BẢN TÁNH KIM CƯƠNG - HÀNH TRÌNH VÔ TRỤ XỨ - LAMA CHOGYAM TRUNGPA

BẢN TÁNH KIM CƯƠNG

HÀNH TRÌNH VÔ TRỤ XỨ - LAMA CHOGYAM TRUNGPA

-------o0o-------

Chúng ta cần hiểu ý niệm “chói sáng” trong Kim Cương thừa khác với ý niệm tinh quang (clear light) được diễn tả trong Sách Tây tạng về cái chết và khác với ý niệm Đại thừa quang minh (luminosity) như thế nào. Tịnh quang, theo Sách Tây Tạng về cái chết thuần tuý chỉ là một kinh nghiệm hiện tượng. Bạn thấy ánh sáng trắng khi bạn chết hay khi tâm thức bạn bắt đầu chìm đắm. Vì những thói...
BẢN TÁNH KIM CƯƠNG - HÀNH TRÌNH VÔ TRỤ XỨ - LAMA CHOGYAM TRUNGPA

Có vẻ Kim Cương thừa bị hiểu lầm rộng rãi ở Tây phương. Người ta đã phóng chiếu nhiều ý tưởng về nó, tin rằng nó là một biểu lộ của hoang dã và tự do. Tuy nhiên, sự trau dồi Kim Cương thừa phải đặt nền trên một nền tảng rất tinh tế, xác quyết, bình thường và đích thực. Nếu khác đi, chúng ta sẽ bị lạc mất. Không chỉ bị lạc mất, mà chúng ta đang huỷ hoại chính chúng ta.

Nói đến truyền thống Mật thừa, không phải chúng ta nói đến sự đùa giỡn với sex hay sự hiếu chiến hay những màu sắc hay thế giới hiện tượng. Ở điểm này chúng ta chỉ khai triển một cái hiểu căn bản Tantra hoạt động như thế nào. Chúng ta phải rất bảo thủ. Chúng ta phải rất, rất nối kết với những cái căn bản. Tôi có thể nói: “Chớ lo lắng. Nếu bạn lo lắng, đó sẽ là sự rắc rối của bạn. Nếu bạn không lo lắng, mọi sự sẽ diễn tiến rất ô-kê. Hãy khiêu vũ cùng nhau. Hãy chơi nhạc cùng nhau. Chúng ta hãy uống sữa và mật ong. Nhưng điều đó chẳng ra gì cả, không chút nào cả. Nói về tantra không phải là một việc dễ như vậy.

Làm việc với năng lượng của Kim Cương thừa thì giống như tiếp xúc với một sợi dây điện. Chúng ta có thể dùng những công tắc, bao tay và mọi thứ để cầm sợi dây đang có điện, nhưng chúng ta cũng có cách chọn lựa là sử dụng hai bàn tay trần trụi và tiếp xúc trực tiếp với sợi dây điện ấy – trong trường hợp này chúng ta bối rối. Hệ thống Tantra, không chỉ Tantra Phật giáo mà còn Tantra Ấn giáo, đã được trình bày rất hào phóng cho các học trò Tây phương bởi nhiều vị thầy thẩm quyền và vĩ đại. Dù vậy nhiều học trò bối rối. Họ không thể nhận nó. Đơn giản họ không thể nhận lấy nó. Kết cuộc họ tự hủy hoại mình. Họ chơi với năng lượng cho đến khi nó trở thành một quả bom nguyên tử tâm linh.

Chúng ta có thể cảm thấy rằng làm việc với tantra thì giống như trồng một hạt giống nhỏ: chúng ta nuôi dưỡng nó, làm nó nảy mầm, mọc chồi xanh và cuối cùng sẽ nở hoa đẹp. Đó là một mơ tưởng. Chúng ta không thể tiếp cận Tantra theo cách ấy. Thay vì thế, chúng ta phải hiểu rằng chăm sóc một cái cây như vậy không phải là việc làm vườn bình thường. Cần có một tiến trình phi thường. Xử lí trạng thái con người chúng ta, trạng thái tâm thức chúng ta, thì phi thường trong nhiều cách. Hơn nữa, xử lí trạng thái từ quan điểm vi tế của Mật thừa thì cực kì nguy hiểm – nguy hiểm cao độ và cũng năng suất cao độ. Thế nên chúng ta cần rất thận trọng và rộng mở khi nói về Kim Cương thừa. Tính không hiện hữu chỉ là chuẩn bị cho tantra, và chúng ta cần thấu hiểu rằng không có cái gì khác thay thế.

Kinh nghiệm không hiện hữu đem lại một cảm thức khôi hài thích thú, đồng thời, sự rỗng rang và tự do toàn vẹn. Thêm nữa, nó đem lại một kinh nghiệm và tính không thể huỷ hoại trọn vẹn, đó là không thể thách thức, bất động và tuyệt đối rắn chắc. Kinh nghiệm về tính không thể huỷ hoại chỉ có thể xảy ra khi chúng ta thấu hiểu rằng sự không hiện hữu là có thể, theo nghĩa không có những điểm quy chiếu, không có những định nghĩa triết lí, thậm chí không có cả ý niệm ‘không hiện hữu.’

Sự khai triển tính không thể huỷ hoại hay bất động là cực kì quan trọng cần phải hiểu. Tính không thể huỷ hoại như vậy chỉ đến từ trạng thái tánh Không, vô ngã, hay không hiện hữu. Theo đức Phật, Tantra là giải thoát lớn hơn, giới luật lớn hơn, và thấy biết lớn hơn. Nhưng sự giải thoát lớn hơn này đặt nền trên sự làm việc với những tiềm năng và những năng lượng ở trong chúng ta. Thế nên, không có sự hiểu biết nào đó về tính không hiện hữu, thì cũng không có căn cứ nào để bàn luận về tính không thể huỷ hoại.

Khi chúng ta xem người nào là không thể huỷ hoại, thường chúng ta muốn nói với người ấy rất vững chắc trong kỉ luật của anh ta, là một người làm chủ nghệ thuật chiến đấu hay nghiên cứu sâu về triết học. Bởi vì một người như vậy đã thông thạo mọi loại kĩ thuật và huấn luyện, thế nên chúng ta xem người ấy là không thể lay động hay không thể hủy hoại. Thật ra, từ quan điểm Mật thừa, cố gắng bảo vệ mình bằng những dụng cụ lại là một nguồn cho sự dễ thương tổn bởi vì dựa vào thu thập thông tin, mưu đồ hay ý tưởng. Thay vì  thế, chúng ta dựa vào một thái độ căn bản là tin vào sự không hiện hữu của con người chúng ta.

Trong quan niệm Mật thừa về tính không thể hủy diệt, không có mảnh đất nào, không có tiền đề căn bản nào, không có triết lí đặc biệt nào ngoại trừ kinh nghiệm của chính chúng ta, nó cực kì uy lực và năng động. Nó là một vấn đề hiện hữu hơn là hình dung ra cái cần hiện hữu, làm thế nào để hiện hữu. Thường thì chúng ta dựa vào những điểm quy chiếu, những quan niệm và sự phản hồi để cho ta những hướng dẫn như làm sao để là tốt hay xấu, nhưng sự nương dựa đó thì đáng nghi ngờ. Nếu bạn hỏi bác sĩ của bạn. “Tôi bị mất ngủ: làm sao tôi ngủ được?”. Bác sĩ trả lời, “Hãy dùng những viên thuốc này. Rồi bạn sẽ không có khó khăn nào nữa”. Ở Mỹ cách tiếp cận như thế đã trở thành một vấn đề. Trong Tantra, điểm cốt yếu không phải là làm sao xử lí với chính mình, mà chúng ta chỉ đơn giản phải làm điều đó. Chúng ta không thể tự bịp phải chứng ngộ trạng thái bất động hay không thể huỷ hoại. Tính không thể huỷ hoại nằm nơi kinh nghiệm của chúng ta, nó rắn chắc, năng động và không quy phục.

Theo cách đó, kỉ luật Mật thừa không hợp tác chút nào với sự lừa gạt; thế nên nó được xem là không thể huỷ hoại, bất động. Tuy nhiên, cách tiếp cận không tham dự vào những trò chơi trong thế giới sanh tử của Mật thừa là cái gì cao hơn là sự tẩy chay. Khi chúng ta tẩy chay cái gì, chúng ta làm điều đó nhân danh một sự phản kháng. Chúng ta không đồng ý với những hệ thống, những ý tưởng nào đó, và chúng ta tự làm phiền lòng mình. Ở đây, thay vì tẩy chay cơ cấu sanh tử, chúng ta dấn thân vào nó một cách trọn vẹn cá nhân. Chúng ta thấu hiểu tất cả những cái được gọi là “lợi lộc” mà thế giới sanh tử trao tặng chúng ta – tâm linh, tâm lí và tài sản vật chất đủ loại. Chúng ta hoàn toàn tỉnh giác với tất cả mọi thứ ấy, nhưng chúng ta không quy hàng cái nào cả. Chúng ta trực tâm và không lung lạc. Đó là tính bất động. Từ “không lung lạc” rất thú vị. Khi chúng ta nói ai đó là không lung lạc, nghĩa là y không mắc vào bất cứ cái gì. Chính xác đó là bản tánh kim cương: tính không lung lạc, tính không lung lạc kim cương. Kim cương là phẩm tính cứng chắc và không bị mắc vào loại hấp dẫn nào. Chúng ta cũng nói đến “chân lí cứng rắn, khắc nghiệt”. Chân lí như vậy thì cứng chắc, không quy phục, và không thỏa hiệp. Khi chúng ta nhận được tin ai chết, đó là một sự thật khắc nghiệt. Chúng ta không thể đi ngược trở lại và nói nó không thật. Chúng ta không thể thuê luật sư để bào chữa hay bỏ tiền để đêm người ấy trở về cuộc sống. Đó là chân lý khắc nghiệt. Cùng một cách, bản tánh kim cương là chân lí khắc nghiệt. Chúng ta không thể thách thức hay tác động đến nó một chút gì cả. Nó vừa trực tiếp và chính xác.

Từ Vajra trong Sanskrit hay dorje trong tiếng Tây tạng có nghĩa “có những phẩm tính của kim cương”. Như kim cương, vajra thì cứng chắc, kiên cố đồng thời cực kì quý báu. Trừ phi chúng ta hiểu tính chất căn bản của kim cương của Tantra hay của Tantrika – phẩm chất bướng bỉnh không quy hàng bất kì quyến rũ nào, bất kì trò lừa nhỏ nhoi nào hay bất kì trò chơi chữ nào – nếu không chúng ta sẽ không hiểu tí gì về Kim Cương thừa Phật giáo.

Nói một cách căn bản, tính không thể hủy hoại hay bản tánh kim cương là sự sáng suốt căn bản. Nó là toàn bộ kinh nghiệm của tantra, kinh nghiệm của trạng thái giác ngộ của con người. Sự sáng suốt này đặt nền trên kinh nghiệm về sự trong sáng (clarity), đến từ thực hành thiền định. Qua thiền định của ba thừa, chúng ta khám phá một cảm thức về sự trong sáng, sự trong sáng không có điều kiện, không bị điều kiện hoá. Sự trong sáng đó thì huy hoàng và chói sáng bao la. Nó rất hoan hỷ và có mọi tiềm năng cho mọi sự. Đó là một kinh nghiệm đích thực. Một khi chúng ta đã kinh nghiệm cái chói sáng này, cái phẩm tính thấy rộng suốt, rực rỡ, phong phú, đầy màu sắc này của tính trong sáng, bấy giờ không có vấn đề rắc rối nào nữa. Đó là bản tánh kim cương. Nó không thể huỷ hoại. Vì tính phong phú và “giàu có” của nó, nó thường trực tỏa chiếu phóng quang và cái thấy biết bao la, vô điều kiện xảy ra. Sự kết hợp của tính không thể huỷ hoại và tính trong sáng là tiền đề căn bản của những giáo lí Mật thừa Phật giáo.

Chúng ta cần hiểu ý niệm “chói sáng” trong Kim Cương thừa khác với ý niệm tinh quang (clear light) được diễn tả trong Sách Tây tạng về cái chết và khác với ý niệm Đại thừa quang minh (luminosity) như thế nào. Tịnh quang, theo Sách Tây Tạng về cái chết thuần tuý chỉ là một kinh nghiệm hiện tượng. Bạn thấy ánh sáng trắng khi bạn chết hay khi tâm thức bạn bắt đầu chìm đắm. Vì những thói quen của dữ kiện vật lí của thân thể bắt đầu tan rã, bạn bắt đầu đi vào cõi giới khác. Bạn cảm thấy được tắm rửa bằng màu trắng, như khi bơi hay lặn trong sữa. Bạn cảm thấy ngộp với tính chất trắng, với cái gọi là tinh quang. Đó chỉ thuần tuý là một kinh nghiệm hiện tượng, không phải là kinh nghiệm thật về tính trong sáng. Mặt khác, Đại thừa nói đến quang minh, prabhasvara tiếng Sanskrit, hay osel tiếng Tây tạng. Osel nghĩa là thấy những sự vật một cách rất chính xác, rõ ràng, hợp lí và khéo léo. Mọi sự được nhìn thấy rất trực tiếp; sự vật được thấy như chính chúng. Tuy nhiên, prabhasvara hay ý niệm tịnh quang không sánh được với ý niệm “trong sáng” của Kim Cương thừa.

Tính trong sáng Kim Cương thừa có nhiều khôi hài hơn. Nó cũng nhiều kinh tế và nhiều phẩm cách hơn. Hơn nữa, nó cũng phi thường triệt để. Những sự vật được thấy như chúng là, một cách chính xác; nhưng đồng thời những sự vật cũng đang nhìn chúng ta một cách chính xác. Bởi vì chúng ta hoàn toàn trưng bày ra, phơi mở ra và không sợ bị thấy, nên một cuộc gặp gỡ xảy ra. Có cái gì đó làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không thể dừng lại và cuộc đời chúng ta chỉ là một vở kịch đang diễn tập. Có cái gì đó làm chúng ta hiểu rằng cái đó là thật. Trạng thái hiện hữu ấy không chỉ là một kinh nghiệm hiện hữu, một trạng thái thật của hiện thể tròn đầy và trọn vẹn của chúng ta. Tính không thể hủy hoại và tính trong sáng ấy là bản tính kim cương, nó cao cấp hơn bất kì lối tiếp cận tâm linh nào khác, dù ngay trong truyền thống Phật giáo.

-------o0o-------

Trích: "Hành Trình Vô Trụ Xứ"

Tác giả: Chogyam Trungpa

Dịch Giả: Thiện Tri Thức

NXB: Phương Đông in năm 2011

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan