ẢNH TRẦM HÀN THỦY - TRÍCH "VÀI CHÚ GIẢI VỀ THIỀN ĐỐN NGỘ" - NGUYÊN GIÁC PHAN TẤN HẢI

ẢNH TRẦM HÀN THỦY

VÀI CHÚ GIẢI VỀ THIỀN ĐỐN NGỘ - NGUYÊN GIÁC PHAN TẤN HẢI

–––––o0o–––––

Trong bốn cảnh giới thấy tánh vô tự tánh của Tứ Liệu Giản, Thiền Sư Hương Hải lại lấy ngay cảnh giới thứ tư chỉ cho vua Lê Dụ Tông thì làm sao ông vua đa tình hiếm con này liễu ngộ được. Khổ quá, ai bảo đòi biết ý Phật làm chi. Cái tướng đa thù đã không còn mà ngay đến cái tướng nhất như cũng không thấy nữa, ngay đến cũng không thấy các đẳng đâu để hiện tướng bình nữa...
ẢNH TRẦM HÀN THỦY - TRÍCH

Bài này để chú giải bài thơ "Ảnh Trầm Hàn Thủy" của Thiền Sư Hương Hải, thuộc Thiền Phái Trúc Lâm, trong một pháp thoại với vua Lê Dụ Tông. Riêng cũng để trả lời cho câu hỏi của một người bạn cách nay nhiều năm, mà lúc đó chưa thể nói hết ý, vì thứ nhất là khó giải bày những hình ảnh Thiền cho người bạn Thiên Chúa giáo, thứ nhì là câu hỏi đó do trước là một hiếu kỳ văn học, sau là một tò mò về Thiền, chứ không để tâm về chỗ thực tham thực ngộ, dù vậy nay cũng có lời để cảm ơn tri ngộ. Nếu có lời nào trong bài này hợp ý Tổ thì đó là nhờ ơn sâu day dỗ của Thiền Sư Trạm Nhiên Tịch Chiếu, chùa Tây Tạng (Bình Dương, Việt Nam); nếu có lời nào chưa phải, xin trọn lòng sám hối trước ba đời chư Phật.

Bấy giờ Thiền Sư Hương Hải đã 78 tuổi, được vua Lê Dụ Tông mời vào nội điện lập đàn cầu tự vì hiếm con. Vua hỏi Sư:

- Trẫm nghe Lão Sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Lão Sư thuyết pháp cho Trẫm nghe để Trẫm được liễu ngộ.

Sư đáp:

- Xin bệ hạ chí tâm nghe cho thật hiểu 4 câu kệ này:

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức
Tương lai diện thượng đổ sư nhan.

Thượng Tọa Thanh Từ dịch là:

Hằng ngày quán lại chính nơi mình
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh
Trong mộng tìm chi người tri thức
Mặt Thầy sẽ thấy trên mặt mình.

Qua cách đặt câu hỏi của một người nào đó, chúng ta có thể xét định được tầm nhìn, tầm hiểu của người hỏi. Ở đây ta thấy vua Lê tìm Sư là do ý định cầu tự tìm con trai, chứ khởi tâm không có ý định cầu pháp giải thoát. Người xưa muốn hiểu đạo phải trèo núi vượt sông, tìm đủ thiện tri thức, không tiếc thân mệnh mình, chứ có đâu quan liêu thoải mái như ông vua này. Ta thấy ngay động cơ tìm nhau đã là chưa ổn rồi. Nhưng vì lòng từ bi, Thiền Sư cũng mượn phương tiện thiện xảo, giở trò phù thủy lập đàn cầu tự, để tìm cơ hội hóa đạo.

Vua nói: "...Lão Sư học rộng nhớ nhiều..." Thế là hỏng, không có câu nào phỉ báng một Thiền Sư hay ho đến như vậy. Nói câu này với một Giảng Sư, Pháp Sư hay Luận Sư thì thật là tuyệt diệu, không lời khen ngợi nào hơn. Nhưng tai hại thay, người trước mặt lại là một Thiền Sư, thật là hỏng bét. Nhắm ngay một người chủ trương bất lập văn tự mà không chịu hỏi chỗ không lời mà nói, không tâm mà nắm, không ý mà truyền, lại khen rằng sao đầu Thầy nhồi nhét lắm chữ thế... Không gì nhảm hơn. Ngay câu đầu mở miệng, vua đã hiện tướng chồn hoang rồi, biết tới kiếp nào mới thành sư tử.

Kế tiếp, vua nói "... để Trẫm liễu ngộ." Vậy là cũng có hùng tâm lắm, can đảm lắm, dám đòi ngộ ngay sau một bài pháp. Nhưng căn bản đã sai rồi, nếu bài pháp này do chỗ "học rộng nhớ nhiều" thì không thể nào có một Thiền Sư đứng trước mặt như vậy và cũng không thể nào vua liễu ngộ sau một lời được. Một bài pháp thích đáng phải là do chỗ không có gì để học và cũng không có gì để nhớ.

Đối với mỗi căn cơ, các Thiền Sư sẽ có những cách dạy khác nhau. Ngay cả đối với hàng căn cơ cực cao, các Sư cũng phải chuẩn bị mọi chuyện thuần thục rồi mới nói chuyện tới. Ở đây, ta thấy Sư Hương Hải đã dùng nhiều lời cho thích hợp với ông vua hỏng kiểu này.

Ý của Sư qua 4 câu đó là, mỗi giây phút trong đời, vua phải quán sát, nghe ngóng tâm mình. Mình đang ở trong một giấc mộng lớn (ý là cuộc đời như huyễn này) này đâu cần phải tìm chi thiện tri thức (cũng là người mộng trong giấc mộng này thôi). Cứ quán sát tự tâm như vậy hoài tới một lúc sẽ thấy được khuôn mặt của Thầy (ý là mặt Phật) trên khuôn mặt của mình. Rõ ràng ở đây chẳng có gì là bí hiểm cả, cũng chẳng có đánh đập la hét gì cho có Thiền vị cả. Câu chuyện chỉ là cứ việc theo dõi các niệm trong tâm liên tục như vậy, tới một lúc sẽ thấy mặt Thầy (hay mặt Phật, Tánh Phật hay Tâm Phật) trên mặt mình (hay tự tâm).

Từ phản văn tự kỷ cho tới thẩm sát tư duy vẫn chưa đúng là Thiền Đốn Ngộ. Hay nói đúng hơn, đó mới chỉ là Như Lai Thiền chứ chưa thực là Tổ Sư Thiền. Trước khi phân biệt hai thứ Thiền này, chúng ta nên nói thêm về cách trả lời của các Thiền Sư. Giáo pháp của đức Phật được ví như ngón tay chỉ mặt trăng. Các Thiền Sư thường không ưa nói về ngón tay mà thường chặt phăng ngón tay để nói thẳng tới mặt trăng. Bởi vì cái con đường có giá trị nhất phải là cái con đường không có đường, cánh cửa vào nhà Tổ trực tiếp nhất phải là cửa không cửa. Có gì đâu phải loanh quanh đi tìm đường lên Niết Bàn hay cửa vào nhà Tổ, trong khi chỉ cần chớp mắt cho rụng tí bụi đã thấy ngay ta vẫn hằng ngồi yên trong Thanh Tịnh Pháp Thân. Mà vốn thật có chi gọi là bụi đâu mà phải chớp mắt nhướng mày hay là lau sạch đài gương.

Hai cách gọi Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền thường ít được dùng vì thật sự cả hai đều từ một gốc mà ra. Nhưng sự phân biệt chỉ là để nhấn mạnh hơn một nghĩa khác biệt. Như Lai Thiền là những pháp môn Thiền do từ lời dạy của đức Phật. Tổ Sư Thiền là pháp môn Thiền không do từ lời dạy mà do từ cử chỉ của Phật khi cầm đóa hoa đưa lên và mỉm cười. Bấy giờ chỉ duy có ngài Ca Diếp hiểu được và nhận truyền thừa. Các Tổ truyền đăng pháp nay qua nhiều đời, tới khi gặp những cơ may của đời sau mới phát triển rộng ở các nước Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản... Tổ Sư Thiền còn nhiều tên gọi khác để chỉ như là Đốn Ngộ Thiền, Trực Chỉ Thiền, Phật Tâm Tông, Tâm Tông... Quan niệm của Như Lai Thiền là phải huân tập từ từ (tiệm) đầy đủ giới, định, huệ mới thành Phật được. Quan niệm của Tổ Sư Thiền là đốn, là ngay tức khắc, là một nhảy liền vào đất Như Lai như cách nói của Thiền Sư Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca:

Đốn giác liễu Như Lai Thiền.

(Nếu đốn ngộ được thì là hoàn thành hết cả Như Lai Thiền)

Bởi vì Trong Tự Tánh đã saün đủ giới, định, huệ. Vả lại, giới, định, huệ do sự tu tập làm sao bằng được giới, định, huệ của Thanh Tịnh Pháp Thân. Vấn đề chỉ còn là làm sao nhảy được vào đất Như Lai. Cách tốt nhất vẫn là tìm cho được một vị thầy có bản sắc của Tông môn.

Bốn câu kệ trên của Sư Hương Hải vẫn còn dựa vào Như Lai Thiền. Những gì là phản văn với thường quan với thẩm sát tư duy chưa có gì là trực chỉ hết. Đây vẫn còn là ngón tay chứ chưa là mặt trăng, vẫn là con đường có đường và cánh cửa có cửa. Sư có thương vua Lê cũng không thể nói khác hơn được vì ông vua này mới mở miệng đã bốc mùi chồn hoang rồi, chưa được chuẩn bị để húc đầu vào vách bạc tường sắt. Ngay cả câu cuối, nói sẽ thấy mặt Phật trên mặt mình cũng chỉ mới là Như Lai Thiền. Cái chữ tương lai đầu câu bốn đã làm hỏng cả những kiểu nói của Huệ Năng, Huyền Giác... Làm sao nhảy được vào đất Như Lai với cặp nạng của phản văn với thẩm sát nhỉ. Đây là chỗ không một tâm có thể nắm bắt được thì lấy tâm nào là tâm tương lai để thấy được tâm Phật trong tâm mình. Cốt yếu của Tổ Sư Thiền còn ở chỗ này: Còn thấy được tâm Phật trong tâm mình vẫn chưa là thực ngộ.

Vua Lê Dụ Tông vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác. Cái này là đương nhiên, có đánh thêm ba mươi gậy vẫn còn là hỏng kiểu. Vua lại hỏi thêm:

- Thế nào là ý của Phật?

Sư đáp:

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Thượng Tọa Thanh Từ dịch nghĩa:

Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không có ý để dấu
Nước không có tâm lưu bóng.

Một lần nữa, chúng ta phải lắc đầu đến nản vì ông vua này. Lần đầu phải gọi là chồn hoang, lần này không biết gọi là gì cho đáng. Đứng trước mặt một người dạy Tổ Sư Thiền mà hỏi ý của Phật là nhảm nhí không gì bằng. Muốn biết ý Phật cứ việc lật kinh điển ra đọc là đủ. Phật đã nói hết cả, đâu có giấu gì đâu. Duy có điều không nói được là không nói được mới đáng hỏi chứ. Câu đáng lý ra phải hỏi là "Ý của Tổ Sư là gì?" vẫn được các Thiền sinh thắc mắc từ đời này qua đời nọ. Để cho có vẻ chính quy sách vở hơn thì là như hà thị Tổ Sư Tây lai ý, ý của Tổ Sư (Bồ Đề Đạt Ma) từ phương Tây tới là gì. Đầu thai ba mươi kiếp nữa biết Lê Dụ Tông có thấm nỗi trận đòn này chưa, khổ quá, hỏng không gì bằng, chỉ mệt cho người đời sau phải lôi pháp thoại này ra chú giải.

Sau khi nghe bài thơ của Sư, vua khen ngợi:

- Lão Sư thông suốt thay.

Khổ quá, hiểu không nổi, hỏi không xuôi, mà lại khen như thầy người ta ấy, như thể vừa cố tâm bắt bí học trò. Nào có biết đâu Lão Sư vừa mới bắt bí đến cả mấy chục đời sau. Nắm được diệu nghĩa của mấy câu này cũng đủ để đi hiên ngang giữa dòng đời bất tuyệt mà không dính một tí bụi vào thân.

Chúng ta có thể thấy thứ tự câu chuyện như vầy. Đầu tiên vua khen Sư học rộng nhớ nhiều rồi xin nghe một bài pháp để được liễu ngộ. Sư tặng cho bốn câu chỉ pháp Như Lai Thiền. Bốn câu này dễ hiểu quá, Trời ơi, vua tưởng bở thừa thắng xông lên, hỏi thêm một câu trật chìa nữa. Sư vẫn rất mực từ bi, phơi mở tận cõi lòng, tặng thêm bốn câu chỉ pháp Tổ Sư Thiền. Tới đây vua mới choáng váng mặt mày, biết là khó ăn, mới khen một lời, ý là để xin thôi.

Ta thấy bài này để chỉ pháp cho hàng thượng căn, chỉ ngay cảnh giới của chư Phật. Ở đây Sư đã rất mực từ bi, vua hỏi ý của Phật, Sư chỉ ngay cảnh giới chư Phật, nào có khó tính như các Sư khác. Đúng ra nhằm một câu hỏi trật cách Tông môn như vậy, câu trả lời đáng là bảo vua về lật kinh điển mà tìm ý của Phật. Hiểu được ý của Phật chưa chắc đã hiểu được lời của các Thiền Sư. Nhưng hiểu được lời của các Thiền Sư chắc chắn hiểu được ý Phật.

Cánh chim nhạn bay trên không. Ảnh của chim hiện trong nước. Ảnh chỉ hiện đúng được khi sóng (niệm) lặng. Chim nhạn (hay vật, hay cảnh, hay là pháp) không có ý lưu dấu (đây là chỗ mây rồi sẽ bay qua đi, sóng rồi sẽ lặng xuống, bụi vốn không thật là bụi, niệm vốn thật vô tự tánh).

Nước (hay là Tánh của Tâm, đây là chỗ Thức đã chuyển thành Trí) cũng không có tâm (đây là tâm vô tâm, hay tâm của kẻ giác ngộ, gọi khác là tâm đã không còn một hiện tượng) lưu bóng chim nhạn (đây là chỗ cảnh tự trụ cảnh, niệm cứ việc khởi, bụi cứ việc bay, nhưng gương Trí đã sáng, sự thật là vốn hằng sáng, thì lấy đâu là nơi cho niệm lưu, cho bụi bám). Sư đã rất mực từ bi, bài toán này không thích hợp cho ông vua đa tình hiếm con này.

Đây là cảnh giới của vô tâm, nhưng Hồ đến thì hiện Hồ, Hán đến thì hiện Hán (như cách gọi của Sư Lâm Tế).

Cánh chim nhạn (hay là cảnh, hay pháp) thấy được là không (pháp vốn tự tánh) rồi, và nước (khi bặt sóng, hay tâm vô tâm, hay Tánh của Tâm, hay tánh vô tự tánh của tâm) đương nhiên hiện ảnh (nhạn đến thì hiện nhạn) mà không hề khởi tâm (tâm đã không thì lấy gì để khởi), mà cũng không có tâm lưu ảnh (thấy được tánh của pháp là vô tự tánh, tánh của niệm là vô tự tánh, vào nơi vô niệm mà niệm vẫn hằng sinh, hay ở nơi niệm mà vẫn hằng vô niệm - tâm của kẻ giác ngộ - thì lấy tâm nào để mà lưu ảnh).

Nhưng lấy đâu làm viên gạch dộng cửa để vào nhà Tổ đây, lấy gì làm trớn để một nhảy liền vào đất Như Lai, đứng thẳng ở cảnh giới này? Đối với hàng thượng căn, mọi chuyện thầy đã chuẩn bị thuần thục, thì bốn câu này là đủ. Ngoài ra thì hoàn toàn không có viên gạch nào dộng cửa trong bốn câu này cả, không một phương tiện thiện xảo nào để vin lấy mà đi cả. Cánh cửa đã mở rộng tới hư không thì biết đâu là cửa để mà vào, quan ải đã quét sạch (trong 4 câu này) tận hư không thì làm sao người Thiền sinh biết chỗ mà một đao qua ải?

Một khi đã thấy pháp (hay cảnh, hay nhạn) vốn vô tự tánh (không ý lưu bóng) và nước (tâm) vốn vô tự tánh (nên không tâm lưu ảnh) thì đã vượt qua cả cảnh giới tâm cảnh nhất như (cảnh giới thứ ba của Tứ Liệu Giản, pháp không và tâm không). Đây là cảnh giới thứ tư của Tứ Liệu Giản, tâm tự trụ tâm, cảnh tự trụ cảnh; pháp và tâm đã không (vô) tự tánh được rồi lại tới đây (trong 4 câu này) ngay đến cái không (vô) đó cũng không dựng lập lên thì lấy đâu mà không với có nữa. Bấy giờ là cảnh giới niệm khởi mặc niệm mà tâm vẫn hằng vô niệm, lấy gì mà dựng lập Niết Bàn với sinh tử, thiên đường hay địa ngục.

Nói trở lại, tâm đã không và pháp đã không thì hiện tướng tâm cảnh nhất như, chỉ còn một cái thấy biết mình người không cách nhau tới một sợi tóc, thấy tính bình đẳng của vạn pháp (phạm trù thứ ba nhắc trên). Nhưng trong bốn câu này, cái đa (mình người, tâm pháp, nước và nhạn) đương nhiên đã không dựng lập (vốn không ý không tâm thì lấy gì mà dựng với lập), mà ngay đến cái nhất (mình người, tâm pháp vô phân biệt) cũng không hề có (cái vô phân biệt cũng không hề dựng lập) thì lấy gì mà gọi nhất như với như nhất nữa. Nói trở lại lần nữa cho rõ hơn, không thấy cái đa thù (phân biệt) thì thấy cái nhất như (tính bình đẳng hay tâm vô phân biệt), nhưng ở đây (bốn câu của Sư Hương Hải) trong cảnh giới này ngay đến cái như ấy còn không dựng lập thì còn chỗ đâu mà đa với nhất, mà gọi là phân biệt hay vô phân biệt. Nói cho đúng thuật ngữ nhà chùa là, ở chỗ này, lấy gì để mà đoạt với bất đoạt.

Trong bốn cảnh giới thấy tánh vô tự tánh của Tứ Liệu Giản, Thiền Sư Hương Hải lại lấy ngay cảnh giới thứ tư chỉ cho vua Lê Dụ Tông thì làm sao ông vua đa tình hiếm con này liễu ngộ được. Khổ quá, ai bảo đòi biết ý Phật làm chi. Cái tướng đa thù đã không còn mà ngay đến cái tướng nhất như cũng không thấy nữa, ngay đến cũng không thấy các đẳng đâu để hiện tướng bình nữa thì lấy đâu cửa mà vào. Còn như nếu vua trở lại bốn câu Như Lai Thiền (Phản văn...) để tìm cửa vào thì tới kiếp nào mới thành sư tử. Như vậy, vấn đề của vua Lê cũng như của chúng ta hôm nay là phải đi tìm chìa khóa (hay viên gạch dộng cửa) để vào nhà Tổ.

Theo quan niệm của chư Tổ là nói nhiều về viên gạch dộng cửa thực sự không có lợi cho người muốn thực tham thực ngộ. Riêng bốn câu thơ Ảnh Trầm Hàn Thủy cũng đã quá đủ rồi, đi lối bặt đường chim không phải là đã à. Còn muốn chi tiết hơn, đó là vấn đề của các dòng Lâm Tế, Tào Động, Tây Tạng...

Nếu bài này có chút gì sai hay ngã mạn với vua Lê, xin trọn lòng sám hối. Nếu có chút gì công đức, xin biến cùng tận pháp giới đưa tất cả chúng sinh đồng thành Phật đạo.

–––––o0o–––––

Trích: Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ

Tác Giả: Nguyên Giác Phan Tấn Hải

Dịch Giả: Thiện Tri Thức

NXB: Thiện Tri Thức in năm 2001

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan