TỪ VÀ BI - GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

TỪ VÀ BI

GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

-------o0o-------

Khi người ta đã hoàn toàn tịnh hóa sự tự yêu quý mình hay cắt đứt sợi dây xích của sự tự yêu quý, khi từ những chiều sâu của tâm thức, người ta mong muốn tất cả những chúng sanh thoát khỏi khổ, bấy giờ người ta hoàn toàn thực hành lòng bi.
TỪ VÀ BI - GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

     Những lời dạy về những thực hành từ và bi là phương thuốc cho bám luyến vào lạc thú của bình an. “Bám luyến vào lạc thú của bình an” là gì? Nó là tham luyến muốn thành tựu niết bàn chỉ cho chính mình mà không có một tâm vị tha cho chúng sanh, và bởi vì điều này, người ta không thể làm lợi cho những ai khác. Đây gọi là “thừa kém hơn”. Như vậy có nói rằng:

     Hoàn thành lợi lạc cho chính mình,

     Người ta hy sinh lợi lạc của nhiều người khác.

     Người ta càng chăm lo sự tư lợi theo cách này,

     Nó càng trở nên lợi lạc cho chính mình một cách rốt ráo.

     Nhưng nếu người ta khai triển từ và bi, bấy giờ người ta dính mắc với chúng sanh và dám không đạt giải thoát chỉ cho chính mình. Thế nên, người ta cần thực hành từ và bi. Manjushrikirti nói:

     Những người theo Đại thừa cần không tách lìa tâm họ với từ bi dù chỉ trong một khoảnh khắc.

Và :

     Lợi lạc của những người khác được bảo toàn bởi từ và bi, không phải bởi ghét giận.

I. Từ.

     Thứ nhất, sự thực hành lòng từ. Tóm tắt:

Phân loại, đối tượng, và nhận diện đặc tính,

Phương pháp của thực hành, thước đo của thực hành, và những phẩm tính của thực hành.

Như vậy sáu cái này

Bao gồm trọn vẹn sự nghiên cứu và thực hành lòng từ vô lượng.

A. Phân loại.

Có ba phạm trù: lòng từ với chúng sanh là đối tượng của nó, lòng từ với hiện tượng là đối tượng của nó, và lòng từ không đối tượng. Kinh Aksayamati Thỉnh Vấn nói:

Lòng từ với chúng sanh là đối tượng của nó được thực hành bởi những bồ tát phát triển Bồ đề tâm. Lòng từ với những hiện tượng là đối tượng của nó được thực hành bởi những bồ tát đi vào hạnh của con đường. Lòng từ không đối tượng được thực hành bởi những bồ tát tin được vào Pháp vô sanh.

Sau đây là sự giải thích loại lòng từ thứ nhất.

B. Đối tượng.

Tất cả mọi chúng sanh là đối tượng của nó

C. Nhận diện đặc tính.

Một tâm muốn tất cả chúng sanh gặp được hạnh phúc.

D. Phương pháp thực hành.

Thực hành này dựa vào sự nhớ lại lòng tốt của tất cả chúng sanh. Trong đời này, mẹ của bạn là người tốt nhất. Một người mẹ cho bao nhiêu loại lòng tốt? Có bốn thứ: lòng tốt cho bạn một thân thể, lòng tốt chịu đựng những nhọc nhằn cho bạn, lòng tốt cho bạn đời sống, và lòng tốt chỉ bày cho bạn thế giới.

Trí huệ Ba la mật 8000 bài kệ nói:

Tại sao? Người mẹ đã cho ta thân thể này, mẹ trải qua nhọc nhằn,, mẹ cho ta đời sống, và mẹ đã chỉ cho ta toàn bộ thế giới.

“Lòng tốt cho bạn một thân thể” nghĩa là, trước tiên, thân thể của chúng ta chưa thành cũng không có bộ dạng đáng ưa. Chúng ta bắt đầu trong lòng mẹ như một giọt hình bầu dục và bướu hình chữ nhật, và từ đó chúng ta phát triển nhờ tinh chất sống của máu và thịt của mẹ. Chúng ta lớn lên nhờ tinh chất sống của thức ăn của bà trong khi bà chịu đựng khó chịu, đau đớn và khổ sở. Sau khi được sanh ra, từ một con giun nhỏ cho đến khi lớn hoàn toàn, bà phát triển thân thể chúng ta.

“Lòng tốt chịu đựng nhọc nhằn cho bạn” nghĩa là, trước tiên chúng ta không được mặc áo quần với đủ thứ đẹp đẽ, không có lấy một thứ gì và không có thức ăn. Chúng ta chỉ đến với một cái miệng và bao tử_tay không, chẳng có gì cả.

Khi đến nơi này chúng ta không biết ai, bà cho chúng ta thức ăn khi chúng ta đói, cho nước khi chúng ta khát, áo quần khi chúng ta lạnh, bà cho chúng ta tài sản khi chúng ta không có gì cả. Bà mẹ không chỉ cho chúng ta những thứ bà không cần. Hơn thế nữa, bà đã cho chúng ta những cái mà bà không dám dùng cho chính bà, những thứ bà không dám ăn, uống hay mặc, những thứ bà không dám sử dụng cho hạnh phúc của cuộc đời này, những thứ bà không dám dùng cho sự thịnh vượng của đời sắp tới. Tóm lại, không tìm kiếm hạnh phúc trong đời này hay đời tới, bà chỉ nuôi con.

Bà mẹ không có được những cái đó một cách dễ dàng hay thích thú. Bà tích góp chúng bằng cách tạo ra những nghiệp xấu, bởi khổ sở và khó nhọc, và cho con mình tất cả những cái đó. Chẳng hạn, khổ sở: để cho con, bà tích tập tài sản bằng cách buôn bán hay làm nông..., mang sương tuyết làm dày, đội trăng sao làm mũ, cưỡi trên con ngựa là hai chân, vạt áo như ngọn roi, để hai chân cho chó cắn và mặt cho thiên hạ.

Hơn nữa, bà yêu thương cái người chưa biết này còn hơn cha, mẹ và các thầy cô, họ vốn rất tốt với bà. Bà trông coi con với cặp mắt thương yêu, giữ nó bằng áo quần ấm và mềm nhẹ. Bà đu đưa con trong mười ngón tay và nâng nó lên trong bầu trời. Bà gọi nó bằng giọng âu yếm, “Cục cưng vui vẻ, làm mẹ vui sướng. Lu, lu, của quý hạnh phúc,” và vân vân.

“Lòng tốt cho bạn đời sống” nghĩa là, trước tiên, chúng ta không thể ăn bằng miệng và tay cũng không thể chịu đựng mọi nhọc nhằn. Chúng ta như côn trùng yếu đuối, chúng ta khờ dại không suy nghĩ được gì. Không từ chối, bà mẹ phục vụ chúng ta, đặt chúng ta trên đùi, che chở chúng ta khỏi lửa và nước, giữ chúng ta khỏi té, xua đuổi mọi thứ tai hại, và làm lễ cầu an cho chúng ta. Lo cho mạng sống và sức khỏe của chúng ta, bà đi xem bói, hỏi các thầy tử vi. Bằng nhiều lễ cầu và nhiều thứ khác, trong những cách không thể quan niệm, bà bảo bọc cuộc sống của con mình.

“Lòng tốt chỉ bày cho bạn thế giới” nghĩa là, trước tiên, chúng ta đến đây mà không biết sự vật khác biệt, không thấy được rộng, không có tài năng. Chúng ta chỉ biết khóc và ngọ nguậy chân tay. Ngoài ra chúng ta không biết gì cả. Mẹ dạy cho chúng ta làm sao ăn, mẹ dạy chúng ta làm sao mặc áo quần, làm sao bước đi khi chúng ta không biết làm những việc đó. Mẹ dạy chúng ta nói khi chúng ta không biết làm sao nói, “Mẹ” hay “Hi”... Bà dạy chúng ta nhiều kỹ năng, nghệ thuật... Bà cố gắng làm cho chúng ta ngang bằng khi chúng ta không ngang bằng và cố gắng thậm chí làm sự không ngang bằng cho chúng ta.

Chúng ta không chỉ có một bà mẹ trong đời này, mà từ sanh tử vô thủy bà đã phục vụ như một người mẹ vô số lần. Kinh Sanh Vô thủy nói: 

Toàn bộ thế giới này nếu nó được một người phá bể thành những mảnh nhỏ cở bằng hạt dâu, và một người khác đếm chúng, thì vẫn có thể hết thế giới. Nhưng người ta không thể đếm được số lần một chúng sanh đã là mẹ của chúng ta.

Bức Thơ cho một Người Bạn cũng nói:

Dùng những mảnh nhỏ bằng hạt dâu,

Thì trái đất không đủ để đếm giới hạn

Của dòng vô số của người mẹ của chúng ta.

Mỗi khi có một bà mẹ, bà lại biểu lộ cùng loại lòng tốt như trước. Thế nên, lòng tốt của một người mẹ thì không biên giới, thế nên, hãy thành thật thiền định để khai triển thương yêu trong lòng bạn, và mong muốn cho sự lợi lạc và hạnh phúc của bà.

Không chỉ có thế, mà mọi chúng sanh đều đã từng là mẹ của chúng ta, và tất cả bà mẹ đều biểu lộ cùng những hành vi lòng tốt ấy. Đâu là biên giới của chúng sanh? Chúng sanh có khắp, như không gian là vô tận. Kinh Cầu Nguyện cho Hạnh Đúng Cách nói:

Vô tận như sự vô cùng của không gian,

Con số của chúng sanh cũng như thế.

Bởi vậy, người ta cần thực hành khai triển một mong muốn trong sạch đối với tất cả chúng sanh, vô tận như không gian, có được hạnh phúc và lợi lạc. Khi người ta phát khởi loại tâm này, nó được gọi là lòng từ đích thật. Kinh Trang Nghiêm Đại Thừa nói:

Từ tủy của xương mình

Những Bồ tát thấy mọi chúng sanh

Như chính con mình

Theo cách này, họ có mong ước kiên cố làm lợi lạc cho những người khác.

Khi, qua năng lực của lòng từ, nước mắt chảy ra và lông tóc dựng lên, đó gọi là đại từ. Nếu người ta hướng loại tâm này đến tất cả chúng sanh một cách bình đẳng, đó gọi đó là lòng từ vô lượng.

E. Thước đo của thực hành.

Khi người ta không muốn hạnh phúc cho riêng mình, mà chỉ cho những chúng sanh khác, đó là sự hoàn hảo (ba la mật) của thực hành lòng từ.

F. Những phẩm tính của Thực hành.

Người ta đạt được những phẩm tính vô thượng bằng cách thực hành lòng từ. Kinh Ngọn Đèn Trăng nói:

Vô lượng đồ cúng dường các thứ

Chất đầy hàng triệu cõi

Cúng dường các bậc Tối Thắng

Cũng không thể bằng sự thực hành lòng từ.

Dù thực hành lòng từ trong một khoảnh khắc cũng sẽ đem lại công đức vô lượng. Chuỗi Ngọc Quý Báu nói:

Thức ăn chín trong 300 bát

Để cho người ta ba lần một ngày

Công đức ấy không thể sánh với

Sự thực hành lòng từ trong một khoảnh khắc.

Người ta sẽ nhận được tám lợi lạc của sự thực hành lòng từ cho đến khi giác ngộ. Chuỗi Ngọc Quý Báu nói:

Người ta sẽ được người và trời thương mến và cũng bảo vệ,

Sự thành tựu bình an và nhiều hạnh phúc,

Sẽ không bị thuốc độc hay vũ khí làm hại,

Sẽ hoàn thành những ước nguyện không cần cố gắng,

Và sẽ tái sanh vào cõi Phạm thiên.

Dầu người ta không thoát khỏi sanh tử

Thì sẽ có tám phẩm tính này của lòng từ.

Để bảo vệ chính mình, thực hành lòng từ là tốt nhất, như trong câu chuyện Bà la môn Mahadatta. Để bảo vệ những người khác, sự thực hành lòng từ cũng tốt, như trong câu chuyện của Vua Bala Maitreya.

II. Bi.

Khi lòng từ được hoàn thiện theo cách này, sự thực hành lòng bi thì không khó. Tóm lại:

Phân loại, đối tượng, và nhận diện đặc tính,

Phương pháp của thực hành, thước đo thực hành và những phẩm tính của thực hành

Như vậy sáu cái này

Bao gồm trọn vẹn sự nghiên cứu và thực hành lòng bi vô lượng.

A. Phân loại.

Có ba loại lòng bi: lòng bi với chúng sanh là đối tượng của nó, lòng bi với những hiện tượng là đối tượng của nó và lòng bi không có đối tượng. Trong ba cái này, cái thứ nhất là khai triển lòng bi bằng cách thấy khổ đau của chúng sanh trong những cõi thấp... Cái thứ hai là khi người ta tu hành tốt Bốn Chân Lý Cao Cả, hiểu nhân và quả, và đã xua tan sự chấp chặt vào tính thường còn và cứng chắc, thì lòng bi khởi sanh đối với những chúng sanh mê mờ và bám chấp vào tính thường còn và cứng chắc do không hiểu nhân và quả. Cái thứ ba là người ta vững vàng trong thiền định và khi họ chứng thực mọi hiện tượng là tánh Không, thì lòng bi sanh khởi, đặc biệt đối với những chúng sanh thấy biết mọi sự là thật. Có nói rằng:

Những bồ tát ở trong trạng thái định

Và phát triển năng lực của thực hành hoàn hảo (tánh Không)

Thì khai triển lòng bi đặc biệt đối với những ai

Bị ma quỷ bám chấp mọi sự là thật ám ảnh.

B. Đối tượng.

Tất cả chúng sanh là đối tượng của nó.

C. Nhận diện Đặc tính.

Một tâm muốn tất cả chúng sanh lìa khỏi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau.

D. Phương pháp thực hành.

Chúng ta kết nối với thực hành này bằng những cảm nhận đối với bà mẹ trong đời này. Giả sử mẹ tôi đang ở một nơi chốn có người đánh đập bà, cắt bà thành từng mảnh, nấu hay thiêu bà trong ngọn lửa, hay bà bị lạnh cóng và thân thể phồng giộp, tôi bèn có lòng bi cùng cực đối với bà. Cũng thế, những chúng sanh trong các địa ngục, họ chính là những bà mẹ của chúng ta, đang bị hành hạ bởi những loại khổ đau này. Tại sao lòng bi không sanh khởi? Thế nên, người ta cần thiền định về lòng bi mẫn muốn giải thoát những chúng sanh ấy khỏi khổ đau và những nguyên nhân của nó.

Cũng như nếu mẹ tôi ở trong một nơi chốn chịu đói khát, bị bệnh tật, sợ hãi hành hạ và cảm thấy không ai giúp đỡ, bấy giờ tôi phát ra lòng bi cùng cực. Cũng thế, chúng sanh của cõi quỷ đói, họ đích thực là những bà mẹ của chúng ta, đang bị những loại khổ đau ấy hành hạ. Tại sao lòng bi không sanh khởi? Thế nên, hãy thiền định về lòng bi mẫn muốn giải thoát những chúng sanh ấy khỏi khổ đau.

Cũng như mẹ tôi ở trong một nơi chốn chịu già, bệnh, và bị làm nô lệ không được quyền lựa chọn gì, bị đánh đập, giết hại, cắt chẻ,... bấy giờ tôi có lòng bi cùng cực. Cũng thế, chúng sanh trong cõi thú vật, họ đích thực là những bà mẹ của chúng ta, đang khổ đau như vậy. Tại sao lòng bi không khởi sanh? Thế nên, hãy thiền định về lòng bi mẫn muốn giải thoát những chúng sanh ấy thoát khỏi mọi khổ đau của họ.

Cũng như nếu mẹ tôi sắp lọt vào một vực thẳm sâu cả ngàn dặm nhưng không có ý thức hiểm nguy này và không có ai chỉ cho. Khi rơi vào vực thẳm, bà sẽ kinh nghiệm khổ đau lớn lao và không thể leo lên trở lại, bấy giờ tôi phát ra lòng bi cùng cực. Cũng thế, các trời, người, và các bán thiên gần với vực thẳm của những cõi thấp. Họ không có ý thức họ cần tránh những hành động xấu, họ không gặp những vị thầy tâm linh, một khi rơi xuống, sẽ khó ra khỏi ba cõi thấp. Tại sao lòng bi không khởi sanh? Thế nên, hãy thiền định về một lòng bi mẫn muốn giải thoát những chúng sanh ấy khỏi những khổ đau kia.

E. Thước đo của Thực hành.

Khi người ta đã hoàn toàn tịnh hóa sự tự yêu quý mình hay cắt đứt sợi dây xích của sự tự yêu quý, khi từ những chiều sâu của tâm thức, người ta mong muốn tất cả những chúng sanh thoát khỏi khổ, bấy giờ người ta hoàn toàn thực hành lòng bi.

F. Những phẩm tính của Thực hành.

Những phẩm tính vô biên sanh khởi từ thực hành thiền định này. Diễn tả Chứng ngộ của Quán Thế Âm nói:

Nếu người ta chỉ có một phẩm tính thì như thể tất cả các pháp của chư Phật nằm trong bàn tay. Phẩm tính ấy là gì? Đại bi.

Kinh Thành Tựu Pháp giới nói:

Thế Tôn, bất cứ nơi nào được tìm thấy bánh xe quý báu của chuyển luân vương, nơi đó có tất cả đội quân của ngài. Thế Tôn, cũng thế, bất cứ nơi nào được tìm thấy đại bi của một bồ tát, nơi đó có tất cả các pháp của chư Phật.

Kinh Chỉ ra những Bí mật của Như Lai nói:

Guhyapati (Đấng của những bí mật), trí huệ bổn nguyên của bậc toàn giác mọc lên từ gốc rễ của lòng bi.

Như thế, khi qua lòng từ người ta muốn tất cả chúng sanh thành tựu hạnh phúc và qua lòng bi người ta muốn tất cả chúng sanh thoát khổ, bấy giờ người ta không quan tâm nữa đến sự hoàn thành sự bình an và hạnh phúc của chính mình. Bấy giờ người ta hân hoan muốn đạt đến Phật quả vì lợi lạc của tất cả chúng sanh. Cái này trở thành phương thuốc cho sự bám luyến vào lạc thú của bình an.

Thế nên, bằng cách khai triển từ bi trong tâm, người ta yêu quý những chúng sanh khác hơn chính mình. Ngọn đèn cho Con đường Giác ngộ nói:

Bằng cách xem xét sự hiểu biết khổ đau của chính mình,

Người ta khai triển một mong muốn giải thoát hoàn toàn

Tất cả chúng sanh khỏi khổ đau.

Đó gọi là một Bậc Tối thượng.

Như thế, người ta trau dồi tâm của những Bậc Tối thượng. Chẳng hạn, hãy xem câu chuyện của Bà la môn Mahadatta.

Đây là chương thứ bảy,

nói về từ và bi,

từ Tràng Ngọc Giải Thoát

-------o0o-------

Tác giả: GAMPOPA

Trích: TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

NXB Thiện Tri Thức

Ảnh: Nguồn Internet.

Bài viết liên quan