TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT -Shunryu Suzuki

TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT

-Shunryu Suzuki

 -----o0o-----

Khi nếm mùi chứng ngộ, bạn sẽ hiểu sự vật thoáng hơn. Bạn không quan tâm người ta gọi bạn là gì. Tâm bình thường? Được thôi, tôi là tâm bình thường. Phật? Vâng, tôi là Phật. Làm sao tôi trở thành cả hai Phật và Tâm bình thường? Tôi không biết, nhưng thực sự tôi là Phật và tâm bình thường.
TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT -Shunryu Suzuki

Phật đúng nghĩa không khác tâm bình thường. Và tâm bình thường không thể tách khỏi Thánh. Đây là sự hiểu biết đầy đủ về ngã của chúng ta. Khi chúng ta hành thiền với sự hiểu biết này, đó là tọa thiền chân thật.

Trọng điểm buổi nói chuyện của tôi là cho các bạn vài nâng đỡ để tu tập. Bạn không cần phải nhớ những gì tôi nói. Nếu bạn dính vào đó, dính vào sự nâng đỡ, thì không phải là chính cái cây. Một cái cây, khi nó mạnh, có lẽ vẫn muốn được chống đỡ, nhưng điều quan trọng nhất là chính mình cây, không nạng chống.

Tôi là một cây, và mỗi bạn là một cây. Bạn nên tự đứng lên. Khi một cây tự đứng lên, chúng ta gọi cây đó là một vị Phật. Nói cách khác, khi bạn hành thiền đúng nghĩa, bạn thật sự là Phật. Đôi khi chúng ta gọi nó là “cây”, đôi khi chúng ta gọi nó là “Phật”. “Phật”, “cây” hay “bạn” là nhiều tên của một vị Phật.

Khi bạn ngồi, bạn độc lập với mọi thứ, và bạn liên quan với mọi thứ. Và khi bạn trầm tĩnh trong tu tập, bạn bao gồm mọi thứ. Bạn không chỉ là bạn. Bạn là toàn thế giới hay toàn vũ trụ, và bạn là một vị Phật. Nên khi bạn ngồi, bạn là một người bình thường, và bạn là Phật. Trước khi ngồi, bạn có thể dính vào ý tưởng bạn là tầm thường. Rồi khi bạn ngồi, bạn không giống người trước khi ngồi. Bạn hiểu không?

Bạn có thể nói rằng không thể vừa tầm thường lại vừa thần thánh. Khi bạn nghĩ thế, cái hiểu của bạn thiên lệch. Trong tiếng Nhật, chúng tôi gọi người chỉ hiểu sự vật một bên là “đảm bản hán”, “một người vác bảng trên vai.” Vì bạn mang một tấm bảng lớn trên vai, bạn không thể thấy bên kia. Bạn nghĩ rằng bạn chỉ là một người thường, nhưng nếu bạn bỏ bảng xuống, bạn sẽ hiểu, “Ồ, tôi cũng là Phật nữa. Làm sao tôi có thể vừa là Phật vừa là người thường? Ngạc nhiên chưa!” Đó là chứng ngộ.

Khi nếm mùi chứng ngộ, bạn sẽ hiểu sự vật thoáng hơn. Bạn không quan tâm người ta gọi bạn là gì. Tâm bình thường? Được thôi, tôi là tâm bình thường. Phật? Vâng, tôi là Phật. Làm sao tôi trở thành cả hai Phật và Tâm bình thường? Tôi không biết, nhưng thực sự tôi là Phật và tâm bình thường.

Phật, đúng nghĩa, không khác tâm bình thường. Tâm bình thường không tách khỏi cái gì là thần thánh. Đây là sự hiểu biết trọn vẹn về cái ngã của chúng ta. Khi chúng ta hành thiền với sự hiểu biết này, đó là tọa thiền chân thật. Chúng ta không bị phiền toái bởi bất cứ gì. Bạn nghe gì, bạn thấy gì, cũng tốt cả. Để có cảm nhận này, điều cần thiết là tu tập cho thuần thục. Nếu cứ tu tập, tự nhiên bạn sẽ có sự hiểu biết và cảm nhận này. Nó không chỉ là tri thức. Bạn sẽ có cảm nhận thực sự.

Dù ai đó có thể giải thích Phật giáo là gì, nếu họ không có cảm nhận thực sự, chúng ta không thể gọi họ là một Phật tử thực sự. Chỉ khi cảm nhận này trở thành đặc điểm của cá tính bạn, chúng tôi có thể gọi bạn là một Phật tử. Cách để trở thành đặc điểm bởi sự hiểu biết này là luôn tập trung vào trọng điểm này. Nhiều công án và lời nói nêu lên điểm này. Tâm bình thường hiểu vật theo lối nhị nguyên, nhưng dù chúng ta đang làm những gì thường làm, đó thực sự là hoạt dụng của Phật. Tâm Phật, dụng của Phật, hoạt động của chúng ta không khác.

Ai đó có thể nói rằng “thế này và thế nọ” là tâm Phật, và “như đó và như kia” là tâm bình thường, nhưng không cần giải thích như thế. Khi chúng ta làm gì, chúng ta không thể nói, “Tôi đang làm việc,” vì không có ai độc lập khỏi người khác. Khi tôi nói điều gì, bạn sẽ nghe nó. Tôi không thể làm bất cứ gì một mình, chỉ cho chính mình. Nếu ai đó làm việc, mọi người sẽ đang làm việc. Từng khoảnh khắc một, chúng ta tiếp tục hoạt động của mình, cũng là dụng của Phật. Nhưng bạn không thể nói rằng đó chỉ là dụng của Phật, bởi vì thực sự bạn cũng đang làm việc. Bạn có thể nói “tôi”, nhưng chúng ta không biết “tôi” đó là gì. Bạn cố nói ai đang làm gì, vì bạn muốn tri thức hóa hoạt động của bạn, nhưng trước khi bạn nói, hoạt động thực sự đã hiện diện. Người bạn là, là ở đây.

Hoạt động của chúng ta vừa rộng lớn vừa riêng tư, nên không cần giải thích chúng ta đang làm gì. Chúng ta có thể muốn giải thích nó, nhưng chúng ta không nên thấy khó khăn nếu chúng ta không thể, vì nó không thể hiểu được. Thực ra, bạn ở đây, ngay đây, vì trước khi bạn hiểu chính mình, bạn là bạn. Sau khi bạn giải thích, bạn không thực sự là bạn nữa. Bạn chỉ có một hình ảnh. Nhưng thường bạn sẽ dính vào hình ảnh không phải bạn, và bạn sẽ bỏ qua thực tại. Như thiền sư Đạo Nguyên nói, “Loài người chúng ta dính mắc vào cái không thật và quên tất cả cái chân thật.” Đó thực là những gì chúng ta làm. Nếu bạn nhận ra điểm này, bạn sẽ có sự trầm tĩnh hoàn hảo, và bạn có thể tin chính bạn. Bất cứ gì xảy ra với bạn, không thành vấn đề. Bạn tin chính bạn, và đây không phải là sự tin tưởng bình thường vào cái không thật.

Khi bạn có thể ngồi mà không có hình ảnh hay tiếng động nào, với một tâm rộng mở, đó là tu tập chân thật. Khi bạn làm vậy được, bạn thoát khỏi mọi sự. Tuy nhiên, cũng tốt để bạn hưởng cuộc sống từng khoảnh khắc một, vì bạn không hưởng cuộc sống như cái gì chắc chắn và vĩnh cửu. Cuộc sống của chúng ta ngắn ngủi, và đồng thời, mỗi khoảnh khắc chứa đựng cả quá khứ và vị lai của riêng nó. Theo lối này, cuộc sống ngắn ngủi và cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta sẽ tiếp tục. Đây là cách chúng ta thực sự hướng dẫn đời sống hằng ngày của mình, cách chúng ta thụ hưởng cuộc sống hằng ngày, và cách chúng ta thoát khỏi mọi khó khăn.

Tôi nằm bệnh một thời gian dài, và tôi nghĩ về những điều này, tôi chỉ hành thiền trên giường. Tôi nên thích thú ở trên giường. (Cười) Đôi khi khó khăn, nhưng tôi tự cười mình, “Tại sao khó khăn thế?

Tại sao bạn không thích thú với những khó khăn của bạn?”.

Tôi nghĩ, đó là sự tu tập của chúng ta.

Cám ơn các bạn rất nhiều.

-----o0o-----

Trích: Không Hẳn Luôn Như Thế

Thiền Viện Viên Chiếu dịch, 2011

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan