĩ về lời nhận xét của Ngài Tổng Giám Mục rằng cần có thời gian để xây đắp cho năng lực tâm linh của chúng ta: “Nó giống như cơ bắp phải được luyện tập để chúng được khỏe mạnh. Đôi khi chúng ta quá bực bội với chính mình, cho rằng chúng ta nên hoàn hảo ngay từ đầu. Nhưng sự tồn tại trên Trái đất này chính là khoảng thời gian để chúng ta học cách trở nên tốt hơn, học cách yêu thương nhiều hơn, học cách từ bi hơn. Và bạn thật sự được học chứ không phải trên lý thuyết. Bạn được học khi có điều gì đó xảy ra để thử thách bạn”.

Cuộc sống luôn luôn không thể đoán trước, không kiểm soát được và thường khá nhiều thử thách khó khăn. Edith Eva Eger giải thích rằng cuộc sống trong trại tập trung là một thử thách chọn lọc không ngừng, nơi người ta không lúc nào biết mình sẽ sống hay chết. Điều duy nhất khiến một người có thể sống sót là chấp nhận thực tế về sự tồn tại của họ và nỗ lực đáp ứng nó theo cách tốt nhất mà họ có thể. Mong muốn được biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo – ngay cả khi bà bị bỏ mặc cho đến chết giữa một rừng xác người xung quanh, thường là tất cả lý do khiến bà gượng kéo mình về phía hơi thở tiếp theo. Khi chúng ta chấp nhận những gì đang xảy ra trong hiện tại, chúng ta có thể hiếu kỳ về những việc có thể xảy ra ở tương lai.

Chấp nhận là trụ cột cuối cùng của tâm thức, và nó dẫn Chúng ta đến trụ cột đầu tiên của trái tim: sự tha thứ. Khi chúng và biết chấp nhận hiện tại, chúng ta có thể tha thứ và giải phóng nỗi trăn trở vì ước mong mình đã có một quá khứ khác đi.

–––––o0o–––––

Trích: “Hỷ Lạc Từ Tâm”.

Tác giả: Desmond Tutu – Douglas Abrams – Tenzin Gyatso.

Dịch giả: Thảo Yukimoon.

NXB Đà Nẵng.

Ảnh nguồn Internet.

 

Bài viết liên quan