BẢN CHẤT SÂU KÍN CỦA CÁI TÔI - JIDDU KRISHNAMURTI - VỀ TÂM VÀ Ý

BẢN CHẤT SÂU KÍN CỦA CÁI TÔI

JIDDU KRISHNAMURTIVề Tâm Và Ý

---o0o---

ậy cái tôi và toàn thể cơ cấu của nó đặt nền tảng trên cái không là gì cả. Trong tận cùng sâu kín của cái tôi hoàn toàn không có một vật. Và vẻ đẹp, sự vĩ đại và cao cả của tình yêu chỉ có thể xảy ra khi ý nghĩ nhận ra rằng nó không có chỗ đứng nào trong quan hệ - và do đó là tình yêu.
BẢN CHẤT SÂU KÍN CỦA CÁI TÔI - JIDDU KRISHNAMURTI - VỀ TÂM VÀ Ý

Chúng ta hãy tìm ra cái bản chất sâu kín của cái tôi vì mọi hành hoạt của chúng ta đều đặt trên cái tôi, “tôi” trước rồi mới đến anh. Trong tất cả các quan hệ của chúng ta, trong các sinh hoạt ở nơi làm việc, các sinh hoạt xã hội, trong quan hệ của chúng ta với nhau luôn luôn có hoạt động của hành vi hướng ngã, ngay cả trong những khi thiền quán, thậm chí cả vào những lúc chúng ta được cho là đạo hạnh. Vậy cái tôi là gì? Đáng tiếc là hầu hết các bạn đã đọc qua triết học và đủ loại thánh thư - Tôi không gọi chúng là thánh thư vì chúng chỉ là sách như những quyển sách khác - hoặc nghe ai đó, có thể là đạo sư hay người lãnh đạo tôn giáo bảo rằng cái tôi là một cái gì đó phi thường, cái tôi là vĩnh cửu từ vô thủy đến vô chung.

Chúng ta đang đặt một vấn đề thật đơn giản mà cũng vô cùng phức tạp. Cách tiếp cận vấn đề rất quan trọng: có thể là các bạn tiếp cận nó với sự sợ hãi, với một kết luận, hoặc chấp nhận quyền uy của người khác, và như thế sự tiếp cận của các bạn đã tự giới hạn, và đóng khung; hoặc cũng có thể các bạn thấy rằng muốn tìm hiểu thì cần phải tự do, nếu không thì không thể tìm hiểu. Nếu các bạn đã có sẵn một định kiến, một lý tưởng, một kết luận, một ước muốn nào đó thì cái đó sẽ quyết định sự tìm hiểu của các bạn. Như thế liệu các bạn có tự do đi vào vấn đề này một cách nghiêm túc, hợp logic, hợp lý và vô ngại để tìm ra bản chất và cốt lõi của cái tôi? ... Dù cho hình tướng, danh xưng có khác biệt, liệu một cá nhân, tư cách của một con người - cảm thấy rằng hoặc nghĩ rằng mình riêng biệt - có thực sự riêng biệt? Có phải thiên tư, cá tính, những thói quen lập dị, khuynh hướng, và phẩm chất của một người là kết quả của nền văn hóa mà từ đó người đó đã được sinh ra, hay sự phát triển cá tính là một đối kháng với nền văn hóa? Đây cũng là một vấn đề rất quan trọng.

Vậy trước hết, bạn là gì? Mọi sinh hoạt của bạn đều dựa vào cái tôi, vào hành vi hướng ngã từ sáng sớm cho đến khuya. Vậy cái tâm điểm mà từ đó bạn hành động là gì, cái tâm điểm mà từ đó bạn hành thiền là gì, nếu bạn hành thiền - mà tôi hy vọng là không - cái tâm điểm mà từ đó khởi lên tất cả lo âu, sợ hãi, đau khổ, buồn phiền, đau đớn và tình cảm là gì; cái tâm điểm mà từ đó bạn tìm cầu hạnh phúc, giác ngộ, Thượng đế, chân lý, hoặc bất cứ gì, cái tâm điểm mà từ đó bạn nói: “Tôi phát nguyện trở thành một tu sĩ,” cái tâm điểm mà từ đó, nếu là nhà kinh doanh bạn đang cố tìm cách tạo thêm nhiều thế lực và của cải là gì? Đó là cái tâm điểm mà chúng ta đang tìm hiểu – cái tôi. Cái tôi là gì và nó đã hình thành như thế nào? Có thể nào bạn biết chính mình như bạn thật sự là, chứ không phải những gì bạn nghĩ bạn là, hay những gì bạn hy vọng sẽ là? Có thể nào biết cái tôi một cách trọn vẹn, cốt tủy của nó, và liệu có thể nào vượt ra khỏi sinh hoạt manh mún rời rạc của cái tôi?

Như thế có phải cái tôi, cái tâm điểm đó, được ý nghĩ tạo thành? Hãy tư duy, tìm hiểu và lý giải như thể lần đầu tiên bạn tư duy về điều này; có như vậy vấn đề sẽ mới và bạn mới có thể tìm hiểu. Nhưng nếu bạn bảo: “Tôi thừa biết “cái tôi” là gì, tôi đã có một số kết luận về nó,” thì bạn tự ngăn cản chính mình trong sự tìm hiểu cái tôi.

Vậy cái tôi là gì? Bạn là gì? Không phải bạn là ai mà đúng ra bạn là gì? Có một sự khác biệt giữa bạn là ai và bạn là gì. Khi hỏi bạn là ai, thì bạn đang tìm hiểu một người nào đó và sự tìm hiểu càng lúc càng xa rời tâm điểm; nhưng khi bạn nói bạn thực sự là gì, tức là cái “đang là” thì lúc đó bạn đang nói về hiện thực. Hiện thực là cái đang thực sự xảy ra. Vậy bạn là gì? Bạn là một danh xưng, một hình tướng, là sản phẩm của một xã hội hay một nền văn hóa nào đó mà xã hội đó, nền văn hóa đó qua nhiều thời đại luôn luôn nhấn mạnh rằng bạn là một thực thể riêng biệt, một cái gì đó được nhận dạng một cách mập mờ. Có phải thế không? Bạn có cá tính, khuynh hướng riêng, có thể là hung hăng hay nhường nhịn. Không phải những cái đó được tạo ra bởi nền văn hóa được hình thành bởi ý nghĩ hay sao? Người ta cảm thấy rất khó chấp nhận một sự thẩm định thật đơn giản và hữu lý, bởi họ cố tin rằng cái tôi là một cái gì đó phi thường nhất. Chúng ta vạch rõ ra rằng cái tôi không gì khác hơn một mớ ngôn từ và ký ức. Vậy cái tôi là quá khứ. Và tự biết mình có nghĩa là quan sát chính mình, quan sát mình thực sự là gì trong quan hệ với tha nhân. Các phản ứng của cái tôi xuất hiện trong các quan hệ, dù thân mật hay không. Lúc đó bạn bắt đầu thấy mình là gì, các phản ứng của bạn, thiên kiến của bạn, kết luận của bạn, lý tưởng của bạn, cái này của bạn và cái nọ của bạn. Không phải tất cả những cái đó là kết quả hay sao? Mà hễ có kết quả thì phải có nguyên nhân. Vậy có phải nguyên nhân là một chuỗi ký ức và ghi nhớ, cũng như cái tâm điểm được ý nghĩ tạo ra và rồi ý nghĩ lại bám víu vào nó?

***

Vậy tình yêu là gì? Và ý nghĩa thực sự của thiền là gì? Có phải thiền là trút bỏ toàn thể ý thức cùng với nội dung của nó - sợ hãi, tham lam, đố kỵ, quốc tịch, Chúa của tôi và Thượng đế của anh, lễ nghi của tôi, vật sở hữu của tôi - trút bỏ tất cả những thứ này? Có nghĩa là đối diện, quan sát cái “không gì cả” – nothing. Cái “không gì cả” là cái vô nhất vật - not-a-thing. Các bạn biết đấy, “không gì cả” có nghĩa là không có một vật gì. Có một vật gì thì vật đó được ý nghĩ tạo nên. Không biết bạn có thấy điều này không? Thiên nhiên không do ý nghĩ tạo nên. Cây cối, các vì sao, những dòng sông, những buổi hoàng hôn duyên dáng và vẻ lộng lẫy của ánh mặt trời không hề được ý nghĩ tạo ra. Nhưng từ thân cây ý nghĩ đã tạo ra cái bàn, cái ghế, đó là một vật. Như vậy khi các bạn nói không gì cả có nghĩa là không có một vật gì được ý nghĩ tạo ra. Đây không phải là một sự phủ định.

Còn tình yêu là gì? Có phải tình yêu là sản phẩm của ý nghĩ, một vấn đề vụn vặt, hay là khi nào không còn ý nghĩ thì đó là tình yêu? Quan hệ giữa tình yêu và đau khổ là gì, và giữa đau khổ và lòng tha thiết là gì? Ý nghĩa của sự chết là gì? Tình yêu không phải là một vật, một cái gì đó được ý nghĩ tạo nên. Nếu ý nghĩ là tình yêu, thì tình yêu đó là vụn vặt, là một cái gì đó được ý nghĩ, dục vọng chấp nhận như khoái lạc, dù đó là những thỏa mãn giác quan, thỏa mãn tình dục hoặc những hình thức khác của khoái lạc. Nếu tình yêu không phải là ý nghĩ, vậy quan hệ giữa tình yêu và từ bi là gì? Có phải từ bi xuất hiện cùng với sự chấm dứt đau khổ? Và đau khổ nghĩa là gì? Các bạn phải hiểu những điều này, đây là cuộc sống của chúng ta, cuộc sống hàng ngày mà chúng ta đang nói đến. Vì tất cả chúng ta đều trải qua những đau khổ vô bờ - đau khổ vì cái chết của ai đó - những hình thức khác nhau và phức tạp của đau khổ, đau đớn, cô đơn, tận cùng tuyệt vọng và vô vọng. Các bạn nghĩ như thế nào về tất cả những kẻ khốn khổ, không một hy vọng…?

Như thế ta phải tìm hiểu đau khổ là gì, và liệu có thể chấm dứt nó hoàn toàn. Đây là một trong những điều mà con người trải qua nhiều thời đại cố tìm cách hiểu, chấp nhận, vượt qua, biện luận hay giải thích bằng cách sử dụng những Phạn ngữ, hay trút tất cả đau khổ lên một người như các tín đồ Thiên chúa giáo vẫn làm. Nếu các bạn không làm những gì như thế, có nghĩa là không chạy trốn, thì các bạn đối diện với đau khổ. Các bạn biết nỗi đau khổ của sự cô đơn, có phải thế không, nỗi đau khổ của sự thất vọng, yêu một ai đó nhưng không được yêu lại; hoặc nỗi đau khổ khi mình yêu ai đó mà người đó không còn nữa, nỗi đau khổ mà mọi người đều có khi cảm thấy trong lòng hoàn toàn trống vắng, vô tích sự, và không thể tự túc? Các bạn biết nhiều hình thức đau khổ khác nhau. Có phải đau khổ là tự thương hại? Tôi vừa mất người thân, và điều này đem lại một nỗi đau khổ to tát. Trong nỗi đau khổ đó có sự tự thương hại, nỗi cô đơn, không người bầu bạn, cảm giác bị bỏ rơi mà không còn chút sức mạnh, sinh lực, và độc lập. Bạn hoàn toàn cô đơn. Tất cả chúng ta đã từng trải qua nỗi đau khổ này. Bằng biện luận, giải thích, tìm kiếm lối thoát, như chúng ta vẫn làm, chúng ta mắc kẹt trong hệ thống của những lối thoát này. Nếu các bạn không chạy trốn vì các bạn hiểu rõ sự vô ích của việc trốn chạy, ức chế, tìm đến chùa chiền, và tất cả những chuyện vô nghĩa khác, thì lúc đó các bạn đối diện thực tế, và đừng rời bỏ thực tế đó. Các bạn hiểu không, “Đừng rời bỏ.” Ý nghĩ muốn bỏ chạy, nhưng hãy ở lại với nỗi đau khổ đó, nhìn xem nó lớn lên, nở hoa rồi tàn tạ. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi các bạn quan sát nó, khi các bạn thực sự quan tâm đến cái mà mình gọi là đau khổ.

Các bạn biết đấy khi các bạn quan tâm đến cái gì đó, các bạn quan sát nó với tất cả sự trìu mến, cẩn thận, và chú ý. Một bà mẹ chăm sóc con mình, nhiều lần thức giấc giữa khuya, lo lắng vì bà quan tâm, bà quan sát! Cũng như thế, nếu các bạn quan sát cái gọi là đau khổ một cách cẩn thận, nhẩn nha và trìu mến, lúc đó các bạn sẽ thấy không còn ý định chạy trốn và cái từng được gọi là đau khổ bây giờ trở thành một cái gì hoàn toàn khác biệt - lòng tha thiết. Không phải dục vọng mà là lòng tha thiết. Nếu không có lòng tha thiết thì cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa.

Vậy cái tôi và toàn thể cơ cấu của nó đặt nền tảng trên cái không là gì cả. Trong tận cùng sâu kín của cái tôi hoàn toàn không có một vật. Và vẻ đẹp, sự vĩ đại và cao cả của tình yêu chỉ có thể xảy ra khi ý nghĩ nhận ra rằng nó không có chỗ đứng nào trong quan hệ - và do đó là tình yêu.

Điều kế tiếp cần tìm hiểu tình yêu có quan hệ gì với cái chết. Quan hệ giữa sự tồn tại của con người và cái chết là gì? Người ta chẳng bao giờ bận tâm về những gì xảy ra khi còn sống nhưng lại vô cùng quan tâm đến những gì xảy ra sau khi chết. Người ta chẳng bao giờ bận tâm rằng mình sống ra làm sao mà chỉ lo chấm dứt cuộc sống như thế nào. Hãy đảo ngược tiến trình đó và xem chúng ta sống cuộc sống thường nhật như thế nào, liệu trong đó có sự chấm dứt, chấm dứt đối với mọi ràng buộc. Các bạn biết rõ đời mình, phải thế không? Đó là một cuộc chiến đấu bắt đầu ngay từ khi các bạn được sinh ra và cho đến khi chết, với những xung đột triền miên, những cố gắng vô vọng chẳng đưa đến đâu ngoài mục đích có thêm tiền tài, khoái lạc, và đủ mọi thứ, trong đó có đủ loại thần linh - được nặn ra bằng tay hay bằng tâm, tức là hành vi của ý nghĩ - lo âu, chán chường, phấn khởi, đảo điên và bất định, luôn luôn tìm kiếm sự an toàn mà chẳng bao giờ gặp. Đó là cuộc sống hàng ngày của các bạn, tự kiềm chế, hoặc kiềm chế hoặc là buông thả trong tình dục, tham vọng, lòng tham, quyền thế, địa vị. Có phải thế không? Đó là cuộc sống xấu xa, thô bạo hàng ngày của các bạn. Và các bạn đánh bóng nó bằng cách đặt cho nó đủ thứ tên và gán cho nó một ý nghĩa nào đó mà các bạn cho là đặc biệt. Trong thực tế đó là cuộc sống hàng ngày của các bạn mà các bạn lo sợ không dám buông bỏ. Nhưng rồi các bạn sẽ phải buông bỏ nó khi chết, các bạn không thể tranh luận với cái chết. Chết vì tai nạn, bệnh tật, tuổi già, lão suy, các bạn biết đấy, rồi các bạn sẽ đối diện tất cả những thứ này.

Đấy là cuộc đời của các bạn và nó quan trọng hơn cái chết rất nhiều - không phải vào lúc chấm dứt, mà ngay bây giờ. Chết có nghĩa là - hãy lắng nghe - chấm dứt. Tôi biết các bạn muốn tiếp tục. Chúng ta nghĩ là có luân hồi, có thể là có luân hồi. Liệu có cuộc sống sau khi chết hay không thì chẳng có gì quan trọng. Cái bây giờ mới hoàn toàn quan trọng, liệu các bạn có thể thay đổi lối sống hiện tại hay không. Giả sử như các bạn tin vào luân hồi, thì cái gì sẽ được sinh ra vào kiếp sau, ai được sinh ra? Có phải cái tôi của các bạn, cùng với lòng tham lam, đố kỵ, thói tàn nhẫn, thô bạo của các bạn đã được biến cải? Và nếu tin vào luân hồi, thì những gì các bạn làm bây giờ là vô cùng quan trọng, nhưng các bạn không thực sự đi xa đến như thế, mà chỉ đùa giỡn với cái ý tưởng này; các bạn vẫn tham lam, đố kỵ, tàn nhẫn và bon chen.

Như thế chúng ta tự hỏi liệu chết có phải là bộ óc, khi không còn được nuôi dưỡng bởi máu và oxy, bị hư hoại và chấm dứt. Liệu ngay trong cuộc đời này các bạn có thể chấm dứt cái mà mình cho là yêu quí nhất, tức là cái tôi của chính mình? Liệu các bạn có thể chấm dứt sự ràng buộc? Hãy chấm dứt sự ràng buộc, đừng biện luận về nó, cứ chấm dứt nó thử xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu các bạn chấm dứt được tất cả những thứ như tham lam, ghen ghét, lo âu, cô đơn, ngay bây giờ, thì chết có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Lúc đó sẽ không còn cái chết, vì các bạn luôn luôn sống với cái chết trong mọi lúc. Chết tức là sống, chấm dứt là khởi đầu. Nếu cứ duy trì một cái gì đó tiếp diễn mãi, thì sẽ chẳng bao giờ có cái mới. Chỉ khi nào có sự chấm dứt thì sự khai hoa mới xảy ra. Các bạn hiểu chứ. Hãy làm đi, ngay trong cuộc đời này của các bạn, làm đi. Cứ thử xem. Đó là điều tôi muốn nói các bạn cần phải nghiêm túc. Chỉ người nào nghiêm túc mới sống nghiêm túc có nghĩa là bạn biết mình sợ hãi, tham lam các bạn biết rõ sự thích thú của mình, và không cần biện luận, không cần ức chế, các bạn chấm dứt nó - một cách dễ dàng, duyên dáng và đẹp mắt. Lúc đó các bạn sẽ thấy một khởi đầu mới hoàn toàn khác hẳn. Bởi vì lúc đó các bạn sẽ thực sự đối diện cái không là gì cả, tức là cái chết, điều này có nghĩa là mời cái chết đến trong khi đang sống. Hành động mời đó chính là sự chấm dứt mọi ràng buộc.

Lúc đó một yếu tố mới nảy sinh: trí tuệ siêu việt. Trí tuệ này dựa trên từ bi và sự trong sáng, và nhờ trí tuệ đó nên có một khả năng tuyệt vời. Vậy nếu các bạn nghiêm túc, hãy hành động, và làm đi; đừng chạy theo những lý thuyết mơ hồ hay lý tưởng viển vông, và chấm dứt cái mà các bạn nâng niu tâng quí: tham vọng, dù cho đó là tham vọng tâm linh, tham vọng vật chất hay tham vọng kinh doanh - chấm dứt nó đi. Rồi các bạn sẽ thấy một sự khai hoa mới xảy ra.

---o0o---

Tác giả: JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Về Tâm Và Ý; Vũ Toàn dịch; NXB Phương Đông, năm 2007.

Ảnh: Nguồn Internet

 

Bài viết liên quan