Ý NGHĨA CHỦ VÀ KHÁCH - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Ý NGHĨA CHỦ VÀ KHÁCH

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Chính nhờ tìm ra cội nguồn bất động của mọi lay động này mà người ta mới có thể diệt trừ tận gốc mọi sanh khởi, chuyển động, bằng cách biến chúng thành vô hại. Như một vẫn mây không thể làm hại bầu trời, một vài làn sóng không thể làm hại đại dương.
Ý NGHĨA CHỦ VÀ KHÁCH - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Bấy giờ Thế Tôn duỗi cánh tay Đâu la miên sáng ngời, mở năm ngón tay mà bảo A Nan và cả đại chúng:

Khi mới thành đạo Như Lai đến vườn Lộc Uyển có dạy cho năm anh em tỳ kheo A Nhã Đa và bốn chúng rằng: Tất cả chúng sanh chẳng thành Giác ngộ và A La Hán là do những phiền não khách trần làm mê lầm. Lúc ấy các ông nhân đâu mà khai ngộ, đắc thành thánh quả?

Khi ấy ông Kiều Trần Na đứng dậy bạch Phật:

Nay con là hàng trưởng lão, ở trong đại chúng riêng được danh hiệu là Hiểu, do ngộ hai chữ khách trần, được thành thánh quả.

Bạch Thế Tôn, ví như người khách đi đường, vào nghỉ nơi quán trọ, hoặc ngủ lại, hoặc ăn. Ăn ngủ xong sắp xếp đồ đạc lên đường, không trụ lại được. Nếu thật là người chủ, tự không phải đi đâu.

Như thế mà tư duy, chẳng trụ là khách, trụ mãi là chủ. Lấy sự không trụ làm nghĩa chữ khách.

Lại như trời mới tạnh, mặt trời trong sáng trên cao, ánh sáng xuyên qua khe hở chiếu rõ các tướng bụi bặm trong hư không. Bụi trần thì lay động, hư không thường lặng yên. Như thế mà tư duy, đứng lặng gọi là hư không, lay động gọi là trần. Lấy sự dao động làm nghĩa chữ trần (bụi).

Phật nói: Đúng vậy.

Chân tâm vốn vô hạn, trùm khắp, không ranh giới biên bờ, không có gì ở ngoài nó.

Thế mà trong chân tâm ấy cái vọng tâm vô minh của chúng sanh có sự phân biệt đầu tiên, chủ khách, hay cái ta và cái chẳng phải ta. Khách là những cái ta cho là ở ngoài ta, đó là thế giới, người khác, và cả thân thể của mình. Với những khách “ở ngoài” ấy, lại sinh ra tất cả phiền não phân biệt: thương ghét, tham giận, kiêu căng, đố kỵ, thích sợ…tạo thành thế giới sanh tử.

Phiền não khách trần là những phiền não do bụi khách từ bên ngoài đến. Chính các tướng trần hòa hợp với những phiền não bao vây và làm hẹp lại tâm thức chúng ta. Chúng càng có nhiều thì tâm thức chúng ta càng hẹp. Đó là sự đánh mất bản tâm chúng ta.

Cho nên giải thoát là giải thoát khỏi các tướng trần dao động và những phiền não cọng sanh. Khi thoát khỏi khách trần phiền não thì chỉ có hư không thường lặng yên. Hư không thường lặng yên hay ông chủ thì không cần giải thoát vì muôn đời vẫn thường trụ, lặng yên và không có bụi bặm như vậy.

Thấy và biết các tướng trước mặt chỉ là khách trần có đến có đi thì cái thấy biết ấy chính là ông chủ tánh thấy tánh biết thường trụ. Bao giờ cũng là ông chủ, còn tất cả đều là khách qua lại. Đó là giải thoát.

Khi ấy Như Lai ở giữa đại chúng co năm ngón tay lại. Nắm rồi lại mở, mở rồi lại nắm.

Rồi hỏi A Nan: Nay ông thấy gì?

A Nan thưa: Bàn tay của Thế Tôn có mở có nắm giữa đại chúng. Con thấy bàn tay Như Lai tự mở tự nắm, chẳng phải tánh thấy của con có mở có nắm.

Phật bảo: Cái gì động, cái gì tĩnh?

A Nan thưa: Bàn tay Phật không ở yên (trụ), chứ tánh thấy của con còn không có tĩnh, thì có gì mà động.

Phật bảo: Đúng thế.

Bàn tay Phật có động có tĩnh, đó là khách trần. Còn tánh thấy của ngài A Nan “ còn không có tĩnh, thì có gì mà động”, nghĩa là vượt khỏi động tĩnh của khách trần.

Ngay nơi động mà thấy biết cái không động, ngay nơi tĩnh mà thấy biết cái vượt khỏi tĩnh. Cái ấy là tánh thấy vốn hằng hằng ở nơi ta ngay lúc này đây.

Ngay lúc thấy động, phải có cái chẳng động để thấy được cái động. Ngay lúc tĩnh, phải có cái vượt khỏi tĩnh để thấy được cái tĩnh.

Nếu gặp một vị đã ngộ khi hỏi vớ vẫn động tĩnh ông liền hét vào mặt mà thôi.

Bấy giờ Như Lai từ trong bàn tay phóng ra một luồng ánh sáng báu về bên phải của A Nan, A Nan liền quay đầu trông qua bên phải. Lại phóng một luồng ánh sáng về bên trái của A Nan, A Nan lại liền quay đầu trông qua bên trái.

Phật bảo A Nan: Đầu ông hôm nay sao lại lay động?

A Nan thưa: Con thấy Như Lai phóng ánh sáng báu qua bên phải rồi qua bên trái của con, nên con quay qua phải qua trái khiến đầu tự lay động.

A Nan, ông nhìn ánh sáng của Phật mà chuyển động cái đầu qua phải qua trái. Đó là đầu ông động hay cái thấy của ông động?

Bạch Thế Tôn, đầu con tự động, chứ tánh thấy của con còn không có dừng, huống là có động.

Phật nói: Đúng vậy.

Trong một ngày, đầu ta, tâm thức của ta chuyển động qua đủ các hướng biết bao nhiêu lần không thể đếm hết. Có bao giờ đang khi đầu và tâm thức chuyển động qua về, chúng ta biết ngay cái chẳng động? Biết được cái đó là dừng ngay sự chuyển động của sanh tử.

Như khi nhìn một ý tưởng chuyển động, biết ngay cái không gian bất động cho sự chuyển động đó. Nó sanh ra từ cái không gian bất động, có mặt trong không gian bất động ấy và tiêu tan trong không gian bất động ấy. Không gian bất động ấy có trước khi ý tưởng sanh khởi, trong khi ý tưởng hiện hữu, và sau khi ý tưởng tiêu tan.

Hãy tham thiền về Nó, sống với nó để giải thoát. Vì trong Nó, chưa từng có chuyển động nào cả, chưa từng có sanh khởi, hiện hữu, và tiêu tan của bất cứ cái gì cả.

Chính nhờ tìm ra cội nguồn bất động của mọi lay động này mà người ta mới có thể diệt trừ tận gốc mọi sanh khởi, chuyển động, bằng cách biến chúng thành vô hại. Như một vẫn mây không thể làm hại bầu trời, một vài làn sóng không thể làm hại đại dương.

Bấy giờ Như Lai bảo khắp đại chúng: Như lại có chúng sanh lấy cái lay động mà gọi là trần, cái không trụ ở mà gọi là khách, thì các ông hãy xem A Nan, đầu tự lay động mà cái thấy không có chỗ động. Lại xem bàn tay ta tự mở nắm mà cái thấy không có duỗi co.

Cớ sao các ông hiện nay lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, từ đầu đến cuối niệm niệm sanh diệt. Bỏ mất chân tánh, làm việc điên đảo, tâm tánh mất chân, nhận vật làm mình, luân hồi trong ấy, tự mình nhận lấy sự luân chuyển.

“Như lại có chúng sanh...” nghĩa là cái lay động là trần, cái không trụ ở là khách chỉ là đứng về phía vọng tưởng của chúng sanh mà nói thôi. Trong chân tánh, không làm gì có những thứ ấy cả.

Hiện nay chúng sanh chúng ta lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, nhận vật làm mình, niệm niệm sanh diệt, niệm niệm nhận lấy lưu chuyển trôi lăn, luân hồi trong ấy. Đây là căn bản sanh tử.

Còn ngay đây mà không chạy theo cái mình cho là lay động, là trần là khách; không lấy cái động làm thân, làm cảnh; không nhận vật làm mình; thì thấy ngay tự bao giờ mình vẫn ở trong cái “không có chỗ động”, trong cái “chưa từng có duỗi co”. Đây là cái thể Bồ đề Niết bàn.

Nếu như sanh tử luân hồi là niệm niệm sanh diệt, thì giải thoát là niệm niệm không sanh không diệt. Giản dị thế thôi!

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan