BẢN DIỆU CA - JACK KORNFIELD – TÂM ĐẠO HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Khi tầm nhìn của chúng ta mở ra chúng ta có thể hỏi những câu hỏi khác thường. Chúng ta được ban cho những mô hình và câu chuyện nào trong cuộc đời này? Lúc này chúng ta mang hình thức “riêng” nào? Chúng ta đã thừa hưởng những thần thoại và câu chuyện nào, và chúng ta tiếp tục theo đuổi những câu chuyện nào khi đối diện với điều huyền bí?
BẢN DIỆU CA - JACK KORNFIELD – TÂM ĐẠO HÀNH TRÌNH TÂM LINH

BẢN DIỆU CA

JACK KORNFIELD – TÂM ĐẠO

HÀNH TRÌNH TÂM LINH – NHỮNG NGUY CƠ VÀ PHÁT TRIỂN

---o0o---

Rèn luyện tâm linh là cách mạng. Nó giúp ta bước ra ngoài bản sắc, văn hóa, và tôn giáo riêng của ta để trải nghiệm sự bí ẩn của bản diệu ca cuộc sống trực tiếp hơn.

Trưởng thành trên con đường tâm linh giúp ta mở ra cả ngàn khả năng. Toàn bộ phép thuật và niềm say mê với muôn sự xuất hiện trước mắt chúng ta trở nên sinh động, mới mẻ. Chúng ta trải nghiệm sâu sắc hơn cả vẻ đẹp và nỗi sầu đau của đời; chúng ta có thể nhìn cuộc sống bằng đôi mắt mới và nghe toàn bộ bản diệu ca.

            Khi chúng ta miệt mài lắng nghe, bản diệu ca chuyển qua từng cuộc sống. Trong câu chuyện của Hermann Hesse, cuối cùng Siddhartha ngồi bên con sông và lắng nghe.

Giờ ngài đang chăm chú lắng nghe, hết sức mải mê, trống rỗng hoàn toàn, hiểu ra mọi sự. Ngài cảm thấy lúc này ngài học được hết thuật lắng nghe. Trước đây ngài cũng thường lắng nghe tiếng con sông, nhưng hôm nay chúng nghe có vẻ khác. Ngài không còn có thể phân biệt những âm giọng khác nhau – giọng vui vẻ với tiếng khóc, tiếng trẻ con với tiếng người lớn. Chúng thuộc về nhau: tiếng xót xa của người thương cảm, tiếng cười của kẻ ma lanh, tiếng kêu la căm phẫn, và tiếng rên rỉ của kẻ hấp hối. Tất cả đan cài vào nhau, bện vào nhau theo nhiều cách. Và mọi tiếng nói, mọi mục tiêu, mọi khát vọng, mọi sầu đau, mọi hoan lạc, mọi điều tốt và xấu, tất thảy là trần gian, tất thảy là những dòng sự cố và tiếng nhạc của đời. Khi Siddharaha chăm chú lắng nghe dòng sông này, bài ca ngàn âm giọng này khi ngài không chỉ lắng nghe tiếng khóc và tiếng cười, không ràng buộc tâm hồn ngài với bất kỳ một âm giọng riêng biệt nào và hấp thu nó vào con người của ngài, mà nghe hết thảy, toàn bộ, nhất thống – lúc đó bản diệu ca cả ngàn âm giọng chỉ có một lời: sự hoàn hảo.

            Khi chúng ta không còn nghe bản diệu ca này, chúng ta thường chỉ sống theo những khả năng hạn hẹp, nhìn thế gian này chỉ qua những thần thoại bình dân. Những thần thoại và bài câ nghèo nàn ấy được bán ở khắp nơi: hoang tưởng về chủ nghĩa duy vật và sự chiếm hữu cho rằng của cải trần gian mang lại hạnh phúc; hoang tưởng về sự đua tranh và chủ nghĩa cá nhân từng làm cho chúng ta quá cô lập; hoang tưởng về thành tựu và thành công dẫn chúng ta tới điều mà Campell gọi là “leo lên cái thang chỉ để thấy rằng nó dựa vào sai bức tường”; và hoang tưởng về thời trai trẻ, coi văn hóa của tuổi trẻ là bất diệt và những hình ảnh quảng cáo là mẫu mực của thực tại. Đó là những thần thoại của lòng tham và cách biệt.

            Khi chúng ta cố định một trạng thái riêng biệt, duy trì hình ảnh, hoặc bám víu vào một kinh nghiệm, cuộc sống riêng của ta, vào cuộc sống chuyên nghiệp của ta, thì cuộc sống tâm linh của ta sẽ tồi tệ hơn. Suzuki Roshi đã tổng kết lời dạy của Đức Phật vào ba từ đơn giản, “Không luôn thế”. Khi chúng ta cố lập lại điều đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta đánh mất cảm nhận thật về cuộc sống như một cơ hội, như một sự phát triển, như một bộc bạch, như một cuộc phiêu lưu. Mỗi phân tử của cơ thể được thay thế trong vòng bảy năm. Cứ mười triệu năm Ngân hà của chúng ta biến thành Vòng Đu Quay. Mùa thay đổi, cơ thể chúng ta thay đổi. Mọi thứ đều thở, trong việc thở và cử động chúng ta được nối kết với nhau.  Mối quan hệ này đem lại cho chúng ta nhiều khả năng. Đời sống tâm linh có thể mở đường cho chúng ta vào bản diệu ca quanh ta, không bị giới hạn bởi các ý tưởng hay kế hoạch hoặc bởi câu chuyện gói gọn chúng ta trong nền văn hóa của chúng ta. Ở đây chúng ta có thể tiếp xúc với điều huyền bí.

            Một đồng nghiệp và cũng là một Phật tử sùng đạo, người đã lấy bằng tiến sĩ y khoa, tiến sĩ tâm thần học và tâm lý học, nghiên cứu về bản chất của trí tuệ. Ông cũng dành nhiều năm khảo sát các nghi lễ với các pháp sư và phát triển những lề thói Kito giáo và các truyền thống thần bí khác. Quyết tâm tìm hiểu các tôn giáo lớn trên thế giới, ông bắt đầu đọc bộ Bách khoa Tôn giáo Thế giới từ đầu đến cuối. Nó trình bày chi tiết các giáo huấn của các tôn giáo lớn trên thế giới, mỗi hệ thống niềm tin của hàng ngàn và hàng triệu người qua bao thế kỷ. Nó bao gồm các tôn giáo cổ xưa của người Aztec ở Bắc Mỹ, của thổ dân châu Úc, của người Zulu ở Nam Phi, của các pháp sư người Serbirian, của dân Hasidim, của người Babylonian, của Thần đạo Nhật Bản, mười phái Phật giáo, mười hai hình thức Kitô giáo, và hàng trăm tôn giáo khác. Mỗi hệ thống niềm tin này có những giáo huấn có tác động mạnh về thiện và ác và về bản tính con người. Mỗi cái đều có câu chuyện hấp dẫn về sự tạo dựng thế giới, về các thần thánh cùng cách đạt tới nó.

            Khi tôi hỏi ông đã học được điều gì từ việc đọc sách, ông lo lắng trả lời rằng đấy không phải các tôn giáo gây ấn tượng mạnh nơi ông, mà ông được ánh sáng của các tôn giáo này soi rọi. Ông nhận ra rằng các tôn giáo lớn chỉ là những tập hợp các lời và khái niệm, như những tấm màn che điều bí ẩn lớn của cuộc sống. Các nhóm con người có nhiều cách diễn giải, hiểu và cảm thấy an toàn khi đối mặt với điều không thể gọi tên, không biết được, với bài ca cuộc sống luôn thay đổi.

            Chúng ta trân trọng điều bí ấn này như thế nào? Từ viễn cảnh được cảnh tỉnh, cuộc sống là sự chuyển động của các mô hình, các mô hình cây cỏ, sự chuyển dịch của các tinh tú, các mô hình mùa và các mô hình nhân sinh ở mọi hình thái. Mỗi mô hình này có thể được gọi là một bài ca hay một câu chuyện. Thi sĩ Muriel Rukeyser nói, “Vũ trụ được tạo nên bằng những câu chuyện, không phải bằng những nguyên tử”. Những mô hình cơ bản này, những câu chuyện này, những nguyên mẫu vũ trụ mà qua đó toàn bộ sự sống xuất hiện, có thể được thấy và được nghe khi chúng ta tĩnh lặng, tập trung, và thức tỉnh.

BÀI CA RIÊNG TRONG BẢN DIỆU CA

            Khi tầm nhìn của chúng ta mở ra chúng ta có thể hỏi những câu hỏi khác thường. Chúng ta được ban cho những mô hình và câu chuyện nào trong cuộc đời này? Lúc này chúng ta mang hình thức “riêng” nào? Chúng ta đã thừa hưởng những thần thoại và câu chuyện nào, và chúng ta tiếp tục theo đuổi những câu chuyện nào khi đối diện với điều huyền bí?

            Tôn giáo của chúng ta là chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa Marx, nó đầy hy vọng hay mang tính định mệnh, nó đơn lập hay công cộng? Tôn giáo của chúng ta là tôn giáo đầy thiện ý hay mang tính công lý tàn nhẫn? Chúng ta theo tôn giáo nhuốm màu tội lỗi và đấu tranh, tôn giáo của khổ đau và cứu rỗi, hay tôn giáo của ân sủng? Nguồn cứu chuộc trong câu chuyện mà chúng ta theo là gì?

            Chúng ta dự phần vào việc sáng tạo câu chuyện của mình. Chúng ta có thể thảo ra những thần thoại về các chiến binh, nữ thần, tuổi thiếu niên bất diệt, đại mẫu, ông hoàng hay bà chúa, chủ, nô lệ, hay đầy tớ của thần thánh. Cuộc sống của chúng ta là câu chuyện của giàu sang hay cảnh bần cùng, hướng nội hay hướng ngoại? Chúng ta có là nạn nhân, người đánh mất linh hồn, người chịu đau khổ, đứa con hoang đàng, thân trâu ngựa, kẻ chiến thắng, người hòa giải, người bảo dưỡng, hay nhà hiền triết?

            Trong mọi câu chuyện này chúng ta chọn và được chọn. Các hoàn cảnh sống đem lại cho chúng ta những chủ đề nào đó, những nghĩa vụ để hoàn thành, những khó khăn phải đối mặt, những bài học để học. Chúng ta biến chúng thành câu chuyện, bài ca của chúng ta. Khi chăm chú lắng nghe chúng ta có thể nghe phần mà chúng ta chọn, cách chúng ta tạo bản sắc riêng khi đối diện với điều huyền bí. Nhưng chúng ta phải hỏi: chúng ta là ai?

            Sự thực hành tâm linh là cách mạng. Nó cho phép chúng ta bước ra ngoài quan điểm hạn hẹp về bản sắc cá nhân, văn hóa, tôn giáo để trải nghiệm điều huyền bí, khúc nhạc của cuộc sống một cách trực tiếp hơn.

            Mục tiêu của thiền định là để mở ngay ra cho chúng ta điều này. Alan Watts diễn đạt nó thế này:

Chúng ta có thể nói rằng thiền định không có lý do hay không có mục đích. Về mặt này nó hầu như không giống những thứ khác mà chúng ta thực hiện, có lẽ trừ việc tạo khúc nhạc và điệu vũ. Khi chúng ta tạo khúc nhạc, nó không nhằm đạt tới một điểm nào đó, như đoạn cuối của tác phẩm. Nếu đó là mục đích của khúc nhạc thì rõ ràng những tay chơi nhanh nhất sẽ là những tay chơi giỏi nhất. Cũng thế, khi đang khiêu vũ, chúng ta không nhắm tới một chỗ đặc biệt nào trên sàn như khi ta đi tới đâu đó. Khi chúng ta khiêu vũ, tự cuộc hành trình là điểm, giống như khi chúng ta chơi nhạc, chính việc chơi là điểm. Và điều đó đúng khi ta thiền. Thiền định là khám phá ra rằng mục đích của cuộc sống luôn đạt được vào ngay lúc đó.

            Quanh chúng ta luôn có điều huyền bí. Bản diệu ca ấy có cả niềm vui và nỗi buồn đan xen nhau như sợi ngang và sợi dọc. Giữa các ngọn núi và thung lũng của sinh tử, chúng ta tìm thấy từng giọng nói và triển vọng. Sự thực hành tâm linh không đòi hỏi chúng ta đặt niềm thêm niềm tin vào đỉnh cuộc sống. Nó chỉ đòi hỏi chúng ta thức tỉnh, đương đầu trực tiếp với cuộc sống. Được như thế, tai mắt chúng ta sẽ mở ra. Thiền sư Seung Sahn, trong chuyến viếng thăm nơi Đức Phật giác ngộ ở Ấn Độ, đã viết:

            Khi đại nhân ngồi dưới gốc Bồ Đề,

            Ngài thấy ánh sao Đông ngời sáng,

            Ngài tin hoàn toàn vào mắt mình,

            và ngài tin vào tai, mũi, lưỡi, thân thể, và trí tuệ của ngài.

            Bầu trời xanh, trái đất nâu,

            và như thế ngài thức tỉnh trước chân lý

            và thanh thoát trên sự sinh tử.

Sống theo đạo Phật đem lại cho chúng ta một trong những khả năng lớn nhất của con người – khả năng thức tỉnh. Khi thức tỉnh ta lắng nghe được cả bài ca giống như Siddhartha đã nghe thấy. Chúng ta sẽ thấy việc này khó chừng nào. Chúng ta sẽ gặp mọi câu chuyện mà chúng ta biết rõ để bảo vệ mình thoát khỏi khổ đau ở đời. Chúng ta sẽ đối mặt với những câu chuyện đau buồn và sợ hãi, cảm giác về mình được thu hẹp lại để rút khỏi sự gian khó và phiền muộn tất nhiên của cuộc đời. Chúng ta sẽ cảm thấy trống rỗng và mất mát do thiếu tính thường xuyên của bản thân và muôn sự. Trong lúc thực hành, toàn bộ sự sáng tạo có thể như câu chuyện hạn hẹp và đau buồn, trong đó cuộc sống thì ngắn ngủi, đầy đau khổ và thăng trầm. Những viễn cảnh này chỉ là phần đầu của nhận thức.

Phần thứ hai của câu chuyện lớn về nhận thức không còn về sự mất mát hay đau buồn mà về việc tìm thấy sự hài hòa trong bài ca riêng của chúng ta trong bản diệu ca. Chúng ta tìm thấy sự an bình và tự do khi đối diện với điều huyền bí. Khi nhận ra sự hài hòa này, chúng ta khám phá ra kho tàng ẩn trong mỗi khó khăn. Ẩn trong sự nhất thời và mất mát hay đau buồn mà về việc tìm thấy sự hài hòa trong bài ca riêng của chúng ta trong bản diệu ca. Chúng ta tìm thấy sự an bình và tự do khi đối diện với điều huyền bí. Khi nhận ra sự hài hòa này, chúng ta khám phá ra kho tàng ẩn trong mỗi khó khăn. Ẩn trong sự nhất thời và mất mát tất yếu của cuộc sống, tính bất ổn định của nó, là khả năng sáng tạo to lớn. Trong quá trình thay đổi phát sinh rất nhiều hình thức mới, những khai sinh mới, những khả năng mới, những biểu hiện nghệ thuật, âm nhạc, và những hình thức sống mới của muôn sự. Ấy chỉ vì mọi sự đang thay đổi để tính sáng tạo phong phú và vô hạn tồn tại.

Kho tàng ẩn khuất trong những nỗi khổ, niềm đau, và khó nhọc của thế giới chính là lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn là sự đáp trả của tấm lòng trước sự buồn đau. Chúng ta chia sẻ vẻ đẹp của cuộc sống và vô vàn đắng cay. Nỗi đau buồn của đời sống là thành phần của mỗi cõi lòng chúng ta và thành phần nối kết chúng ta với nhau. Nó đem theo sự dịu dàng, khoan dung, và tử tế với muôn người.

Trong sự trống rỗng của muôn sự - con đường mong manh kỳ diệu trong đó muôn sự xuất hiện và biến mất, chẳng có gì là trường tồn và cố định - ẩn giấu một sự liên kết. Một khoa học gia tính rằng nếu hôm nay ta hít sâu một hơi thở, trong chín mươi chín lần trong một trăm lần sẽ chứa đựng phân tử từ hơi thở trước khi chết của Julius Caesar. Điều gì đúng về mặt tự nhiên cũng đúng với cõi lòng và hành động của chúng ta. Cuộc sống không tách rời môi trường của chúng ta, loài của chúng ta, các mối tương quan với dòng chảy của muôn vật.

Sự thực hành tâm linh đem lại khả năng khám phá câu chuyện diệu kỳ nhất – rằng chúng ta là mọi sự và chẳng là gì. Có thể cảm nhận mọi sự được kết nối trong sự sáng tạo, lòng trắc ẩn và để an nghỉ giữa nó như Đức Phật. Mọi sự đều là thành phần của chúng ta, thế nhưng, một cách nào đó chúng ta không là gì trong chúng và vượt trên chúng.

Khi T.S Eliot viết những lời cầu nguyện đơn giản này, “Hãy dạy chúng con quan tâm và không quan tâm”, ông có được khả năng trân trọng sự cao quý của từng lúc trong khi hiểu rằng nó sẽ sớm phân hủy trong bản diệu ca. Chúng ta có thể nắm từng thời khắc rực rỡ của cuộc sống bằng tấm lòng mở rộng mà không bám víu, chúng ta có thể trân trọng từng nốt của bản diệu ca, cất lên rồi lại qua đi với muôn sự.

Sự khác nhau giữa một người thức tỉnh và một người không thức tỉnh chỉ là vấn đề liệu người đó có bám víu vào câu chuyện hữu hạn hay không. Vì thế Đức Phật nói, “Những ai không thức tỉnh sẽ bám víu vào ý nghĩ và tình cảm của họ, thân xác họ, nhận thức và ý thức của họ, và coi nó là vững chắc, không dính với những cái khác. Những người thức tỉnh có cùng ý nghĩ, tình cảm, nhận thức, thân xác, và ý thức, nhưng họ không bám víu vào, không coi là của mình.

TRĂM NGÀN HÌNH THỨC GIÁC NGỘ

            Khi chúng ta không bám víu vào câu chuyện đời ta, chúng ta có khả năng phi thường để biến mọi câu chuyện của ta, dù là được thừa hưởng hay do ta chọn, thành con đường của bồ tát, dùng trăm ngàn hình thức và hoàn cảnh để thức tỉnh muôn loài.

            Một bậc thầy vĩ đại của Phật giáo đã nói:

Chừng nào không gian còn và chừng nào chúng sinh còn, chừng đó tôi vẫn ở lại trong từng hình thức, đem trái tim của tôi diệt khổ của đời.

            Điều ấy không có nghĩa là chúng ta tạo ảo tưởng cao đẹp và thổi phồng về chúng ta. Đó không là “chúng ta”, “ngã nhỏ bé” của chúng ta như là một cá nhân, người sẽ cứu trần gian. Đúng hơn đó là sự hiện diện ở bất kỳ đâu, để đi vào mọi khía cạnh của đời, và để khám phá sự công bằng, lòng từ tâm, sự nhẫn nại hằng hiện diện trong từng lĩnh vực.

            Không có câu chuyện được định trước để bồ tát theo. Sống như bồ tát là chạm tới tinh thần của Phật bên trong chúng ta và để nó chiếu rọi qua cuộc sống của chúng ta. Lịch sử của Đức Phật có cả ngàn câu chuyện về cách tinh thần bồ tát hiển hiện trong thế gian. Đâu đâu cũng có bồ tát. Một trong những người thầy của tôi sống trong hàng nhiều năm vẫn lặng lẽ tỏa lòng từ tâm cho thế giới. Một người khác là một thương gia rất giàu có cũng từng giúp biết bao người trên trái đất này, v.v…

            Nơi họ, tinh thần của trí huệ và từ tâm thấm nhập các hoạt động của họ. Họ hành động từ tính Phật, cái nối kết họ với chúng sinh. Họ không bam víu vào câu chuyện riêng của họ mà sống liên kết với toàn thể. Mới đây, một số thầy tu Tây Tạng áo đỏ đến thăm New Mexico. Các thầy được đưa đi trên một khinh khí cầu. Khi được hỏi là làm như vậy các thầy có buồn không. Các thầy mỉm cười bảo, “Không”. Đối với bồ tát, họ vui trong niềm hạnh phúc của chúng sinh.

            Qua tinh thần của bồ tát, bản sắc của chúng ta thay đổi hẳn từ cảm nhận hạn hẹp về mình, từ những vấn đề như: “Tôi bất tài”.  “Tôi cần điều đó”. “Tôi tức giận”. “Tôi hy vọng có được điều này”. Khi những ý nghĩ hẹp hòi này mất đi, ta không tìm cách thống trị hoặc chiếm hữu cuộc đời. Lòng ta trở nên trong sáng hơn, và mọi chuyện quanh ta đều rõ ràng.

            Con tim thức tỉnh có thể trả lời câu hỏi chính mà một đại hiền triết Phật giáo đã nêu ra, “Ai có thể gỡ mớ rối rắm của thế giới?” Chúng ta khám phá ra một phép mầu: Mọi sáng tạo của tâm trí và con tim có thể được biến đổi.

            Công việc của bồ tát là gỡ bỏ sự hỗn độn và sầu đau của thế giới. Khi ta khám phá con tim thương cảm của mình, ta có thể gỡ bỏ sự buồn đau, khi ta thức tỉnh con mắt trí huệ, ta có thể dẹp bỏ ảo giác của mình. Nếu bạn muốn biết sự biến đổi nào có ý nghĩa cho thế giới, hãy nhớ câu nói của Margaret, Mead, “Đừng nghĩ rằng một nhóm người nhỏ được thức tỉnh không thể làm thay đổi thế giới. Trên thực tế họ đã làm được.”

            Những sầu đau do tâm trí tạo nên có thể loại bỏ được. Chúng ta có thể giảm nhẹ những sầu đau của chúng ta và mở vào bản diệu ca vượt trên mọi câu chuyện, vào pháp muôn thuở. Khi những câu chuyện của đời ta không còn trói buộc chúng ta, chúng ta nhận ra bên trong chúng điều gì đó tuyệt diệu hơn. Chúng ta khám phá ra rằng chính bên trong những giới hạn của hình thức, của tính chất đàn ông và đàn bà của chúng ta, của tư cách làm cha mẹ và con cái của chúng ta, của trọng lực trên trái đất và sự thay đổi của các mùa, là tự do và hài hòa mà chúng ta đã đi tìm bấy lâu. Cuộc sống riêng của chúng ta là sự diễn đạt toàn bộ điều huyền bí, và trong nó chúng ta có thể an nghỉ ngay chính giữa biến động, ngay trong lòng của mọi vũ trụ.

SUY NIỆM VỀ SỰ THƯ THÁI

Thư thái là đặc tính diệu kỳ, sự thông thoáng và cần bằng của tâm hồn. Mặc dù phát triển tự nhiên nhờ việc luyện thiền của chúng ta, sự thư thái cũng có thể được nuôi dưỡng theo cùng phương pháp mà chúng ta đã dùng để có lòng yêu thương và từ tâm. Chúng ta có thể cảm nhận khả năng cần bằng này trong tâm hồn chúng ta giữa cuộc sống, khi chúng ta thừa nhận rằng cuộc sống không nằm trong sự khống chế của chúng ta. Chúng ta là thành phần nhỏ bé trong cuộc đại khiêu vũ. Cả khi chúng ta có thể nuôi dưỡng lòng từ tâm vô hại đối với người khác và nỗ lực diệt khổ trên thế gian này, vẫn có nhiều hoàn cảnh chúng ta không thể tác động đến. Có một lời nguyện nổi tiếng. “Ước gì tôi có sự thanh thản để chấp nhận những thứ tôi không thể làm thay đổi, lòng dũng cảm thay đổi những thứ tôi có thể, và sự khôn ngoan để biết sự khác biệt”. Sự khôn ngoan thừa nhận rằng mọi người thừa kế một nghiệp chướng riêng để họ hành động và nhận lĩnh hoa quả của nó. Có thể chúng ta rất mực yêu thương người khác và sẵn lòng giúp đỡ họ, nhưng cuối cùng họ phải học cho chính họ, họ phải là nguồn để giải phóng chính mình. Sự thư thái liên kết tâm trí biết cảm thông với con tim từ tâm.

            Để nuôi dưỡng sự thư thái, hãy ngồi thoải mái và hai mắt nhắm lại. Nhẹ nhàng chú ý tới hơi thở của bạn cho tới khi thân xác và tâm trí an định. Sau đó bắt đầu suy nghĩ về lợi ích khi tâm trí được cân bằng và thư thái, coi đó là món quà đem lại sự an hòa cho tâm hồn của bản với thế giới chung quanh. Hãy để mình cảm nhận ý nghĩa bên trong của sự cân bằng và thanh thản. Sau đó bắt đầu lập đi lập lại câu này: Mong sao tôi được cân bằng và an hòa.  Hãy thừa nhận rằng mọi tạo vật xuất hiện rồi biến mất: niềm vui, nổi sâu, những sự việc dễ chịu, con người, nhà cửa, thú vật, dân các nước, và cả toàn bộ nền văn minh. Hãy để mình an nghỉ giữa chúng. Ước gì tôi học được cách nhìn cân bằng và thư thái trước sự xuất hiện và mất đi của tự nhiên. Ước gì tôi cởi mở, cân bằng và thanh thản. Hãy thừa nhận rằng mọi người thừa kế nghiệp chướng riêng của họ, như cuộc sống của họ xuất hiện và mất đi theo các điều kiện và hành động do họ tạo ra. Ước gì tôi mang lòng thương cảm và sự thư thái cho các sự việc của thế giới. Ước gì tôi tìm thấy sự cân bằng, thư thái và an hòa.

---o0o---

Trích “Tâm Đạo – Hành Trình Tâm Linh"

"Những Nguy Cơ Và Triển Vọng”

Tác giả : Jack Kornfield

Biên dịch: Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy

NXB Thời Đại, 2010

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan