THAM ÁI LÀ NGUỒN CƠN CỦA SỰ ĐAU KHỔ - VÌ SAO PHẬT GIÁO GIÀU CHÂN LÝ - ROBERT WRIGHT

THAM ÁI LÀ NGUỒN CƠN CỦA SỰ ĐAU KHỔ

VÌ SAO PHẬT GIÁO GIÀU CHÂN LÝ - ROBERT WRIGHT (Sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn)

Người dịch: Du Lê

---o0o---

Trong cuốn sách Analytical Buddhism (tạm dịch: Phật giáo phân tích), Albahari trình bày một lập luận mang chúng ta trở lại với bài giảng đầu tiên của Đức Phật sau khi Ngài giác ngộ, Bài giảng tại vườn Lộc Uyển nổi tiếng. Tại đây, Đức Phật đưa ra Tứ diệu đế, qua đó giải thích nguồn cơn của dukkha - sự đau khổ, hay sự bất như ý – và phương thuốc chữa lành. Ngài nói rằng nguyên nhân...
THAM ÁI LÀ NGUỒN CƠN CỦA SỰ ĐAU KHỔ - VÌ SAO PHẬT GIÁO GIÀU CHÂN LÝ - ROBERT WRIGHT

Trong cuốn sách Analytical Buddhism (tạm dịch: Phật giáo phân tích), Albahari trình bày một lập luận mang chúng ta trở lại với bài giảng đầu tiên của Đức Phật sau khi Ngài giác ngộ, Bài giảng tại vườn Lộc Uyển nổi tiếng. Tại đây, Đức Phật đưa ra Tứ diệu đế, qua đó giải thích nguồn cơn của dukkha - sự đau khổ, hay sự bất như ý – và phương thuốc chữa lành. Ngài nói rằng nguyên nhân cơ bản của dukkha là tanha, từ thường được dịch thành “thèm khát”, “khát khao”, “ham muốn”, hay “tham ái”. Cụ thể hơn, vấn đề nằm ở tính chất không thể thỏa mãn của tham ái, ở thực tế rằng việc đạt được ham muốn khiến ta luôn không thấy hài lòng mong muốn có thêm cùng một thứ gì đó hoặc khao khát thứ mới mẻ.

Albahari cho rằng tham ái gắn chặt với cảm giác về bản ngã và rằng chuyện vượt qua được tham ái cũng gán chặt với trải nghiệm vô ngã. Bà không chỉ nói về phiên bản nội tại của trải nghiệm vô ngã – bà không chỉ nói rằng nếu bạn không nghĩ đến một ham muốn cụ thể rồi từ bỏ nó, như thế một phần bản ngã của bạn sẽ biến mất. Bà khẳng định tham ái có liên hệ sâu với cảm giác bản ngã bị giới hạn của bạn; tham ái duy trì và tăng cường sức mạnh cho cảm giác bản ngã bị giới hạn sẽ yếu đi trong trải nghiệm vô ngã ngoại tại.

Sau cùng, Albahari nói nếu bạn thèm muốn thứ gì đó - sô-cô-la nóng chẳng hạn - vậy bạn sẽ đau đớn nhận ra khoảng cách giữa bản thân với món sô-cô-la ấy. Điều này có nghĩa là bạn có một nhận thức về các giới hạn của bản ngã trong mình. Thật vậy, khi tôi ngồi đây nghĩ ngợi về cơn thèm muốn bị dập tắt kia, tôi thật sự tưởng tượng thấy một số giới hạn – tôi hình dung bề mặt của bàn tay mình đang tiếp xúc với tách sô-cô-la, còn bề mặt lưỡi thì chạm vào chính món sô-cô-la.

Để nhìn trọn vẹn lập luận cởi mở của Albahari, bạn phải hiểu rằng cũng như nhiều học giả khác, bà xem tham ái không chỉ bao gồm khao khát dành cho những thứ mà bạn yêu thích - tình dục, sô-cô-la, một chiếc xe mới, một chiếc xe mới hơn; nó còn bao gồm khát khao thoát ra khỏi những gì khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Nói cách khác, tham ái kích thích không chỉ sức hấp dẫn với những gì quyến rũ mà còn kích thích cả ác cảm với những thứ gây khó chịu. Theo quan điểm này, nỗi bực tức của tôi trước tiếng ngáy trong thiền đường chính là tham ái. Đó là một ham muốn được thoát khỏi tiếng ngáy ồn ào.

Albahari nói rằng nếu bạn mong muốn thoát khỏi điều gì đó, vậy bạn đang giữ trong tâm trí mục tiêu tạo ra thêm khoảng cách giữa chính mình với nó (nếu như bạn không chọn cách thẳng thừng hơn là ném đệm ngồi thiền vào kẻ đang ngáy đó). Và ý muốn tạo ra khoảng cách giữa bản thân bạn với thứ ấy đồng nghĩa với việc có một ý tưởng về điểm cuối của bản ngã. Nếu cố tìm cách né cú lao tới của rắn chuông, bạn sẽ có một ý niệm rất chính xác về không gian mà bạn không muốn con rắn chạm đến – không gian đó kết thúc khi con rắn chạm đến làn da của bạn.

Vì thế theo cách này hay cách khác, dù tham ái có đang lèo lái sức hấp dẫn hay ác cảm hay không, nó cũng dẫn đến việc định rõ ranh giới của bản ngã. Như Albahari đã viết, các cảm xúc bao gồm tham ái “dường như vạch ra, như một phần nội dung của chúng, ranh giới ngầm giữa một mặt là bản ngã như-đã-được-nhận-biết và mặt khác là viễn cảnh được khao khát hoặc không được mong chờ, vì nó do chính chủ thể đang chứng kiến nhận thức hay tưởng tượng ra”. Bởi vậy, tham ái “sẽ không những chỉ ra mà còn giúp tạo dựng và điều khiển cảm giác bản ngã bị giới hạn”. Và ngược lại. càng cảm thấy tình trạng bị hạn chế ấy một cách rõ ràng và sâu sắc, bạn sẽ càng nghiêng theo xu hướng gia tăng tham ái. “Vì trừ phi tôi hoàn toàn nhận biết như một bản ngã, làm sao tôi có thể đặc biệt quan tâm chuyện liệu các ham muốn “của tôi” có được thỏa mãn hay không?”.

Tới đây, bạn có thể hỏi đâu mới là mối liên quan của tất cả những điều này với việc đập tan cơn tức tối trong tôi dành cho anh chàng đang ngáy kia? Tôi lẽ ra đã hỏi cùng một câu ấy, nếu như tôi không xem lại những điểm tôi từng ghi chú ngay sau cú đập tan ấy. Hóa ra phiên bản của tình tiết mà tôi vừa kể lại không đầy đủ. Đó là phiên bản tôi viết ra dựa vào trí nhớ, và nó bỏ sót vài chi tiết quan trọng.

Trước hết, ngay trước buổi thiền đó, có một buổi nói chuyện ngắn của Narayan một trong hai người đứng đầu của khóa thiền. Chủ đề của bà là sự chấp nhận – học cách chấp nhận những điều kiện mà bạn có chiều hướng cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, sau khi tốn chút ít thời gian để nhận ra tiếng ngáy gây khó chịu, tôi quyết thực hành theo những gì Narayan đã dạy và cách khắc phục ác cảm của tôi đối với tiếng ngáy. Dĩ nhiên, điều này đồng nghĩa với chuyện quan sát ác cảm ấy một cách tỉnh thức. Khi đưa nó vào phần ghi chú cùng ngày hôm đó, tôi cố gắng “cảm nhận ác cảm và cơn tức giận của mình (điều mà tôi chắc chắn có thể cảm nhận và định vị) theo một cách trung lập”. Sau đó, “cơ bản là cảm giác ấy cứ thế tan biến” khi tôi chấp nhận tiếng ngáy.

Do đó, quả thật có hai cảm giác cuốn vào nhau mà tôi đã tỉnh giác quan sát ra được: nỗi tức giận dành cho kẻ ngày cùng mối ác cảm đối với tiếng ngáy của anh ta. Và khi bạn vượt qua được ác cảm, theo logic của Albahari, chuyện tiếp cận phiên bản ngoại tại của trải nghiệm vô ngã sẽ trọn vẹn hơn và trực tiếp hơn so với lúc bạn chỉ chiến thắng cơn tức giận. Bạn đang làm nhạt đi tâm tham ái vốn ưa củng cố các ranh giới của bản ngã.

Động lực này được nhận thấy rõ ràng trong đoạn cuối cùng từ phần ghi chú của tôi: Khi tôi quan sát ác cảm lẫn cơn tức giận của mình, rồi những cảm giác ấy mất đi sức mạnh, “có một lúc tôi mường tượng cảm giác trong bụng tôi và tiếng ngáy của anh chàng kia như một dạng hệ thống hay cơ chế đơn lẻ, được hợp nhất với nhau nhờ đối thoại”. Nói cách khác, tôi đã tập trung vào dòng âm thanh liên tiếp phát ra từ mũi của anh ta, tiến vào não của tôi và gợi lên ác cảm cũng như nỗi tức giận. Trong một khoảnh khắc, kẻ gây rối và người bị làm phiền không còn là hai thực thể riêng biệt cứng nhắc – một anh ta và một tôi. Các ranh giới của tôi trở nên yếu hơn khi sức mạnh của tham ái – của ác cảm trong tôi với tiếng ngáy – giảm đi.

Do vậy quan điểm của Miri Albahari về bản ngã, cũng như về kết nối của bản ngã với tâm tham ái, có một hiệu quả rất đáng hoan nghênh: nó khiến tôi có vẻ giống với một thiền giả hơn. Cú đập tan cơn tức giận của tôi không chỉ bao gồm trong đó một ít trải nghiệm vô ngã nội tại, theo nghĩa tôi đã từ bỏ cơn tức giận lúc tôi hạ gục nó; mà trong khi tìm cách vượt qua tâm tham ái đã châm ngòi cho cơn tức giận, tôi còn nhận ra một phần nhỏ thuộc phiên bản ngoại tại khó nắm bắt hơn của trải nghiệm vô ngã. Và phần ngoại tại của trải nghiệm ấy, cũng như phần nội tại, có vẻ trong chốc lát đã biến tôi thành một con người tốt đẹp hơn.

---o0o---

Trích: Vì Sao Phật Giáo Giàu Chân Lý (Tác phẩm bán chạy nhất do New York Times bình chọn)

Tác giả: Robert Wright

Dịch: Du Lê

NXB Thế Giới

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan