ÁP DỤNG VÀ THỰC HÀNH TÍNH KHÔNG - ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ - TAI SITUPA THỨ MƯỜI HAI

ÁP DỤNG VÀ THỰC HÀNH TÍNH KHÔNG

ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ - TAI SITUPA THỨ MƯỜI HAI

Dịch: Nguyên Toàn

Trong cả Kinh điển và Mật điển, Đức Phật đã hướng dẫn các đệ tử của Ngài áp dụng hiểu biết về tính Không. Những bài giảng về tính Không thường được đưa ra như một bài tập lý thuyết và trí tuệ. Tất nhiên, đó là một cách đúng đắn, nhưng các điểm chủ yếu được giảng giải sâu hơn nhiều trong cả Kinh điển và Mật điển. Tính Không được định nghĩa như là bản chất của...
ÁP DỤNG VÀ THỰC HÀNH TÍNH KHÔNG - ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ - TAI SITUPA THỨ MƯỜI HAI

Trong cả Kinh điển và Mật điển, Đức Phật đã hướng dẫn các đệ tử của Ngài áp dụng hiểu biết về tính Không. Những bài giảng về tính Không thường được đưa ra như một bài tập lý thuyết và trí tuệ. Tất nhiên, đó là một cách đúng đắn, nhưng các điểm chủ yếu được giảng giải sâu hơn nhiều trong cả Kinh điển và Mật điển. Tính Không được định nghĩa như là bản chất của tất cả mọi sự vật, hiện tượng. Qua các bài giảng của Ngài về tính Không, Đức Phật đã giới thiệu cho các đệ tử về bản chất của các hiện tượng. Ngài cũng giảng về làm thế nào để thực hành sự hiểu biết tính Không vào trong cuộc sống hàng ngày thông qua thiền định, cầu nguyện, trì tụng, và tất cả các loại hoạt động khác.

Điều kiện phổ quát đã tạo cho chúng ta những chỉ dẫn để thực hành và áp dụng tính Không. Đối với mục đích thực hành, chúng sinh có nhiều cấp độ khác nhau của sự đạt được tinh thần - được phân loại ở các cõi giới cao hơn và các cõi giới thấp hơn. Có ba cõi giới cao hơn, bao gồm cõi trời, và ba cõi giới thấp hơn, bao gồm địa ngục. Đây là những cấp độ khác nhau của tâm biểu hiện trong các cấp độ khác nhau của hình tướng.

Những nhân và duyên trong từng cõi của sáu cõi giới là sáu loại ô nhiễm. Cõi giới người có thể trải nghiệm sự ô nhiễm của tất cả các cõi giới. Thí dụ, loại ô nhiễm hay chất độc của sân hận là tăng mạnh hơn ở địa ngục. Khi một người bị sân hận chế ngự thì có thể khiến mọi thứ trong cuộc đời khó chịu. Một người sân hận sẽ không để ý dù môi trường xung quanh đẹp như thế nào, bởi lẽ sự giận dữ đã dẫn tới quan niệm của người đó thành tương phản (với môi trường). Một người sân hận có thể trở nên dễ kích động, thích khiêu khích, hay là cảm thấy thích giết ai đó, đập vỡ các thứ, la hét - sự sân hận có thể hoàn toàn không kiểm soát được. Khi một người bị vô minh che lấp - đặc trưng của cõi giới súc sinh, thì tỉnh thức bị che khuất. Đây là trường hợp không phân biệt về học vấn - dù là người có thể biết nhiều, và học rộng. Bạn cảm thấy như thể bạn không biết gì cả, và có thể ngay cả bạn lầm lẫn về bạn là ai. Khi chúng ta quá kiêu mạn, chúng ta có lẽ cảm thấy chúng ta như là chúa tể, tốt hơn những người khác, ngay cả cao hơn kiểu mẫu đạo đức thông thường và phù hợp. Dĩ nhiên, vấn đề với cõi giới trời là mặc dù thỏa mãn có thể trải nghiệm cho thời gian vô tận, nhưng bất ngờ suy tàn và rơi xuống vào lúc cuối, vẫn có thể bị tái sinh trong địa ngục. Khi bị sự ghen tỵ chiếm đoạt, chúng ta trải nghiệm trong cõi giới người sự xung đột của các a tu la, hoặc là thánh thần đố kị, và không bao giờ có thể nghỉ ngơi. Khi chúng ta bị tham ái và ham dục xâm chiếm, chúng ta trải nghiệm sự ô nhiễm của ma đói. Sân hận tạo ra địa ngục cho chính chúng ta, phá hoại sự thanh bình và hạnh phúc của tâm trí. Trong mỗi cõi của sáu cõi giới của sự sinh, từng đặc điểm ô nhiễm sẽ bị tăng mạnh hơn. Đối với một cá nhân, ô nhiễm trở thành nhân và duyên để sinh ra trong cõi giới riêng biệt gắn liền với loại ô nhiễm đó. Sự sinh của con người là cơ hội thúc đẩy tốt nhất để đạt giác ngộ bởi vì con người có cơ hội để trải nghiệm, cân bằng, và vượt qua mọi ô nhiễm của tất cả các cõi.

Trong Kinh A Tì Đạt ma và một số kinh về nghiệp, Đức Phật nói rằng dù chúng sinh là người, súc sinh, hay là loại khác của sáu cõi giới không bị giới hạn do tình trạng thể chất của bất kỳ nơi nào hay là môi trường đặc biệt. Khi chúng ta nhìn vào hành tinh (trái đất) của chúng ta, chúng ta thấy nhiều người với các đặc điểm khác nhau - người châu Phi, người châu Âu, người châu Á ở Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, và Tây Tạng. Trong các hành tinh ở các hệ mặt trời bên cạnh, các cư dân ở đó có thể rất khác với chúng ta, khác hơn cả những sự khác nhau muôn màu giữa chúng ta trên hành tinh này. Sự kết hợp khác nhau của các nguyên tố có lẽ làm cho họ không thể nhận diện như con người chúng ta ở trái đất. Đức Phật cũng giảng về sự khác nhau giữa các hành tinh, thiên hà, và các hệ mặt trời trong A tì đạt ma. Điều này cũng được giảng rất rõ trong Tam Tạng Kinh điển (Tripitaka) và các Kinh khác. Nhưng trong Mật điển, Đức Phật giảng chi tiết hơn.

Ngài nói rằng chúng sinh người ở hành tinh khác, có thể cùng mức độ tâm trí như chúng ta, nhưng có các tình trạng thể chất hoàn toàn khác. Nếu họ đến được đây (trái đất), việc chúng ta có thể đi xuyên qua không khí thì có lẽ lại là bức tường đối với họ, trong khi họ có thể dễ dàng đi qua những thứ khác nhưng lại là bức tường đối với chúng ta. Ngài đã giải thích rõ rằng một số các chúng sinh ấy có những nguyên lý hoạt động khác hẳn với chúng ta và sẽ không trải nghiệm hiện tượng theo cùng một cách như chúng ta. Đối với họ hình tướng là Không, mắt là Không, tai là Không, âm thanh là Không, tiếp xúc (va chạm) là Không, thân thể là Không, và vân vân. Một trong số các lý do miêu tả tất cả những điều này là để giải thích về tính Không. Tính Không hiện diện tất cả các cõi giới, ngay cả những cõi giới có những hiển thị khác xa chúng ta. Loài người ấy dường như xa lạ với chúng ta nhưng cũng không giác ngộ hơn chúng ta, và chúng ta cũng không giác ngộ hơn họ, bởi vì các tình trạng vật chất, mọi thứ là thích hợp với chúng ta thì có thể hoàn toàn không thích hợp với các chúng sinh hiển thị hình tướng khác nhau. Tính Không là nguyên lý vũ trụ phổ quát. Nó không phải là vài điều thuộc về lịch sử cách đây 2,500 năm. Nó không phải là một phát hiện mới. Nó là chân lý của vũ trụ. Đó là tính Không.

Khi bạn hiểu biết rõ ràng và thực tế về tính Không, một cách tự nhiên và không phải cố gắng nó trở thành chìa khóa để giải quyết mọi hoàn cảnh. Hiểu biết tính Không, bạn sẽ không nhìn bất kỳ vấn đề khó khăn nào như là vững chắc và không thể thay đổi. Bạn sẽ không bị thái quá bởi một hoàn cảnh tốt đẹp và quên các nguyên tắc của bạn. Hoặc là cũng không để mọi hoàn cảnh lấn át để hủy hoại bạn. Bạn biết đó chỉ là những hiển thị của các nhân và duyên trong khoảng không của tính Không. Đó là tất cả. Những nhân duyên tốt cho vận may tốt, vì thế bạn vui, hoặc là những nhân duyên tiêu cực, vì vậy có những vấn đề khó khăn. Đơn giản là vậy. Cách này không làm cho bạn bị kích động. Bạn cũng không bị trở nên quá duy vật. Bạn có khả năng làm cho cuộc sống cân bằng - bao gồm các quá trình vật chất và tâm linh, thiền định, cầu nguyện, cũng như các hoạt động thế gian khác. Bạn sẽ có khả năng đối mặt mọi thứ mà không bị tác động tiêu cực. Khi chúng ta hiểu biết tính Không, cuộc sống dễ dàng hơn. Điều đó hoàn toàn tự nhiên.

Trong Phật giáo Kim Cương Thừa, tất cả những bài giảng triết học bí truyền đều dựa trên tư tưởng của tính Không. Những điều này cũng có trong Giới luật, Luận tạng, Kinh thừa, và Mặt thừa, và rất thâm sâu vi diệu. Có hai định nghĩa triết học quan trọng là rangtong và jentong (tiếng Tạng). Rất khó để dịch hai thuật ngữ này bởi vì chúng không phải là thuật ngữ thông thường, mà mang tính chất triết học đặc thù. Rangtong có thể tạm dịch là “tính Không bên trong” hay “bản chất tính Không”. Jentong là “tính Không bên ngoài” hay là “tính Không ở phía ngoài. Đây là cách dịch thô, nhưng khá gần với ý nghĩa của hai thuật ngữ.

Rangtong và jentong là nhìn cùng một sự vật nhưng ở khía cạnh khác nhau. Một ví dụ đơn giản là bờ biển - nơi ranh giới giữa nước và đất. Có thể đi theo hai cách. Đi từ đại dương đến bờ biển bằng thuyền, hay là từ đất liền, hay là đi bộ hoặc là dùng những phương tiện khác. Rangtong và jentong là như thế, đạt đến cùng một đích nhưng từ các hướng khác nhau.

Rangtong và jentong có thể được áp dụng cho bất kỳ đối tượng nào, nhưng ở đây có lẽ có ý nghĩa hơn khi sử dụng cả hai để nhìn vào phật tính. Từ cách nhìn rangtong “bản chất tính Không”, định nghĩa triết học của phật tính hoàn hảo là hoàn toàn trống rỗng/ không có tình trạng nhị nguyên. Phật tính là hoàn hảo, vượt ra mọi sự nhận diện nhị nguyên. Cách nhìn Jentong “tính Không bên ngoài” là phật tính hoàn hảo vượt ra khỏi bất kỳ tình trạng vững chắc nào. Trên cơ sở hiểu biết chung về tính Không và sự kết hợp của rangtong và jentong, các đạo sư vĩ đại đã hòa nhập cả hai cách nhìn. Cũng có một số đạo sư nào đề xướng chỉ quan điểm rangtong hoặc là quan điểm jengtong, và họ hiểu thấu chúng rất vững chắc. Dù chỉ một trong leng tách, thì kết luận cuối cùng cũng đều tương tự như nhau.

Có một cách đưa tính Không từ phạm vi triết học, bí truyền vào thực hành trong đời sống bình thường của Phật tử. Một Phật tử thường bắt đầu bằng quy y. Điều này nghĩa là có sự tin tưởng và nhận hướng dẫn từ những người có năng lực thực sự để làm lễ quy y: các giáo lý được thử thách theo thời gian của Đức Phật đều có trong các kinh điển, Ngài dạy rằng các bậc thầy tỉnh giác và các hướng dẫn của họ là cần thiết, là người đồng hành chân thành của chúng ta trên con đường tu tập. Đức Phật lịch sử, Pháp - những giáo lý và các bài giảng - và chư Tăng - người hướng dẫn, người thầy, hay người bạn tâm linh - là những nơi nương tựa (quy y). Cần phải hiểu và tôn trọng những điều này. Như là một điều kiện của cuộc đời, người học trò có thể thực hành Pháp theo lời khuyên của một vị thầy với sự ban phúc của Đức Phật, nhưng nơi nương tựa cuối cùng là sự giác ngộ. Bởi vậy, chúng ta không nhìn Đức Phật lịch sử, những bài giảng, hay là hướng dẫn như là thực thể vĩnh hằng, và chắc chắn. Khi chúng ta hiểu biết rằng Phật, Pháp, và những người bạn tâm linh là cần thiết nhưng không phải là phương tiện vĩnh hằng trên con đường đi đến giác ngộ, chúng ta áp dụng nguyên lý của tính Không vào sự quy y. Những đối tượng của quy y là các điều kiện để thực hành Pháp, và tất cả những người thực hành cần sự giúp đỡ này. Với sự ban phúc, lời khuyên của họ, bạn hoàn toàn có khả năng thành công trong thực hành Pháp để cuối cùng trở thành phật.

Sự áp dụng thứ hai của tính Không là trong cầu nguyện và thiền định. Những lời nguyện cầu thành tâm cơ bản và thiền định cơ bản, như là Shinay - “làm dịu tâm trí” - cho bạn một kinh nghiệm của tính Không. Khi bạn cầu nguyện với lòng thành tâm tinh khiết, cảm giác hoàn hảo của tâm trí sẽ thanh tịnh hóa tất cả những đau khổ và tất cả những huyễn hoặc trong khi bạn cầu nguyện. Trong thời gian cầu nguyện bạn tụng niệm một cách thành tâm trong sáng, bạn cảm thấy mình tinh khiết hoàn toàn. Dĩ nhiên, khi mới bắt đầu, lúc bạn ngừng cầu nguyện, thì những vấn đề của đời thường lại trở lại tâm trí. Đấy là bình thường Nhưng trong khi cầu nguyện, bạn cảm thấy được ban phúc.

Tương tự với thực hành thiền định cơ bản. Khi bạn thực hành shinay (làm dịu tâm trí), thí dụ, bạn đang ở trạng thái tâm trí yên tĩnh nhất, mọi thứ đều hoàn hảo. Mọi thứ trở nên tinh khiết. Đối với những người mới bắt đầu, dĩ nhiên, khi ngừng thiền thì các hoạt động hàng ngày của cuộc sống lại bắt đầu, cảm giác thanh khiết lùi xa. Cầu nguyện và thiền định, nếu làm đúng có thể cho bạn sự tinh tấn về kinh nghiệm của tính Không.

Sự áp dụng thứ ba của tính Không là khi thực hành bồ đề tâm. Đó là bản chất của các bài giảng trong Kinh điển. Với sự phát triển lòng từ bi và hỉ lạc, người thực hành có thể hiểu rõ giá trị của bất kỳ điều gì, hạnh phúc hay là đau khổ. Giá trị của từng cái là hiểu thấu được. Trong một bộ kinh, Đức Phật nói rằng người có bồ đề tâm, ngay cả nếu anh ta đang đau khổ, thì anh ấy cũng đau khổ một cách hạnh phúc. Thuật chuyển hóa những tiêu cực trong bạn và trong những người khác là đang phát triển bồ đề tâm. Do bồ đề tâm, mọi thứ trở thành hoàn hảo. Những hoàn cảnh tích cực và tiêu cực đều có khả năng trở thành các điều kiện để thực hành bồ đề tâm. Đấy là làm thế nào thực hành bồ đề tâm cơ bản trong việc áp dụng tính Không.

Áp dụng thứ tư của tính Không là thực hành cốt lõi của Mật điển. Điều này liên quan đến hiểu biết căn bản rằng mọi chúng sinh là phật về bản chất, và mọi môi trường đều là cõi Tịnh độ về bản chất. Khi bạn nhận thức ra điều này, đó là giác ngộ. Vòng luân hồi sinh tử, nếu không nhận thức được bản chất của nó sẽ đưa đến khổ đau. Nhưng khi bản chất của luân hồi được nhận ra, thì dẫn đến giác ngộ. Sự tỉnh thức này diễn ra thông qua thực hành của bạn. Thực hành kỷ luật, thực hành lòng bi, thực hành trì giới, vân vân, là những phương tiện giúp bạn nhận ra bản chất cốt lõi của sự tồn tại các hiện tượng.

Khi bản chất phật được tỉnh thức, đó là khoảnh khắc cuối cùng. Thời gian trong luân hồi của một vị phật giác ngộ, một cách tương đối, có thể kéo dài hàng tỉ thế kỷ trong hàng tỉ các cõi giới luân hồi khác nhau trước khi đạt tới phật tính, nhưng trong ý nghĩa tuyệt đối, nó ngắn hơn một giây của dòng thời gian vô tận. Đấy là mức độ tuyệt đối của tính Không. Vì là một chúng sinh bình thường như chúng ta không thể hiểu rốt ráo điều này, và nó cũng không thể mô tả được, trong những kinh nghiệm của chính chúng ta lại có tình trạng giống nhau. Nghĩ về lúc bạn trải qua một ca phẫu thuật, chữa răng, hay là một tai nạn khiến bạn bị thương, khi đó bạn tưởng như sự đau đớn không thể ngừng được. Thời gian trở nên quá dài ngay cả nó có thể chỉ là vài phút khi bạn bị cơn đau hành hạ, nó dường như dài hàng giờ. Khi cơn đau chấm dứt cảm giác đó cũng qua luôn. Đấy là một khoảnh khắc kỳ diệu và ngọt ngào như thể chưa từng có cơn đau. Nó đã bị lãng quên. Đây không phải là sự giác ngộ, nhưng nó cho ta một ý tưởng về tính Không như là kinh nghiệm về thời gian, một ý tưởng của tái sinh liên tục và khổ đau tưởng chừng không bao giờ chấm dứt diễn ra trong khoảnh khắc cuối trước khi đạt giác ngộ.

Mô tả về bốn áp dụng tính Không là rất tóm tắt và thô ráp, nhưng đấy là cách đơn giản để áp dụng tính Không như thế nào theo các mức độ khác nhau trong thực hành của Phật tử. Chúng ta có thể cầu nguyện, thiền, làm những việc thiện, tránh các hoạt động tiêu cực, cố gắng giúp những chúng sinh khác, phát triển lòng thành tâm, và phát triển lòng bi, nhưng không bao giờ nên duy trì tư tưởng và quan niệm rằng bất kỳ của những điều trên là thực hay là có thực. Chúng ta thực hành những điều này như là biểu hiện tự nhiên của bản chất Phật hoàn hảo bên trong mỗi người. Chúng ta chỉ đơn thuần đang trợ giúp các duyên tích cực cho các chúng sinh khi chúng ta giúp đỡ họ. Khi thực hành Pháp, chúng ta tạo điều kiện đánh thức bản chất phật của chúng ta, hãy làm mọi điều có thể để trợ giúp quá trình đó. Nếu chúng ta bám chặt vào hành động tốt như thể nó là chắc thật, chúng ta trở thành bị kích động.

Một người có hiểu biết thực hành tính Không đúng đắn không những chỉ làm cho cuộc đời của mình hiệu quả và có ý nghĩa hơn, mà còn có thể chia sẻ kiến thức đó với những người khác. Tất cả mọi người đều có thể lợi lạc từ việc áp dụng tính Không, không phải chỉ các Phật tử. Thí dụ một người đang hấp hối, thì hiểu biết tính Không là rất hữu ích. Tất cả chúng ta biết những người đã chết và đang chết. Hiện nay, nhiều người trẻ tuổi có bạn bè sẽ chết do mắc bệnh AIDS hoặc là các bệnh khác, hoặc là chính họ mắc những căn bệnh nan y. Mặc dù đây là việc rất khó khăn và đau khổ, nhưng cũng là cơ hội to lớn để nhận biết tính Không.

Người Tây Tạng có nhiều câu châm ngôn. Trong một chuyện kể thiên anh hùng ca về những hành động anh hùng của một vị vua và những người lính trung thành của ông ấy. Trong đó, có một câu rất hay nói về cảnh tượng rất đau đớn trên chiến trường: “Dù điều gì xảy ra với thể xác tôi, cũng chỉ là thể xác bị đau. Không ai có thể làm tâm trí tôi đau đớn”. Vì thể xác và tâm trí là liên hệ với nhau, nhưng cũng không phải nếu thể xác đau đớn thì tâm trí cùng đau đớn. Tâm của chúng ta không phải đau đớn. Nếu bạn hiểu biết tính Không rõ ràng, nhiều đau đớn thể chất có thể được giảm đi. Khi một sự không thực có của tình trạng đau đớn được nhận ra, thì ta có thể vượt qua được nó.

Có một lời dạy khác từ thời Đức Phật về làm thế nào để giải quyết những thứ ô nhiễm như là sân hận. Điều này được diễn giải khá dài như sau. Khi bạn giận dữ, nếu bạn có thể hãy nhìn vào khuôn mặt giận dữ. Hãy ngồi, nhìn, và tự hỏi: “Cái gì đây?”. Có lẽ bạn tức giận đến mức trở nên hung bạo, nhưng thay vì vậy, hãy ngồi xuống và hỏi “Cái gì đây? Nó ở đâu”. Đột nhiên bạn sẽ nhận ra rằng cơn giận không còn ở đó nữa. Sự giận dữ của bạn chỉ là một phản ứng, một kết quả, hoặc là nhiều biểu hiện phụ thuộc lẫn nhau. Đó là tất cả. Điều này có thể áp dụng cho bất cứ trạng thái tiêu cực nào của tâm, như là tham ái, ham dục, ghen tỵ - bất cứ điều gì.

Thói quen cũng là một yếu tố cần giải quyết. Thuật ngữ Tây Tạng gọi là pa cha che dipa. Ô nhiễm cũng là thói quen, dĩ nhiên, nhưng có sự khác nhau chút ít. Pa cha che dipa là một chướng ngại rất vi tế. Thí dụ như chúng ta thường áp đặt những tình cảm, tư tưởng, hoặc các động cơ của chúng ta lên người khác. Điều này rất khó thấy và khắc phục, và ta cần rất nỗ lực để vượt qua. Khi chúng ta luôn nhận thấy chính chúng ta đang làm cùng những sai lầm do hiểu sai người khác và phán xét họ theo cách không đúng, ngu ngốc, hay là không thương xót, như vậy, chúng ta đang bị che chưởng bởi các thói quen cố hữu. Sau đó chúng ta nhận ra rằng chúng ta sai, nhưng thường xuyên như vậy, nó là quá muộn, vì ta đã bị hư hoại. Chúng ta chỉ có thể học từ sự lầm lỗi. Đây là những chướng duyên vi tế xuất phát từ “cái tôi”.

Người Phương Tây dường như có vấn đề với giá trị cá nhân. Nhiều người nói họ ghét chính họ, hoặc không thích chính họ. Họ chắc rằng họ không tốt. Có thể vì họ không hiểu thực chất tính phật. Hiểu biết bản chất phật là phương tiện tốt nhất vượt qua lòng tự ti, nhưng bên cạnh đó còn là sự thực hành tính Không. Từ quan điểm tính Không, người tự ghét mình, cái tôi không còn ở đó. Và ngay cả nếu những điểm có thể bất đồng còn ở đó, vì tính Không luôn luôn có thể cải thiện. Không có trạng thái thù ghét vĩnh cửu. Theo một cách khác, tính Không như là Hòn đá của các Triết gia mà các nhà thuật giả kim phương Tây đã tìm kiếm. Nó ở đó, nhưng không phải ở đó; nó là bản chất của mọi sự vật, hiện tượng, nó là câu hỏi và câu trả lời cho tất cả câu hỏi. Đó là tính Không.

---o0o---

Trích: Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ

Tác giả: Tai Situpa Thứ Mười Hai

Dịch: Nguyên Toàn

NXB Tôn Giáo 2010

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan