A DI ĐÀ PHẬT VÀ TỊNH ĐỘ - Thiền Sư Nhật Bản Bạt Đội (1327 - 1387)

A DI ĐÀ PHẬT VÀ TỊNH ĐỘ

Thiền Sư Nhật Bản Bạt Đội (1327 - 1387)

-----o0o-----

Nếu người ta thực sự thấy nguồn gốc của tâm họ, họ sẽ quên sự bám níu vào hiện hữu hiện tượng, và Phật tánh sẽ lộ diện. Đây là điều ám chỉ đức Phật là ‘Bậc Pháp Vương đã hủy diệt hiện hữu hiện tượng’. Đây cũng là nghĩa của câu ‘Phật A Di Đà đến gặp ông và dẫn ông đến Cõi Tịnh’. Khi so sánh với sự bình an của tâm của loại giác ngộ này, những lạc thú của...
A DI ĐÀ PHẬT VÀ TỊNH ĐỘ - Thiền Sư Nhật Bản Bạt Đội (1327 - 1387)

A DI ĐÀ PHẬT VÀ TỊNH ĐỘ

Thiền Sư Nhật Bản Bạt Đội (1327 - 1387)

-----o0o-----

Một người hỏi Bạt Đội: “Có nói trong Kinh A Di Đà, ‘Vượt khỏi mười ngàn tỷ cõi Phật ở phương Tây có một thế giới gọi là Cực Lạc. Trong xứ sở ấy có một vị Phật tên là A Di Đà hiện đang thuyết pháp’. Tôi có một ít nghi vấn về những lời này. Đối với A La Hán, có những cấp độ gọi là bốn quả; đối với Bồ Tát, có mười cấp độ là mười địa và đẳng giác và diệu giác. Không có cái nào trong những cái ấy ngang bằng với trí huệ của một vị Phật. Với những cấp độ giác ngộ này, đức hạnh của Bồ Tát có thể đáng kể hay ít, trí huệ của ngài có thể lớn hay nhỏ, lòng bi sâu hay cạn. Tuy nhiên trong giác ngộ của một đức Phật, không có hơn hay kém. Thế nên có nói trong một kinh: ‘Chỉ chư Phật mới thực sự thấu suốt hiện hữu một cách trọn vẹn.’ Bây giờ tại sao Phật A Di Đà nghĩ chúng ta cần sanh về Cõi Tịnh Phương Tây mà không dừng ở mười ngàn tỷ cõi Phật khác? Chẳng lẽ cũng có hơn kém đối với chư Phật sao?

Hơn nữa, nếu phương Tây đối với đây, thì người ở xa hơn về phương Tây của Cõi Tịnh của đức A Di Đà sẽ xem nó là Cõi Tịnh Phương Đông sao? Và nó sẽ là Cõi Tịnh Phương Bắc đối với người ở phương Nam của nó? Nếu đó là phương Tây đối với người của tất cả mười phương thì nó chẳng phải là một cái tên phương tiện cho một cách dạy hơn là một nơi cố định? Nếu những người ở phương Nam, phương Đông và phương Bắc không biết, thì lời nguyện của đức A Di Đà không phổ quát khắp.

“Lại nữa, có nói trong Kinh A Di Đà: ‘Thiện căn và phước đức mỏng không thể sanh về Cõi Tịnh. Tuy nhiên, nếu tâm người ta không loạn động trong một, hai, ba, bốn, năm, sáu hay bảy ngày, khi đến lúc chết, bấy giờ Phật A Di Đà cùng với những vị thánh sẽ xuất hiện trước mặt. Người không lay động trước tư tưởng về cái chết sẽ tức thời sanh vào Cõi Tịnh A Di Đà.’ Theo đây, những người thiện căn phước đức mỏng được sanh về Cõi Tịnh lại tùy thuộc vào thần của tâm không tán loạn chứ không vào thần lực của Phật A Di Đà. Và trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói: ‘Người phỉ báng Chánh Pháp không thể sanh trong Cõi Tịnh, dù họ có tụng niệm Phật A Di Đà.’ Nếu những người phỉ báng Chánh Pháp không thể sanh trong Cõi Tịnh, thì mâu thuẫn với lời nguyện rằng thậm chí người phạm mười nghiệp xấu và năm tội trọng cũng sẽ không bị loại khỏi sự sanh trong Cõi Tịnh. Những giáo lý Phật giáo có sai lầm không? Tôi không thể hiểu. Cái gì sau rốt là thật nghĩa của những điều này?”

Bạt Đội trả lời: “Tôi không có gì để nói. Dù nếu giải thích chi tiết điều đó, người bám chấp vào thế giới hiện tượng sẽ không tin tôi; ngược lại, họ sẽ chỉ trích kinh. Trong một Kinh (Pháp Hoa) có nói: ‘Chớ giảng kinh này giữa những người không sáng suốt’.”

Người hỏi: “Có nói trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, ‘Người ngu phạm những điều xấu và không cảm thấy hổ thẹn. Khi lúc cuối cùng đến gần, nếu họ cung kính lắng nghe những tựa đề mười hai phần của một cuốn kinh Đại thừa do một vị thầy tụng đọc, nhờ nghe như vậy, nghiệp xấu tích tập qua hàng ngàn kiếp sẽ được dứt sạch.’ Kinh này là một trong ba kinh Tịnh Độ. Theo những lời trên, làm sao thầy có thể từ chối giải thích những dòng của Kinh này, thậm chí cho những người rất xấu?”

Và Bạt Đội trả lời: “Nếu ông thực sự muốn biết nghĩa, ông không hẳn là người rất xấu. Tôi cũng không thể từ chối. Phương Tây tượng trưng cho những cảm xúc gốc của người thường. Vượt khỏi mười ngàn tỷ cõi Phật là nơi mười tư tưởng xấu của người thường dứt tận và mười địa của bồ tát được vượt qua. A Di Đà nghĩa là Phật tánh của người thường. Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Thế Chí, và những bậc thánh khác đi theo Phật A Di Đà là hoạt động kỳ diệu của tự tánh người ta. ‘Người thường’ ám chỉ những người có tâm vô minh và mê lầm, tâm hiểu biết phân biệt. Thời gian chết ám chỉ sự tắt mất của tư tưởng. Khi sự vận hành của thức phân biệt tiêu tan, những cảm nhận được thanh tịnh; điều này được ám chỉ là Cõi Tịnh ở phương Tây. Tâm mê lầm là thế giới này. Có nói trong một kinh (Duy Ma Cật): ‘Nếu ông muốn tịnh hóa cõi Phật, ông phải trước tiên tịnh hóa tâm ông, sự thanh tịnh của cõi Phật tùy thuộc vào sự thanh tịnh của tâm ông’. Sự dứt tận của những tư tưởng phân biệt và sự xuất hiện của chân tánh mình trong bổn nguyện ám chỉ sự xuất hiện của Phật A Di Đà khi tâm ở yên không xáo động. Khi ông ngộ chân tánh theo cách này, tám mươi ngàn mê lầm chuyển thành tám mươi ngàn diệu nghĩa. Những cái này ám chỉ Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Thế Chí và những bậc thánh khác.

“Như vậy chỗ này được gọi là Cõi Tịnh Phương Tây nhưng nó không có nghĩa là một nơi chốn cố định. Bởi vì Tây là một vị trí do vị trí mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao xác định, chân tâm xuất hiện khi tâm hiểu biết phân biệt hoàn toàn được điều phục, chân tâm ấy gọi là Cõi Tịnh Phương Tây. Do đó có nói: ‘Cõi Phật được định nghĩa theo thân chân lý (Pháp thân); thân Phật được xác lập theo thế giới hiện tượng’. (Lâm Tế Lục). Nếu chúng ta xem tâm chúng ta là ba thân Phật, thì Pháp Thân là Phật A Di Đà, và báo thân và hóa thân là Bồ tát Quán Âm và Bồ tát Thế Chí, thật ra, ba thân ấy đều là Nhất Tâm. Mọi sướng khổ đều là kết quả của những tư tưởng sanh tử. Nếu ông phá tan mọi tư tưởng, chân tánh của ông là vô tâm, cả khổ và sướng đều dừng dứt. Đây là điều được ám chỉ như Cõi Cực Lạc. Do đó có câu: ‘Sanh diệt diệt rồi. Tịnh diệt là Lạc’. (Kinh Niết Bàn).

“Những hành vi tốt và nhỏ là tán, tụng những lời thiêng liêng, những danh hiệu và những thực hành hình thức với một tâm cầu được. Có nói trong một kinh (Kim Cương): ‘Phàm hễ có tướng đều là hư vọng’. Nếu ông thực sự muốn biết nghĩa sanh vào Cõi Tịnh, trước hết ông phải biết ông chủ của người sanh vào cõi ấy. Từ ngày mới tượng hình, thân thể vật chất này không bao giờ có thể là thân thể chân thật, mà chỉ là sự hợp thành tạm thời của năm uẩn. Sau khi bốn đại tan rã, còn cái gì gọi là tự ngã? Nếu tự ngã vốn trống không, thì cái gì sanh vào Cõi Tịnh? Nếu không có ông chủ được sanh trong Cõi Tịnh, thì cái gì tìm kiếm Cõi Cực Lạc? Chỉ tắt mất tâm bao giờ cũng kiếm tìm, dứt khỏi những tư tưởng bám luyến vào hình sắc, thì thân thể bốn đại không có tự ngã cá nhân nào cả. Khi không có tự ngã cá thể, bản tánh của tâm là ‘như nó là’ và sự lộn xộn không có nữa. Đây gọi là Nhất Tâm Bất Loạn; nó là Trực Tâm. Trong một cuốn Kinh (Duy Ma Cật) có nói: ‘Trực tâm là Đạo tràng, vì không có hư dối ở đó’.

“Tạm để qua một bên điều gì sau khi bốn đại tiêu tan, cái gì là ông chủ của thấy, nghe, hay biết trong thân thể này ngay lúc bây giờ? Nếu chúng ta còn không biết tâm chúng ta, chúng ta không thể biết thân chân lý của Phật. Nếu chúng ta không biết thân chân lý này, quỷ ma sẽ xuất hiện với chúng ta trong hình tướng chư Phật chư Bồ tát. Khi chúng tỏa ra mùi thơm và phóng ra ánh sáng lớn, chúng ta không tránh khỏi tin chúng và chìm trong lối ma. Nếu ông muốn ngăn ngừa lỗi lầm này, thì như Phật đã nói, trong một, hai hay bảy ngày ông phải từ bỏ mười ngàn pháp và cắt đứt những mối liên quan. Bấy giờ tâm ông là Nhất Tâm Bất Loạn. Khi điều này xảy ra, những tư tưởng mê lầm sẽ đột nhiên dừng dứt và tâm vốn giác ngộ, Phật tâm, sẽ xuất hiện. Chỉ bấy giờ ống mới biết rằng hai chữ niệm và Phật (trong từ ngữ niệm Phật) đơn giả có nghĩa tâm tức Phật. Tâm này thấy sắc ứng với mắt, nghe thanh ứng với tai, và nói qua miệng. Cái này được gọi là sự thuyết pháp hiện thời của Phật A Di Đà. Tâm này, vốn xuyên suốt ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai), tỏa khắp mười phương, là tinh túy của tất cả chư Phật và chúng sanh. Nó trùm khắp vô biên hiện tượng, không bỏ sót cái gì ở ngoài nó. Thậm chí mười hành vi xấu và năm tội ‘chết người’ cũng vốn chứa trong tâm này; nó không thiếu thứ gì. Đây là ý nghĩa câu ‘Ánh Sáng Vô Lượng của Phật A Di Đà không loại trừ một chúng sanh nào’. Do đó có nói trong một kinh (Hoa Nghiêm, chương 6): ‘Thân Phật đầy khắp pháp giới, xuất hiện trước mọi người ở khắp nơi. Nó ứng hiện theo với những tương quan và hoạt động của tâm thức, không để cái gì ngoài pháp giới của nó.’ Thân Phật đã đầy khắp pháp giới, thế thì đâu mà chẳng có cõi Phật? Nó cũng bình đẳng tràn đầy thân thể của tất cả chúng sanh. Thân Phật này là chân lý bất biến, trong sáng và kỳ diệu. Nó không phải là Phật cũng không phải là chúng sanh. Không bị giới hạn bởi danh và tướng của các pháp, nó giống như một hoa sen mọc trong bùn nhưng không nhiễm nước bùn.

“Bởi vì Bồ tát ngộ tâm thanh tịnh bất nhiễm này, ngài không bao giờ thấy sự vật có những phẩm tính nội tại (có tự tánh) cũng không thấy sự vật không có những phẩm tính nội tại (không có tự tánh). Người thường trở nên bám chấp một cách sai lầm vào danh của những tông phái của họ trong khi họ lại bỏ quên tinh túy của Pháp. Như vậy, dù họ nói họ đang thực hành Đạo, họ không thể khỏi vòng sanh tử. Hay ngược lại, họ chăm chú tham muốn danh vọng thế gian và rơi vào những nẻo xấu. Đức Thế Tôn, để đáp ứng cho điều này, với thần lực của phương tiện thiện xảo nói với những người tìm kiếm sự danh tiếng: ‘Sự tuyệt hảo của Cõi Tịnh Tây Phương thật kỳ diệu, vượt khỏi niềm vui của người và chư thiên cả tỷ lần và đời sống thì kéo dài vô lượng’. Một kẻ tìm Đạo chân thật, tâm họ không nhắm vào danh tiếng, sẽ không tìm kiếm lạc thú. Người thường thì từ lâu đắm mình trong việc tìm kiếm danh tiếng và bám chấp vào hiện tượng nên sanh ra loại tâm tìm kiếm lạc thú này. Biết như vậy, Xá Lợi Phất hỏi đức Phật: ‘Chúng con muốn sanh trong cõi Cực Lạc Tây Phương, một trong những Cõi Tịnh ở mười phương, thì làm thế nào?’.

“Lúc ấy đức Phật trả lời: ‘Thiện căn và phước đức mỏng không thể sanh về Cõi Tịnh. Tuy nhiên, nếu tâm ông không loạn động trong khoảng thời gian từ một đến bảy ngày, bấy giờ ông sẽ được sanh vào Cõi Tịnh’.

“Đây đơn giản là công việc của phương tiện thiện xảo nhằm giúp đỡ những người tìm kiếm danh tiếng và khuyến khích xoay ánh sáng vào bên trong. Nó để dừng tư tưởng hỗn loạn lại và đánh thức tâm Phật của chính mình. Như có trong Kinh Pháp Hoa: ‘Bậc Pháp Vương đã hủy diệt hiện hữu hiện tượng xuất hiện trong thế giới này, phân biệt giảng Pháp cho mọi chúng sanh theo nhu cầu của họ’.

“Nếu người ta thực sự thấy nguồn gốc của tâm họ, họ sẽ quên sự bám níu vào hiện hữu hiện tượng, và Phật tánh sẽ lộ diện. Đây là điều ám chỉ đức Phật là ‘Bậc Pháp Vương đã hủy diệt hiện hữu hiện tượng’. Đây cũng là nghĩa của câu ‘Phật A Di Đà đến gặp ông và dẫn ông đến Cõi Tịnh’. Khi so sánh với sự bình an của tâm của loại giác ngộ này, những lạc thú của Cực Lạc Tây Phương được giảng trong Kinh không bằng một phần tỷ. Nếu ông thực sự đại ngộ như thế, ông sẽ biết rằng Pháp được nói trong Kinh chỉ là những mồi câu để móc người đang đắm chìm trong biển khổ; chúng là những phương tiện của lòng bi để dẫn họ đến Chánh Pháp của giác ngộ. Như Kinh nói (Vô Lượng Thọ): ‘Với người phỉ báng chánh pháp thì không thể sanh trong Cõi Tịnh dù họ có niệm Phật và các thứ khác’.

“Chánh Pháp là Pháp của tâm. Khi ông nhìn sâu vào tâm ông, tất cả những bám chấp vào đối tượng – từ mong cầu Phật pháp cho đến mong cầu pháp thế gian – đều ngừng hiện hữu, và không có dấu vết nào của sự tắt mất này. Bấy giờ ông sẽ lập tức sanh vào Cõi Tịnh. Người phỉ báng Chánh Pháp sẽ sanh vào nơi nào? Ông không biết rằng Kinh Quán Vô Lượng Thọ chỉ ra mười sáu hình ảnh để thiền quán sao? Nếu ông không biết những lời dạy này và chỉ đặt tất cả chú ý của ông vào sự mong muốn tái sanh vào Cõi Cực Lạc Tây Phương mà không hề thiền quán tâm ông thì cái tư tưởng muốn nắm bắt này sẽ trở thành một tâm tán loạn. Cái tâm tham lam này tạo nghiệp để sa đọa trong đời tới. Nhiều pháp khác sanh làm cho sáu nẻo sanh tử, bốn bậc thánh và nhiều thứ phân biệt sanh. Bấy giờ không cách gì tránh khỏi lưu chuyển trong sanh tử. Khi ông hủy diệt tâm này, ông sẽ hủy diệt nhiều pháp khác. Khi ông hủy diệt nhiều pháp khác, tất cả sẽ trống không, những ý niệm trước sau và thời gian không có, và Phật A Di Đà của bản tánh bổn nguyên của ông lập tức xuất hiện trước mặt ông. Ngài ở khắp nơi. Đó giống như sự xuất hiện của mặt trăng khi mây đã tan.

“Một người đã ngộ như vậy sẽ không sợ hãi thậm chí nếu chẳng hạn ba nẻo địa ngục có xuất hiện trước nó; thậm chí nếu chư Phật có đến và dẫn nó về Cõi Tịnh, nó cũng không ham tái sanh. Bấy giờ nhiều ma quỷ không còn cách gì tấn công được nó. Nếu thực sự ngộ như vậy, tất cả đại địa này là thân Phật, nó hòa tan với Phật, và không có cái gì không bị hòa tan. Cái này, nói cách khác, được gọi là Nhất Tâm Bất Loạn hay tâm không mê lầm. Trong một kinh (Kim Cương) có nói: ‘Người nào thấy biết tất cả tướng đều thực là không có tướng bèn thấy biết Như Lai’.

“Dù không có cạn hay sâu trong bản thân Phật pháp, cũng có những cái thấy đột nhiên (đốn) hay dần dần (tiệm) đối với những ngộ Đạo theo tiềm năng của họ. Có những người có một đại ngộ - nghĩa là, mắt họ mở ra với tri kiến Phật sau khi nghe một lời nói. Và có những người khác, sau khi tiến bộ từ cạn đến sâu, dần dần đạt đến những cấp độ cao và ngộ tri kiến Phật. Vẫn có những người khác tiến bộ từ địa thứ nhất đến địa thứ mười của Bồ tát, tiến lên khỏi điểm này và qua hai địa kế tiếp, đẳng giác và diệu giác, và đi vào Phật quả. Bởi vì Phật quả là cấp độ cao nhất của ngộ, nó được gọi là Cõi Cực Lạc.

“Khi những người học đạo quên những tư tưởng của mười hành vi xấu và ngộ tâm họ, họ không lần lữa trong mười địa hoặc hai sự giác, đẳng giác và diệu giác. Họ không để tâm đi vào những cái thấy Phật hay những cái thấy Pháp, vào mười thân của bậc Điều Ngự, hay vào việc làm chủ những thần thông. Siêu vượt khỏi những tông phái và những cấp độ của ngộ, lìa khỏi khả năng và vị trí, họ đến miền đất của tự ngã. Đây là cái được gọi là sanh trong Cõi Tịnh Phương Tây vượt khỏi mười ngàn tỷ cõi Phật.

“Để dạy một phần của việc lớn sanh tử cho người nhiều mê lầm, Thế Tôn với trí huệ phương tiện thiện xảo đã mượn nhiều tình tiết của thế gian như những thí dụ trong những bài thuyết pháp cho thích hợp với khả năng của những người ấy. Dù có mười ngàn thí dụ khác nhau, thật ra chúng đều chỉ đến Nhất Tâm. Khi tâm ông không loạn, ông là Phật như chính ông vốn vậy. Nhất tâm này vốn không loạn; nó chẳng liên hệ gì đến hai mặt mê và ngộ. Nó được nói đến như tư tưởng chân thật, chánh niệm. Toàn thân của chánh niệm được gọi là Phật A Di Đà. Nếu ông bám dính vào những hình tướng xuất hiện trong tâm ông và tìm những sự vật bên ngoài tâm ông, đó gọi là tư tưởng (vọng niệm). Sanh ra vài tư tưởng sai lầm sẽ đẩy ông xa mười ngàn tỷ Cõi Tịnh Phương Tây. Do đó Phật nói trong Kinh (Kim Cương): ‘Người nào thấy ta bằng sắc tướng, tìm ta bằng âm thanh, người đó bước trên con đường tà đạo; vì người đó không thể thấy Như Lai’. Như Lai này là thân thần diệu, Pháp thân, v.v… Nó là tâm bổn nguyên của mỗi người. Chỉ đơn giản dừng những tư tưởng tìm kiếm tâm này ở nơi khác, hãy quay lại chính ông và nhìn thẳng, ông sẽ thấy Như Lai. Hãy nhìn! Hãy nhìn! Ai là ông chủ đây đang thấy, đang nghe lúc này?”.

-----o0o-----

Trích "Thấy Thẳng Nhất Tâm"

NXB Thiện Tri Thức, 2005

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan