SỰ HỢP NHẤT CỦA GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ THÀNH TỰU - TULKU URGYEN RINPOCHE - As It Is

SỰ HỢP NHẤT CỦA GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ THÀNH TỰU

 

Tác giả: TULKU URGYEN RINPOCHE

Trích từ nguyên tác AS IT IS (những bài pháp trong 2 năm cuối cùng 1994, 1995)

Việt dịch: Nguyên Chân Lê Việt Dũng.

Không có cách nào để thực hành giai đoạn phát triển tách biệt khỏi giai đoạn thành tựu. Trên thực tế, để tu tập thật sự và đích thực trong giai đoạn phát triển, theo các tantra nội, ta cần phải được thọ nhận hướng dẫn trực chỉ. Thiếu điều này, người ta không xác định được chính xác samadhi chân như là gì, đó là bản tánh nền tảng của tâm.
SỰ HỢP NHẤT CỦA GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ THÀNH TỰU - TULKU URGYEN RINPOCHE - As It Is

Theo các tantra nội, tất cả các thực hành giai đoạn phát triển đều bắt đầu bằng samadhi (định) chân như. Chân như có nghĩa là cái thật, là cái chân thực. Cái gì là thật? Đó là trạng thái thanh tịnh bản nguyên, còn được gọi là Trekchö. Điểm cuối cùng của giai đoạn thành tựu là trạng thái thanh tịnh bản nguyên của Trekchö, đó là pháp thân, ở đây được gọi là samadhi chân như. Nói cách khác, bạn bắt đầu bằng pháp thân. Phẩm tính tự nhiên của trạng thái pháp thân đó được gọi là báo thân. Hay nói cách khác: tinh túy là pháp thân; bản tánh là báo thân.

Trạng thái vĩ đại của pháp thân là tánh Không như không gian. Sự biểu hiện khởi sinh từ trạng thái thanh tịnh bản nguyên là sự hiện diện tự phát bao gồm hai dạng thân—báo thân và hóa thân. Có một câu nói thơ ca:

 

Trong không gian bao trùm tất cả của pháp thân

Báo thân biểu lộ rõ ràng, giống như ánh sáng của mặt trời

Trong khi hóa thân, giống như một cầu vồng, hoạt động vì lợi lạc của chúng sinh.

 

Điều đó có nghĩa là tinh túy của chúng ta, vốn là tánh Không thanh tịnh bản nguyên, là pháp thân. Không thể tách rời khỏi tánh Không là sự rõ biết tự nhiên - nền tảng hiện diện tự phát cho kinh nghiệm - là phương diện báo thân. Không tách lìa khỏi pháp thân, phương diện báo thân khai mở ra. Nó giống như sự chiếu sáng của mặt trời và mặt trăng. Chúng không đến từ nơi nào đó hoặc đi đến những nơi khác để chiếu sáng; chúng làm như vậy từ trong không gian. Khi những nhân duyên phù hợp, khi có độ ẩm trong không khí và ánh sáng mặt trời gặp bóng râm do những đám mây tạo ra, một cầu vồng tự động xuất hiện. Tương tự như vậy, hóa thân biểu lộ vì lợi ích của chúng sinh từ sự hợp nhất của tánh Không và sự rõ biết.

 

Sự tu tập trong giai đoạn phát triển tuân theo nguyên lý chính xác này. Không gian là sự thanh tịnh bản nguyên, samadhi chân như, pháp thân. Từ không gian bao la này khởi sinh kinh nghiệm, báo thân, giống như mặt trời chiếu sáng. Khi hai điều này hội tụ, một cầu vồng sẽ xuất hiện, đó là hóa thân. Theo cách này, ba thân giống như một sự tiến triển tự nhiên.

Không có cách nào để thực hành giai đoạn phát triển tách biệt khỏi giai đoạn thành tựu. Trên thực tế, để tu tập thật sự và đích thực trong giai đoạn phát triển, theo các tantra nội, ta cần phải được thọ nhận hướng dẫn trực chỉ. Thiếu điều này, người ta không xác định được chính xác samadhi chân như là gì, đó là bản tánh nền tảng của tâm. Nếu không có sự nhận biết đó, samadhi thứ hai của sự sáng tỏ sẽ không có mặt vì không có sự nhận biết phẩm tính rõ biết. Khi đó, sự hợp nhất của hai điều - samadhi thứ ba, cái tự nhiên mang dạng thức của chủng tử tự và do đó được gọi là samadhi chủng tử tự - sẽ không tự nhiên xảy ra.

 

Nếu không nhận biết samadhi chân như, của tinh túy tâm, thì mỗi bước trong ba bước—samadhi chân như, sự sáng tỏ và chủng tử tự—đều trở thành một sự tạo tác của tâm. Thiền định trở thành một nỗ lực mô phỏng và bắt chước ba samadhi, sử dụng một câu thần chú để hòa tan mọi thứ vào tánh Không, trong khi sự quán tưởng được dựng lên như một sự tạo tác của tâm. Đây không phải là thực tại của ba samadhi.

 

Samadhi chân như, nguyên lý pháp thân, là tánh Không vĩ đại, và nó là bất khả phân với sự rõ biết tự nhiên của bạn, và nó không thể tách lìa khỏi phẩm tính của kinh nghiệm. Sự rõ biết này có thể so sánh với ánh sáng hoặc sự chiếu sáng, và do đó nó được gọi là samadhi của sự sáng tỏ. Tuy nhiên, nó diễn ra mà không lìa khỏi samadhi chân như, không hề để lại samadhi chân như phía sau. Xin hãy hiểu rằng hai điều này là không thể tách lìa. Sự bất khả phân của tánh Không và sự rõ biết này, thường được gọi là quang minh, là những gì biểu lộ một cách tự nhiên thành chủng tử tự. Nói cách khác, hãy để cho sự bất khả phân này mang dạng thức của một chủng tử tự, giống như mặt trời hay mặt trăng mọc trên bầu trời. Đó là samadhi thứ ba, samadhi của chủng tử tự.

Samadhi thứ ba được gọi là ‘hạt giống’ vì nó là nguồn gốc, hạt giống, mà từ đó những cõi Phật, cung điện và chư bổn tôn đều được khai triển. Bằng cách để cho chủng tử tự này ở giữa bầu trời phát ra E YAM RAM LAM BAM, từng âm tiết một, mỗi âm tiết biến hóa thành các mandala (đàn tràng) của không gian, nước, lửa, đất và gió, và cuối cùng là núi Tu Di. Trên đỉnh Núi Tu Di xuất hiện cung điện cõi trời, v.v. Đây chính là trình tự.

 

Nói cách khác, bạn tiến hành giai đoạn phát triển trong cấu trúc của ba samadhi. Đừng bao giờ quán tưởng bổn tôn đang ở trong phòng riêng của bạn, trong ngôi nhà nhỏ của bạn, trong đất nước của bạn, hoặc thậm chí trong khái niệm của bạn về thế giới này. Ngay cả điều này vẫn còn quá hạn hẹp, bởi vì trong thực tế không chỉ có thế giới này. Trong vũ trụ học Phật giáo, một hệ thống thế giới được tính từ địa ngục kim cương lên đến Đỉnh cao của Sự hiện hữu, cõi trời cao nhất. Ở giữa có Núi Tu Di, bốn châu lục, tám tiểu châu lục, v.v. Tất cả những thứ này tạo nên một hệ thống thế giới, trong khi một ngàn thế giới như này được gọi là hệ thống thế giới bậc nhất. Nếu bạn lấy mỗi một ngàn như một đơn vị duy nhất và nhân nó lên một ngàn lần, thì đó được gọi là hệ thống thế giới bậc hai. Lại nhân những thứ này một ngàn lần nữa, thì nó trở thành một tỷ, và đó là phạm vi ảnh hưởng của một vị Phật hóa thân tối thượng. Tầm với tâm linh của ngài là như vậy, một tỷ vị Phật đồng thời xuất hiện ở tất cả các thế giới này cùng một lúc. Vì vậy, không cần phải thu hẹp phạm vi xuống chỉ còn trong phòng hay trong nhà của ta trong thực hành giai đoạn phát triển.

 

Nền tảng mà sự phát triển của một vị bổn tôn diễn ra là sự thanh tịnh bản nguyên. Từ đó mở ra phương diện của sự biểu lộ, sự hiện diện tự sinh khởi. Sự hiện diện tự sinh khởi này đôi khi được gọi là lòng từ bi kỳ diệu, vì sự rõ biết sáng tỏ là đồng nhất với lòng từ bi. Không có một vị Phật nào mà lại thiếu lòng từ bi.

Tinh túy là sự thanh tịnh bản nguyên vượt khỏi các cấu trúc tinh thần, trong khi bản tánh là một lòng từ bi hiện diện tự phát. Sự bất khả phân của hai điều này, tánh Không và kinh nghiệm, là samadhi hạt giống chủng tử tự. Một lần nữa, điều đầu tiên, tinh túy tánh Không, là samadhi chân như, pháp thân. Điều thứ hai, bản tánh, sự rõ biết, là samadhi của sự sáng tỏ. Điều thứ ba, sự bất khả phân của tánh Không và sự rõ biết, lòng từ bi, hóa thân, là chủng tử tự mà từ đó cung điện cõi trời và vị bổn tôn khởi sinh.

 

Tôi đang cố gắng cho bạn một gợi ý về cách mà ba thân thực sự là. Pháp thân thì giống như không gian. Bạn không thể nói rằng có bất kỳ giới hạn nào trong không gian theo bất kỳ hướng nào. Dù bạn đi xa đến đâu, bạn cũng không bao giờ đạt đến điểm mà không gian dừng lại và đó là điểm tận cùng của không gian. Không gian là vô hạn theo mọi hướng. Pháp thân cũng vậy. Pháp thân là tràn ngập khắp nơi và hoàn toàn vô biên, vượt qua mọi giới hạn. Pháp thân của tất cả chư Phật cũng vậy. Không có pháp thân riêng lẻ cho mỗi vị Phật, cũng như không có không gian riêng lẻ cho mỗi quốc gia. Bạn không thể nói rằng có nhiều hơn một không gian, phải không? Nó tràn ngập khắp và hoàn toàn rộng mở. Cũng giống như cấp độ pháp thân của tất cả chư Phật. Đó là khối cầu pháp thân mà trong đó báo thân biểu lộ. Không có thế giới nào ở bất kỳ nơi đâu trong vũ trụ có dạng thức vượt ngoài ba thân - điều đó đơn giản là không thể. Ba thân là chiều kích nền tảng mà trong đó tất cả các thế giới trần tục biểu lộ và biến mất.

 

Nền tảng này cũng được gọi là pháp tánh. Từ đó, báo thân xuất hiện. Báo thân vĩ đại hơn được mô tả như là Năm Đại Dương Vô Biên Của Chư Phật. Ở giữa là Đại Dương Vô Biên Phật Vairochana (Đại Nhật Như Lai). Phía đông là Đại Dương Vô Biên Phật Akshobhya (Bất Động Như Lai). Phía tây là Đại Dương Vô Biên Phật Amitabha (Vô Lượng Quang Như Lai). Phía nam là Đại Dương Vô Biên Phật Ratnasambhava (Bảo Sinh Như Lai), và phía bắc là Đại Dương Vô Biên Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu Như Lai).

Kích thước của chư Phật báo thân vĩ đại hơn này được mô tả như sau. Đức Phật Vairochana cầm trong tay, với dáng điệu bình thản, một chiếc bát khất thực bằng đá lưu ly nguyên chất. Bên trong bát có một đại dương bao la. Bên trong đó, một cây sen mọc lên và nở ra hai mươi lăm bông sen nở rộ. Bông thứ mười ba trong số này nở ở ngang tim của ngài, trong khi bông thứ hai mươi lăm nở ở ngang trán của ngài.

 

Bản thân chúng ta, thế giới của chúng ta, đang ở đâu đó trong bông sen thứ mười ba ở ngang trung tâm trái tim. Hoa sen này có hàng ngàn cánh hoa và hàng trăm ngàn bao phấn nhỏ. Trong mỗi hạt nguyên tử trong mỗi bao phấn này là một tỷ vũ trụ, mỗi nhóm hiện hữu là phạm vi của một vị Phật hóa thân tối cao.

Theo hệ thống Phật giáo Đại thừa nói chung, đây là phạm vi ảnh hưởng của mỗi một trong một ngàn vị Phật của hiện kiếp này. Ảnh hưởng của chư vị chỉ giống như duy nhất một trong số những hạt nguyên tử trong mỗi bao phấn, trong những bông sen này. Ngoài ra, trong mỗi lỗ chân lông trên cơ thể của Đức Phật Vairochana, có một tỷ hệ thống thế giới. Và ngài chỉ là một trong năm vị Phật báo thân vĩ đại: ở bốn hướng khác là Ratnasambhava, Akshobhya, Amitabha và Amoghasiddhi. Bây giờ bạn có thể thấy những chiều kích không gian bao la liên quan, cũng như sự khác biệt giữa phạm vi của một vị Phật hóa thân và một vị Phật báo thân.

 

Padmasambhava (Đức Liên Hoa Sanh) đã từng giải thích điều này với Yeshe Tsogyal, người đã cầu xin ngài, "Xin hãy cho con thấy thực tại nó thật sự trông như thế nào." Ngài nói “Được rồi, ta sẽ không cho con xem toàn bộ, nhưng ta sẽ cho con xem một phần nhỏ.” Và Ngài cho bà xem một tỷ hệ thống thế giới nằm dưới sự ảnh hưởng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Yeshe Tsogyal ngất xỉu vì thị kiến này—quá sức chịu đựng.

Guru Rinpoche đã tạt nước vào bà và làm bà tỉnh lại. Sau đó, ngài nói “Nếu con thậm chí không thể nắm bắt được phạm vi của một tỷ vũ trụ của một vị Phật hóa thân, thì không có cách nào con có thể kinh nghiệm được phạm vi của cõi báo thân vĩ đại hơn.”

 

Trong Đại Dương Vô Biên chư Phật này là vô số, vô số tỷ vũ trụ của các vị Phật hóa thân. Trong mỗi vũ trụ này, vô số tỷ vị hóa thân xuất hiện.

Bất cứ khi nào có cơ hội để một ai đó bị ảnh hưởng, các hóa thân sẽ biểu lộ theo bất kỳ cách thức hoặc hình tướng nào cần thiết. Tất cả những điều này đều nằm trong một phạm vi của một cõi hóa thân - tức là dành cho một vị Phật. Các thế giới khác không nhất thiết phải tồn tại theo cùng một cách. Trong khi một vũ trụ hay hệ thống thế giới đang được hình thành, một vũ trụ hay hệ thống thế giới khác có thể đang tan rã, và một hệ thống thế giới thứ ba đang ở giai đoạn giữa của sự tồn tại. Đây là một gợi ý nhỏ về phạm vi của các hệ thống thế giới. Đó là phạm vi của chư Phật hóa thân như Phật Thích Ca Mâu Ni hoặc đức Liên Hoa Sanh. Phạm vi ảnh hưởng của các ngài là một tỷ hệ thống thế giới.

Các vị Phật này không có thân xác bằng xương và thịt; các ngài có thân ánh sáng cầu vồng. Hãy thử tính chính xác có bao nhiêu thế giới! Ba thân của chư Phật thật đáng kinh ngạc và lợi lạc của ba thân là không thể nghĩ bàn. Khi chúng ta thực hành giai đoạn phát triển, bắt đầu bằng samadhi chân như, không cần phải thu hẹp nó lại trong một khu vực nhỏ bé của riêng chúng ta trên thế giới này. Nếu có thể, ít nhất hãy lấy chiều kích của một tỷ hệ thống thế giới.

 

Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những giáo lý Dzogchen lại có thể xuất hiện trong thế giới riêng biệt này? Đó là bởi vì thế giới của chúng ta nằm ở cấp độ trái tim của Đức Phật Vairochana. Hệ thống thế giới của chúng ta chỉ là một trong hàng trăm lần trăm tỷ, trên một trong một ngàn nhụy hoa trong hoa sen ngàn cánh. Trong mỗi vũ trụ hoặc hệ thống thế giới này có một tỷ (hoặc hơn) thế giới có chúng sinh hữu tình. Đó là một số lượng chúng sinh không thể tính đếm được!

 

Đối với chúng sinh hữu tình nói chung, luân hồi không có hồi kết. Nhưng đối với từng chúng sinh riêng biệt, thì có hồi kết. Bởi vì khi chúng ta nhận biết tinh túy tâm và trở nên ổn định trong đó, thì gốc rễ của sự tiếp tục tồn tại luân hồi đã bị cạn kiệt. Đối với từng chúng sinh riêng biệt, luân hồi sẽ kết thúc. Nhưng đối với toàn thể chúng sinh, luân hồi là không có hồi kết.

Pháp thân là thấm nhập khắp tất cả và vô hạn như không gian. Báo thân rộng lớn và không thể đo lường như vừa được đề cập. Trong tất cả tỷ tỷ vũ trụ này, chư Phật hóa thân xuất hiện, để mang lại lợi ích và hướng dẫn chúng sinh. Chúng sinh có thể đạt được giác ngộ bởi vì cả luân hồi và niết bàn đều được ba thân bao trùm.

 

Tất cả những thế giới và mọi chúng sinh đều tan biến và khởi hiện trong phạm vi của ba thân; không có gì diễn ra bên ngoài phạm vi đó. Do đó, mọi thứ là nguyên sơ và vẫn tuyệt đối thanh tịnh. Tuy nhiên, điều này có ích gì nếu từng chúng sinh không nhận biết được sự thật rằng mọi thứ là tuyệt đối thanh tịnh? Nếu một người bị mê lầm và bối rối, điều đó không giúp ích gì nhiều.

Tuy nhiên, trong khi bị mê lầm và bối rối, bản tánh của một người vẫn không bao giờ tách lìa khỏi ba thân. Mặc dù chúng ta trôi lăn trong luân hồi sinh tử, tinh túy của tâm chúng ta là ba thân. Bằng cách nhận biết tinh túy, tu tập trong đó và đạt được sự ổn định vững chắc trong tinh túy này, chúng ta có thể đạt được giác ngộ. Khi nghĩ về điều này, đó là một quan điểm trong thực hành Pháp, phải không?

 

Trong một tantra có nói rằng, “Tất cả chúng sinh thực chất là các vị Phật, nhưng họ bị bao phủ bởi những che chướng tạm thời. Khi những che chướng này được gỡ bỏ, họ là những vị Phật thực sự.”

Tất cả chúng sinh đều là các vị Phật có nghĩa là gì? Nghĩa là trong mỗi chúng sinh đều có tinh túy giác ngộ, Như Lai tạng (sugatagarbha), hiện diện như bản tánh của họ. Không phải là có một Phật tánh chính yếu nào đó mà chúng ta phải bằng cách nào đó quay trở lại và tìm kiếm. Không phải như vậy. Phật tánh là hiện tiền, ngay trong tầm tay, trong tất cả mọi người rồi.

Phật tánh là trống không trong tinh túy; nó cũng rõ biết tỏ tường. Có khả năng để biết được điều đó, chúng ta có thể nhận thức và kinh nghiệm nó. Đây không phải là thứ gì đó vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, chúng ta có thể hiểu được điều này. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng trống không và rõ biết là bất khả phân, không phải là hai thực thể khác nhau. Bấy giờ không phải rõ ràng là ba thân hiện diện nội tại trong chính chúng ta sao?

 

Đây là một ví dụ. Phật tánh không giống như không gian, bởi vì rõ ràng là không gian không biết bất cứ điều gì. Tuy nhiên, chúng ta phải sử dụng ví dụ về không gian như một cách để chỉ ra Phật tánh là gì.

Ở đây, tại Thung lũng Kathmandu có hàng ngàn ngôi nhà. Trong mỗi ngôi nhà đều có không gian. Giữa các ngôi nhà, tự thân không gian này không thực sự khác biệt về phẩm tính. Giả sử không gian này được mặt trời chiếu sáng. Khi có ánh sáng thì không có bóng tối. Tương tự như vậy, không gian rõ biết là bản tánh bên trong mỗi chúng sinh, nhưng chúng sanh lại tách biệt, giống như những ngôi nhà riêng lẻ và tách biệt có không gian tràn ngập ánh sáng mặt trời vào ban ngày. Tuy nhiên, vẫn có không gian; sự rõ biết hay sự sáng suốt giống như không gian tràn ngập ánh sáng mặt trời. Bạn có thể tách lìa không gian và ánh sáng mặt trời vào ban ngày không? Bạn có thể tách lìa pháp thân: cái giống như không gian, khỏi sự rõ biết là báo thân (cái giống như ánh sáng mặt trời) không? Đây chính là bản tánh vốn có của mỗi chúng sinh hữu tình. Hãy hiểu ý nghĩa của phép so sánh này. Nó trở nên khá rõ ràng khi bạn tu tập trong sự nhận biết của tinh túy tâm. Trong khi là trống không, mọi thứ đều được kinh nghiệm một cách sống động và rõ ràng, không phải bằng các giác quan, mà bằng tâm.

 

Những kinh điển của Đại Toàn Thiện (Dzogchen) mô tả rõ ràng và chính xác nền tảng hay nguồn gốc của luân hồi và tinh túy cốt yếu của niết bàn, chính xác như nó là. Những kinh điển này cũng giải thích cái thấm nhập khắp mọi trạng thái, dù là luân hồi hay niết bàn. Điều này không được dạy trong bất kỳ thừa nào khác. Trong Dzogchen, có Phần Tâm bên ngoài, Phần Không Gian bên trong, Phần Giáo Huấn bí mật. Chỉ trong phần thứ tư trong bốn phần của Phần Giáo Huấn Tối Cao là phần sâu xa nhất, thì điều này mới được mô tả đầy đủ.

 

Cách để tu tập trong sự thống nhất của giai đoạn phát triển và thành tựu là không lìa bỏ khỏi nền tảng samadhi chân như. Đã được giới thiệu vào bản tánh của tâm, trạng thái của tánh Không, có một sự rõ biết tự nhiên. Sự rõ biết tự nhiên này là samadhi của sự sáng tỏ, đôi khi được gọi là lòng từ bi kỳ diệu. Hãy để lòng từ bi bất khả phân với tánh Không này biểu lộ dưới dạng chủng tử tự phát ra YAM, RAM, LAM. Sau đó, núi Tu Di, cung điện cõi trời và mandala của các vị bổn tôn khởi hiện. Đây gọi là thực hành giai đoạn phát triển trong giai đoạn thành tựu, nghĩa là không lìa khỏi tính tương tục không dứt của giai đoạn thành tựu. Không bao giờ tách lìa khỏi samadhi chân như, hãy để cho tất cả sự quán tưởng diễn ra.

 

Nếu chúng ta chưa được giới thiệu vào trạng thái tự nhiên của tánh giác bất nhị, chúng ta phải tạo ra sự quán tưởng thông qua tư tưởng. Đầu tiên, chúng ta tưởng tượng về tánh Không, sau đó là ánh sáng chiếu tỏa, rồi tới chủng tử tự, và chúng ta cố gắng hình dung ra cung điện, các bổn tôn, v.v. Đây không phải là giai đoạn phát triển đích thực; mà đúng hơn, nó là một sự mô phỏng của giai đoạn phát triển thực sự. Mặc dù điều đó chắc chắn tốt hơn là không làm gì cả, nhưng nó không phải là con đường đích thực. Con đường thực hành giai đoạn phát triển đích thực là để cho sự quán tưởng diễn ra như sự biểu hiện tự nhiên của tánh giác rigpa.

Có một con đường khác để hợp nhất giai đoạn phát triển và thành tựu: bao gồm giai đoạn thành tựu bên trong giai đoạn phát triển. Trong khi cố gắng tưởng tượng bản thân như là vị bổn tôn, cung điện, v.v., tại một điểm nào đó, hãy nhớ nhận biết tinh túy tâm: "Những tưởng tượng này là cái gì? Những suy nghĩ này là cái gì?" Vào khoảnh khắc nhận biết tinh túy tâm, giai đoạn phát triển và thành tựu là nhất thể, bởi vì phẩm tính trống không của cái đang quán tưởng chính là và luôn luôn là pháp thân.

 

Bất kể chúng ta chọn con đường thực hành cụ thể nào, chúng ta nên luôn hợp nhất giai đoạn phát triển và thành tựu. Chỉ thông minh sáng suốt khi làm như vậy. Nếu một người bị mê lầm, người đó sẽ ngồi và cố gắng xây dựng một cái gì đó bằng những tư tưởng. Trường hợp tốt nhất là khi giai đoạn phát triển tự nhiên diễn ra từ giai đoạn thành tựu—khi sự biểu hiện tự nhiên của tánh giác chính là giai đoạn phát triển. Hãy để sự biểu hiện tự nhiên này xuất hiện như trí huệ, để nó được giải thoát và tinh túy không bị lạc mất. Các giai đoạn phát triển và thành tựu thực sự thì luôn luôn được kết nối với nhau. Thật không thông minh khi cố gắng chỉ thực hành giai đoạn phát triển mà không có giai đoạn thành tựu, vì điều này không dẫn đến giải thoát cũng như giác ngộ.

 

Tôi sẽ nói thêm một chút về việc thực hành giai đoạn phát triển như một sự mô phỏng của cái thực sự là, chỉ như một sự tương tự đơn thuần. Vào một thời điểm trong một sadhana có câu thần chú OM MAHA SHUNYATA JNANA VAJRA SVABHAVA ATMA KOH. Chủng tử tự OM là bản tánh của mọi hình tướng, và nó biểu thị rằng mọi thứ được nhận thức đều là Đức Phật Vairochana, tánh Không của mọi hình tướng. MAHA SHUNYATA có nghĩa là tánh Không vĩ đại. JNANA có nghĩa là tánh giác bản nguyên, tánh Không và sự rõ biết bất khả phân. Trong tinh túy, khi một người trì tụng thần chú, người đó đang nói rằng, "Tôi có bản tánh của tánh giác bất diệt trong đó mọi thứ được nhận thức đều là tánh Không vĩ đại."

 

Sau đó, sau một vài giây, người đó nói rằng, "Từ trạng thái của tánh Không này, trong một khoảnh khắc, tôi xuất hiện dưới hình tướng của vị bổn tôn."

Tưởng tượng điều này được gọi là sự tương tự của giai đoạn phát triển thực sự.

Khoảnh khắc ghi nhớ tánh Không này là cần thiết, bởi vì bắt đầu và kết thúc mà không có tánh Không giống như giai đoạn phát triển không có đầu và không có cuối. Tiếp theo đó, trong trạng thái của tánh Không, trong một khoảnh khắc, chủng tự E biểu lộ mandala của không gian. Sau đó, Yam trở thành gió, Ram trở thành lửa, v.v. Sum trở thành núi Tu Di, và Bhrung là cung điện trên đỉnh núi Tu Di.

 

Giai đoạn phát triển không phải là điều gì đó sai trái; nó không phải là sự tự lừa dối, bởi vì sự thanh tịnh bản nguyên được ban tặng một cách tự nhiên với những phẩm tính hiện hữu một cách tự nhiên. Đây là những phẩm tính của tánh giác rigpa, của tánh giác bất nhị. Nếu bản tánh của chúng ta chỉ là trống không, thì sẽ không có phẩm tính nào hết cả. Thay vào đó, nó trống không trong khi đồng thời là tánh giác bản nguyên, và những phẩm tính của tánh giác này là không thể nghĩ bàn. Tánh giác này có nghĩa là sự hiểu biết nguyên thủy không bao giờ thực sự bị lạc mất; mặc dù đối với chúng ta, tánh Không dường như là không bao hàm tánh giác này.

 

Ngay bây giờ, chúng ta vẫn là những chúng sinh bình phàm ở trong ba cõi, giữa sáu loại, và cuộc sống có thể khó khăn. Chúng ta phải trải qua rất nhiều rắc rối và kinh nghiệm rất nhiều đau khổ. Chúng ta nên hướng mục tiêu đến sự giác ngộ. Giác ngộ là cái mà chúng ta thực sự cần. Khổ đau là những gì chúng ta đã có. Chúng ta đã trải qua khổ đau khi được sinh ra—có thể bây giờ chúng ta không còn nhớ điều này, nhưng chúng ta đã như vậy. Giờ chúng ta biết khổ đau của việc già đi và khi ốm đau bệnh tật. Trước mắt chúng ta là khổ đau của cái chết, điều mà chúng ta không thể tránh khỏi bất kể chúng ta có làm gì.

Mọi người có thể cố gắng tự an ủi chính mình bằng cách nói rằng không có gì sau khi chết, nhưng đó là một ý tưởng mà họ có, một sự giả định. Sự đoạn diệt hoàn toàn là không thể, thực sự như vậy, bởi vì tâm không phải là cái gì đó có thể chết. Hãy nhớ rằng, chính tâm là cái kinh nghiệm sự chết, chứ không phải cơ thể - là cái bị bỏ lại sau khi chết – kinh nghiệm sự chết. Một xác chết không đau đớn; nó cũng không cảm thấy vui vẻ. Bạn có thể chặt một xác chết thành hàng trăm mảnh và nó sẽ không cảm thấy gì cả. Bạn có thể đâm đủ loại vũ khí vào nó hoặc bắn nó, và nó không phản ứng gì cả. Bạn có thể đốt nó nhiều lần; nó cũng không cảm thấy điều đó. Chỉ có tâm mới cảm thấy. Cái cảm nhận thấy khổ đau là tâm và chỉ có tâm.

 

Trừ khi tâm này đạt được sự ổn định nào đó trong sự nhận biết trạng thái tự nhiên của chính nó, nhận biết bản chất của tánh giác bản nguyên của nó, thì sẽ không có hồi kết cho nỗi đau khổ của nó. Cái mà chúng ta nên giết là cái tâm nhị nguyên, nhưng không có cách nào để làm điều đó. Bạn có thể giết chết nơi trú ngụ tạm thời của nó là thân xác, nhưng vị khách hiện diện là tâm thì không thể giết được. Nếu không đạt được sự giải thoát hay giác ngộ thì tuyệt đối không có cách nào để tránh khỏi việc trải nghiệm thêm đau khổ. Tâm không thể chết—nhưng nó có thể nhận biết bản tánh của chính nó, đó chính là ba thân.

 

Một nguyên lý quan trọng trong Kim Cương thừa là trạng thái mê lầm của tâm chính là phương thuốc tốt nhất của chính nó. Nói cách khác, khi tức giận, tham đắm hoặc khép kín, bạn cần nhận biết bản tánh của cảm xúc phiền não. Vào khoảnh khắc đó, nó biến mất hoàn toàn. Không ai khác có thể làm điều đó thay cho bạn. Bạn có thể yêu cầu ai đó hãy lấy đi những cảm xúc phiền não của bạn, ba độc của bạn, nhưng không ai có thể làm được điều đó. Giải pháp duy nhất là nhận biết tinh túy của chính bạn.

Tất nhiên, bạn có thể thử một phương pháp khác và tự răn mình một cách rất nghiêm khắc rằng, “Bạn đã quá tệ trong quá khứ, chạy theo ba độc và liên tục bị cuốn vào hết lần này tới lần khác, trôi lăn trong biển luân hồi sinh tử. Bây giờ đừng làm như thế thêm nữa!” Liệu tâm bạn có lắng nghe không? Hoặc bạn có thể nhắc nhở bản thân, “Tôi đã trải qua quá nhiều, đau khổ quá nhiều, tất cả đều do những cảm xúc phiền não của tôi gây ra. Tôi quyết tâm rằng đây là lúc kết thúc, tôi sẽ không bao giờ làm như thế nữa.” Nhưng liệu bạn có thực sự lắng nghe chính mình không?

 

Chẳng phải tốt hơn khi nhận biết bản tánh của tâm sao? Để thấy rằng không có ‘vật gì’ để thấy, đó là pháp thân? Cái mà thấy pháp thân chính là phẩm tính của báo thân. Sự bất khả phân của trống không và rõ biết là hóa thân.

Ngay tại khoảnh khắc tìm kiếm, nó được thấy. Ngay tại khoảnh khắc thấy, nó được giải thoát, tự do. Đó là giải pháp tốt nhất, phải không, vì điều đó liên tục cắt đứt ba độc. Khi ba độc vắng mặt, còn lại gì ngoài ba thân? Hãy tu tập điều này, và bạn sẽ nắm giữ ngai tòa của ba thân. Bạn sẽ nắm giữ gia tài thật sự của mình, di sản đích thực của mình.

 

Bình thường, cuộc đời con người thế tục có nghĩa là bỏ mặc điều quý giá nhất này và lang thang khắp nơi để theo đuổi những gì hoàn toàn vô ích và vô nghĩa. Chúng ta biến mình thành nô lệ của danh thơm tiếng tốt, thức ăn và quần áo. Đây là những gì mà hầu hết mọi người đều theo đuổi: một cuộc sống thoải mái. Nếu chúng ta không bao giờ chết, thì có lẽ cũng đáng để làm điều đó! Chúng ta có thể tiếp tục cố gắng đạt được và đạt được thêm nữa, tích lũy ngày càng nhiều hơn.

 

Tuy nhiên, điều xảy ra là trong khi chúng ta có thể đạt được những mục tiêu này, thì lại không có thời gian để thực sự tận hưởng chúng. Sớm hay muộn, ngày mai hoặc ngày kia, chúng ta chết, và những người khác sẽ lấy đi tài sản của chúng ta. Có thể bạn bè chúng ta sẽ tận hưởng chúng, có thể là kẻ thù của chúng ta. Sau khi chúng ta chết, những người khác nói, "Ông ấy không có cơ hội để tận hưởng mọi thứ ông ấy đã có - ôi thôi, giờ chúng ta sẽ làm điều đó!". Rồi họ sẽ tiêu tiền của bạn và có một khoảng thời gian vui vẻ. Họ sẽ nói, "Ông ấy không cần thứ này bởi vì ông ấy đã chết! Bây giờ chúng ta có thể sử dụng nó. Ông ấy đã mất rất nhiều công sức để đạt được điều này, nhưng giờ chúng ta đang tận hưởng nó." Thật vô ích khi dành cả một cuộc đời để tích lũy những điều đó!

Trong khi đó, thần thức của người chết nhận biết toàn bộ tình huống này từ trung ấm (bardo), và trở nên giận dữ. Ông nghĩ, “Ta đã chịu mọi rắc rối này để con cháu ta có thể hưởng của cải của ta, nhưng giờ người khác lại lấy mất. Ta tức giận quá!” Của cải đó thật khó để tích lũy và bảo vệ. Đầu tiên, bạn phải làm việc vất vả để kiếm tiền và làm cho nó tăng thêm. Sau đó, bạn phải không ngừng cẩn thận để không ai lấy mất nó bằng việc trộm cắp hay bằng vũ lực. Sau khi chết, thông qua khả năng thấu thị, bạn có thể thấy rất rõ ràng chính xác những gì xảy ra. Tốt hơn là không nên nhìn thấy bất cứ điều gì! Ít nhất bạn sẽ thoát khỏi sự keo tham, bủn xỉn và giận dữ vào lúc đó.

 

Trạng thái của luân hồi thật là đáng buồn. Tốt hơn hết là không nên biết gì cả. Tuy nhiên, thần thức trong trung ấm (bardo) đã có điều kiện cho sự thấu thị và hướng chú ý đến những gì xảy ra với tài sản của ông ấy—ai đang lấy nó và họ làm gì với nó. Điều này tạo ra sự keo kiệt và oán giận, và hai cảm giác này là nguyên nhân trực tiếp khiến chúng ta rơi vào những cõi thấp. Nếu chúng ta biết điều này trước, và nếu chúng ta đã nhận biết tinh túy tâm, sẽ không có sự dính mắc vào sự keo tham và giận dữ. Trong tánh giác bản nguyên, những cảm giác đó không thể tồn tại. Năm độc trở thành năm trí tuệ. Nhưng nếu không có sự nhận biết, sự hiện hữu chỉ là đau khổ. Không có gì ngoài trạng thái đau khổ này nối tiếp trạng thái đau khổ khác.

 

Xin hãy hiểu tính thiết yếu của việc nhận biết tinh túy tâm khi thực hành giai đoạn phát triển. Việc bỏ qua samadhi chân như cũng giống như có một cơ thể không có đầu. Một người không có đầu thì có ích gì? Bạn biết bao nhiêu người không có đầu?

Điểm quan trọng nhất trong thực hành Pháp là samadhi chân như, rõ biết tinh túy tâm. Chúng ta có thể xem xét toàn bộ thế giới này một cách tỉ mỉ như sàng lọc một túi bột mì, nhưng chúng ta sẽ không tìm thấy điều gì quan trọng hơn. Bạn phải xác định điểm khởi đầu thực sự và điểm khởi đầu thực sự phải là samadhi chân như. Bắt đầu với thực tại của tánh giác rigpa, bởi vì tánh giác rigpa không phải là hoàn toàn trống rỗng hay không có gì. Nó có một sự rõ biết tự nhiên mà từ đó giai đoạn phát triển có thể diễn ra.

 

Mặt khác, khi điểm khởi đầu của bạn là tư tưởng và bạn muốn đưa giai đoạn thành tựu vào đó, thì giai đoạn thành tựu ấy sẽ làm suy yếu giai đoạn phát triển do suy nghĩ tạo tác, bằng cách giải thể nó. Bạn có thể gọi sự giải thể này là “giai đoạn tháo dỡ”. Sau khi xây dựng rất nhiều thứ, toàn bộ mọi thiết lập sẽ biến mất ngay khi bạn nhận biết ai đang suy nghĩ. Giống như một đứa trẻ xây lâu đài cát trên bãi biển. Một con sóng ập đến, ầm ầm, và mọi thứ biến đi mất. Tên gọi cho điều này không phải là giai đoạn phát triển; mà là giai đoạn tháo dỡ! Tất nhiên, cách tiếp cận này không phải là vô nghĩa; nó cũng tốt. Nhưng nó không phải là sự hợp nhất của giai đoạn phát triển và thành tựu. Nó không phải là tu tập trong tánh giác rigpa như là samadhi chân như.

 

Tánh giác rigpa không phải là trạng thái của hiện hữu vô minh. Trong tánh giác rigpa là một phẩm tính sống động và rõ biết, có thể khai mở như trạng thái phát triển. Đó là cách để giai đoạn phát triển khai mở và diễn ra trong giai đoạn thành tựu. Có bốn loại thực hành quán tưởng, bao gồm năm sự thật toàn thiện, nghi lễ của bốn vajra (kim cương) và ba loại quán tưởng. Thâm sâu nhất là sự hồi tưởng tức thời. Từ samadhi chân như, bất cứ điều gì cần được phát khởi đều được phát khởi tức thời, mà không cần phải nghĩ đến nó. Điều đó không có nghĩa là trạng thái của tánh giác rigpa bằng cách nào đó bị mất đi—hoàn toàn không phải vậy. Điều này không giống như khi bạn cố gắng đưa giai đoạn thành tựu vào giai đoạn phát triển, sau đó phá hủy giai đoạn phát triển, giống như hắt một xô nước vào một lâu đài cát.

 

Mặc dù cả bốn cách tiếp cận này chắc chắn đều có lợi ích, nhưng cách mà thầy đã thảo luận chính là cách để tu tập. Bắt đầu với cái thật: samadhi chân như. Có một lý do tại sao tất cả các sadhana đều có một bản văn. Chỉ cần tụng các câu được gọi là 'sử dụng ngôn ngữ để đưa ý nghĩa vào tâm'.

Ví dụ, hãy lấy một sadhana ngắn của Padmasambhava. Có một câu cho samadhi chân như, một câu khác cho samadhi của sự sáng tỏ và một câu cho samadhi của chủng tử tự. Không rời khỏi trạng thái của tánh giác rigpa, hãy tiếp tục trì tụng. Mỗi dòng giúp khai mở một phần của sự quán tưởng. Đó là cách để tu tập. Điều ấy không làm cho cách nhận biết người mà đang tưởng tượng đã đề cập trước đó bị trở nên vô dụng chút nào. Tuy nhiên, đó không phải là giai đoạn phát triển hoàn hảo - cái là quang minh của tánh giác rigpa. Nếu bạn bắt đầu sadhana bằng tư tưởng, bạn đã đánh mất samadhi chân như.

 

Hãy lấy một tấm gương sáng và trong làm một ví dụ cho samadhi chân như. Sau đó, hai samadhi còn lại giống như sự sáng của gương và sự phản chiếu xuất hiện trong gương. Sự phản chiếu đó có ảnh hưởng hay tác động đến tấm gương theo một cách nào đó không? Hay thậm chí nó có làm thay đổi tấm gương không?

Nếu một sự phản chiếu màu trắng xuất hiện, thì không phải là tấm gương trở thành màu trắng, đúng không? Đó cũng là nguyên lý tương tự khi thực sự tu tập trong giai đoạn phát triển. Một thangka hoàn chỉnh có thể được phản chiếu ngay lập tức trong một tấm gương, phải không? Tấm gương không cần phải vươn ra để phản chiếu bức thangka; thangka cũng không cần phải hướng lên và hướng tới phía chiếc gương nhiều hơn. Sự phản chiếu xuất hiện ngay lập tức, đầy đủ và hoàn chỉnh. Toàn bộ hình ảnh xuất hiện, không chỉ xuất hiện những khuôn mặt và những cánh tay mà lại thiếu mất chân.

 

Cách tiếp cận này khác với việc cố gắng khái niệm hóa để thấy một vị bổn tôn được phản chiếu trong tâm của một người. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta nghĩ về một cái và quên đi những cái khác. Thay vào đó, mọi thứ đều được phản chiếu cùng một lúc. Điều này là có thể vì sự sáng tỏ của tánh giác rigpa giống như một tấm gương trong suốt. Đó là giai đoạn thành tựu, nơi tất cả mọi thứ được phản chiếu đồng thời cùng một lúc. Giai đoạn phát triển thì giống như bức thangka.

Hiện giờ, khi chúng ta nghĩ tới những cái chân, chúng ta quên mất đầu. Khi chúng ta nghĩ đến tay trái, chúng ta quên mất tay phải. Đây là một quá trình phá hủy những gì bạn đã tạo ra. Giai đoạn phát triển thực sự phải khai mở và diễn ra trong samadhi chân như, giống như sự phản chiếu xuất hiện trong một tấm gương sáng. Sau đó, samadhi của sự sáng tỏ giống như sự phản chiếu của một bức thangka xuất hiện, và tấm gương không mất đi tính sáng của nó khi sự phản chiếu xảy ra. Nói cách khác, đừng bỏ mất giai đoạn thành tựu lại phía sau, nó là nền tảng để giai đoạn phát triển diễn ra. Nếu không, giai đoạn phát triển sẽ trở thành công việc tạo tác, giống như thể làm ra thứ gì đó từ đất sét hoặc gỗ. Một bức thangka có thể phản chiếu trong một miếng gỗ không?

 

Khi thực hành samadhi chân như, bạn phải có phần quen thuộc với trạng thái của tánh giác rigpa. Khi có một sự an trú ổn định trong tánh giác rigpa, tức là giai đoạn thành tựu, thì giai đoạn phát triển không phải là một vấn đề, vì nó có thể biểu lộ như sự phô diễn hoặc sự biểu hiện của trạng thái thành tựu. Trong bối cảnh này, 'sự hợp nhất của giai đoạn phát triển và thành tựu' giống như 'sự hợp nhất của hiện tướng và tánh Không'. Nó giống như một sự phản chiếu trong một tấm gương. Gương không cần phải đuổi theo vật thể. Vật thể được phản chiếu vào tấm gương.

 

Xin hãy hiểu rõ nguyên lý của giai đoạn phát triển này. Giai đoạn phát triển được khởi đầu bằng tư tưởng khái niệm không phải là giai đoạn phát triển thực sự. Nó trở thành một quá trình chỉ thay thế một thứ bằng một thứ khác, bởi vì khi bạn nghĩ đến một điều gì đó mới, cái trước đó sẽ bị chiếm chỗ hoặc thay thế; nó bị phá hủy.

Tốt hơn là hãy giống như một tấm gương, để cho sự phản chiếu xảy ra trong trạng thái của tánh giác rigpa mà không tập trung vào bất cứ điều gì. Đó là trạng thái của chân như. Phẩm tính của kinh nghiệm được khai triển giống như bức thangka được phản chiếu một cách tự nhiên và dễ dàng trong tấm gương. Khi bạn cầm một bức thangka trước gương, không phải là tấm gương sẽ bằng cách nào đó chọn một phần để phản chiếu. Mà đúng hơn, mọi thứ đều được phản chiếu.

Để phản chiếu giai đoạn phát triển thanh tịnh, trước tiên hãy là một tấm gương sáng trong. Trước tiên hãy hiểu, sau đó kinh nghiệm, rồi nhận biết. Trước hết hãy cố gắng trở thành một tấm gương tốt; một tấm gương tinh túy tâm, một tấm gương tánh giác. Một bức vẽ của một tấm gương thì giống như một tấm gương của tâm nhị nguyên. Tấm gương thực sự là tấm gương tánh giác. Chúng ta có thể vẽ một tấm gương. Nhưng liệu bức vẽ của một tấm gương có thể phản chiếu được không?

 

Bài viết liên quan