TINH TÚY TÂM - TULKU URGYEN RINPOCHE - AS IT IS

TINH TÚY TÂM

Tác giả: TULKU URGYEN RINPOCHE

Trích từ nguyên tác AS IT IS (những bài pháp trong 2 năm cuối cùng 1994, 1995)

BBT Tại đây và Bây giờ chuyển Việt ngữ.

----0O0----

Nếu bạn chỉ cần nhận ra tinh túy tâm của mình, bạn sẽ ngay lập tức đối mặt với ba thân. Nó đơn giản đến mức thực sự dễ dàng không ngờ. Không có cách nào bạn có thể bỏ lỡ nó. Vấn đề, trên thực tế, là nó quá dễ dàng! Nó quá gần với bản thân mình. Một số bậc thầy vĩ đại đã nói rằng sự sai lầm không nằm ở chỗ nó phức tạp, mà là nó quá đơn giản. Người ta không tin...
TINH TÚY TÂM - TULKU URGYEN RINPOCHE - AS IT IS

Đạo sư Tulku Urgyen Rinpoche sinh tại miền Đông Tây Tạng vào ngày 10 tháng 4 theo Tạng lịch năm 1920. Ngài được xác nhận bởi Đức Pháp Vương Gyalwang Karmapa đời thứ 15, ngài là Hóa thân của Đức Chöwang Tulku và Nubchen Sangye Yeshe, đệ tử tâm truyền của Đức Liên Hoa Sanh. Đạo sư Chowang đời thứ nhất là một trong Năm Khai Mật Tạng Vương, vị khai phá các bản văn bí mật được cất giấu bởi Đạo sư Liên Hoa Sinh vì lợi ích của các thế hệ sau.

Tu viện chính của Tulku Urgyen Rinpoche là Lachab Gompa ở Nangchen, miền Đông  Tây Tạng. Tại đây, Ngài nghiên cứu và thực hành giáo lý của cả hai trường phái Phật Giáo Tây Tạng Kagyu và Nyingma. Trong các trường phái Kagyu lớn, dòng dõi của Ngài là những vị hộ trì chính của Dòng truyền thừa Barom Kagyu.

Trong truyền thống Nyingma, Đức Tulku Urgyen nắm giữ toàn bộ giáo lý của ba bậc Thầy tâm linh vĩ đại thế kỷ 19 là Đức Terchen Chokgyur Lingpa, Jamyang Khyentse Wangpo và Kongtrul Lodro Thaye. Ngài sở hữu một trao truyền đặc biệt gần gũi dành cho các Kho tàng mới đã được tái khám phá bởi cụ của Ngài, Đức Terchen Chokgyur Lingpa. Đây là tuyển tập các  giáo lý, quán đảnh, trao truyền đọc và giáo huấn khẩu truyền bởi Đức Liên Hoa Sinh. Rinpoche đã trao truyền truyền thống quý báu này cho các nhiếp chính của dòng truyền thừa Karma Kagyu cũng như  nhiều vị tulku, tu sĩ và cư sĩ khác của học viện.

Học viên: Làm thế nào để không bị xao lãng trong thực hành này?

Rinpoche: Khi bị xao lãng, điều tốt nhất cần làm là chỉ đơn thuần nhận biết bản tánh của bạn. Vào khoảnh khắc đó, chúng ta không nhìn vào một cái gì cụ thể hết cả. Có một sự hiểu biết ngay lập tức rằng bản tánh là trống không. Có một cái gì đó nhận biết rằng tâm là trống không, và phẩm tính rõ biết này là bất khả phân với sự trống không tự chính nó.

Vào khoảnh khắc này có một một thực tế là bạn không cần phải làm bất kỳ điều gì thêm nữa. Chỉ cần thư giãn trong tánh tự nhiên cho tới một thời điểm nhất định nào đó thì bạn quên mất và nó sẽ trượt đi. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải thúc ép bản thân để liên tục nhận ra tinh túy tâm. Nó giống như bật một chiếc đèn trong phòng: bạn nhấn công tắc một lần và đèn sẽ bật để chiếu sáng cả căn phòng.

Để mức độ sáng và ánh sáng đó được duy trì, bạn không cần phải làm gì cả. Nếu bạn lại dùng một tay khác để tiếp tục nhấn công tắc, một điều gì đó sẽ bị nhiễu loạn. Nếu để thấy tinh túy tâm, bạn liên tục nói, "Tôi muốn thấy nó, tôi muốn thấy nó, tôi muốn thấy nó", điều đó trở thành một hành động ý niệm có chủ đích. Thay vì thế, hãy chỉ để như vậy, giống như chỉ để cho ánh sáng chiếu rọi. Tại thời điểm đó, bạn không cần phải sử dụng bất kỳ kỹ thuật nào khác. Đây được gọi là ‘tánh tự nhiên mà không cần kỹ thuật’. Chúng ta không cần phải cố gắng giữ gìn tinh túy tâm. Nó được thấy mà không cần điều kiện hóa hay quy định.

Tâm là trống không, chúng ta không phải làm cho nó trống không. Không có điều gì còn bị bỏ sót hay chưa hoàn thiện ở điểm này. Chúng ta thường hiểu trống không có nghĩa là “không có gì cả”. Nếu bạn bước vào một căn phòng trống rỗng, thì không có gì trong căn phòng đó. Tâm cũng giống như căn phòng trống đó; thực ra, nó không phải là một đối tượng của việc nhìn, nghe, ngửi, nếm hay xúc chạm. Trong khoảnh khắc của sự nhận biết, chúng ta thấy điều đó ngay lập tức một cách trực tiếp. “Được thấy ngay trong lúc tìm kiếm, được giải thoát ngay trong khoảnh khắc nhìn.”

Đừng bám chấp vào ý niệm rằng tâm là trống không. Việc bám nắm vào một ý niệm “Bây giờ nó là trống không; bây giờ nó trống không” là một cấu trúc khái niệm mà chúng ta bám giữ trong tâm. Điều đó là không cần thiết. Vào khoảnh khắc nhận ra, bạn thấy rằng tâm là trống không. Vào thời điểm đó, hãy để nó tự nhiên như nó vốn là, mà không cần áp dụng bất kỳ kỹ thuật nào. Đó chính là tánh tự nhiên không cần kỹ thuật. Điều đó sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn.

Sau đó, sự chú ý của bạn sẽ đi lạc, và đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng sự chú ý của bạn đã bị đi lạc. Tâm của chúng ta không hoàn toàn vượt ra khỏi chúng ta—chúng ta biết khi nào mình bị xao lãng. Chỉ cần nhận ra cái gì đã bị xao lãng. Một lần nữa, ngay khoảnh khắc bạn làm như vậy, bạn thấy rằng không có gì để thấy; và vào khoảnh khắc thấy rằng không có gì để thấy, đó chính là sự giải thoát khỏi tư tưởng. Và một lần nữa để thả nó trong tánh tự nhiên không tạo tác trong một khoảng thời gian ngắn. Tâm của tất cả mọi chúng sinh hữu tình là trống không, đó không phải là một điều gì mà chúng ta phải tạo tác ra.

Khi một tư tưởng máy động, chỉ cần nhận biết người tư tưởng. Sau đó, tư tưởng liền tan biến. Bất kể tư tưởng đó là về cái gì, thì suy nghĩ và người suy nghĩ đều trống không. Một tư tưởng trong tự thân nó không được tạo thành bởi bất kỳ chất thể nào; nó chỉ là một chuyển động của tư tưởng trống không.

Bằng việc nhận biết tinh túy trống không của một tư tưởng, nó sẽ biến mất như thể một bong bóng tan trong nước. Đó là cách để giải quyết với bất kỳ một tư tưởng cụ thể nào đang hiện tiền. Một khi bạn đã biết cách để cho tư tưởng hiện tiền tan biến, thì bất cứ tư tưởng tiếp theo nào cũng có thể được xử lý chính xác theo cùng một cách. Nhưng nếu chúng ta tham gia vào tư tưởng, suy nghĩ về những tư tưởng đang xuất hiện, và tiếp tục điều đó, thì sẽ không bao giờ có hồi kết.

Chính suy nghĩ của chúng ta thúc đẩy hay ép buộc chúng ta đi vào trong vòng luân hồi sanh tử. Chừng nào mà chúng ta còn vướng mắc vào suy nghĩ riêng của mình, luân hồi sinh tử còn chưa chấm dứt.

Mặt khác, bất kỳ tư tưởng nào cũng đều là một tư tưởng trống không, trong ý nghĩa rằng nó không có bản chất cụ thể và cố định nào. Rất dễ để nhận ra điều này, bởi vì ngay khoảnh khắc bạn nhận ra tinh túy tâm, tư tưởng sẽ tan biến ngay tại đó. Tư tưởng đó sẽ tan biến vào tinh túy trống không của bạn, vào trong bản tánh nền tảng của bạn là tánh Không. Không còn lại bất cứ dấu vết nào. Đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Khi nhận biết tinh túy tâm của bạn, tư tưởng đó sẽ được giải thoát ngay tại chỗ; nó sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ.

Luân hồi được tạo ra khi chúng ta để cho tâm mình hướng ra bên ngoài qua năm giác quan. Chúng ta tập trung trên một đối tượng qua đôi mắt chúng ta, qua đôi tai, hay là mũi, và tạo ra những tư tưởng và cảm xúc về đối tượng này.

Dường như chúng ta có những thức khác nhau thông qua các giác quan khác nhau, nhưng thực ra chỉ có một tâm luân phiên nắm bắt các đối tượng thông qua các giác quan khác nhau. Một ví dụ truyền thống cho điều này là một con khỉ trong một căn phòng trống có năm cửa sổ, nó không ngừng nhảy xung quanh và nhìn ra ngoài qua từng cửa sổ một. Một người quan sát bên ngoài có thể nghĩ rằng có nhiều con khỉ trong căn phòng đó, nhưng sự thật là chỉ có một con.

Nếu bạn bắt được con khỉ đó và trói nó lại, sẽ không còn con khỉ nào nhảy xung quanh nữa. Nói cách khác, phương cách để bắt con khỉ là hãy làm tan biến đi tư tưởng và ý niệm.

Một ví dụ khác là một chiếc lò sưởi ở giữa nhà, với khói bốc ra qua tất cả mọi lỗ hổng. Nếu bạn đổ một xô nước vào giữa lò, ngọn lửa sẽ tắt và khói cũng đồng thời biến mất theo mọi hướng. ‘Khói’ là một ví dụ về sự biểu hiện của tinh túy tâm, cũng giống như những tư tưởng là sự biểu hiện của pháp thân. Chúng không phải là bản thân pháp thân, nhưng chúng là sự biểu lộ của bản tánh nền tảng của chúng ta. Cũng giống như bản tánh nền tảng của chúng ta, sự biểu lộ này không có bản chất cụ thể cố định nào.

Giáo lý cốt tủy không bao giờ chỉ là nhận biết tâm nhị nguyên. Đó là những gì mà tất cả chúng sinh đang làm trong mọi lúc—nhận ra những cảm xúc và tư tưởng của họ, rồi hành động theo chúng. Chỉ dẫn cho thiền định không phải là duy trì điều đó; nó không chỉ đơn thuần là nhận biết tâm nhị nguyên, suy nghĩ nhị nguyên. Thay vào đó, nó là nhận biết tinh túy của tâm này. Đó là sự khác biệt quan trọng. Bị cuốn vào những tư tưởng của mình và hành động theo những cảm xúc là nguyên nhân của vòng luân hồi bất tận. Đây chính là việc bị cuốn vào sự biểu hiện mà không biết bản tánh của chính nó.

Bạn có thể đã nghe câu nói nổi tiếng này của những vị Trì giữ Kim Cương của dòng truyền thừa Kagyü: “Tinh túy tâm nội tại vốn sẵn là pháp thân; kinh nghiệm nội tại là ánh hào quang của pháp thân.” Những kinh nghiệm và tư tưởng không phải là bản thân pháp thân, giống như khói từ ngọn lửa không phải là ngọn lửa, mà là sự biểu hiện hoặc sự biểu lộ của ngọn lửa. Mải mê chú ý đến khói, bạn quên đi mất chính ngọn lửa. Nguyên lý trong thực hành ở đây là không bận tâm đến khói, nghĩa là nhận ra tinh túy và không bị cuốn vào sự biểu hiện. Hãy nhận biết rằng biểu hiện này không đến từ bất kỳ nơi nào khác ngoài chính tự thân tinh túy tâm.

Bị cuốn vào suy nghĩ, chúng ta tập trung vào cái giả dối, cái không thật. Nhưng cái thật, sự bất khả phân của ba thân, đã tự nhiên hiện tiền như bản tánh của chính chúng ta. Sự lựa chọn chỉ nằm ở việc: không nhận ra, đó là luân hồi; hoặc nhận ra, thì đó tức là niết bàn. Nếu bạn không nhận ra bản tánh của tâm, bạn lại lạc vào ba cõi luân hồi. Nhận ra sự tỉnh biết tự hiện hữu chính là bản tánh của niết bàn. Ngay tại khoảnh khắc của sự nhận biết đó, không có gì bị che giấu theo bất kỳ cách nào hết cả—bản tánh của bạn được phơi bày hoàn toàn.

Câu nói rằng ‘không nhận ra là luân hồi’ có nghĩa là ngay khi bạn liên kết tâm mình với một đối tượng của kinh nghiệm nào đó, phản ứng tức thời sẽ là một trong ba độc. Hoặc là bạn thích một thứ gì đó, hoặc là bạn không thích nó, hoặc là bạn thờ ơ trung lập. Bị cuốn vào ba cảm xúc này, người ta vẫn có thể tuyên bố, “Tôi không tạo ra nghiệp xấu nào cả.” Nhưng làm sao có thể có bất kỳ nghiệp xấu nào ngoài ba độc? Ba độc chính xác là thứ tạo ra ba cõi luân hồi. Sự tham chấp tạo ra cõi dục giới. Sự ghét bỏ tạo ra cõi sắc giới. Sự thờ ơ trung lập tạo ra cõi vô sắc giới. Không nhận ra tinh túy của chính mình và bị cuốn vào ba độc sẽ không có gì được duy trì ngoài ba cõi luân hồi. Điều đó là không thể tránh khỏi.

Nếu bạn chỉ cần nhận ra tinh túy tâm của mình, bạn sẽ ngay lập tức đối mặt với ba thân. Nó đơn giản đến mức thực sự dễ dàng không ngờ. Không có cách nào bạn có thể bỏ lỡ nó. Vấn đề, trên thực tế, là nó quá dễ dàng! Nó quá gần với bản thân mình. Một số bậc thầy vĩ đại đã nói rằng sự sai lầm không nằm ở chỗ nó phức tạp, mà là nó quá đơn giản. Người ta không tin vào nó. Họ nghĩ rằng, “Đây chỉ là trạng thái tỉnh biết hiện tiền của tôi, vậy thì nó có ích gì? Nó không có gì đặc biệt. Tôi muốn một cái gì đó đáng kinh ngạc, một cái gì đó hoàn toàn khác biệt. Một cái gì đó vượt trội hơn nhiều so với trạng thái tỉnh biết hiện tiền này. Một cái gì đó với ánh sáng tuyệt diệu và sự lộng lẫy lớn lao”.

Và họ phớt lờ đi trạng thái tâm tự nhiên hiện tiền của mình và hy vọng rằng một điều gì đó phi thường sẽ xảy ra, có thể là từ trên cao giáng xuống. Họ đúng ở điểm rằng: trạng thái hiện tiền này không có gì đặc biệt. Nhưng bằng cách ngồi xuống và hy vọng như vậy, họ quay lưng lại với ba thân bẩm sinh của mình. Mặt khác, nếu bạn nhận ra bản tâm của chính mình, ngay trong khoảnh khắc nhìn thấy, đó là sự tự do. Bạn được giải thoát khỏi sự dính mắc của tư tưởng vào thời điểm đó. Bản thân điều đó là tinh túy của niết bàn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta phớt lờ đi sự thật đó và theo đuổi một điều gì đó khác - một loại trạng thái thay đổi mà chúng ta tin là cao hơn bản tánh hiện tiền của tâm - thì sẽ rất khó để có thể tìm thấy tâm Phật.

 

Ngay bây giờ, sự khác biệt giữa luân hồi sinh tử và niết bàn nằm ở việc nhận ra hay không nhận ra tinh túy tâm, điều đó phải rõ ràng. Khoảnh khắc bạn nhận ra bản tánh của tâm, sự dính mắc của tư tưởng ở thời điểm đó tan biến, hoàn toàn biến mất mà không để lại dấu vết. Bạn được để lại trần trụi với ba thân trong thực chất. Điều đó không phải là chúng ta cần tạo ra ba thân hay đạt được chúng. Bạn chỉ cần nhận ra cái gì đã sẵn có ở đó. Mặt khác, nếu bạn bị cuốn vào trong những tư tưởng, sinh tử luân hồi sẽ tiếp diễn vô tận. Trong khoảnh khắc của suy nghĩ, hãy nhận ra gốc rễ của cái đang suy nghĩ, và những tư tưởng sẽ tan biến. Điều đó thật dễ dàng.

 

Nhận biết không phải là vấn đề. Bất cứ ai được hướng dẫn để nhận biết tinh túy tâm của họ cũng sẽ thấy rằng nó là “không gì cả”; họ có thể nhận diện tinh túy tâm. Vấn đề nằm ở những tập khí của chúng ta từ vô số đời quá khứ. Chỉ vì chúng ta nhận biết một lần không có nghĩa là sự nhận biết đó sẽ tiếp tục an trụ. Không có sự an trụ ổn định ở đó, nó lại tiếp tục trượt đi. Chúng ta có thói quen xấu hoặc khuôn mẫu tiêu cực là luôn nắm bắt những đối tượng.

Trong rất nhiều kiếp sống, kiếp này qua kiếp khác cũng như trong các trung ấm, chúng ta đã củng cố thói quen nhìn ra xa khỏi bản tánh của tâm. Chúng ta cứ tiếp tục tạo ra luân hồi sinh tử, hết lần này tới lần khác. Mỗi lần bạn bị cuốn vào trở lại, sự tu tập chỉ đơn giản là nhận biết và giải trừ tư tưởng.

 

Chúng ta có thói quen hướng suy nghĩ ra ngoài, chỉ tập trung svào các đối tượng bên ngoài, đó là thứ thúc đẩy chúng ta ngày và đêm, đời này qua đời khác, và trong trạng thái trung ấm ở giữa. Chúng ta cũng có thói quen này trong trạng thái mơ: cơ thể chúng ta chạy xung quanh và làm những việc trong các giấc mơ của mình, mặc dù nó không phải là một cơ thể thực sự, mà là một cơ thể được tạo ra từ những khuynh hướng thói quen. Trong những giấc mơ, chúng ta trải nghiệm mất và được, những kẻ thù và bè bạn, và đủ loại khoái lạc, khổ đau, v.v. Nhưng tại thời điểm chúng ta thức dậy, tất cả những thực thể này ở đâu? Chúng biến mất không một dấu vết, không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào cả. Trạng thái mơ được tạo ra bởi chính những tư tưởng riêng tư của chúng ta. Tương tự như vậy, trong trạng thái thức, những tư tưởng tương tự này tạo ra toàn bộ vở kịch của cuộc đời.

 

Trong trạng thái trung ấm, không có thân xác vật lý, nhưng do thói quen, chúng ta vẫn tin rằng mình có một thân xác vật lý với năm giác quan. Dĩ nhiên không có thân xác thực ở đây, thân xác vật lý này chắc chắn không trải qua trung ấm. Nó cũng không đi đến cõi địa ngục, cõi Phật, v.v. Thân xác hiện tại của chúng ta chỉ là một nơi trú ngụ tạm thời, giống như một khách sạn.

Cái con người đang sống trong khách sạn này ngay bây giờ là tâm. Chính tâm này, chứ không phải cơ thể, sẽ kinh nghiệm tất cả những tác động khác nhau của những hành động nghiệp báo. Cơ thể này sẽ không cảm thấy gì cả, bởi vì ngay khi nó chết, nó mất—không có gì ở đó. Nhưng tâm vẫn tiếp tục trong những khuôn mẫu này, và nó sẽ tiếp tục kinh nghiệm. Tuy nhiên, tất cả những kinh nghiệm này không thực hơn giấc mơ mà bạn đã có đêm qua. Đó là suy nghĩ như mộng tiếp tục kinh nghiệm các cõi địa ngục, chỉ là nhiều suy nghĩ hơn. Cõi trung ấm cũng chỉ là nhiều suy nghĩ hơn. Và khi cuối cùng, chúng ta bước vào một cơ thể vật lý mới vào lúc kết thúc của trung ấm, rồi lại nhiều suy nghĩ hơn nữa, ngày này qua ngày khác, kiếp này qua kiếp khác.

Trừ khi chúng ta chấm dứt suy nghĩ này bằng cách làm tiêu tan nó, luân hồi sẽ không tự chấm dứt. Nó sẽ tiếp diễn mãi mãi, như nó đã từng xuyên qua vô lượng kiếp từ vô thủy cho đến bây giờ. Trong khi đó, tinh túy của sự giác ngộ, trạng thái hoàn toàn giác ngộ, vẫn luôn ở bên chúng ta; nó chưa bao giờ tách rời khỏi chúng ta dù chỉ một khoảnh khắc. Ngay khi bạn nhận ra bản tánh của mình, bạn đối mặt với ba thân. Ba thân này, vốn có trong Phật tánh của chúng ta, chưa bao giờ bị mất đi ở bất kỳ thời điểm nào.

 

Đức Phật thấy rằng tất cả chúng sinh đều đang mơ: họ đang mơ sáu cõi, họ đang mơ bốn loại tái sinh, họ đang mơ tất cả những niềm vui và nỗi buồn của họ. Khi chúng ta ở các địa Bồ tát, chúng ta sắp thức dậy khỏi giấc mơ. Chỉ có Đức Phật toàn giác mới hoàn toàn tỉnh thức.

Chư Phật thấy rằng chúng sinh là vô minh. Giấc ngủ chỉ là một phần thứ yếu của sự vô minh; sự ngu tối thực sự là không nhận biết trí huệ tỉnh thức của chính mình. Việc đầu tiên của tất cả sự tu tập Phật giáo là nhận ra bản tánh nền tảng này, sau đó tiến tu trong sức mạnh của sự nhận biết và cuối cùng đạt được sự an trú ổn định hoàn toàn. Đó là cách duy nhất để thức tỉnh khỏi trạng thái mơ này.

 

Chúng ta cần xóa sạch suy nghĩ mê lầm này, và không có vật chất nào trên thế gian này có thể làm được điều đó. Cách duy nhất là nhận ra sự không có bản chất của người suy nghĩ và kinh nghiệm ba thân bất khả phân. Không có con đường nào khác.

Không có loại thuốc nào, thậm chí là thuốc gây mê mạnh nhất, có thể xóa bỏ hoàn toàn suy nghĩ mê lầm; nó chỉ khiến suy nghĩ tạm dừng, khiến nó dừng lại tạm thời. Ngay khi thuốc gây mê hết tác dụng, suy nghĩ lại bắt đầu trở lại. Thuốc cũng ngăn chặn các phẩm tính giác ngộ của sự tỉnh biết nguyên thủy, và các phẩm tính trí huệ. Dưới ảnh hưởng của chúng, không có trí huệ để thấy bản tánh như nó là, và không có phẩm tính để thấy tất cả những gì tồn tại.

Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn bị che khuất bởi sự không chánh niệm. Làm cho bản thân thất niệm và quên lãng không phải là giải pháp. Một loại thuốc gây mê kéo dài mãi mãi chắc chắn sẽ xóa bỏ mọi trạng thái có điều kiện của khoái lạc, đau đớn và thờ ơ, nhưng không có loại thuốc nào như vậy. Mọi loại thuốc đều chỉ có một tác động tạm thời và sẽ sớm mất tác dụng.

 

Thay vì làm cho tâm dừng lại, hãy nhận biết bản tánh của tâm với phẩm tính cơ bản của sự vô ngại. Một kinh điển có tên gọi là “Đại dương” nói rằng, “Bằng cách trao cho bạn sự quán đảnh vô ngại của Samantabhadra (Phật Phổ Hiền), cùng với phẩm tính không sanh khởi của phối ngẫu Samantabhadri”—nói cách khác, bằng cách trao truyền quán đảnh này cho nam và nữ trong sự hợp nhất, nghĩa là kinh nghiệm về tánh Không bất khả phân—“ nguyện cho người nhận biết và đối tượng được nhận biết” - sự bám chấp của bạn vào tính nhị nguyên, “tan biến vào không gian nền tảng.” Đó là điều cần thiết.

 

Từ tiếng Tây Tạng: "tỉnh biết nguyên thủy" hàm ý sự vắng mặt của sự bám víu vào chủ thể và đối tượng, người nhận biết và cái được nhận biết, điều này không đúng trong trường hợp với cái tâm bình phàm. Tâm bình phàm luôn luôn được cấu trúc như tính đối ngẫu của người nhận biết và cái được nhận biết. Nếu không có tính nhị nguyên của người nhận biết và cái được nhận biết, thì không có cách nào một suy nghĩ bình thường có thể tồn tại; nó biến mất.

 

Cụm từ "khối cầu đơn nhất của pháp thân" chỉ đơn giản ám chỉ đến sự tỉnh biết nguyên thủy này. Nó được gọi là đơn nhất hoặc duy nhất, nghĩa là không phải tính nhị nguyên, trong khi tâm tư duy suy nghĩ thông thường là nhị nguyên, và không bao giờ được gọi là đơn nhất.

Nếu sự bám chấp vào tính đối ngẫu nhị nguyên này không bị giải trừ từ bên trong, thì sẽ có sự tồn tại của chủ thể và đối tượng, người nhận biết và cái được nhận biết.

Một câu nói nổi tiếng khác là: “Chừng nào tính nhị nguyên chưa trở thành nhất thể, chừng đó không có sự giác ngộ”. Khi nhận biết, tính nhị nguyên này sẽ bị tan biến vào nhất thể.

 

Bản tánh của tâm được gọi là ‘yeshe’, sự tỉnh biết nguyên thủy, tự thân nó vượt thoát khỏi tính nhị nguyên của người nhận thức và cái được nhận thức. Tâm bình phàm của chúng sinh được gọi là ‘namshey’. ‘Nam’ là đối tượng của các giác quan; ‘shey’ là sự hình thành những khái niệm về các đối tượng này. ‘Yeshe’ là tâm giác ngộ của chư Phật, phương diện của niết bàn; trong khi ‘namshey’ là tâm mê lầm của chúng sinh. ‘Yeshe’ có nghĩa là nhận ra bản tánh của tâm, trong khi ‘namshey’ có nghĩa là sự nhận biết hướng ra qua năm cửa giác quan, trụ tại các đối tượng của giác quan và nắm giữ chúng.

 

HỌC VIÊN: Thầy có thể giải thích thêm một chút về kinh nghiệm của chúng ta trong những giấc mơ và trạng thái trung ấm (bardo) không?

RINPOCHE: Trong trạng thái trung ấm, bạn tin rằng bạn có đôi mắt để nhìn. Tuy nhiên, mọi thứ đơn thuần chỉ là kinh nghiệm, dù là trung ấm hay cõi địa ngục hay bất kỳ nơi nào khác. Tất cả đều là kinh nghiệm cá nhân của bạn. Chỉ vì một người tin rằng mình có đôi mắt và do đó có thể nhìn thấy thì không thay đổi được sự thật rằng những gì người đó đang kinh nghiệm về cơ bản là kinh nghiệm của tâm.

Khi bạn nằm mơ vào ban đêm, bạn nhìn thấy đủ thứ khác nhau. Những thứ đó có được nhìn thấy bằng mắt không? Bạn tin rằng mình có đôi mắt trong mơ, đúng không? Bạn đi xung quanh và nhìn khắp mọi nơi, nhưng thực tế là đôi mắt bạn nhắm lại và bạn đang nằm trên giường.

 

Xin hãy hiểu rằng mọi kinh nghiệm của bạn đều là kinh nghiệm cá nhân của bạn chứ không phải của người khác. Đó là kinh nghiệm của bạn, và do đó khác với kinh nghiệm cá nhân của những người khác. Trong khi chúng ta chưa đạt được giác ngộ, vẫn có một yếu tố của việc chia sẻ kinh nghiệm chung. Những ngọn núi, thành phố, những con đường, bầu trời, năm nguyên tố; đối với những chúng sinh chưa giác ngộ, tất cả dường như là chúng hiện hữu thực. Ngay lúc đó, chúng ta có cái gọi là kinh nghiệm bất tịnh, có nghĩa là chúng ta liên tục củng cố nội dung của kinh nghiệm thành một thực tại chắc đặc. Đó là định nghĩa của 'bất tịnh'. Nhưng nó không nhất thiết phải giữ nguyên như vậy.

 

Khi chúng ta đang tu tập trong thực hành này để nhận ra tánh giác và trở thành những yogi vĩ đại, mọi thứ kinh nghiệm được xem như là 'tám sự tương tự của ảo ảnh'. Tám sự tương tự này là hình ảnh phản chiếu trong gương, mặt trăng trong nước, tiếng vọng, cầu vồng, giấc mơ, thành Càn Thát Bà, ảo ảnh, và ảo giác phép thuật do một nhà ảo thuật tạo ra.

Nói cách khác, chúng ta đang so sánh những kinh nghiệm và nhận thức của mình với một thứ gì đó dường như thực sự hiện hữu nhưng thực tế thì không phải vậy.

Một khi bản chất ảo ảnh đó được nhìn thấy trong thực tại, thì tính chất chắc đặc mà chúng ta đã gán đặt với những gì chúng ta kinh nghiệm đơn giản là biến mất. Đó là cách một yogi vĩ đại có thể di chuyển tự do xuyên qua những gì mà người khác coi là vật chất chắc đặc.

Không phải là vị ấy bằng cách nào đó trở nên thực sự mạnh mẽ và có thể ép buộc bản thân vượt qua vật chất chắc đặc. Đúng hơn, đó là do nhận ra tính phi thực hoặc không thực có của mọi thứ.

 

Điều này không thay đổi cách những chúng sinh khác kinh nghiệm. Đối với họ, ‘thực tại’ vẫn có vẻ chắc đặc. Cách để đạt đến sự chứng ngộ của một yogi là nhận ra tánh giác. Một khi chúng ta làm được điều đó, chúng ta nắm được một đầu của ‘sợi dây’. Nó giống như một sợi dây thừng khổng lồ, nặng nề, dài 100 mét nằm trong một cái hồ: không có cách nào bạn có thể nhấc nó lên cùng một lúc. Nhưng nếu bạn nắm được một đầu của sợi dây, bạn có thể từ từ kéo phần còn lại vào. ‘Một đầu của sợi dây’ là sự nhận ra tánh giác mà chúng ta có thể có được ngay bây giờ từ một bậc thầy đủ phẩm tính. Ở đầu kia của sợi dây là trạng thái chứng ngộ hoàn toàn.

 

Ai trải nghiệm tất cả những kinh nghiệm này? Tất cả những điều này tồn tại vì ai hay vì cái gì? Chỉ có tâm. Ngoài tâm ra, không có cái gì khác kinh nghiệm. Do đó, mọi thứ đều là kinh nghiệm cá nhân của tâm - là cái đang trải nghiệm, và mọi kinh nghiệm không là gì khác ngoài điều đó.

Chúng ta không thể thực sự nói rằng mọi thứ đều trống không, bởi vì khi chúng ta chạm vào thứ gì đó mà chúng ta kinh nghiệm, nó có vẻ rắn chắc. Bạn không thể di chuyển bàn tay của mình xuyên qua một bức tường như ngài Milarepa. Trong ‘Cơn mưa’ của Gyalwa Götsangpa hát về cách mà tất cả hiện tướng đều là lừa dối. “Mọi thứ giống như một ảo ảnh phép thuật lớn, một trò lừa bịp. Tảng đá sau lưng tôi là trong suốt.” Sau đó, ông ngả người ra sau và in dấu lưng mình vào tảng đá. Không chỉ coi vật chất là trong suốt mà còn có khả năng xuyên qua nó, đó là điều có thể đối với một người thực sự không gán đặt sự chắc đặc với những gì được kinh nghiệm.

Sự chứng ngộ của một yogi không loại bỏ được cảm giác chắc đặc mà tất cả chúng sinh khác đều có. Khi kinh nghiệm cá nhân của bạn được nhận ra là không có bản chất, thì nó không thực sự thay đổi đối với những chúng sinh khác.

Đối với họ, những bức tường và những ngọn núi vẫn còn ở đó. Một khi chúng ta hoàn toàn nhận ra trạng thái của tánh giác bằng cách tu tập hết lần này tới lần khác, năm nguyên tố được nhận ra là như chúng thực sự là trong tinh túy bản tánh—năm vị Phật mẫu. Năm uẩn, năm ‘skandhas’, ở trạng thái tự nhiên của chúng là năm vị Phật. Tại thời điểm này, bạn có thể thực sự tuyên bố rằng mọi thứ đều là sự thanh tịnh bao trùm tất cả.

 

HỌC VIÊN: Làm thế nào chúng ta có thể tái sinh vào một cõi Phật?

RINPOCHE: Đức Phật là pháp thân; tâm của ngài được gọi là trí tuệ pháp giới, và cõi giới là cõi Phật pháp giới. Đây là nơi chúng ta có thể thực sự an trú ở trong; đây là ngôi nhà thực sự của chúng ta—cõi giới vượt thoát khỏi sự tăng và giảm.

Mặc dù tất cả các hiện tượng của luân hồi đều trống không, nhưng chúng không trống không trí tuệ pháp giới. Trí tuệ pháp giới bao la trùm khắp này là ngôi nhà thực sự của chúng ta. Nếu bạn muốn đến nơi tốt nhất, hãy đến đó. Nơi tốt đẹp tiếp theo là đến một trong những cõi Phật của năm vị Phật. Ở đó, bạn có thể du hành không bị ngăn ngại mỗi ngày, và vào buổi tối, bạn có thể trở về cõi Tịnh Độ không bị ngăn ngại. Những cõi Phật hóa thân này được biểu lộ một cách kỳ diệu từ những nguyện vọng, phước lành và lòng từ bi của chư Phật.

Chúng ta có thể đến những cõi Phật hóa thân. Nếu bạn có thể trở nên ổn định vững chãi trong việc nhận ra bản tánh của chính mình, thì có rất nhiều cõi Phật mà bạn có thể đến. Một khi đã đến đó, tôi chắc chắn một trăm phần trăm rằng bạn sẽ không phải đến bất kỳ cõi nào trong sáu cõi luân hồi. Tuy nhiên, nếu bạn muốn, bạn vẫn có thể quay trở lại đó để mang lại lợi ích cho những chúng sinh khác.

Điều rất quan trọng là không được nghĩ rằng mọi thứ đều là hư vô, rằng không có gì cả. Thực ra, có những phẩm tính vĩ đại không thể nghĩ bàn được trong sự giác ngộ. Nếu bạn chỉ muốn hư vô, không có gì cả, thì có một trạng thái như vậy trong một trong những cõi vô sắc, ở cấp độ cao nhất của luân hồi, được gọi là 'đỉnh cao của sự tồn tại'. Khi kinh nghiệm của bạn tập trung vào ý tưởng rằng không gian là vô hạn hoặc ý thức là vô hạn, hoặc rằng không có gì cả, bạn có thể đi vào trạng thái được biết đến là 'phi tưởng, phi phi tưởng'. Khi trú ngụ vào ý niệm đó, bạn có thể bị mắc kẹt trong đó trong một thời gian rất dài.

 

Bài viết liên quan