VẬT LÝ LƯỢNG TỬ & BẢN TÍNH CỦA THỰC TẠI - Từ Hoá Hoàng Lan dịch Việt

VẬT LÝ LƯỢNG TỬ VÀ BẢN TÍNH CỦA THỰC TẠI

Sưu tầm - Từ Hoá Hoàng Lan dịch Việt

---o0o---

Vật lý Lượng tử & Bản tính của Thực tạiCơ học Lượng tử có ủng hộ triết học Phật giáo không?- Matt Mackane (Triết gia)Tất cả chúng ta đều là kết quả của những gì chúng ta đã nghĩ. Tâm trí là Mọi Sự.- Đức Phật Thích CaMọi vật chất đều bắt nguồn và tồn tại chỉ nhờ vào tác dụng của một lực. Chúng ta phải giả sử đằng sau lực này là một Tâm trí có ý thức và thông...
VẬT LÝ LƯỢNG TỬ & BẢN TÍNH CỦA THỰC TẠI - Từ Hoá Hoàng Lan dịch Việt

Vật lý Lượng tử & Bản tính của Thực tại

Cơ học Lượng tử có ủng hộ triết học Phật giáo không?

- Matt Mackane (Triết gia)

Tất cả chúng ta đều là kết quả của những gì chúng ta đã nghĩ. Tâm trí là Mọi Sự.

- Đức Phật Thích Ca

Mọi vật chất đều bắt nguồn và tồn tại chỉ nhờ vào tác dụng của một lực. Chúng ta phải giả sử đằng sau lực này là một Tâm trí có ý thức và thông minh. Tâm trí này là ma trận của tất cả vật chất.

- Max Plank (Người sáng lập Vật lý lượng tử)

------------------------------

Trong 100 năm qua khoa học đã bắt đầu thu hẹp khoảng cách giữa những hiểu biết khoa học và tâm linh về Bản chất của Thực tại.

Điều này có thể thấy rõ nhất giữa giáo lý của Phật giáo & những khám phá khoa học về vật lý lượng tử.

Những người theo đạo Phật chỉ ra khái niệm Tánh Không là nền tảng mà từ đó mọi thứ sinh khởi và mọi thứ quay trở về.

Theo những người theo đạo Phật, mọi thứ mà bạn cảm nhận, nhìn thấy, nghe thấy, chạm vào, suy nghĩ hay nếm trải trong khoảnh khắc này đều phát sinh từ nền tảng trống không của tiềm năng vô hạn.

Tánh Không Là Gì?

Chúng ta sẽ tìm hiểu nền tảng của Tánh Không này là gì và làm thế nào mà thế giới bên ngoài và chính chúng ta phát sinh từ đó như được giải thích trong các truyền thống tâm linh và bởi các phát hiện khoa học trong vật lý lượng tử.

Hai ví dụ sau sẽ giúp chúng ta bắt đầu:

Bạn nằm mộng thấy một con khỉ đột đang đuổi theo mình. Mọi thứ trong giấc mộng đều rất thật và bạn vô cùng sợ hãi.

Tuy nhiên, vào buổi sáng, bạn thức dậy vui vẻ và không còn sợ hãi khi biết rằng tất cả chỉ là một giấc mộng.

Rằng bạn, con khỉ đột và thế giới trong mộng, tất cả đều được tạo ra và biến mất vào trong ý thức khi đang nằm mộng.

Không có gì trong giấc mộng là thật; tuy nhiên, ý thức về giấc mộng theo một nghĩa nào đó là có thật - nó là nền tảng tiềm năng thực sự mà nếu không có nó thì giấc mộng không thể xuất hiện.

Một mảnh giấy trắng cũng có thể dùng làm ví dụ.

Mặc dù bản thân tờ giấy trắng không truyền đạt điều gì, nhưng nó có tiềm năng vô hạn ở chỗ vô số ngôn ngữ, ý tưởng, câu chuyện, v.v..., có thể được thể hiện trên đó.

Như vậy, tánh Không có thể hiểu là một trường tiềm năng vô tận.

Và theo một nghĩa nào đó, nó thực tế hơn bất cứ thứ gì xuất hiện hoặc khởi lên từ nó.

Khái niệm về tánh Không này có một số điểm tương đồng lớn lao đáng kinh ngạc với cái được gọi là Trường lượng tử trong Vật lý lượng tử.

Tính Vật chất & Tiềm năng thuần khiết

Để hiểu những điểm tương đồng này, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về tính vật chất của thế giới.

Theo cách hiểu lượng tử về tính vật chất, chúng ta thấy rằng vật chất tồn tại ở hai dạng, dưới dạng hạt và dạng sóng.

Điều rất kỳ lạ về dạng sóng của vật chất, theo vật lý lượng tử, là nó không có vị trí xác định trong thời gian hoặc không gian.

Trên thực tế, dạng sóng được hiểu là có mặt ở khắp mọi nơi cùng một lúc và do đó lan rộng ra toàn bộ vũ trụ!

Một ví dụ có thể giúp:

Hãy tưởng tượng bạn có một quả cam trong tay.

Giờ đây, quả cam này ở dạng hạt có thể định vị được theo thời gian và không gian — nghĩa là: nằm trong tay bạn.

Tuy nhiên, quả cam ở dạng sóng của nó không định vị trong thời gian hay không gian mà trải ra trong vô số trạng thái có thể có trong toàn bộ vũ trụ của chúng ta.

Nói cách khác, quả cam với tư cách là một hạt là một thứ vật chất; nhưng quả cam như một sóng là tiềm năng thuần khiết.

Làm sao có thể như thế?

Làm thế nào một thứ cụ thể có vẻ như đang ở một nơi cụ thể tại một thời điểm cụ thể lại có thể tồn tại ở mọi nơi cùng một lúc?

Theo cách hiểu thông thường của chúng ta về bản chất của thực tại, đây là điều hoàn toàn không thể xảy ra.

Tuy nhiên, các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực Vật lý Lượng tử đã xác nhận hàng nghìn lần sự thật về lưỡng tính hạt/sóng của vật chất.

Họ đã làm điều này với một thí nghiệm được gọi là thí nghiệm hai khe.

Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn các chi tiết của thí nghiệm này trong giây lát.

Nhưng khi những kết quả của thí nghiệm này lần đầu tiên được công bố, đó là một cú sốc kinh hoàng đối với cộng đồng khoa học.

Phát hiện gây sốc sâu sắc nhất là:

Thí nghiệm hai khe không chỉ chứng minh rằng vật chất vừa là các hạt nằm trong không gian và thời gian vừa là sóng ở khắp mọi nơi cùng một lúc …

Mà còn chứng minh rằng việc chúng xuất hiện dưới dạng hạt hay dạng sóng đều do ý thức con người quyết định!

Cảm giác Cứng chắc là một Ảo tưởng

Điều này liên quan đến Tánh Không như thế nào?

Các nguyên tử được biết là 99,999999999999% trống không.

Chỉ riêng việc tiếp thu sự thật đó buộc chúng ta phải xác định lại sự hiểu biết của mình về không chỉ bản chất của thực tại mà còn về thực tại của chính bản thân chúng ta.

Nhưng nếu thực tại chỉ là không gian trống không, thì tại sao thực tại lại có cảm giác cứng chắc, có vị trí và có vẻ thật đến như vậy?

Nếu tôi chỉ là không gian trống không, tại sao tôi lại cảm thấy cứng chắc, có nơi chốn và có thật đến như vậy?

Các nhà vật lý lượng tử giải thích cảm giác rắn chắc này được tạo ra bởi một lực đẩy - vẫn chưa được xác định - giữa các nguyên tử.

Lực đẩy này tương tự như các nam châm đẩy nhau ra xa khi hai mặt giống nhau được đặt cạnh nhau.

Do đó, bạn không bao giờ thực sự chạm vào bất cứ thứ gì cứng chắc, mà chính lực đẩy này tạo ra ảo giác chạm vào một thứ gì đó cứng chắc.

Gồm cả bạn cũng là một cái gì đó cứng chắc.

Nếu bạn đang ngồi trên ghế, thì thực ra bạn không chạm vào ghế, mà là các nguyên tử trong cơ thể bạn và các nguyên tử trong ghế đang đẩy nhau và thực ra là bạn đang kinh nghiệm lực đẩy này.

Bạn luôn luôn kinh nghiệm các dạng năng lượng.

Bạn không bao giờ trải nghiệm bất cứ điều gì cứng chắc.

Chính lực đẩy bí ẩn này mang lại cho bạn ảo giác hoàn toàn rằng bạn đang kinh nghiệm không phải sự trống không mà là một cái gì đó cứng chắc và có thật.

Các hạt tạo nên các nguyên tử này phát sinh từ cái mà các nhà khoa học lượng tử gọi là trường lượng tử.

Các hạt không khác với trường này nhưng trên thực tế là một phần của nó.

Giống như những con sóng đối với đại dương.

Trường lượng tử nằm ngoài nhận thức của chúng ta nhưng là tiềm năng thuần khiết đối với vật chất.

Tất cả vật chất phát sinh từ trường lượng tử này và tan trở lại vào trường này.

Bản thân trường này trải rộng trên mọi không gian và thời gian.

Trường lượng tử này chính là nền tảng mà từ đó mọi nguyên tử, mọi vật chất, vũ trụ và chính bản thân chúng ta sinh ra và tan trở vào.

Phật giáo, Trường lượng tử và Sự Liên đới

Có một quan niệm tương tự trong Phật giáo. Nó được gọi là Duyên khởi hay Pratītyasamutpāda.

Điều này nói rằng tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau và ý tưởng rằng có những vật thể tồn tại độc lập trên thế giới là một ảo tưởng.

Mọi thứ đều phụ thuộc vào mọi thứ khác để có được sự biểu lộ bề ngoài và cái vẻ dường như cứng chắc của nó.

Trong trường lượng tử khi hai hạt bắt đầu tác động lẫn nhau theo một cách cụ thể thì chúng được cho là đang liên đới với nhau.

Bây giờ, tại đây, thậm chí còn lạ lùng hơn.

Một khi các hạt này đã phát triển một sự liên đới, thì kể từ thời điểm đó, bất cứ lúc nào một trong số các hạt bị thay đổi hoặc bị ảnh hưởng thì hạt kia sẽ phản ánh sự thay đổi này - cho dù là nó nằm ở đầu bên kia căn phòng hay bên kia vũ trụ!

Bạn có thể nghĩ về sự liên đới như thế này:

Hãy tưởng tượng bạn và một người bạn, mỗi người cầm một quả bóng rổ.

Bây giờ nếu những quả bóng rổ mà chúng ta liên đới với giống như các hạt có thể liên đới với nhau, thì mỗi quả bóng rổ sẽ phản ánh những gì đã xảy ra với quả bóng rổ kia cho dù chúng ở cách xa nhau bao nhiêu - dù là hai mét hay hàng nghìn năm ánh sáng!

Các hạt có liên đới dường như hoạt động như một hạt mặc dù chúng là hai hạt và bất kể khoảng cách giữa chúng là bao xa.

Và nó không dừng lại ở đó.

Vào thời điểm xảy ra vụ nổ Big Bang, tất cả vật chất tồn tại trong vũ trụ đều bị nén lại thành một điểm vô cùng nhỏ.

Điều này có nghĩa là cuối cùng thì tất cả các hạt trong vũ trụ đều liên đới với nhau.

Từ điều này rõ ràng là liên đới lượng tử chỉ ra tính đồng nhất sâu sắc của mọi sự tồn tại.

Nhưng tâm trí và ý thức con người nằm đâu trong tất cả những điều này?

Trong đạo Phật và nhiều truyền thống tôn giáo khác, tâm trí là trung tâm của thực tại.

Tâm trí không chỉ là một phần của thực tại mà còn chính là thứ sáng tạo ra những gì chúng ta coi là thực tại.

Theo cách tương tự như những con khỉ đột đáng sợ và những thế giới có thể được tạo ra trong khi chúng ta đang nằm mộng.

Như vậy, theo quan điểm này, thế giới không nằm ngoài tâm trí chúng ta mà do tâm trí của chúng ta tạo ra.

Sự hiểu biết rằng thực tại biểu lộ bên ngoài của chúng ta được sáng tạo ra bởi tâm trí của chúng ta là giáo lý cốt lõi của Đức Phật.

Hai nghìn rưỡi năm sau, vật lý lượng tử cũng đưa ra kết luận tương tự.

Chính nhà vật lý lượng tử, Werner Heisenberg, người đầu tiên nhận ra rằng chính việc quan sát các electron đã ảnh hưởng đến vị trí của chúng trong thời gian và không gian. Ông gọi đây là “nguyên lý bất định” và đi tiếp đến khẳng định:

Những gì chúng ta đang quan sát không phải là thiên nhiên mà là thiên nhiên như là nó bị ảnh hưởng bởi tâm trí quan sát của chúng ta. Như vậy, thực tại được xác định bởi tâm trí đang quan sát nó.

Điều này cho thấy đó không phải là một vấn đề của phương pháp khoa học mà đúng hơn là tính chất giống như giấc mộng của các hạt lượng tử tạo nên vũ trụ của chúng ta.

Cách thức mà ý thức con người ảnh hưởng đến các hạt lượng tử này trở nên rất rõ ràng với thí nghiệm đã đề cập trước đó có tên là thí nghiệm hai khe.

Trong thí nghiệm này, các hạt lượng tử được bắn qua hai khe chì.

Khi được quan sát, các hạt tạo thành các hình mẫu và xuất hiện dưới dạng các hạt; tuy nhiên, khi không được quan sát, các hạt tạo ra các vân dạng sóng.

Nói cách khác, khi các hạt được quan sát, chúng xuất hiện dưới dạng những khả năng hữu hạn ẩn dấu có thể định vị được trong thời gian và không gian - nghĩa là dưới dạng các hạt.

Nhưng khi không được quan sát, chúng xuất hiện dưới dạng một tiềm năng vô hạn - nghĩa là không thể định vị được trong thời gian và không gian, dưới dạng các sóng.

Cho dù chúng ta là Phật tử hay nhà vật lý lượng tử, chúng ta chỉ có thể kết luận điều này:

Trước khi có tâm trí, thực tại chỉ tồn tại như một tiềm năng vô hạn.

Hoặc, nếu chúng ta diễn đạt nó theo ngôn ngữ Phật giáo:

Khi không có suy nghĩ (hoặc Tâm trí), Thực tại được nhận biết như là Tánh Không (hoặc tiềm năng thuần khiết).

Vì vậy, trong kết luận, và theo cách nói đơn giản nhất là:

1. Bản tính căn bản của thực tại là Tánh Không hay tiềm năng thuần khiết.

2. Thế giới, hay thực tại biểu lộ như nó xuất hiện với chúng ta, chỉ là sự phóng chiếu của tâm trí chúng ta, hay ý thức con người.

Đây là bản tính của thực tại theo vật lý lượng tử và theo Đức Phật.

---o0o---

Nguồn: Sưu tầm

Từ Hoá Hoàng Lan dịch Việt

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan