BẢN TÔN - NHIẾP CHÍNH VƯƠNG KYABJE KHAMTRUL RINPOCHE JIGME PEMA NYINJADH - BẢN TÔN CHÂN NGÔN TRÍ TUỆ KIM CƯƠNG THỪA.

BẢN TÔN
NHIẾP CHÍNH VƯƠNG KYABJE KHAMTRUL RINPOCHE JIGME PEMA NYINJADH - BẢN TÔN CHÂN NGÔN TRÍ TUỆ KIM CƯƠNG THỪA.

–––––o0o–––––

Làm Thế Nào Để Hợp Nhất Tâm Với Bản tôn? Tâm và bản tôm không thể nào hợp nhất nếu bạn còn mang định kiến. Nếu vẫn còn tư tưởng nhị nguyên thì bạn sẽ không thể nào hợp nhất. Phải bằng tâm không tạo tác, tự tính tâm bất nhị, như vậy bạn có hợp nhất cũng giống như bạn không hợp nhất, vì hợp nhất có nghĩa là trước đó đã phải có sự phân tách rồi mới hợp lại thành...
BẢN TÔN - NHIẾP CHÍNH VƯƠNG KYABJE KHAMTRUL RINPOCHE JIGME PEMA NYINJADH - BẢN TÔN CHÂN NGÔN TRÍ TUỆ KIM CƯƠNG THỪA.

1. Ý Nghĩa Bản tôn.

Khi bạn nhìn thấy một Bản tôn phẫn nộ hay Bản tôn an bình thì hoàn toàn không có nghĩa là Bản tôn đó an bình hay giận dữ. Các Bản tôn khác nhau biểu trưng cho các xúc tình khác nhau của chúng sinh. Vì con người có vô số xúc tình phiền não khác nhau nên các Bản tôn cũng như vậy, các Ngài có vô số hình tướng khác nhau. Thế nhưng rốt cuộc chúng ta phải hiểu rằng mỗi xúc tình, mỗi hiện tượng xét từ quan kiến Đại Thừa, đều phải được hiểu là tính không. Như vậy, tính không là gì? Trong Đại Thừa chúng ta nói tính không là Pháp thân, Pháp thân chính là Phật. Vì thế nên chúng ta cũng nói rằng Phật tính chính là tính không. Như vậy nói tóm lại, các vị Bản tôn khác nhau biểu trưng cho các xúc tình khác nhau của chúng ta. Những xúc tình này được nhận diện và chuyển hóa sẽ biến thành các Đức Phật Bản tôn. Chẳng hạn, khi được nhận ra, sân giận sẽ chuyển hóa thành một vị Phật trong hình tướng phẫn nộ. Khi tham muốn chuyển hóa thành thì sẽ trở thành một vị Phật hoan hỷ, an lạc...

Các Bản tôn hợp nhất là tượng trưng cho đại lạc và tính không bất khả phân, hoặc chúng ta có thể gọi đó là phương tiện và trí tuệ nếu điều này quá khó hiểu thì bạn cũng có thể sử dụng những từ ngữ sử dụng trong Đại Thừa. Chẳng hạn như trong Đại Thừa chúng ta có sáu ba la mật, năm ba la mật đầu là phương tiện, còn bát nhã ba la mật là trí tuệ. Như vậy bạn có thể nói rằng sự thực hành cần đi liền với hợp nhất, hoặc ngay trong các sự vật hiện tượng (vạn pháp) cũng vậy, cho dù có tồn tại song vẫn có tính không đi kèm, giống như hình ảnh trong gương. Như vậy để nói rằng ngay bên ngoài cũng có sự hợp nhất giữa mẫu tính tượng trưng cho tính không và phụ tính tượng trưng cho từ bi hoặc chính là sự hiện hữu.

Ngay lúc bạn có xúc tình thì như vậy là bạn đang thực hành không đúng pháp. Khi đang quán tưởng một Bản tôn an bình, bạn không được có khái niệm rằng mình là một Bản tôn an bình, mình là một vị Phật đang mỉm cười hoan hỷ. Hoặc khi thực hành một Bản tôn phẫn nộ, bạn cũng không thể nghĩ: “giờ thì tôi là một Bản tôn phẫn nộ”. Bạn không thể có những xúc tình như vậy vì điều quan trọng ở đây là chúng ta đang cố gắng hiểu ra rằng sự hiền hòa hay phẫn nộ cũng đều là trí tuệ, tất cả đều là tính không. Như vậy xét từ phương diện thực hành, bạn có tiếp cận theo cách nào thì cũng giống nhau. Sắc thân phải là sự hợp nhất bất khả phân của sự vật hiện tượng và tính không. Khẩu (lời nói) phải giống như tiếng vang vọng, sự tồn tại và tính không là không thể tách rời. Ý cũng như vậy, bất cứ xúc tình nào khởi phát, bạn chỉ cần nhận biết rồi để cho tan biến vào tự tính tự nhiên. Sự thực hành này áp dụng cho tất cả các thực hành Bản tôn.

Thông thường đối với hành giả mới tu tập, tốt nhất là nên chọn một Bản tôn an bình để thực hành. Bản tôn phẫn nộ không thích hợp cho hành giả mới tu tập, đặc biệt đối với Phật tử việt nam. Tôi nghĩ là chưa phù hợp do có thể dễ gây ra hiểu nhầm. Trong quá khứ, có nhiều hành giả cũng từng tu tập Bản tôn phẫn nộ nhưng lại thiếu sự hiểu biết thấu đáo. Chẳng hạn như khi bạn quán tưởng Bản tôn, nếu có lòng tin rằng mình là Bản tôn theo kiểu: “tôi, pháp danh vô úy, là một Bản tôn phẫn nộ”, thì rồi Bản tôn trong sự quán tưởng của bạn sẽ trở thành một vị thần bản địa, một Bản tôn thông thường. Ngay ở tây tạng và Bhutan, cũng có nhiều người làm dụng những vị Bản tôn để thực hành tà pháp. Họ quán tưởng Bản tôn, nhưng họ lại tin tưởng chắc chắn rằng Bản tôn ấy thực sự tồn tại ở bên ngoài, hoặc “tôi là Bản tôn”, rồi thế là sự quán tưởng trở thành một vị thần phàm tục.

Chính vì vậy nên chúng ta vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng khi bạn quán tưởng tự thân mình là đức Avalokiteshvara (quán thế âm), như thế không có nghĩa là bạn tự nhủ: “tôi, pháp danh vô úy, biến thành Avalokiteshvara”. Thay vì thế, bạn cần phải có được sự thấu hiểu rằng từ vô thủy tới nay, Phật tính của tôi hoặc tự tính tâm không tạo tác của tôi vẫn luôn là Avalokiteshvara, vẫn luôn là varjavarahi (kim cương hợi mẫu, một hiện thân khác của vajrayogini - kim cương thánh mẫu), và sự hiểu biết này sẽ được chuyển hóa hoặc hiện thân thành Avalokiteshvara. Đó chính là lý do do vì sao mà chúng ta cần quán hòa tan. Avalokiteshvara hòa tan vào trong chân ngôn và tất cả hòa tan vào tự tính tâm của bạn. Mọi thứ bắt nguồn từ tính không vào quay trở về hòa nhập với tính không. Khi chúng ta có niềm tin rằng mình là Bản tôn này hay Bản tôn kia, thì niềm tin đó không phải là chúng ta nay là Bản tôn này, mà phải được hiểu là từ nguyên thủy tới nay tâm không tạo tác của ta vốn là Avalokiteshvara. Bạn không nên giữ tâm nhị nguyên với khái niệm “tôi là thế này hay thế kia” bởi thực hành như vậy là không đúng.

Còn về phần cúng dường, nếu bạn không tu theo nghi quỹ Mật Thừa và chưa thu nhận quán đỉnh mà chỉ muốn thực hành pháp cúng dường thông thường, thí dụ pháp thực hành Liên Hoa Sinh, bạn chỉ cần quán tưởng mình vẫn đang là một người bình thường rồi, đức Liên Hoa Sinh hiện ra trước mặt bạn. Sau đó khi bạn đang trì chân ngôn, và khi tính tâm khởi phát từ tâm bạn, ánh sáng sẽ phát ra và sẽ biến thành quả, hoa hoặc bất cứ phẩm vật cúng dường nào đó để dâng lên đức Liên Hoa Sinh. Bạn có thể quán tưởng như vậy và đó cũng là cúng dường. Ánh sáng đó cũng có thể biến thành lời triệu thỉnh và cầu nguyện. Và cuối cùng, khi ánh sáng đó quay trở lại hòa nhập vào bạn và hữu tình chúng sinh thì đó sẽ là sự gia trì, tịnh hóa và viên mãn sở nguyện.

Trong khi quán tưởng, chẳng hạn quán tưởng thượng sư Liên Hoa Sinh hay Tara độ mẫu trước mặt bạn cần hiểu rằng có đức Liên Hoa Sinh bên ngoài, bên trong và bí mật. Thượng sư Liên Hoa Sinh bên ngoài có thể là bậc căn bản thượng sư của chúng ta. Thượng sư Liên Hoa Sinh bên trong có thể là trong báo thân ở cõi tịnh độ. Thượng sư Liên Hoa Sinh bí mật chính là tự tính, là trạng thái không tạo tác của vạn pháp, bao gồm cả tự tính tâm của chúng ta. Vì thế chúng ta cần phải quán tưởng sắc tướng của Bản tôn giống như bóng trăng phản chiếu trên mặt nước; khẩu giống như tiếng vang vọng; tâm phải tràn ngập trí tuệ bất nhị. Đối với hành giả mới bắt đầu tu tập thì điều này rất khó, vì vậy bạn chỉ cần quán tưởng thượng sư Liên Hoa Sinh đang thực sự hiện thân phía trước bạn, rồi bạn bắt đầu trì tụng lời cầu nguyện. Ở mức độ hành giả mới thực hành thì được như vậy là rất tốt rồi, dần dần từng chút một, nếu biết kiên trì trên con đường tu tập, mọi thứ sẽ được trưởng dưỡng nơi bạn. Trên thực tế, bậc Thầy có thể khai thị cho bạn về tính không của sắc thân nhưng bạn sẽ chỉ thực sự thực chứng được điều này nhờ vào sự thực hành của chính mình.

2 .Triệu Thỉnh Và Thỉnh Cầu Bản tôn An Trụ.

Bản tôn tự tính Tam Muội Da trong Mandala đại diện cho cảnh giới tính không. Bản tôn trí tuệ đại diện cho trí tuệ bản lai. Nay bạn triệu thỉnh bậc Bản tôn Tam Muội Da xuất hiện từ năng lực của quán tưởng, và bậc Bản tôn trí tuệ bản lai xuất hiện từ sự thanh tịnh nguyên thủy. Bản tôn trí tuệ bản lai và Bản tôn Tam Muội Da hòa nhập làm một để thực chứng rằng trí tuệ bản lai và tính không là đồng một thể, bất khả phân trong tâm giác ngộ thanh tịnh của chính bạn.

Trí tuệ bản lai nghĩa là hiểu biết hoàn toàn về chân lý tương đối và tuyệt đối. Việc thấu hiểu được chân lý tuyệt đối, tự tính của mọi hiện tượng trong khi đồng thời, thấu hiểu được mọi chi tiết nghiệp tồn tại tương đối là trải nghiệm tâm bao gồm hai phần của trí tuệ hoàn hảo. Đó là tâm vô giới hạn.

Trong phần tiếp theo của nghi quỹ, bạn thỉnh cầu sự thánh hóa của bậc Bản tôn trí tuệ bản lai thành tự tín là bậc Tam Muội Da, triệu thỉnh bậc Trí tuệ và thỉnh cầu Ngài an trụ. Thực hành triệu thỉnh là để tịnh hóa những thói quen tập khí, những tri thức sở học thông thường mà chúng ta đã huân tập trong kiếp sống luân hồi. Triệu thỉnh các Bản tôn trí tuệ chính là phương tiện của sự tịnh hóa. Và kết quả của sự tịnh hóa là sự chứng ngộ sự hợp nhất bất khả phân của tâm mọi chúng sinh.

Những đối tượng được tịnh hóa là những thói quen tập khí bắt nguồn từ môi trường sống, những người sống xung quanh, hay tri thức và sở học của chúng ta. Từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, mỗi người đều dành nhiều thời gian để rèn luyện tri thức, tìm hiểu học hỏi nhiều điều về môi trường và văn hóa. Từ những trải nghiệm này, những phiền não tâm sở và bản năng nghiệp được phát triển, khác với tự tính bản năng vốn tồn tại sẵn ban đầu.

Điều này không có nghĩa rằng những phẩm chất mà một người đạt được trong đời sống là sai lầm. Những phẩm chất không phải là thuốc độc. Vấn đề là cách mà tâm chúng ta liên hệ với bám chấp đối với các phẩm chất này. Bởi vì tâm chúng ta bị những phẩm chất này và mọi sự xâm nhập về môi trường, tri thức đánh lừa, cho nên những bám chấp cần được tịnh hóa.

Triệu thỉnh bậc bổn tôn trí tuệ bản lai là sự thực hành tịnh hóa. Từ chữ chủng tử HUNG ở tại tim tỏ ra ánh sáng hình móc câu kim cương. Ánh sáng này câu triệu các bậc Trí tuệ bản lai từ các cõi tịnh độ thành tựu tự nhiên. Cõi tịnh độ này không phải là một nơi được tạo ra, giống như Mandala mà bạn đang tạo ra, mà được hoàn thành một cách tự nhiên vô tác, bao trùm khắp tam giới và đây là nơi an trụ của trí tuệ bản lai. Ánh sáng tỏa ra từ cõi tịnh độ này và câu triệu tất cả cả những năng lượng trí tuệ thanh tịnh. Không nên hiểu rằng ánh sáng móc câu kim cương ấy có sự bám chấp. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng móc câu này biểu tượng cho tính tâm và sự chân thành của bạn đang chiêu cảm, đón nhận sự gia trì trí tuệ bản lai.

Từ chữ chủng tử HUNG phải tim bạn tỏa chiếu ra ánh sáng sắc trắng rộng khắp. Khi ấy, hãy cảm nhận được ánh sáng của chữ HUNG rất rực rỡ, sinh động, lan tỏa một cách rất nhanh chóng và bản chất là tính không. Ánh sáng tỏa sáng khắp mười phương, 4 thời và chạm vào vô lượng hữu tình nhờ đó chúng sinh siêu thoát luân hồi và an trú trong Pháp thân. Đồng thời ánh sáng này khiến cho Pháp thân lay động và hiện khởi sắc thân (bao gồm báo thân và Hóa thân) là sắc tướng của trí tuệ giác ngộ. Bạn cũng quán tưởng vô số những khía cạnh khác như các vị Bản tôn vi nhiễu trong Mandala, các sức trang hoàng, thiên y, các pháp khí cầm tay... Xuất hiện trong khoảng không phía trước. Hãy lập lại những bài kệ triệu thỉnh trong khi bạn thực hiện phần quán tưởng này.

Quán tưởng từ Mandala tuôn mưa gia trì khắp mười phương, thánh hóa sự thực hành thiền định của bạn. Giống như nước rót vào nước, bậc Trí tuệ bản lai hòa tan hoàn toàn vào bậc Bản tôn Tam Muội Da, xóa bỏ tất cả những sự phân biệt nhị nguyên. Các Ngài trở thành nhất như. Hãy cảm nhận chắc chắn rằng bậc Trí tuệ đã an trụ trong Mandala của bạn và sau đó tụng DZA HUNG BAM HO. Chân ngôn triệu thỉnh này đều được trì tụng trong hầu hết mọi nghi quỹ.

Khi bạn tụng DZA kết các ấn phù hợp với các ngón tay, bậc Tam Muội Da triệu thỉnh bậc Trí tuệ bản lai. Khi bạn tụng HUNG và kết ấn, bậc Trí tuệ bản lai và bậc Bản tôn Tam Muội Da hòa nhập, trở thành bất nhị. Việc tụng BAM xác nhận rằng bậc Trí tuệ sẽ an trụ cho đến khi bạn thành tựu bất cứ điều gì bạn mong muốn như là đạt được giác ngộ khi thành tựu các công hạnh an bình, kính ái, tăng ích hay phẫn nộ. Tụng chữ HO cam kết rằng bậc Trí tuệ bản lai sẽ an trụ trong Mandala cho đến khi bạn viên mãn tâm nguyện.

Kết quả của việc triệu thỉnh là bạn thực chứng được Phật tính khi nhận ra rằng không có sự phân biệt giữa Phật và chúng sinh giác ngộ. Bạn thực chứng rằng hết thảy chúng sinh giác ngộ là đồng một thể, bất khả phân trong tâm giác ngộ thanh tịnh của chính họ.

2. Thiền Định Bản tôn

Thiền định về Bản tôn là khi bạn không trong pháp tướng Phật mà trong hình tướng phạm trần của mình và thực hành quán tưởng về Bản tôn. Khi đó điều quan trọng nhất là bạn phải định được. Chẳng hạn như khi thiền định về thượng sư Liên Hoa Sinh, bạn bắt đầu thiền định từ hoa sen, Ngài sẽ từ từ hiện tướng lên, như vậy gọi là thiền định về Bản tôn.

Bước thứ hai là thiền định về ý nghĩa của những bảo báu trang sức trên thân của Bản tôn. Chẳng hạn như thượng sư Liên Hoa Sinh có chĩa ba kim cương tượng trưng cho tam độc là tham, sân, si. Các nghi quỹ Bản tôn khác nhau có những ý nghĩa khác nhau như vậy.

Cuối cùng như tôi đã nói ở trên, các Ngài hiện thân nhưng không phải bằng thân vật chất máu thịt chắc thật, mà là thân phi vật chất ánh sáng ngũ sắc cầu vồng giống như ánh trăng phản chiếu trên mặt nước.

Có thể nói khi thiền định về Bản tôn nghĩa là bạn đang đồng thời thực hành thiền Minh sát, tức là bạn cùng một lúc vừa thiền định vừa quán tưởng về Bản tôn.

–––––o0o–––––

Trích: "Bản Tôn Chân Ngôn Trí Tuệ Kim Cương Thừa"

Tác giả: Nhiếp Chính Vương Kyabje Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh

Người dịch: Vô Úy

Nxb. Tôn Giáo

Bài viết liên quan