TA CÓ THỂ GIÚP NGƯỜI KHÁC ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG THAY ĐỔI KHÔNG MONG MUỐN? - FRANZ METCALF  & BJ GALLAGHER – ĐƯA ĐỨC PHẬT VÀO NƠI LÀM VIỆC

Nhờ vào công việc của mình, chúng ta sẵn sàng giúp người khác làm công việc của chính họ. Chúng ta có thể làm nhiều hơn để giúp đỡ người khác từ tiến trình thay đổi nói trên. Chúng ta là những kẻ hàn gắn vết thương và chia sẻ cuộc hành trình trong cõi vô thường của đời sống thông qua những biến cố, và chúng ta có thể giúp người khác trên cuộc hành trình này.
TA CÓ THỂ GIÚP NGƯỜI KHÁC ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG THAY ĐỔI KHÔNG MONG MUỐN? - FRANZ METCALF  & BJ GALLAGHER – ĐƯA ĐỨC PHẬT VÀO NƠI LÀM VIỆC

TA CÓ THỂ GIÚP NGƯỜI KHÁC ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG THAY ĐỔI KHÔNG MONG MUỐN?

FRANZ METCALF  & BJ GALLAGHER – ĐƯA ĐỨC PHẬT VÀO NƠI LÀM VIỆC

---o0o---

Định tâm phải được thực hành. Một khi thấy, thì phải làm. Nếu không, thì thấy để làm gì?

        Chúng ta phải ý thức những vấn đề thực của thế gian.

Rồi, với sự định tâm, chúng ta biết phải làm gì và không làm gì để giúp đỡ.

Thích Nhất Hạnh

HIỂU ĐƯỢC TIẾN TRÌNH thay đổi là hết sức hữu ích đối với người đang trải qua. Nếu biết rằng có 5 giai đoạn có thể dự đoán về phản ứng xúc cảm, tâm lý trước những thay đổi thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận đau khổ vì chúng ta biết rằng đau khổ sẽ không kéo dài mãi.

        Khi xảy ra sự thay đổi đáng kể trong cuộc đời, giai đoạn đầu tiên trong quy trình phản ứng của chúng ta là bàng hoàng thường chuyển qua chối bỏ. “Không thể như thế được,” chúng ta suy nghĩ. Hoặc “Chuyện này không thể xảy ra với mình.”

        Khi cơn choáng váng đi qua và chúng ta hết phủ nhận, giai đoạn kể tiếp là tức giận, chán nản, oán hận. “Sao họ để xảy ra như thế?” chúng ta than vãn và trách cứ. “Không công bằng!”, “Tôi ghét điều đó!”, chúng ta nói với bất cứ ai muốn nghe.

        Sau khi giận dữ, hoang mang cùng cực, chúng ta bước vào giai đoạn thứ ba của tiến trình thay đổi, đó là cam chịu. Ở giai đoạn này, chúng ta chạm đáy cảm xúc. Chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi với sự chấp nhận buồn bã và có thể trầm uất. Chống chọi là vô ích trong khi thay đổi là chuyện đã rồi và thực sự chẳng làm được gì nữa.

        Nhưng tâm trí vẫn kiên cường. Chúng ta bắt đầu qua giai đoạn thứ tư của tiến trình thay đổi, đó là khám phá và kiểm nghiệm. “Được rồi, có lẽ mình nên thử,” chúng ta tự nhủ. Hoặc “Không biết mình có thể làm được việc này không?” Hoặc là “Điều này có thể không ghê gớm như mình nghĩ.” Chúng ta ngẩng đầu lên và bước những bước dò dẫm. Chúng ta tưởng tượng thấy ánh sáng cuối đường hầm. Khi ánh sáng bừng lên thì cảnh tượng cũng vậy.

        Chúng ta trải qua những bước đi dò dẫm trong thực tế mới đang đối mặt. Chúng ta thử làm vài công việc, tiếp tục cho đến khi đạt được giai đoạn cuối của tiến trình thay đổi, đó là phục hồi. Chúng ta chỉnh đốn lại hiện trạng và hướng đến tương lai. Bằng cách này, chúng ta nhận thức được rằng cuộc đời vẫn tươi đẹp.

        Năm giai đoạn của tiến trình thay đổi đúng cho mọi người, nhưng mỗi người trải qua chúng với nhịp độ riêng. Muốn giúp người khác vượt qua tiến trình này, chúng ta phải khích lệ họ khi họ phát triển qua các giai đoạn biến chuyển có thể dự đoán này.

        Chúng ta phải làm gì để hỗ trợ? Bắt đầu thương cảm: chia sẻ niềm đau nỗi khổ của họ. Đây là điều căn bản. Khi gặp người đau khổ, trước hết phải an ủi họ. Chúng ta chứng kiến và chia sẻ xúc cảm của họ. Rồi đưa lòng trắc ẩn của mình vào tình huống trí tuệ. Chúng ta bảo họ rằng họ không thể mù quáng, sự xúc động của họ là đúng và thường tình, và họ có thể trông cậy vào tiến tình thay đổi như đã được mô tả trên đây.

        Trên nền tảng định tâm, chúng ta biết cách giúp đỡ. Nhờ vào công việc của mình, chúng ta sẵn sàng giúp người khác làm công việc của chính họ. Chúng ta có thể làm nhiều hơn để giúp đỡ người khác từ tiến trình thay đổi nói trên. Chúng ta là những kẻ hàn gắn vết thương và chia sẻ cuộc hành trình trong cõi vô thường của đời sống thông qua những biến cố, và chúng ta có thể giúp người khác trên cuộc hành trình này.

---o0o---

Trích “Đưa Đức Phật vào nơi làm việc”

Tác giả: Franz Metcalf  & BJ Gallagher

Người dịch: Bùi Quang Khải

NXB Hồng Đức, 2016

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan