Tam Bảo, Ba gốc, và vô lượng chư Bổn Tôn,
Con nguyện quy y từ nay cho đến khi giác ngộ.
Con xin tán thán chỉ một phần nhỏ những phẩm tính
Của địa điểm Akaniṣhṭa này, một thánh địa của tâm giác ngộ.
Từ Tôn giả Dusum Khyenpa cho đến
Ngài Rigpe Dorje, chỗ quy y không lừa dối,
Địa điểm thù thắng, vinh quang của tâm giác ngộ này,
Akaniṣhṭa, được ban phước bởi mười sáu đức Karmapa theo tuần tự.
Những núi đá ở đây có thể xuất hiện là chắc đặc,
Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của ý nghĩ nhị nguyên:
Thực sự, chúng là hiện tướng-tánh Không, mạn-đà-la của chư Bổn Tôn.
Khi sự xác quyết về điều này trở nên ổn định,
Tất cả những ai thực hành ở đây
Sẽ không cần nỗ lực mà tự nhiên được hoàn thiện
Những phẩm tính xuất sắc của các địa và con đường
Của đại mật Kim Cương thừa –
Về điều này, tôi đã có được sự chắc chắn.
Tất cả chư vị Karmapa thời vị lai
Cũng chắc chắn sẽ chuyển Pháp luân ở nơi này.
Vì thế, nguyện những khe vách giữa các núi đá
Ngập tràn những đệ tử của giáo lý Karmapa!
Như đàn ong với một vườn hoa,
Nguyện thiện nam, tín nữ của thế giới
Lang thang tại những ẩn thất hẻo lánh này.
Nguyện danh tiếng của họ lan xa khắp thế gian
Và nguyện cho những trái tim chí thành tỏa sáng rực rỡ!
Rinpoche bổ sung rằng:
“Quán chiếu về những phẩm tính xuất sắc của cõi Akaniṣhṭa này, một thánh địa thù thắng của tâm giác ngộ, tôi đã viết những lời này thành giai điệu và áp dụng cho chính mình tinh tấn thực hành Đạo Sư Du Già về Đức Karmapa vinh quang.”
Tại Tsurphu, cùng với tập hội tín đồ đông đảo, Rinpoche chứng kiến Đức Karmapa cử hành nghi lễ Vương Miện Kim Cương quý báu, giải thoát nhờ nhìn ngắm. Tự truyện kể rằng:
“Ngay lúc ấy, tôi đã sở hữu sự xác quyết vững chắc rằng không phải chiếc mũ gia trì cho Đức Karmapa mà chính Đức Karmapa ban phước cho chiếc mũ. Vì thế, bằng tâm, tôi thỉnh cầu các quán đảnh về thân, khẩu, ý của đạo sư và tưởng tượng, với sự tin tưởng, rằng tôi thọ nhận quán đảnh và ban phước từ thân, khẩu, ý giác ngộ. Nhìn chung, Vương Miện Kim Cương, thứ giải thoát nhờ nhìn ngắm là một thứ thật tuyệt diệu; nhưng đó chỉ là một ví dụ về trí tuệ tự sinh của Đức Karmapa. Tôi tin tưởng rằng chiếc ‘mũ’ chân thật của trí tuệ Đức Karmapa vẫn luôn ở bên bất khả phân với những hóa hiện tuần tự qua các đời của Đức Karmapa và tôi trân trọng phước báu khi có được sự tin tưởng này. Tôi vẫn luôn cảm thấy chiếc mũ này là thứ gì đó mà Đức Karmapa phô diễn ra vì những đệ tử không thể thấy được chiếc mũ trí tuệ tự sinh của Ngài và rằng chính Đức Karmapa, bất kể hóa hiện nào, cũng đều có thể làm một chiếc mũ với tính chất để làm mẫu này.”
Sau đó, Rinpoche đến nghĩa địa lớn của Tsurphu, nơi Ngài thực hành, theo trình tự xuôi và ngược, thiền định về thập nhị nhân duyên. Tiếp đó, Ngài viếng thăm và thiền định trong động thiền định của Đức Karmapa thứ 9, Động Kyimo, động thực hành của Đấng Repa Chenpo và các địa điểm khác. Ngài thiết tha được thỉnh cầu chỉ dẫn trực chỉ về Đại Ấn từ pháp chủ vinh quang của các Bậc Chiến Thắng, Đức Karmapa Rangjung Rigpe Dorje. Ngài đã thỉnh cầu một buổi diện kiến thông qua thị giả cá nhân và lập tức được đưa vào gặp Đức Karmapa.
Tự truyện kể rằng:
“Ngài hỏi tôi, “Tinh túy của tâm con giống cái gì?”. Lập tức tâm tôi thoát khỏi những tư tưởng và trong chốc lát, tôi chẳng thể nói gì. Cuối cùng, tôi đáp rằng, “Khi phân tích tâm, con chẳng thể tìm thấy nó; nhưng khi tâm nghỉ ngơi, nó sở hữu sự sáng suốt”. Ngài cười và bảo, “Đúng, chính là nó. Mọi đối tượng là hiện tướng – tánh Không bất khả phân. Mọi trạng thái tinh thần là sáng tỏ – tánh Không bất khả phân. Mọi cảm xúc là lạc – Không bất khả phân. Đấy là cách mà chúng thực sự là; hãy nhận ra chúng như vậy!”. Trong thoáng chốc, nhờ sự ban phước của đạo sư, tâm tôi một lần nữa lại thoát khỏi những tư tưởng và tôi ngồi yên lặng. Ngài nhìn tôi rồi bảo, “Hãy thực hành như vậy trong hang động”. Tôi trở về hang động thực hành một lần nữa, quán chiếu nhiều lần về ý nghĩa của những lời Ngài nói. Tôi đạt được sự xác quyết mạnh mẽ rằng mặc dù từ ngữ của Ngài ngắn gọn, chúng sở hữu ý nghĩa sâu sắc và bao la. Nhờ quán chiếu về những chỉ dẫn truyền miệng sâu xa này, từ khi thọ nhận chúng đến nay, tôi hiểu rằng chúng chứa đựng sự sâu sắc, và những điểm cốt yếu của tri kiến về toàn bộ Kinh điển và Mật điển.”
Tự truyện của Rinpoche tiếp tục làm sáng tỏ ý định trí tuệ từ ba dòng chỉ dẫn trực chỉ của Pháp chủ của các Bậc Chiến Thắng dưới dạng một bài ca chứng ngộ mở rộng.
Cũng chính trong giai đoạn này, Rinpoche gặp Drupon Tenzin Rinpoche. Trình bày đôi chút về tiểu sử của Drupon Tenzin, tự truyện có viết rằng:
“Ban đầu, Ngài bước vào và hoàn thành khóa nhập thất ba năm tại Tu viện Dilyak. Sau đấy, Ngài thực hành trong những giai đoạn dài trong hang động ở thung lũng không người, chẳng hạn Yopkok. Lama Zothar đáng kính nhiều lần kể cho tôi về những dấu hiệu tuyệt vời và diệu kỳ khởi lên từ sự hành trì của Drupon Tenzin trong giai đoạn này. Một lần nữa, Drupon Tenzin trở về Tu viện Dilyak, nơi Ngài đóng vai trò là đạo sư nhập thất (Drupon/ sgrub dpon). Trong nhiều hành giả đạt tới sự vượt thoát khỏi tạo tác mà Ngài dẫn dắt, một trong những vị xuất chúng là Lama Zothar. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ là đạo sư nhập thất, Drupon Tenzin Rinpoche đi hành hương theo phong cách của một Yogi thoát khỏi hành động tạo tác, viếng thăm mọi thánh địa chính yếu của Tây Tạng, bao gồm cả Núi Kailash. Ngài hoàn thành chuyến hành hương bằng cách đến Tolung Tsurphu vinh quang. Chúa tể của các Bậc Chiến Thắng, Đức Karmapa, biết rằng Drupon Tenzin sở hữu những trao truyền thù thắng về Đại Thủ Ấn và Sáu Pháp Yoga, đã thỉnh cầu và thọ nhận từ Ngài chỉ dẫn truyền miệng về Sáu Pháp cùng nhiều giáo lý khác. Sau đó, Đức Karmapa đề nghị Ngài sống cố định tại Tsurphu và Ngài đã làm vậy. […] Mặc dù Ngài ở vị trí hiếm có của việc là bậc thầy, người cúng dường những chỉ dẫn sâu xa của Sáu Pháp lên chúa tể của các Bậc Chiến Thắng - Đức Karmapa vinh quang, Rangjung Rigpe Dorje, Ngài không có một chút gì tỏ ra là người vĩ đại và luôn duy trì những cách thức sinh hoạt của một vị Yogi thoát khỏi hành động tạo tác.”
Từ Drupon Tenzin Rinpoche, theo lối trao truyền kinh nghiệm, Rinpoche đã thọ nhận một cách hoàn hảo trọn vẹn, những chỉ dẫn dẫn dắt sâu sắc về con đường phương tiện, Sáu Pháp của Naropa. Sáu Pháp là tinh túy giáo lý của Đức Naropa vinh quang về giai đoạn hoàn thiện từ bộ Mật điển cao nhất của Chân ngôn Bí mật. Chúng cũng là thực hành căn bản của Đức Milarepa. Sau khi thọ nhận trao truyền, Rinpoche hoàn thiện thực hành Sáu Pháp Du Già bằng cách thực hành ngày – đêm không gián đoạn trong động thực hành của Gyalwa Gangpa.
Sau đó, Rinpoche thọ nhận chỉ dẫn sâu xa cho Chiết Xuất Tinh Túy Của Không Gian và thực hành chúng trong động của Đức Repa Chenpo. Khi Rinpoche đang nhập thất, Drupon Tenzin hỗ trợ Ngài với lòng đại từ. Hai em gái của Drupon Tenzin, những vị sống ở Tsurphu, cũng hỗ trợ Ngài và đóng vai trò là thị giả hộ thất cho Ngài, cung cấp những nhu yếu cần thiết và v.v.
Sau khi thực hành thêm một thời gian, Ngài cúng dường sự chứng ngộ lên Drupon Tenzin Rinpoche và hai vị đã trao đổi với nhau. Điều này mở rộng tri kiến của Rinpoche và tăng cường niềm tin, lòng kính trọng và yêu kính của Ngài dành cho đạo sư. Ngài đã hát lên bài ca hoan hỷ này:
Nhờ những chỉ dẫn khẩu truyền của đạo sư từ ái,
Người bất khả phân với đức Kim Cương Trì,
Tôi ăn thức ăn của không gian rỗng rang;
Tôi ngồi trên chiếc ghế của nền tảng rỗng rang.
Đặt niềm tin của tôi vào những vách đá và núi non,
Tôi chẳng cần những chiếc gối hay đồ ngủ:
Nhờ những ban phước của chư Tổ thành tựu giả,
Tôi chẳng bị khuấy động bởi những ý nghĩ về quá khứ;
Tôi không nghĩ về những vấn đề của tương lai.
Tôi biết cách nghỉ ngơi trong bản thân tâm-hiện-tại quang minh,
An định và thư giãn trong trạng thái tự nhiên
Chẳng có cách nào tôi có thể báo đáp lòng từ của đạo sư,
Vì thế, tôi phát lời thệ nguyện này:
Trong tất cả các đời tái sinh của mình,
Nguyện hoàn thành trọn vẹn mong muốn của đạo sư.
Nguyện làm lợi lạc cho chúng sinh và giáo lý;
Và nguyện sự cát tường dồi dào tuôn chảy
Để hai sự lợi lạc đều được viên thành!
Theo lệnh của Drupon Tenzin Rinpoche, Rinpoche dành bảy đêm tại nghĩa địa Tsurphu, nơi được cho là có đặc tính giống với nghĩa địa Sitavana. Ban đêm, Ngài bí mật dấn thân vào những thực hành Chod, thiền định phân tích về hai kiểu vô ngã, du-già Từ ái và Bi mẫn, và nhiều thiền định khác. Ban ngày, trong động thực hành, Ngài tham gia vào lắng nghe, tư duy và thiền định về tiểu sử của Đức Bà Machik Labdron.
Sau khi hoàn thành khóa nhập thất đó, trong vài tuần tiếp theo, vâng lời đạo sư, Ngài ở lại nghĩa địa Tsurphu; nhưng lần này, Ngài ở gần một dốc lớn trong nghĩa địa, nơi Ngài dựng lều bằng cách lấy y phục từ các xác chết và dùng nó làm vải bạt, rồi nối chúng lại bằng dây thừng vốn dùng để buộc xác chết.
Như thế, Rinpoche đã thực hành Giáo Pháp Chod chân chính, thứ cắt đứt sự lừa gạt của ma quỷ, ngày đêm không gián đoạn. Ngài cắt đứt gốc rễ của chấp ngã và những dấu hiệu xuất sắc của kinh nghiệm khởi lên trong tâm. Ngài cũng cử hành nghi lễ Ganachakra của hành vi du-già sâu xa. Nhờ tất cả những điều này, Ngài tự nhiên được dân chúng địa phương biết đến như là “người đàn ông nghĩa địa” hay “Lama nghĩa địa”. Theo cách này và nhiều cách khác, di sản của Ngài rất giống với câu chuyện cuộc đời của chư thành tựu giả trong quá khứ.
Khi ấy, một nhóm chư Ni từ Tu viện Jindo ở Nyemo và Drolma Puk đã đến Tsurphu và lần đầu tiên gặp gỡ Rinpoche. Mặc dù họ thỉnh Rinpoche đến Nyemo, Ngài đã không chấp nhận thỉnh cầu của họ. Một thời gian sau, với sự cho phép của Drupon Tenzin Rinpoche, Ngài quyết định đi hành hương đến Đất Thánh Ấn Độ. Nơi đầu tiên mà Ngài viếng thăm sau khi rời Tsurphu là Nyemo, chính là nơi Tu viện Jindo tọa lạc. Tuy nhiên, Ngài không vào Tu viện; thay vào đó, Ngài dành ba ngày ở nghĩa địa gần đó.
Cuối cùng, sau khi chư Ni bền bỉ khẩn cầu Ngài chấp nhận họ làm đệ tử, Ngài chấp thuận và đến Tu viện, ban cho chư Ni những giáo lý về thực hành sơ khởi của Đại Ấn, nghi quỹ Thành Tựu Cõi Đại Lạc và nhiều Pháp khác.
Sau đấy, Rinpoche du hành đến động thiền định của Đức Berotsana, vua của các dịch giả, và Kugon Chokyi Senge, tâm tử của Đức Bà Machik Labdron. Niềm tin mãnh liệt khởi lên trong tâm Rinpoche và Ngài hát lên những bài ca cầu nguyện, chẳng hạn như dưới đây:
Con khẩn cầu chư đạo sư của truyền thừa Chod;
Con khẩn cầu Đức Bà Machik Labkyi Dron;
Con khẩn cầu Kugon Chokyi Senge:
Xin hãy ban phước cho con
để bám chấp với những hoạt động của đời này,
Sự xuất hiện mê lầm của những tập khí,
Bị đảo ngược từ đáy sâu.
Tiếp theo, Ngài băng qua cây cầu sắt do thành tựu giả Thangtong Gyalpo xây dựng. Ngài thực hành trong một căn nhà hoang lớn ở Jako, cũng như tại ba nghĩa địa: nghĩa địa Nyangpo, nghĩa địa Khashor Shawari Gong và nghĩa địa Kargung. Tại những nơi này, Rinpoche tìm ra thành trì của thực hành Chod. Nhiều kinh nghiệm diệu kỳ và đau đớn xuất hiện. Rinpoche chuyển hóa tất cả thành sự hỗ trợ giúp tăng cường cho thực hành của mình và khiến trí tuệ chứng ngộ vô ngã, bản tánh chân thật của thực tại, hiển bày thêm. Mức độ chứng ngộ của Ngài tăng thêm; Ngài chiến thắng những hiện tướng mê lầm. Sau đấy, Rinpoche thực hành tại hai thánh địa vĩ đại của Đức Bà Yeshe Tsogyal: động thực hành Jomo Kharak và Joma Drosa.
Một lần nữa, Ngài trở về Tu viện Jindo ở Nyemo và tiến hành những chuẩn bị cuối cùng để đến Ấn Độ. Chư Ni nhiều lần thỉnh cầu được đi cùng Ngài trong hành trình này và cuối cùng, Ngài cho phép họ làm vậy. Như thế, vào năm kỷ niệm 2500 năm Đức Phật nhập diệt theo Phật giáo Nguyên Thủy, Rinpoche và đoàn tùy tùng du hành đến bốn thánh địa lớn và những điểm hành hương khác.
Chư Ni (những người hiện nay đã khá lớn tuổi), những người du hành cùng Rinpoche vào thời điểm đó đã kể lại nhiều câu chuyện truyền miệng về những chiến công kỳ diệu mà ngài đã hiển bày trong chuyến hành hương của họ. Để không làm cho tập sách này bị quá dài, tôi sẽ không viết về những điều này ở đây.
Rinpoche và đoàn tùy tùng cuối cùng đã trở về Nyemo an toàn và khỏe mạnh, sau đó Ngài lại lên đường một mình, tiến hành một cuộc nhập thất cô tịch nghiêm ngặt, đơn độc trong hang động có tên là Drolma Puk, một địa điểm linh thiêng được thành tựu giả Nyemowa ban phước.
Đến năm 1959, một sự thay đổi mang tính thời đại đã diễn ra ở Tây Tạng. Vào năm đó, Rinpoche ra thất và với sự hỗ trợ của chư ni đệ tử, ngài du hành qua Bhutan đến Ấn Độ và đến đó như một người tị nạn.
Trong chín năm tiếp theo, ở Buxa Duar, Ấn Độ, Rinpoche một lần nữa tham gia vào những nghiên cứu về Cái Thấy (Kiến), tiếp tục những lắng nghe, tư duy và thiền định mà Ngài đã từng làm trước kia. Ngài nghiên cứu các bản văn truyền thống của truyền thừa Kagyu, bao gồm ba chủ đề Mật thừa, tức Luận Phật Tánh, Mật điển Hevajra và Thực Tại Sâu Xa Bên Trong, và năm chủ đề Kinh điển. Ngài cũng nghiên cứu mở rộng các bản văn về Kinh, Mật và lô-gic của truyền thống Sakya, Geluk và Nyingma. Theo cách này, Ngài hoàn toàn cắt đứt mọi nghi ngờ và tạo tác ý niệm.
Khi hoàn thành các nghiên cứu, Ngài trải qua kỳ thi tranh luận bằng miệng trước đại chúng hàng nghìn vị trụ trì, Tulku, Lama và chư Tăng từ bốn trường phái chính của Phật giáo Tây Tạng; đại chúng dưới sự chủ trì của Đức Dalai Lama. Sau kỳ thi, Ngài được trao danh hiệu Geshe Lharampa. Rinpoche trở thành đối tượng cho sự tán thán và tôn kính vì tài tranh luận lô-gic và về kiến thức và trí tuệ sắc bén. Danh tiếng của Ngài thực sự lan xa khắp mọi phương.
Rinpoche sau đó trở về bên Pháp vương Karmapa thứ 16 và Drupon Tenzin Rinpoche, thọ nhận thêm những chỉ dẫn kinh nghiệm và cúng dường sự chứng ngộ lên chư vị. Ngài cũng thọ quán đảnh, chỉ dẫn và khẩu truyền cho Rinchen Terdzod (Kho Tàng Terma Quý Báu) vĩ đại từ bậc ban quy y Dilgo Khyentse Rinpoche. Đặc biệt, Ngài thọ toàn bộ chỉ dẫn cho Lamrim Yeshe Nyingpo (Các Giai Đoạn Của Con Đường Tinh Túy Trí Tuệ) và nhiều bản văn then chốt khác.
Nói ngắn gọn, trong giai đoạn này, Rinpoche hoàn toàn cắt đứt mọi tạo tác quan niệm nhờ lắng nghe, tư duy, thiền định về Kiến, Thiền và Hạnh trong mọi giai đoạn của chúng.
Năm 31 tuổi, đức đạo sư được Thắng giả thù thắng thứ 16 – Đức Rangjung Rigpe Dorje tôn vinh và công nhận là một Khenpo của truyền thừa Kagyu vinh quang, vô song.
Tuân theo những chỉ dẫn của Đức Karmapa thứ 16 cũng như mong ước sâu xa của Thái Hậu Bhutan – Phuntsok Chodron, Rinpoche đến Bhutan, sống vài năm ở Kunga Rabten và Bumthang. Tại những nơi này, Ngài đem lợi lạc lớn lao đến cho nhiều đệ tử chí thành. Năm 1968, trên một ngọn núi ở Kunga Rabten Dzong, Rinpoche thành lập Ni viện Karma Drubde Gon ở một nơi rất hẻo lánh và đẹp đẽ với đầy đủ những đại diện của Tam Bảo,.
Ngài thiết lập chư Ni đã đi cùng Ngài từ Nyemo, khoảng mười ba vị, trong khóa nhập thất ba năm tại một nơi nhập thất ở đó và cẩn thận dẫn dắt họ qua các thực hành.
Tuân theo mệnh lệnh từ đức Karmapa thứ 16 vĩ đại, vị đã chỉ dạy Ngài đến phương Tây và tiến hành hoạt động giác ngộ vì lợi lạc của giáo lý và chúng sinh, năm 1977, Rinpoche đã du hành đến châu Âu, bắt đầu ở Pháp, tại trụ xứ Kagyu – Dakpo Kagyu Ling. Khi ấy, Nyoshul Khen Rinpoche cũng ở vùng đó. Hai đạo sư đã thảo luận về kinh nghiệm và chứng ngộ về Trung Đạo, Đại Ấn và Đại Viên Mãn và thấy rằng kinh nghiệm của hai vị khá hòa hợp.
Sau đấy, Rinpoche du hành đến Vương Quốc Anh, Đức, Bỉ, Hy Lạp và nhiều nước khác ở châu Âu, giảng dạy ngôn ngữ Tây Tạng và chuyển Pháp luân Kinh thừa và Mật thừa. Nhiều đệ tử châu Âu, những người sau này trở thành dịch giả và tham gia vào nghiên cứu Kinh – Mật mở rộng dưới sự dìu dắt của Ngài, là những đệ tử phương Tây đầu tiên của Ngài.
Trong lúc ở châu Âu, đức đạo sư dâng một câu hỏi lên Đức Karmapa thứ 16: “Trường phái Cựu Dịch Nyingma sở hữu ‘mười ba bản văn vĩ đại’, trường phái Sakya vinh quang có ‘mười tám bản văn rất nổi tiếng’ và Riwo Gadenpa; còn trường phái Geluk, có ‘năm tập kinh văn’. Vậy những bản văn nào là vô cùng quan trọng với truyền thống Kagyu?”. Câu trả lời của Đức Karmapa đến trong một bức thư; trong đó, Đức Karmapa viết rằng, “Với Kagyu, có tám bản văn lớn của Kinh và Mật”.
Như thể bức thư rơi thẳng xuống đỉnh đầu, Rinpoche hết sức để tâm đến lời khuyên từ Đức Karmapa và bắt đầu nhấn mạnh vào những bản văn Kinh và Mật này trong giảng dạy. Ngài hỗ trợ điều này bằng những lời cầu nguyện rằng hoạt động giác ngộ của Giáo Pháp kinh văn và chứng ngộ nói chung, và đặc biệt là Takpo Kagyu vô song, sẽ lan tỏa khắp hư không.
Năm 1978, Rinpoche thiết lập Kagyu Thekchen Shedra ở châu Âu và sau đấy, Ngài thành lập Tổ Chức Marpa Châu Âu.
Bắt đầu từ năm 1982 và theo lệnh của Đức Karmapa thứ 16, Rinpoche là trụ trì của Học Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Cao Cấp Karma Shri Nalanda tại trụ xứ của Đức Karmapa – Tu viện Rumtek. Ngài ban cho nhiều Khenpo, Tulku và tu sĩ các giáo lý về những bản văn lớn và dẫn dắt họ qua các giai đoạn của thiền chỉ, thiền quán và v.v. trong bối cảnh dấn thân tuần tự vào các thừa của Phật Pháp. Ngài cũng soạn các bản văn về cách tiếp cận độc đáo của truyền thừa Kagyu với những chủ đề Shedra cốt yếu: giới thiệu về các thuật ngữ của lô-gic, phân loại tâm, và phân loại lập luận, cùng với phân tích bình giảng của Ngài.
Những bản văn này là trước tác của chính Ngài, nhưng tóm lược chuẩn xác ý nghĩa dự định của Đại Dương Bản Văn Về Luận Lý của Đức Karmapa thứ 7 – Chodrak Gyatso và Kho Tàng Tri Kiến của Tôn giả Jamgon Kongtrul Lodro Thaye. Chúng trở thành nguồn tài liệu độc đáo trong các Phật học viện Kagyu và tại các học viện và tổ chức Phật giáo quốc tế.
Rinpoche cuối cùng du hành đến Hoa Kỳ, Canada và nhiều quốc gia khác ở Bắc và Nam Mỹ. Không một chút thành kiến nào, Ngài giảng dạy Giáo Pháp Kinh thừa và Mật thừa cho đệ tử sùng kính tại trụ xứ Kagyu được biết đến là Karma Triyana Dharmachakra, Vajradhatu, các trung tâm của Kalu Rinpoche đáng kính và cho nhiều nhóm và các tổ chức khác. Đặc biệt, với lòng từ lớn lao, Ngài ban chỉ dẫn cốt tủy của Đại Ấn và Đại Viên Mãn, dẫn dắt đệ tử trong những thiền định này; Ngài tiếp tục dẫn dắt nhiều đệ tử cho đến ngày nay.
Trong lúc ở Bắc Mỹ, Rinpoche hạnh ngộ Chogyam Trungpa Rinpoche và thảo luận về việc truyền bá và hoằng dương giáo lý của Đức Phật ở phương Tây. Nhóm đệ tử Bắc Mỹ của Ngài đã trở nên đông đảo, bao gồm nhiều dịch giả thành thạo. Năm 1994, Ngài thành lập chi nhánh Hoa Kỳ của Tổ Chức Marpa.
Rinpoche cũng du hành đến các nước châu Á, như Đài Loan, nơi Ngài giảng dạy về ba thừa. Đặc biệt, Ngài trút cơn mưa cam lồ Giáo Pháp chân chính của Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật, nhờ đó, làm chín muồi tâm thức những đệ tử may mắn. Ở Đài Loan, Ngài thành lập một trung tâm Giáo Pháp tên là Zabsang Shedrub và một chi nhánh của Tổ Chức Marpa. Ngài cũng thành lập các trung tâm thực hành Zabsang Shedrub ở Malaysia và Singapore. Nhờ tất cả những hoạt động này, Ngài truyền bá giáo lý của truyền thừa thực hành khắp mọi phương.
Suốt giai đoạn này, Rinpoche tiếp tục chuyển Pháp luân ở Ấn Độ, Bhutan và Nepal. Ở Bhutan, Ngài thiết lập ba trung tâm nhập thất trong vùng thuộc nơi cư ngụ hoàng gia tại Kunga Rabten: Drolma Choling vào năm 1988, Ngon-ga Choling vào năm 1998 và Kunzang Ngayab Choling vào năm 2001. Sau khi thành lập những trung tâm này, đầy đủ đại diện của Tam Bảo, Ngài dẫn dắt chư Ni, những vị đã thực hành ở đó và vẫn tiếp tục thực hành, thọ nhận sự dẫn dắt của Ngài cho đến ngày nay, về thực hành sơ khởi, thiền định và trì tụng Thành Tựu Cõi Đại Lạc, cùng với thực hành Phowa liên quan, Tâm Kinh, Chod, Konchok Chidu và nhiều phương pháp thực hành Đại Ấn và Đại Viên Mãn khác. Chư Ni vẫn tiếp tục những thực hành này không gián đoạn.
Năm 1983, gần Bảo tháp Jarung Khashor ở Boudha, Nepal, Rinpoche bắt đầu những thời khóa giảng dạy cho đệ tử quốc tế, tập trung vào Tạng ngữ và các bản văn của Kinh, Mật và lô-gic. Năm 1986, Ngài thành lập Viện Dịch Thuật Marpa và Ban Dịch Thuật Marpa. Bên cạnh đó, tại trường dịch thuật, Ngài cũng trao nhiều giáo lý hiếm và sâu xa cho những nhóm đệ tử cao cấp và thân cận nhất, đứng đầu là một vài Tulku tài năng nhất. Ngài dạy cho họ theo phong cách trao truyền kinh nghiệm Đại Ấn – Đại Dương Ý Nghĩa Rốt Ráo, Sâu Bên Trong Thực Tại, sáu nhánh du già của Mật điển Kalachakra, Sáu Pháp Du Già của Naropa và những chỉ dẫn truyền miệng khác của con đường giải thoát và phương tiện. Ngài đã ban những giáo lý này một cách đầy đủ, kèm theo những buổi phỏng vấn mà trong đó, đệ tử cúng dường sự chứng ngộ của họ, được trao chỉ dẫn cho các giai đoạn tăng cường và v.v.
Năm 2000, Rinpoche thiết lập một trung tâm nhập thất ở Yolmo Gangra, Nepal, tại Tak Puk Senge Dzong, ‘động hổ, pháo đài sư tử’, địa điểm thực hành của Đức Milarepa. Kể từ đó, chư Ni và đệ tử quốc tế của Rinpoche vẫn tham gia vào thực hành Đại Ấn và v.v tại đó. Năm 2006, gần Bảo tháp Jarung Khashor ở Boudha, Rinpoche thành lập Ni viện Tekchok Ling, đầy đủ đại diện của Tam Bảo, nơi chư Ni tinh tấn lắng nghe, tư duy và thiền định về Giáo Pháp theo đúng cách mà đấng đạo sư đã chỉ dạy.
Tóm lại, đức đạo sư là vị trì giữ giáo lý mẫu mực của chư Thắng giả, bằng cách đại diện cho sự hợp nhất của thực hành và nghiên cứu. Ngài đã tham gia vào giải thích, tranh luận và biên soạn mở rộng dựa trên truyền thống kinh văn của Kinh và Mật nói chung và nắm giữ truyền thống hướng dẫn trực tiếp, mang tính kinh nghiệm về thực hành, ban vô vàn chỉ dẫn truyền miệng cho các chúng sinh khác. Theo cách này, Ngài thiết lập vô số đệ tử có đủ phước đức trên con đường chín muồi tâm thức và giải thoát.
Nói thêm về hoạt động tôn quý của Ngài, Rinpoche vẫn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của những bài ca chứng ngộ của Đức Milarepa, chẳng hạn Trăm Nghìn Bài Ca, cũng như những bài ca chứng ngộ của tất cả chư Tổ thành tựu giả từ các trường phái trước và sau. Theo đó, Ngài cũng cất lên nhiều bài ca kim cương làm sáng tỏ ý định của chư vị. Ngài cũng tự mình biên soạn nhiều bài ca kim cương cung cấp chỉ dẫn truyền miệng.
Ngài phục hồi truyền thống thực hành liên quan đến Karma Nyingtik [Tâm Yếu Của Đức Karmapa] của Đức Karmapa thứ 3 – Rangjung Dorje và trao truyền những chỉ dẫn cốt tủy kinh nghiệm tương ứng.
Cho đến nay, những đệ tử may mắn từ phương Đông cũng như phương Tây vẫn tiếp tục thực hành và tận hưởng kết quả từ hai trong những đóng góp độc đáo nhất của Ngài: những lời cầu nguyện, bài ca và vũ điệu kim cương về Cứu Độ Mẫu Tara, chúng kể về nguồn gốc của Bà và hệ thống bài tập du già Lujong “rèn luyện và tịnh hóa thân”, hệ thống đặc biệt kết hợp con đường giải thoát và phương tiện, một hệ thống khởi lên từ cõi tâm trí tuệ của chính đạo sư. Ngài soạn Nghi Quỹ Của Đại Ấn – Vũ Điệu Hoan Hỷ Cam Lồ Đại Lạc, một bộ chỉ dẫn được tự nhiên tuyên thuyết, vô cùng sâu xa và quý báu về Đại Ấn tịnh quang, cùng với luận giải của chính Ngài.
Ngài giúp đệ tử trên khắp thế giới có thể hát những bài ca chứng ngộ trên với giai điệu được điều chỉnh bằng ngôn ngữ của chính họ: tiếng Tạng, Anh, Trung… Ngài tăng cường kinh nghiệm lắng nghe, tư duy và thiền định của họ bằng cách khuyến khích họ kết hợp những bài ca này với vũ điệu kim cương. Theo những cách này, với lòng từ lớn lao, Rinpoche noi theo và tiếp tục noi theo một cách hoàn hảo tấm gương cuộc đời chư Tổ vĩ đại của dòng truyền thừa thực hành.
Tiểu sử bên ngoài này, được viết ra từ quan điểm của hiện tướng phổ thông của đạo sư vinh quang của tôi, Khenchen Kim Cương Trì, Dechen Rangdrol, chủ yếu dựa trên tiểu sử vĩ đại của Ngài và được bổ sung thêm bằng những thảo luận với một số vị Ni lớn tuổi, những đệ tử ban đầu của đạo sư và với một số đệ tử lớn từ phương Tây của Ngài. Nó được viết lại ở đây theo lệnh của chúa tể của các Bậc Chiến Thắng.
Nhờ sức mạnh của điều này, nguyện tôi và những chúng sinh khác, tất cả những đệ tử của đấng đạo sư, thấy hạt giống sùng mộ và ba kiểu niềm tin ngày càng phát triển cho đến khi bản thân chúng ta có được khả năng nắm giữ di sản kinh nghiệm và chứng ngộ của đấng đạo sư. Đặc biệt, cầu mong nỗ lực này trở thành nhân thúc đẩy cuộc đời trường thọ của Đức Karmapa Orgyen Drodul Trinle Dorje – chúa tể vinh quang của các Đấng Chiến Thắng, và đạo sư tối thắng Khenchen Kim Cương Trì: cầu mong hoạt động giác ngộ của chư vị lan tỏa khắp hư không mười phương!
Cuộc đời Ngài là một bản hùng ca về sự giải thoát,
Nó biểu thị chân thực cách thức
Sự xả ly chân chính của Nguyên Thủy thừa,
Lòng Từ bi và Bồ đề tâm của Đại thừa
Và tri kiến linh thiêng,
không gợn mảy may thiên kiến của Kim Cương thừa
Có thể được áp dụng cho tâm thức của một con người.
Tịnh quang của thân giác ngộ,
Với những tướng tốt và vẻ đẹp trang nghiêm,
Giai điệu của khẩu giác ngộ,
Dội vang tự nhiên, như tiếng đàn luýt của Pháp tánh,
Và cõi miền của tâm giác ngộ,
Với trí tuệ bổn nguyên không tỳ vết
Chỉ được chứng ngộ nhờ con đường của niềm tin và sùng mộ –
Làm sao chúng có thể được nhận ra theo bất kỳ cách nào khác?
Vượt xa khỏi hy vọng và sợ hãi, thoát khỏi sự dối gạt của khái niệm,
Trong mọi đời, nguyện được đạo sư vô song dẫn dắt,
Nhờ đó, con nhanh chóng đạt trạng thái thù thắng của Kim Cương Trì.
Tiểu sử này được viết bởi một trong những kẻ tôi tớ của Ngài, người được lòng từ ái vô song của đạo sư trưởng dưỡng, vị được gọi là Dzogchen Ponlop, thường được biết đến là Karma Sungrab Ngedon Tenpay Gyaltsen. Nó được hoàn thành tại Nalanda West (Seattle, Washington) vào năm 2553 Phật lịch. Nguyện cho mọi sự cát tường! Sarva Mangalam!
(Dịch sang Anh ngữ dưới sự hướng dẫn của Dzogchen Ponlop Rinpoche và sự hỗ trợ từ Acharya Tashi Wangchuk bởi Tyler Dewar từ Mạng Lưới Dịch Thuật Nitartha, ngày 27/10/2010, Seattle, Washington, Hoa Kỳ.)