SỰ PHÂN TÁCH TUYỆT ĐỐI GIỮA SỐNG VÀ CHẾT CHỈ LÀ MỘT ẢO TƯỞNG - DEEPAK CHOPRA - CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG BÍ MẬT

SỰ PHÂN TÁCH TUYỆT ĐỐI GIỮA SỐNG VÀ CHẾT CHỈ LÀ MỘT ẢO TƯỞNG

DEEPAK CHOPRA - CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG BÍ MẬT

-------o0o-------

Sẽ dễ hơn nhiều nếu bạn tự mình quy thuận và để Thượng đế xuất hiện. Hãy tỏ thái độ cởi mở trước các bức họa của Rembrandt hay Monet, bởi xét cho cùng thì đó là những kiệt tác vĩ đại của tạo hóa.
SỰ PHÂN TÁCH TUYỆT ĐỐI GIỮA SỐNG VÀ CHẾT CHỈ LÀ MỘT ẢO TƯỞNG - DEEPAK CHOPRA - CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG BÍ MẬT

Điều khiến mọi người bận tâm về việc mất đi thể xác chính là cảm giác về một sự ngắt quãng hay phân tách đáng sợ. Sự ngắt quãng được tưởng tượng như thế bước vào cõi hư không; đó là một sự chấm dứt hoàn toàn mang tính cá thể. Tuy nhiên, quan điểm này, dù gây nên nỗi sợ hãi to lớn, lại hạn chế trong cái tôi. Cái tôi cần sự liên tục; cái tôi muốn hôm nay phải là sự mở rộng của hôm qua. Nếu thiếu sự liền mạch đó thì cuộc hành trình đi từ ngày này sang ngày khác sẽ mang lại cảm giác mất liên kết, điều đó khiến cho cái tôi sợ hãi. Tuy nhiên, bạn sẽ đau khổ đến mức nào khi một hình ảnh mới hay một khát khao mới xuất hiện trong tâm trí? Bạn chìm đắm trong trường tiềm năng vô tận để tạo ra những suy nghĩ mới, sau đó quay lại với một hình ảnh cụ thể từ hàng tỉ hình ảnh có thể hiện ra. Trong khoảnh khắc đó, bạn không còn là bản thể của bạn từng xuất hiện cách đây một giây nữa. Bạn đang bám víu vào một ảo tưởng về sự liên tục. Hãy từ bỏ khoảnh khắc hiện tại và bạn sẽ thuận theo lời tuyên bố của Thánh Paul là luôn sống cận kề cái chết. Bạn sẽ nhận thấy rằng mình không hề liên tục, mình thay đổi thường xuyên, đắm chìm trong đại dương của những tiềm năng giúp mang lại điều mới mẻ.

Cái chết có thể được xem là một ảo tưởng vì bạn đã chết thật sự. Khi bạn nghĩ về bản thể như tôi, cái tôi và của tôi thì bạn đang nghĩ đến quá khứ của mình, thời điểm vốn đã chết và không còn nữa. Ký ức về quá khứ là tàn tích của một thời đã xa. Cái tôi giữ cho nó không thay đổi bằng cách lặp lại những gì đã biết. Tuy nhiên, cuộc sống thực chất là điều không biết, bởi lẽ cuộc sống phải như thế thì bạn mới có thể lĩnh hội những suy nghĩ, khát vọng và trải nghiệm mới. Bằng cách lặp lại quá khứ thì bạn đang khiến cuộc sống không thể tự làm mới mình.

Bạn có nhớ lần đầu tiên nếm thử một que kem hay không? Nếu không thì bạn hãy nhìn vào đứa trẻ lần đầu tiên được nhìn thấy que kem. Cái nhìn trên khuôn mặt đứa trẻ cho bạn thấy rằng nó đang đắm chìm trong cảm giác sung sướng. Tuy nhiên, đối với que kem thứ hai thì đứa trẻ lại không tỏ vẻ hào hứng như ban đầu, cho dù nó vẫn mong muốn có được que kem đó. Mỗi lần lặp lại sẽ làm giảm mức độ hào hứng, bởi lẽ khi quay lại với điều mà bạn đã biết thì trải nghiệm lúc ấy không giống như lần đầu tiên nữa. Đến hôm nay thì cho dù thích ăn kem đến đâu đi nữa, trải nghiệm ăn kem phần nào đã trở thành thói quen của bạn. Cảm giác ném kem không hề thay đổi, nhưng chính bạn đã thay đổi. Cuộc mặc cả mà bạn đã thực hiện với cái tôi, mục đích để duy trì cái tôi, tôi và của tôi không đổi, là một cuộc mặc cả tồi – bạn đã chọn điều đối lập với sự sống, tức là cái chết.

Về mặt kỹ thuật thì ngay cả cái cây bên ngoài cửa sổ cũng là một hình ảnh đến từ quá khứ. Khoảnh khắc bạn nhìn thấy cái cây và xử lý hình ảnh ấy trong não thì cái cây đã dịch chuyển trên cấp độ lượng tử, thuận theo chu kỳ dao động của vũ trụ. Để sống một cách trọn vẹn thì bạn phải tự đưa mình vào lĩnh vực phi định xứ, nơi những trải nghiệm mới được sinh ra. Nếu ngưng giả định rằng bạn đang sống trong thế giới này thì bạn sẽ nhận thấy mình luôn sống trong sự không liên tục, một nơi phi định xứ được gọi là linh hồn. Khi chết đi thì bạn sẽ bước vào một thế giới chưa biết, trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ có cơ hội rất lớn để cảm nhận rằng mình không còn sống nữa.

Tại sao phải chờ đợi? Bạn có thể vẫn sống nếu muốn bằng cách trải qua một quá trình gọi là sự quy thuận. Đây là bước tiếp theo để chinh phục cái chết. Cho đến tận bây giờ trong chương này thì ranh giới giữa sự sống và cái chết là quá mong manh đến mức nó gần như biến mất. Quy thuận là hành vi xóa nhòa hoàn toàn ranh giới này. Khi bạn nhìn nhận bản thân như một chu kỳ hoàn hảo của sự sống trong cái chết và cái chết trong sự sống thì bạn xem như đã quy thuận – công cụ mạnh mẽ nhất của người thần bí để chống lại chủ nghĩa vật chất. Ở cấp độ thực tại duy nhất thì người thần bí sẽ từ bỏ mọi nhu cầu liên quan đến ranh giới và tập trung vào sự tồn tại. Chu kỳ này khép lại và người thần bí sẽ xem mình như thực tại duy nhất.

• Quy Thuận Có Nghĩa Là...

Hoàn toàn chú tâm

Trân trọng sự dồi dào của cuộc sống

Cởi mở với những gì diễn ra trước mắt

Không phán xét

Thiếu vắng cái tôi

Khiêm nhường

Tiếp thu mọi khả năng

Chấp nhận tình yêu

Đa số mọi người đều nghĩ rằng từ bỏ là việc khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Hành động này ngụ ý quy thuận trước Đấng Sáng tạo, điều mà rất ít người làm được, ngoại trừ những người thánh thiện nhất. Làm sao con người biết được hành vi quy thuận đã diễn ra hay chưa? “Tôi đang làm điều này vì Thượng đế” là câu nói rất giàu cảm hứng, nhưng chiếc máy quay đặt ở góc phòng không thể phân biệt sự khác nhau giữa một hành vi được thực hiện vì Thượng đế và một hành vi được thực hiện không phải vì Thượng đế.

Sẽ dễ hơn nhiều nếu bạn tự mình quy thuận và để Thượng đế xuất hiện. Hãy tỏ thái độ cởi mở trước các bức họa của Rembrandt hay Monet, bởi xét cho cùng thì đó là những kiệt tác vĩ đại của tạo hóa. Hãy tập trung sự chú ý tối đa vào chúng. Hãy quý trọng chiều sâu của hình ảnh và sự tập trung của họa sĩ khi tạo ra chúng. Hãy cởi mở trước những gì diễn ra trước mắt thay vì cho phép mình xao nhãng. Đừng phán xét một cách vội vàng rằng bạn buộc phải thích các bức họa vì mọi người bảo chúng là những kiệt tác. Đừng ép buộc bản thân phải đáp lại chỉ vì điều đó giúp bạn tỏ ra thông minh hay nhạy cảm hơn. Hãy để bức họa trở thành trọng tâm sự chú ý của bạn, đây mới chính là cốt lõi của thái độ khiêm nhường. Hãy tiếp thu mọi phản ứng mà bạn có thể nhận được. Nếu tất cả những bước quy thuận này đều xuất hiện thì một bức họa vĩ đại của Rembrandt hay Monet sẽ làm gợi lên tình yêu, bởi lẽ người họa sĩ đã hiện diện ở đó với tất cả bản chất nhân văn của mình.

Trong bối cảnh xuất hiện bản chất nhân văn như thế thì quy thuận là việc rất khó. Bản thân con người cũng trở nên khó tính hơn. Tuy nhiên, việc quy thuận trước ai đó cũng thuận theo những bước mà chúng ta đã liệt kê ở trên. Có lẽ trong lần tiếp theo dùng bữa tối với gia đình, bạn hãy thử tập trung vào một bước quy thuận cụ thế, chẳng hạn như chú ý hoàn toàn hay không phán xét vội vàng.

Hãy chọn bước quy thuận dễ nhất, hoặc tốt hơn cả là bước đi mà bạn biết rằng mình đã bỏ sót. Đa số chúng ta đều bỏ sót sự khiêm nhường khi nghĩ đến gia đình mình. Ví dụ, thái độ khiêm nhường với một đứa trẻ là gì? Đó là xem quan điểm của nó cũng quan trọng như quan điểm của bạn. Ở cấp độ nhận thức thì đó là sự công bằng; lợi thế của bạn trong việc đã nhiều năm làm cha mẹ cũng không ảnh hưởng đến thực tế ấy. Tất cả chúng ta đều từng là trẻ con, những gì chúng ta từng nghĩ trong quá khứ cũng có tầm quan trọng đối với cuộc sống dù cho với bất kỳ độ tuổi nào. Bí mật của sự quy thuận là bạn làm việc đó từ nội tâm mà không cần phải cố gắng chiều lòng ai khác.

Đáng buồn thay, rốt cuộc thì tất cả chúng ta đều sẽ nhìn thấy mình xuất hiện ở một người già yếu, mong manh và đang hấp hối. Những bước quy thuận cũng có thể áp dụng trong tình huống đó. Nếu bạn làm theo những bước này thì vẻ đẹp của một người hấp hối cũng sẽ trở nên rõ ràng như vẻ đẹp từ bức họa của Rembrandt. Cái chết truyền cảm hứng cho một điều kỳ diệu mà bạn có thể đạt được khi vượt khỏi phản ứng tự động của nỗi sợ hãi. Gần đây, tôi đã cảm nhận được sự kỳ diệu ấy khi bắt gặp một hiện tượng sinh học giúp chứng minh khái niệm cho rằng cái chết hoàn toàn hòa hợp với sự sống.

Hiện tượng này được gọi là apoptosis (cái chết định sẵn của tế bào). Danh từ lạ lẫm này, vốn hoàn toàn mới đối với tôi, đã xuất hiện sau một cuộc hành trình vô cùng thần bí; để rồi khi quay lại thì tôi nhận thấy sự lĩnh hội của mình đối với sự sống và cái chết đã thay đổi. Khi nhập từ apoptosis vào công cụ tìm kiếm trên Internet thì tôi đã nhận được 357.000 kết quả. Định nghĩa đầu tiên của từ này theo thuật ngữ kinh viện là: “Mọi tế bào đều có thời điểm để sống và thời điểm để chết”.

Apoptosis là cái chết định sẵn của tế bào, dù cho không nhận ra nhưng mỗi người chúng ta đều đang chết đi mỗi ngày, theo đúng lịch trình, để có thể duy trì sự sống. Các tế bào chết đi vì chúng cần phải thế. Tế bào đã đảo ngược quá trình sinh ra một cách khéo léo: Nó co lại, phá hủy cấu trúc protein căn bản, sau đó loại bỏ DNA của chính nó. Các bóng khí xuất hiện trên bề mặt màng tế bào khi tế bào “mở cổng” cho thế giới bên ngoài và thải hồi các chất cần cho sự sống. Các chất này cuối cùng sẽ bị nuốt trọn bởi các bạch cầu theo cách chúng nuốt trọn các vi khuẩn xâm nhập. Khi quá trình hoàn tất, tế bào sẽ biến mất hoàn toàn và không để lại bất kỳ dấu vết gì.

Khi đọc được câu chuyện tế bào tự hy sinh một cách có phương pháp như thế thì bạn không thể tránh khỏi cảm giác xúc động. Tuy nhiên, phần bí ẩn nhất vẫn còn ở phía trước. Apoptosis không phải là cách để loại bỏ bệnh tật hay các tế bào già như những gì bạn đang nghĩ. Quá trình này giúp sinh ra chúng ta. Khi còn là những bào thai trong tử cung, mỗi người chúng ta đều trải qua các giai đoạn sơ khai của quá trình phát triển và ngạc nhiên nhất là rất nhiều tế bào não. Apoptosis quan tâm đến những dấu tích không muốn này – trong trường hợp của bộ não thì một đứa bé mới sinh sẽ hình thành những mối liên kết thần kinh phù hợp bằng cách loại bỏ các tế bào não dư thừa mà tất cả chúng ta sinh ra đều đã có. (Mọi người sẽ ngạc nhiên khi các bác sĩ thần kinh phát hiện rằng bộ não chúng ta là cơ quan chứa nhiều tế bào nhất lúc mới sinh, một con số có thể được giảm xuống hàng triệu lần để trí tuệ cấp cao có thể tạo ra mạng lưới liên kết tinh tế của nó. Đã từ lâu, mọi người nghĩ rằng việc huỷ diệt các tế bào não là một quá trình phi lý liên quan đến hiện tượng lão hóa. Giờ đây, toàn bộ vấn đề cần được xem lại một cách đầy đủ).

Tuy nhiên, quá trình apoptosis không kết thúc trong tử cung. Cơ thể của chúng ta vẫn tiếp tục phát triển cho đến lúc chết. Các tế bào miễn dịch với nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập sẽ tấn công vào các mô của cơ thể nếu như chúng không tạo ra cái chết cho nhau, sau đó tự tấn công bằng những chất độc được sử dụng cho kẻ xâm nhập. Mỗi khi tế bào nhận thấy DNA của mình bị hủy hoại hay có khiếm khuyết thì nó biết rằng cơ thể sẽ phải chịu đựng đau khổ nếu khiếm khuyết này được truyền lại cho đời sau. May mắn thay, mọi tế bào đều mang theo một gene độc tố được gọi là p53 có thể được kích hoạt để tự huỷ diệt chính nó.

Đây chỉ là một số ít những dữ kiện mà chúng ta biết được. Các nhà giải phẫu học đã biết từ lâu rằng tế bào da chết đi sau vài ngày; tế bào võng mạc, hồng cầu và tế bào dạ dày, tất cả đều được định sẵn một vòng đời rất ngắn để các mô của chúng có thể được lấp đầy một cách nhanh chóng. Mỗi cái chết của tế bào đều vì một mục đích riêng, đặc trưng. Các tế bào da phải bong ra để làn da chúng ta được trẻ hoá, trong khi các tế bào dạ dày phải chết đi như một phần của phản ứng đốt cháy giúp tiêu hóa thức ăn.

Cái chết không phải là kẻ thù của chúng ta nếu chúng ta đã phụ thuộc vào nó ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. Hãy cân nhắc nghịch lý sau đây. Về bản chất thì cơ thể đủ khả năng tránh khỏi cái chết bằng cách tạo ra những tế bào tồn tại vĩnh viễn. Những tế bào này không sản sinh ra p53 khi chúng phát hiện khiếm khuyết của DNA. Do không chấp nhận cái chết, những tế bào này vẫn phân chia một cách liên tục và tràn lan. Ung thư, một trong những căn bệnh đáng sợ nhất, chính là sự né tránh cái chết của cơ thể, trong khi cái chết đã định sẵn lại chính là tấm giấy thông hành giúp dẫn đến sự sống. Đây là điều nghịch lý trong cuộc chiến trực tiếp giữa sự sống và cái chết. Khái niệm bí ấn về việc chết đi mỗi ngày hóa ra lại là một thực tế rõ ràng nhất của cơ thể.

Điều này có nghĩa rằng chúng ta vô cùng nhạy cảm trước sự cân bằng giữa những sức mạnh tiêu cực và tích cực. Khi sự cân bằng mất đi, cái chết sẽ trở thành một phản ứng tự nhiên. Nietszche đã từng nhận xét rằng con người là sinh vật duy nhất cần được khích lệ để tiếp tục sống. Ông có lẽ không biết rằng đây là một nhận xét hoàn toàn đúng theo nghĩa đen. Các tế bào tiếp nhận những tín hiệu tích cực để yêu cầu duy trì sự sống – các chất được gọi là yếu tố tăng trưởng. Nếu những tín hiệu tích cực này mất đi thì tế bào cũng không còn ý chí để tiếp tục sống. Giống như nụ hôn tử thần, tế bào cũng có thể phái những sứ giả gắn liền với cơ quan cảm nhận bên ngoài để phát đi tín hiệu cho thấy cái chết đã đến – những sứ giả hóa học này thực chất được gọi là “yếu tố kích hoạt cái chết.”

Tôi đã tình cờ gặp một giáo sư ngành y ở Harvard, người vừa phát hiện ra một thực tế vô cùng thú vị. Có một chất có thể khiến tế bào ung thư kích hoạt những mạch máu mới để chúng nhận được thức ăn. Nghiên cứu y khoa đã tập trung vào việc tìm ra giải pháp để ngăn chặn chất này, từ đó cắt đứt nguồn tiếp tế cho các tế bào ác tính và rồi tiêu diệt được chúng. Vị giáo sư đã phát hiện rằng chất đối lập với chất trên gây nên sự ngộ độc máu ở phụ nữ mang thai, một chứng rối loạn nguy hiểm khi các mạch máu cảm thấy “không vui” do phải trải qua cái chết đã được định sẵn của tế bào. Ông nói rằng: “Anh có hiểu điều này nghĩa là gì không? Cơ thể có thể tạo ra những chất với cơ chế hoạt động cân bằng giữa sự sống và cái chết, nhưng khoa học lại hoàn toàn không biết ai là người tạo ra sự cân bằng đó. Mọi bí mật về sức khỏe của chúng ta đều nằm trong khía cạnh này của bản thể, thay vì trong những chất đang được sử dụng, phải vậy không?” Việc nhận thức có thể là thành phần còn thiếu, nhân tố bí ẩn đằng sau tất cả mọi thứ, đã xuất hiện trong suy nghĩ của ông như một sự giác ngộ.

Sự bí ẩn đã gây cản trở cho khoa học, bởi lẽ theo một số tài liệu thì con người sẽ chết vào một thời điểm cụ thể và có thể biết trước thời điểm đó. Tuy nhiên, tôi muốn phân tích chi tiết hơn về khái niệm cho rằng con người chết đi mỗi ngày. Chết đi mỗi ngày là một lựa chọn mà tất cả chúng ta đều bỏ sót. Tôi muốn nhìn thấy bản thân không thay đổi hết ngày này qua ngày khác để có thể duy trì nhân dạng cá nhân. Tôi muốn mình được sống trong cùng một thể xác mỗi ngày, bởi lẽ suy nghĩ cho rằng thể xác liên tục rời bỏ tôi là điều khiến tôi vô cùng đau khổ.

Tuy nhiên, thể xác buộc phải làm điều đó nếu như tôi không phải là một xác ướp di động. Theo thời gian biểu phức tạp của quá trình apoptosis thì tôi được trao một thể xác mới thông qua cơ chế của cái chết. Quá trình diễn ra rất tinh tế đến mức không ai hay biết sự tồn tại của nó. Không ai nhìn thấy đứa bé 2 tuổi đón nhận một cơ thể mới ở độ tuổi lên 3. Mỗi ngày đứa bé đều sở hữu một cơ thể vừa cũ, vừa không cũ. Chỉ có quá trình tái tạo liên tục – một món quà của cái chết – mới giúp đứa bé theo kịp từng giai đoạn của sự phát triển. Điều kỳ diệu ở đây là con người luôn cảm thấy mình không đổi trong quá trình chuyển hoá hình dạng bất tận này.

Khác với cái chết của tế bào, tôi có thể quan sát những ý tưởng của tôi được sinh ra và chết đi. Để thay đổi từ suy nghĩ trẻ con sang suy nghĩ trưởng thành thì tâm trí cần phải chết đi mỗi ngày. Những ý tưởng ấp ủ của tôi chết đi và không bao giờ xuất hiện trở lại; những trải nghiệm tuyệt vời nhất của tôi được tận hưởng bởi chính niềm đam mê của chúng; câu trả lời của tôi dành cho câu hỏi “Tôi là ai” đã hoàn toàn thay đổi từ năm 2 tuổi lên 3 tuổi, từ 3 tuổi lên 4 tuổi, và cứ thế tiếp diễn trong suốt cuộc đời.

Chúng ta hiểu rõ cái chết khi từ bỏ ảo tưởng cho rằng cuộc sống phải được tiếp diễn. Tất cả tự nhiên đều tuân theo một nhịp điệu – vũ trụ đang chết đi với tốc độ ánh sáng, nhưng nó vẫn có cách tạo ra hành tinh này và những sự sống cư ngụ trên đó. Thể xác của chúng ta đang chết đi với nhiều tốc độ khác nhau, bắt đầu với lượng tử ánh sáng kể đến là sự tan rã hóa học, cái chết của tế bào, sự tái tạo mô và cuối cùng là cái chết của toàn bộ cơ thể. Chúng ta đang sợ hãi điều gì?

Tôi nghĩ rằng apoptosis giúp chúng ta không còn sợ hãi. Cái chết của một tế bào không tạo ra sự khác biệt nào với cơ thể. Điều quan trọng ở đây không phải là hành vi mà là kế hoạch – một kế hoạch tổng thể tạo nên sự cân bằng giữa các tín hiệu tích cực và tiêu cực mà mọi tế bào đều đáp lại. Kế hoạch này vượt khỏi phạm vi thời gian, bởi lẽ nó đã hình thành từ thuở thời gian bắt đầu được xây dựng. Kế hoạch này cũng vượt khỏi phạm vi không gian, bởi lẽ nó vừa tồn tại khắp nơi trong cơ thể, vừa không xuất hiện ở bất kỳ đâu – mỗi tế bào khi chết đi đều mang theo kế hoạch này cùng với mình, nhưng kế hoạch này vẫn tiếp tục sống sót.

Trong thực tại duy nhất thì bạn không chấm dứt cuộc tranh luận bằng cách chọn phe - cả hai phe tranh luận đều đúng như nhau. Do đó, tôi chẳng có gì ngần ngại khi kết luận rằng những gì xảy ra sau cái chết là điều vô hình đối với mắt thường và không thể được chứng minh như một sự kiện vật chất. Tôi tự tin khẳng định rằng chúng ta thường không nhớ đến kiếp trước và chỉ có thể sống tốt khi không có kiến thức ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn không hiểu tại sao con người vẫn theo đuổi lối sống duy vật chất sau khi nhìn thấy cơ chế hoạt động của apoptosis. Lập luận chống lại sự sống sau cái chết chỉ có thể đúng nếu bạn phớt lờ mọi phát hiện về tế bào, lượng tử ánh sáng, phân tử, suy nghĩ và toàn bộ cơ thể. Mọi cấp độ tồn tại đều được sinh ra và chết đi theo thời gian biểu riêng, từ chưa đến một phần triệu giây cho đến sự tái sinh của một vũ trụ mới sau nhiều tỉ năm nữa. Niềm hy vọng vượt khỏi phạm trù cái chết bắt nguồn từ lời hứa tái tạo. Nếu bạn đồng hóa với cuộc sống một cách đam mê thay vì đồng hóa với những hình thái hay hiện tượng thoáng qua thì cái chết sẽ chọn đúng vai trò của nó: tác nhân của sự tái tạo. Trong một bài thơ, Tagore đã tự hỏi: “Bạn sẽ cho đi điều gì / Khi nào thần chết gõ cửa nhà bạn?” Câu trả lời của ông cho thấy niềm vui vô tư của người đã vượt khỏi nỗi sợ hãi liên quan đến cái chết:

Sự trọn vẹn trong cuộc sống của tôi –

Ly rượu ngọt ngào trong những ngày mùa thu và những đêm mùa hè,

Kho báu bé nhỏ được tích lũy trong nhiều năm,

Và hàng giờ thú vị với cuộc sống.

Đó sẽ là món quà của tôi

Khi thần chết đến gõ cửa.

-------o0o-------

Tác giả: DEEPAK CHOPRA

Trích: CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG BÍ MẬT

Người dịch: Thế Anh

NXB: Hồng Đức, 2017

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan