VÔ MINH ĐẦU TIÊN - ĐƯƠNG ĐẠO - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI

VÔ MINH ĐẦU TIÊN

Tác giả: Đương Đạo

Trích: Kinh Lăng Nghiêm Hành Giải; NXB Thiện Tri Thức.

---o0o---

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Phú Lâu Na và các vị A La Hán vô học hết lậu trong hội rằng: Hôm nay Như Lai vì khắp hội này tuyên nói tánh chân thắng nghĩa ở trong thắng nghĩa. Khiến cho ở trong hội, hàng Định tánh Thanh Văn và hết thảy các vị A La Hán chưa đắc ngã không và pháp không, phát tâm hướng về thượng thừa đều được chỗ tu hành chân chánh, đất thật tịch diệt, đạo tràng chân tịnh...
VÔ MINH ĐẦU TIÊN - ĐƯƠNG ĐẠO - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI

VÔ MINH ĐẦU TIÊN

Tác giả: Đương Đạo

Trích: Kinh Lăng Nghiêm Hành Giải; NXB Thiện Tri Thức.

---o0o---

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Phú Lâu Na và các vị A La Hán vô học hết lậu trong hội rằng: Hôm nay Như Lai vì khắp hội này tuyên nói tánh chân thắng nghĩa ở trong thắng nghĩa. Khiến cho ở trong hội, hàng Định tánh Thanh Văn và hết thảy các vị A La Hán chưa đắc ngã không và pháp không, phát tâm hướng về thượng thừa đều được chỗ tu hành chân chánh, đất thật tịch diệt, đạo tràng chân tịnh của Nhất thừa. Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông tuyên nói.

Phú Lâu Na và các vị im lặng cung kính chờ nghe pháp âm Phật.

Phật bảo: Phú Lâu Na, như lời ông nói, thanh tịnh bản nhiên, sao lại bỗng nhiên sanh ra núi sông, đất đai? Ông chẳng thường nghe Như Lai tuyên nói, tánh giác diệu minh, bổn giác minh diệu?

Phú Lâu Na thưa: Bạch Thế Tôn, đúng thế, con thường nghe Phật tuyên nói nghĩa ấy.

-----------------

Thanh tịnh bản nhiên, sao lại bỗng nhiên sanh ra núi sông, trời đất?

Chỉ vì một niệm bất giác, liền phân ra chủ thể (năng) và đối tượng (sở). Do đó có ta sanh ra, có người sanh ra, có thế giới sanh ra. Một niệm quay về ở trong tánh giác thì đâu có cái gì sanh ra, vì xưa nay vẫn là Như Lai tạng diệu chân như tánh vô sanh. 

Thấy sanh ra, đó là vô minh tạo ra sanh tử. Thấy vô sanh, ngã không pháp không, đó là đất thật tịch diệt, đạo tràng chân tịnh của Nhất thừa.

Trong phần sau, ở quyển Tám, nói về Bồ tát địa thứ tám, vị đắc Vô sanh pháp nhẫn như sau:

“Một tâm Chân Như, gọi là Bất động địa”.

Bất động là không còn bị cái động của một niệm bất giác phân chia thành chủ thể và đối tượng, tâm và cảnh, không còn thấy một tâm Chân Như bất động thanh tịnh bản nhiên, sao lại bỗng dưng sanh ra núi sông, trời đất.

Một trong những danh từ để chỉ địa này trong Kinh Hoa Nghiêm là Đồng chân địa. Đồng chân là trong trắng, chưa hề bị nhiễm ô bởi cái vô minh phân hai này.

 

----------------

 

Phật bảo: Ông gọi là giác minh, vì tánh nó là minh nên gọi là giác. Hay vì cái giác có chỗ chẳng minh nên gọi là minh giác (làm sáng cái giác)?

Phú Lâu Na thưa: Nếu có cái chẳng minh nên gọi là cần giác, ắt giác có chỗ chẳng minh.

Phật dạy: Nếu không có chỗ để minh (sở minh) thì không có cái minh giác. Có chỗ để minh (sở minh) thì không phải là tánh giác, vì không có chỗ nào chẳng phải là minh. Nếu có chỗ không minh thì lại chẳng phải là tánh giác trong lặng sáng tỏ.

Tánh giác hẳn là minh, vọng mà có ra minh giác.

 

---------------

 

Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu.

Giác ở khắp cả, không chỗ nào không giác. Minh ở khắp cả, không chỗ nào không minh. Diệu ở khắp cả, không chỗ nào không diệu.

Thế nhưng vô minh bắt đầu là khi vọng tưởng rằng có một trung tâm là mình, có cái minh ở nơi mình bèn có ngay phía bên kia chẳng minh. Khi đã giành tánh giác về phần mình thì phía bên kia chẳng phải là giác. Cái chẳng phải là giác là minh này là cái ở ngoài ta, là núi sông, đất đai, con người, thế giới, là hữu tình lẫn vô tình.

Có cái năng minh, năng giác bèn có ngay cái sở minh, sở giác. Cái sở minh này được tưởng là không có minh nên cái năng minh cần nỗ lực để minh nó. Cái sở giác này thấy như vô trở nên cái năng minh cần phải tạo tác ra cái giác để giác nó. Càng nỗ lực để minh, để giác thì hố chia cách giả tạo càng thêm lớn.Vô minh lại chồng thêm vô

minh.

Cho nên không sanh một niệm vô minh bất giác, không sanh một niệm phân chia minh và giác, phân chia năng minh, sở minh và năng giác sở giác thì tất cả là tánh giác minh diệu, núi sông, đất đai... nào có sanh ra. Núi sông, đất đai, con người, thế giới là có mà vô sanh, đó gọi là diệu.

Tánh giác minh diệu như một tấm gương trong đó có núi sông, đất đai, con người, thế giới, như những ảnh hiện. Tất cả những ảnh hiện này không khác và không ngoài tấm gương, cho nên nói là gương sanh là sai mà nói là các bóng tự sanh cũng sai. Chúng hiện nhưng như huyễn, chúng hình như có sanh nhưng thật ra vô sanh. Đại thừa hay dùng chữ Chân Không Diệu Hữu là như vậy.

Có sở minh, sở giác, có chỗ để minh, để giác, khi có chỗ, có một nơi chốn bèn không toàn khắp pháp giới nên hư vọng. Có năng minh, năng giác là có một trung tâm giả tạo mới lập nên bèn mất tánh thanh tịnh bổn nhiên.

 

Không có năng minh và sở minh hư vọng, năng giác và sở giác tạo tác thêm hoa đốm thì đây là tánh giác minh, thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới, chỉ một tâm Chân Như.

Mở mắt mà nhìn, tất cả chỉ là một tánh giác, tánh minh, tánh diệu toàn khắp, còn có chỗ nào cho núi sông, đất đai... đã sanh ra, đang sanh ra hay sẽ sanh ra. Đây là thấy bằng tánh thấy, nghe bằng tánh nghe, giác bằng tánh giác, trong đó vô minh tiêu tan.

 

NGUYÊN NHÂN VỌNG THẤY CÓ THẾ GIỚI

 

Tánh giác không phải là sở minh, thế mà nhân minh giác lập ra sở minh. Cái sở đã vọng lập, liền sanh cái năng hư vọng của ông.

Trong cái vốn không có đồng, không có khác, bỗng dưng khởi ra thành có cái khác. Khác với cái khác đã thành kia, nhân cái khác ấy mà lập ra cái đồng. Cái đồng cái khác đã phát sanh ra, nhân đó mới lại lập ra cái không đồng không khác.

Như thế mà rối loạn, đối đãi với nhau mà sanh mỏi nhọc. Mỏi nhọc lâu dài thì sanh ra trần tướng mà làm vấn đục nhau, do đó mà dẫn khởi ra những trần lao phiền não. Khởi lên thì có ra thế giới, yên lặng thì thành hư không. Hư không là đồng, thế giới là khác. Dầu là không đồng không khác cũng vẫn là pháp hữu vi.

 ------------

 Sở có thì năng có, năng có thì sở có. Cả hai đều hư vọng lập ra trong Như Lai tạng vô sanh. Trong Như Lai tạng chỉ thuần một vị giác ngộ, khi đã hư vọng lập ra năng sở, cái này giác cái kia không giác, cái này minh cái kia không minh, thì trong cái vốn không có đồng không có khác bỗng hư vọng khởi lên ý niệm đồng và khác và rồi trên cái đồng và khác ấy hư vọng lập ra cái không đồng không khác.

Sự rối loạn, mỏi nhọc của tâm đã tạo ra thế giới. Sự đối đãi với nhau trong tâm đã tạo thành sự xung đột giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, thật ra cũng chỉ là tự phân cách mình với mình, xung đột mình với mình mà thôi. Thế giới phân mảnh này là sanh tử trói buộc giam nhốt chúng ta. Cho nên để đưa thế giới và con người là mặt trăng thứ hai trở lại mặt trăng thật là Như Lai tạng diệu chân như tánh, chỉ có cách duy nhất là tịnh hóa tâm phân biệt mỏi nhọc của mình, tịnh hóa tất cả phiền não chướng (trần lao phiền não) và tất cả sở tri chướng (cái thấy có năng sở, đồng khác).

Để thực sự chữa trị các tướng do phân biệt sanh ra này, kinh dạy phải đưa tất cả tướng về nguồn tánh, đưa tất cả thức tưởng về căn bản trí không phân biệt hay tự nhiên trí bổn nguyên.

 

----------------------

 

Cái giác minh và hư không mờ tối đối đãi nhau thành ra có lay động, cho nên có phong luân nắm giữ thế giới. Nhân hư không mà sanh ra lay động, kiên cố cái sáng mà lập thành sự ngăn ngại. Các thứ kim quý do minh giác lập ra tính cứng, cho nên có kim luân mang giữ cõi nước. Kiên cố cái giác thì thành kim bảo, lay động cái minh thì có gió. Gió và kim cọ xát nhau nên có lửa sáng thành tinh biến hóa. Ánh sáng của kim bảo nhuần thấm, lửa sáng xông lên, cho nên có thủy luân bao khắp mười phương cõi. Lửa bốc lên, nước sa xuống giao nhau phát nên tính cứng, chỗ ướt là biển lớn, chỗ khô là lục địa và đảo. Do nghĩa ấy trong biển lớn hơi nóng thường bốc lên, trong lục địa và đảo, sông ngòi thường chảy xuống. Thế nước kém lửa thì kết thành núi cao, bởi thế đá núi đập vào thì xẹt lửa, nung thì chảy ra nước. Thế đất kém thế nước, nảy lên làm cỏ cây, cho nên rừng rú đốt thì thành đất, vắt ra thành nước.

Các vọng tưởng giao nhau mà phát sinh, lần lượt làm chủng tử cho nhau. Do nhân duyên ấy thế giới tương tục.

 

----------------------

 

Một khi tánh giác đã bị phân biệt thành một cái sở là giác minh thì bèn có cái sở khác là hư không không có giác, không có minh. Sự đối đãi do tánh giác đã bị phân hai, đã thành một cái sở, một đối tượng, đã bị giới hạn, là sự đối đãi đầu tiên sanh ra mọi đối đãi khác. Đối đãi cho đến lúc các cái sở kia trở thành “thế giới của các pháp hữu vi”.

Khi chánh báo là tâm đã thành năng minh và sở minh, thì y báo là cảnh của thế giới vũ trụ hiện thành. Chánh báo càng thô nặng thì y báo là thế giới vật chất càng thô nặng. Nhưng điều chính là, vật chất là do các vọng tưởng đông đặc lại mà thành: Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức. Thế giới hữu vi tương tục vì các vọng tưởng tương tục; thế giới thô nặng vì tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ. thô nặng

Cho nên muốn giải thoát khỏi cái vọng thấy thế giới, phải thoát khỏi các vọng tưởng phân biệt. Bởi vì tất cả mọi con đường, mọi tông phái Phật giáo đều đi chung theo một hướng, một đại lộ, “Tự tịnh kỳ ý”, dầu tịnh theo cách nào, nhanh hay chậm, chiến lược hay chiến thuật, tổng thể hay phần tử.

Ngay giờ đây mà không động niệm phân biệt, thì giác minh trở lại tánh giác, thế giới hữu vi trở lại thật tướng của nó. Trụ trong thật tướng ấy là tu, là đi trên con đường giải thoát và giác ngộ.

 

------------

 

Lại nữa, Phú Lâu Na, cái minh hư vọng ấy chẳng phải là cái gì khác, lỗi là từ cái giác minh. Cái sử minh đã hư vọng lập ra, thì phạm vi của cái năng minh không vượt qua được. Do nhân duyên này mà nghe không ra ngoài tiếng, thấy chẳng vượt khỏi sắc. Sáu sắc, hương, vị, xúc...thành tựu, do đó mà phân ra có thứ vọng thấy, nghe, hay, biết.

Đồng nghiệp ràng buộc nhau mà có hợp, có lìa, có thành, có hóa. Cái thấy mà làm năng minh thì sắc phát ra, rồi cái năng minh cho cái thấy thì thành có tư tưởng. Thấy khác thì thành ra ghét, cùng tư tưởng thì thành thương. Chảy tràn cái thương yêu làm thành hạt giống, thu nạp tưởng niệm làm thành thai, giao cấu phát sanh, hấp dẫn cái cùng một nghiệp, nên có nhân duyên sanh ra yết la lam, át bồ đàm ... Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh tùy theo chỗ mà ứng hiện. Noãn sinh chỉ do tưởng mà có, thai sinh do tình mà có, thấp sinh do hợp mà cảm, hóa sinh do phân lia mà ứng hiện. Tình, tưởng, hợp, lìa thay đổi lẫn nhau, do đó mà chịu nghiệp, theo đó mà chìm nổi. Do nhân duyên ấy chúng sanh tương tục.

 

--------------------

 

Quá trình vô minh sản sanh ra hư vọng này là vấn đề cá nhân. Sanh tử là sanh tử với mình, diệt hết sanh tử là diệt với mình, còn tánh giác diệu minh, pháp giới vẫn thanh tịnh vô sanh như vậy từ xưa nay và vĩnh viễn về sau.

Tánh giác khi đã có vô minh khởi động phân biệt thì thành cái giác minh.

Khi cái minh đã thành sở, có chỗ nơi và không toàn khắp như tánh giác thì đó là cái sở minh hư vọng. Cùng một lúc sở minh lập thì năng minh cũng thành. Sở minh càng phân mảnh, càng thô nặng thì thành sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, và năng minh thành các giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sở minh và năng minh giới hạn nhau, do đó mà nghe không ra ngoài tiếng, thấy không vượt khỏi sắc.

Sở minh là trần, năng minh là căn, ở giữa thức sanh ra. Thức bám chấp vào cái ta và cái của ta tạo thành nghiệp thức. Nghiệp thức ấy theo nghiệp, tức là thói quen, mà sanh ra trong bốn loài noãn, thai, thấp, hóa. Cứ tương tục như vậy mãi trong luân hồi sanh tử.

Nhưng ở đây chúng ta thấy một con đường thoát: trong cái sở minh (trần) và cái năng minh (căn), có minh, tức là ánh sáng. Nếu biết tìm thấy ánh sáng minh ấy nơi căn trần thức, bằng cách đi ngược lại, chúng ta sẽ trở về lại cái minh bổn nguyên của tánh giác minh diệu, chấm dứt sanh tử luân hồi hư vọng.

Sở minh năng minh giới hạn nhau khiến tánh giác thành sanh tử. Phá được năng sở giới hạn này là giải thoát, khi ấy chỉ còn một cái minh, một ánh sáng bổn nguyên: tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu.

 

-------------

 

Phú Lâu Na, các tưởng yêu thương cùng kết hợp với nhau, yêu thương chẳng rời, do đó trong thế gian cha mẹ, con cháu sanh nhau không dứt. Những việc như thế do tham dục làm gốc. Tham và yêu mến cùng nuôi nhau, tham muốn chẳng ngừng nên trong thế gian các loài noãn sanh, hóa sanh, thấp sanh, thai sanh tùy sức mạnh yếu lần lượt ăn nuốt lẫn nhau. Những việc như thế do tham sát làm gốc. Người ăn dê, dê chết làm người, người chết làm dê. Như vậy cho đến mười loài chúng sanh chết sống, sống chết, ăn nuốt lẫn nhau. Nghiệp ác càng sanh cho đến tột đời vị lai. Những việc như thế do tham trộm làm gốc.

Người này mắc nợ mạng người kia, người kia trả nợ cũ cho người này, do nhân duyên ấy mà trải qua trăm ngàn kiếp thường ở trong sanh tử. Người này yêu tâm người kia, người kia thích cái sắc người này. Do nhân duyên ấy trải qua trăm nghìn kiếp thường ở trong trói buộc.

Chỉ ba thứ giết, trộm, dâm làm gốc rễ, mà do nhân duyên ấy nghiệp quả tương tục. 

Phú Lâu Na, ba thứ điên đảo tương tục như thế, đều là tánh rõ biết sáng tỏ của giác minh. Nhân biết mà phát ra có hình tướng. Từ vọng thấy sanh ra có núi sông, đất đai, các tướng hữu vi, thứ lớp đổi dời, đều nhân cái hư vọng ấy mà hết rồi lại bắt đầu.

 

------------------------------

 

Tham dục thì sanh nhau không dứt. Nợ mạng, nợ những hành động gây tổn hại thì phải tái sanh để trả nợ. Yêu tâm, thích sắc thì cứ trói buộc nhau bao nhiêu kiếp. Kiếp này hết qua kiếp khác, tương tục không dứt, đó là luân hồi sanh tử.

Giác minh dù thấy và làm trong mê vọng nhưng vẫn có phần nào tánh rõ biết sáng tỏ vì giác minh là tánh giác đã bị ô nhiễm bởi vô minh. Cho nên trong đối đãi rối loạn của năng và sở hư vọng mà nhận ra hư vọng luôn luôn nằm trên tánh rõ biết sáng tỏ thì đây là con đường chấm dứt hư vọng, hiển lộ tánh giác.

 

CHỈ RÕ GIÁC CHẲNG SANH MÊ

 

Phú Lâu Na thưa: Nếu tánh diệu giác vốn diệu minh này cùng tâm Như Lai, không tăng không giảm, vô cớ bỗng nhiên sanh ra núi sông, đất đai, các tướng hữu vi. Vậy nay Như Lai đã chứng được Diệu giác minh không, thì lúc nào lại sanh ra núi sông, đất đai và các tập lậu hữu vi?

Phật bảo Phú Lâu Na: Ví như người mê, ở trong một xóm làng, lầm hướng Nam là hướng Bắc, cái mê ấy nhân mê mà có hay nhân ngộ mà sanh?

Phú Lâu Na thưa: Người mê như vậy, cũng chẳng nhân mê cũng chẳng nhân ngộ. Vì sao thế? Cái mê vốn không có gốc gác, làm sao mà nhân mê? Ngộ chẳng sanh ra mê, làm sao mà nhân ngộ?

Phật nói: Người mê kia, ngay khi đang mê, bỗng có người ngộ khiến cho tỏ ngộ. Phú Lâu Na, ý ông thế nào? Người ấy đã bỏ cái mê rồi thì ở nơi xóm làng ấy có còn sanh mê lại không?

_Bạch Thế Tôn, không.

_Phú Lâu Na, mười phương Như Lai cũng lại như vậy. Cái mê ấy không có gốc gác, tánh nó rốt ráo không. Xưa vốn không có mê, mà in tuồng như có mê, có giác. Giác được cái mê thì mê diệt mà cái giác vốn chẳng sanh mê.

Cũng như người lòa mắt thấy hoa đốm trong hư không, nếu bệnh lòa hết thì hoa đốm trong hư không diệt mất. Bỗng có người ngu, ở chỗ hư không mà hoa đốm kia đã diệt lại chờ đợi hoa kia sanh trở lại. Ông xét người ấy là ngu hay trí?

Phú Lâu Na thưa: Hư không nguyên không có hoa đốm mà vọng thấy có sanh diệt. Thấy có hoa đốm diệt mất giữa hư không đã là điên đảo, lại còn muốn nghĩ bao giờ chúng sanh ra trở lại thì thật là điên dại, làm sao gọi người điên cuồng như thế là ngu hay trí.

Phật dạy: Ông hiểu như thế sao lại còn hỏi, tánh diệu giác minh không của chư Phật Như Lai đến khi nào lại sanh ra núi sông đất đai?

Cũng như quặng vàng trộn lẫn với vàng ròng, một khi vàng đã thành ròng, chẳng trở lại thành quặng lẫn lộn nữa. Như cây đã đốt thành tro chẳng trở lại thành cây nữa.

Giác ngộ, Niết bàn của chư Như Lai cũng lạis như vậy.

 

------------------------

 

Ngài Phú Lâu Na tiếp tục hỏi cho những thắc mắc của chúng ta. Tâm Như Lai là tánh diệu giác vốn diệu minh không tăng không giảm, vô cớ bỗng nhiên sanh ra núi sông đất đai, nay Như Lai đã chứng tánh ấy thì lúc nào núi sông đất đai sanh ra trở lại? Chứng được tánh giác vốn không tăng không giảm này thì có bao giờ có cái gì sanh ra, cái gì diệt mất.

Như người mê lầm phương hướng, cái mê ấy không có gốc gác, làm sao mà nhân mê mà có? Quan sát sâu xa cái mê sanh tử này thật không có gốc gác, bèn được giải thoát.

Rồi chẳng lẽ cái mê ấy do ngộ mà có, bóng tối do ánh sáng mà có, cái mê tạo ra sanh tử do tánh giác mà có? Hãy thiền quán thật sâu xa lời dạy của Đức Phật, thiền quán đến đâu trí huệ Bát Nhã hiện ra đến đó mới có thể nhổ được gốc sanh tử hư vọng.

Hư không nguyên không có hoa đốm sanh diệt, Diệu giác minh không vốn không có sanh tử sanh diệt. Hãy thiền quán lời dạy này cho đến khi thật thấy, đạt được cái thấy của việc “đắc pháp nhãn tịnh”.

Và rồi ngài Phú Lâu Na còn đẩy người tu hành đến một cái thấy cao hơn nữa, cái thấy của vô sanh pháp nhẫn, vô công dụng đạo. “Thấy có hoa đốm diệt mất giữa hư không đã là điên đảo”, hoa đốm chưa từng sanh mà thấy hoa đốm có diệt mất, là một điên đảo vi tế. “Lại còn muốn nghĩ bao giờ chúng sanh ra trở lại thì thật là điên dại”, chung quy chỉ vì thấy hoa đốm là thật có, sanh tử là thật có, từ đó có hy vọng và sợ hãi. Thật có thì có sanh rồi có diệt, thật có thì có diệt rồi e có lúc lại sanh ra. Hoa đốm chưa từng sanh, chưa từng có thì nói gì đến chuyện sanh diệt của hoa đốm. Giấc mộng không nhân đâu có, không thể sanh trụ dị diệt ở đâu cả thì mong hay không mong sanh trở lại là điều điên rồ. Như chờ hoa đốm kết thành trái, như giấc mộng đã mất, mà ngồi chờ nó biến thành thực trước mắt.

Chính đại trí thấy tất cả như huyễn này làm phát sanh đại bi, khi nhìn thấy chúng sanh mê mờ, điên đảo mong chờ hay sợ hãi hoa đốm kết thành trái giữa hư không, đợi hay lo giấc mộng sẽ thành sự thật.

Quan sát đoạn kinh này mới thấy người tu hành chúng ta phần đông đang tu trên hoa đốm, đang lấy hoa đốm mà hành, rồi chờ đợi hoa đốm ấy kết thành quả. Chúng sanh chúng ta đang tu trong giấc mộng mà lại chờ mộng ấy biến thành thực ngộ. Thiền quán như vậy cho đến lúc sanh tử vở toang, mê mộng cạn kiệt, mới thấu hiểu được cái điên đảo từ trước tới giờ của chúng ta là gì. Rồi mới lấy hoa đốm, giấc mộng làm phương tiện thiện xảo mà độ cho người.

Cái tâm phân biệt, cái mê của mình, dầu có điên đảo cỡ nào cũng đều là cái mê ngay trên cái giác, hoa đốm có nhiều cỡ nào cũng là vọng thấy ngay trên hư không. Cho nên, ngay nơi cái tâm phân biệt là tâm vô phân biệt, ngay nơi cái mê là cái giác, ngay nơi hoa đốm là hư không, ngay nơi những sắc tướng sanh tử là tánh giác Niết bàn.

Thiền định thiền quán cho sâu để thấy ra cái ‘ngay nơi này, bèn thấy và sống được cái “tâm Như Lai không tăng không giảm” đang hiện tiền này :

Diệu trạm tổng trì bất động tôn

Thủ Lăng Nghiêm vương đời ít có

Tiêu điên đảo tưởng trong ức kiếp

Chẳng trải tăng kỳ được Pháp thân.

Bài viết liên quan