BARDO VÀO LÚC CHẾT - MỘT KHO TÀNG CÁC GIÁO HUẤN SIÊU VIỆT VỀ TRI GIÁC CỦA TRÍ HUỆ NGUYÊN THỦY

BARDO VÀO LÚC CHẾT

Trích: “MỘT KHO TÀNG CÁC GIÁO HUẤN SIÊU VIỆT VỀ TRI GIÁC CỦA TRÍ HUỆ NGUYÊN THỦY” - Orgyen Kusum Lingpa

A Treasury of Sublime Instructions on Perception of Primordial Wisdom Jewel Island Press, 2000

Việt dịch: Liên Hoa - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2002

---o0o---

 Có hai giai đoạn đối với tiến trình tan rã : sự tan rã bên ngoài và sự tan rã bên trong. Sự tan rã bên ngoài là sự tan rã liên tục của năm đại, đó là địa, thủy, hỏa, phong và không đại. Điều này đã được giảng rõ. Vào lúc này, người hấp hối không thể phân biệt hay nhận ra các tri giác của giác quan. Điều này chỉ ra rằng các xuất hiện đang tan lẫn vào giai đoạn xuất hiện của...
BARDO VÀO LÚC CHẾT - MỘT KHO TÀNG CÁC GIÁO HUẤN SIÊU VIỆT VỀ TRI GIÁC CỦA TRÍ HUỆ NGUYÊN THỦY

 Có hai giai đoạn đối với tiến trình tan rã : sự tan rã bên ngoài và sự tan rã bên trong. Sự tan rã bên ngoài là sự tan rã liên tục của năm đại, đó là địa, thủy, hỏa, phong và không đại. Điều này đã được giảng rõ. Vào lúc này, người hấp hối không thể phân biệt hay nhận ra các tri giác của giác quan. Điều này chỉ ra rằng các xuất hiện đang tan lẫn vào giai đoạn xuất hiện của ánh sáng đỏ. Hơi thở bên ngoài đã ngưng nhưng hơi thở bên trong vẫn còn hiện diện trong thân. Cái chết hãy còn chưa xảy ra. Như thể là có một ngọn nến hay đèn bơ nhỏ còn cháy trong trung tâm tim vì hơi thở bên trong đang hiện diện, và tâm thức vẫn còn ở trong thân, mặc dù người ấy không còn thở nữa. Tuy thế cái chết chưa xảy ra vì hơi thở bên trong vẫn còn.

Vào lúc này, sự tan rã bên trong xảy ra. Hạt giống (chủng tử) nguyên thủy mà chúng ta nhận từ cha chúng ta lúc thụ thai, một bindu trắng gồm tinh chất trong đỉnh đầu, đã tồn tại ở đó từ lúc thụ thai. Khi các đại tan rã và hơi thở bên ngoài ngưng lại, bindu trắng này nhỏ xuống qua kinh mạch chính giống như một ngôi sao băng đi vào trái tim. Người hấp hối kinh nghiệm điều này như một tia ánh sáng trắng, giống như mặt trăng xuất hiện trong một bầu trời trong trẻo và làm tràn đầy nó khiến mọi sự trở nên trắng ngần. Khi bindu hay giọt tinh chất đi vào tim chúng ta, ba mươi ba vọng tưởng liên kết với sự sân hận tạm thời bị ngưng lại. Nếu người hấp hối đã thành tựu cấp bậc chứng ngộ nào đó lúc sống thì vào lúc này người ấy sẽ chứng ngộ Hóa thân và đạt được giải thoát bằng cách đi vào một trạng thái tỉnh giác thuần tịnh không thể thối chuyển được, là nơi họ sẽ được giải thoát khỏi vòng sinh tử. Đối với người đó, mọi vọng tưởng sẽ vĩnh viễn chấm dứt hay chuyển hóa thành sự giác ngộ. Tuy nhiên, một người bình thường kinh nghiệm một sự ngưng dứt tạm thời của những ý niệm được đặt nền trên sự sân hận vào giây phút giọt trắng đi xuống. Điều này được gọi là sự xuất hiện màu trắng tan hòa vào giai đoạn xuất hiện của gió.

     Ngay khi giọt trắng đi tới trái tim, chủng tử nguyên thủy được nhận từ mẹ chúng ta vào lúc thụ thai đã tồn tại trong trung tâm rốn của ta suốt cuộc đời ta, nó cũng được gọi là chủng tử trứng hay chủng tử máu, đi lên kinh mạch trung ương và tan vào trái tim, hợp nhất với chủng tử trắng. Vào lúc này, có một tia sáng đỏ như thể mặt trời bất ngờ xuất hiện trong một bầu trời trong trẻo làm tràn đầy nó với một ánh sáng đỏ chói. Bốn mươi ý niệm kết hợp với sự tham dục bị ngưng lại. Nếu người hấp hối đã là một hành giả thành tựu trong cuộc đời, người ấy sẽ có khả năng đạt được giải thoát trong sự tỉnh giác Báo Thân của Không-Lạc và chứng ngộ trạng thái giải thoát bất thối chuyển. Đối với một người bình thường, kinh nghiệm về sự ngừng dứt của bốn mươi ý niệm được liên kết với tham dục này là tạm thời và chỉ xảy ra vào thời điểm chủng tử đỏ đi lên. Điều này được gọi là giai đoạn xuất hiện của màu đỏ tan vào giai đoạn cận-đạt đến bóng tối.

     Khi hai chủng tử này hợp nhất ở trung tâm tim, chúng được kết dính lại với nhau và lập tức kinh nghiệm cận tử bắt đầu. Đây là một kinh nghiệm về bóng tối hoàn toàn, không có ý thức, vào lúc này bảy ý niệm được đặt nền trên sự mê lầm và vô minh bị dừng lại. Đây cũng là lúc mà một hành giả hảo hạng chứng ngộ Pháp Thân, đặc biệt là khi các thực hành Dzogchen đã được thành tựu. Nếu người hấp hối là một hành giả của giai đoạn phát triển thì người ấy, nhờ thói quen của sự thực hành deity yoga trong đời, sẽ có thể tập trung trên chủng tự hay các chữ mantra trong tim của deity (bổn tôn). Việc đi vào sự tỉnh giác thiền định của bổn tôn theo cách đó sẽ đưa đến giải thoát vào giây phút này. Nếu người hấp hối đã thực hành tsalung, thì nhờ thói quen của sự thực hành Không-Lạc trong một trạng thái của bốn hỉ lạc, họ sẽ đi vào trạng thái tỉnh giác trí huệ. Một hành giả bình thường hơn có thể nhớ lại sáu hồi niệm vào lúc này. Chúng là hồi niệm về bổn tôn, giới luật, tăng đoàn, đức hạnh và v.v... Dù có thể ở trong bất kỳ tình huống nào, các hành giả phải nhớ lại và sử dụng thói quen mạnh mẽ nhất của họ vào giây phút quyết định này. Nếu người hấp hối là một tăng hay ni, người ấy có thể nhớ lại các cam kết đã được lập ra để duy trì các nguyện hay giới luật nào đó. Nếu người hấp hối đã thực hành bố thí, họ có thể nhớ lại các hành động bố thí và hành vi đạo đức đó mà họ đã quen thuộc. Nếu người ấy đã từng là một hành giả trì tụng thần chú, người ấy có thể nhớ lại các thói quen của tâm. Nếu người ấy đã từng là một hành giả Dzogchen, người ấy có thể nhớ lại cái thấy (kiến) và đạt được giải thoát trong Pháp Thân bằng cách hợp nhất giác tánh bất nhị với Đức Phật Vajradhara hay Samantabhadra (Phổ Hiền). Sự hồi niệm này thì tối cao. Nếu người ấy đã là một hành giả mahayoga hay anu yoga, người ấy có thể thấu suốt kinh nghiệm của Đức Vajradhara và đạt giải thoát. Nếu người ấy đã trì tụng OM MANI PADME HUNG, thì riêng điều này đã có thể là một hồi niệm rất mãnh liệt của kinh nghiệm cận tử.

     Trái lại, nếu người hấp hối không có các thói quen tích cực hay đức hạnh, thì sau khi các tia sáng trắng và đỏ xảy ra và hai chủng tử hợp nhất, trong kinh nghiệm cận tử về bóng tối tâm thức sẽ mê lạc vào a lại da, là thức nền tảng rộng khắp. Trái lại, một hành giả vào giây phút kinh nghiệm cận tử sẽ tri giác sự ló rạng của ánh sáng căn bản, kinh nghiệm tịnh quang, tinh khiết như một bầu trời không mây, rực rỡ và chói ngời. Kinh nghiệm đó giải thoát khỏi bất kỳ che chướng hay dấu vết che chướng nào. Nếu người ấy đã được đưa vào tịnh quang trong đời mình và quen thuộc với sự thiền định, thì người ấy có thể đã từng thể nhập tịnh quang được minh họa khiến khi tịnh quang mẹ xuất hiện, thì sẽ giống như một đứa trẻ nhận ra được mẹ nó và lập tức nối kết bằng cách nhảy vào lòng bà. Tịnh quang được minh họa, nhờ năng lực của sự nhận thức, chuyển hóa thành ánh sáng mẹ hay ánh sáng căn bản. Không có gì quan trọng hơn việc nhận ra ánh sáng mẹ vào lúc này.

     Nhưng, điều này có thể hoàn toàn chỉ là lối nói hoa mĩ, chỉ là bàn luận suông. Nếu các bạn không thực hành, nghiệp của các bạn sẽ quá tiêu cực khiến không thể hiểu thấu điều này và các bạn sẽ hoàn toàn tiếp tục lang thang trong sinh tử. Không có thực hành các bạn hoàn toàn rất tầm thường và sẽ chỉ kinh nghiệm ánh sáng trắng, ánh sáng đỏ và sự tối sầm. Đây là một kinh nghiệm khó vượt qua đến nỗi, nói đúng ra, chỉ có các hành giả cao cấp nhất mới có thể thực sự chiến thắng giây phút này trong một ý nghĩa tuyệt đối và thành tựu thân cầu vồng. Trong tất cả những trường hợp cá biệt khác sẽ chỉ là những dấu vết vi tế của những mê lầm thuộc về nghiệp. Mọi chúng sinh trong ba cõi đều phải chết trong cách này, không một ai được miễn trừ tiến trình này. Ngay cả những lama giàu có nhất cũng phải ra đi theo lối đó. Chẳng có lợi lạc gì đối với các hoạt động mà bản thân các bạn dính líu vào để tích lũy của cải. Bằng cách đi vào con đường với cam kết chân thực và samaya (hứa nguyện) trong sạch, người ta hoặc hướng trực tiếp tới mục đích giải thoát hoặc lạc đường và trộn lẫn Pháp thanh tịnh với cái thấy bất tịnh cùng các hoạt động bất tịnh, do đó đổi hướng và tiến về sự tái sinh trong các cõi thấp. Đây là lý do vì sao rất cần sử dụng tốt đẹp sự tái sinh làm người quý báu này.

     Các bạn đã nhận được các giáo huấn trực chỉ cốt tủy bắt nguồn từ Đức Padmasambhava nhưng ngoài việc ấy ra tình huống của các bạn thực sự là rất vô ích. Tuy nhiên, nếu các bạn có thể hoàn toàn nhận thức được sự quý báu của những giáo lý dẫn tới giải thoát này, thì lần lượt các bạn có thể thực sự đạt được giải thoát. Các bạn có thể nhận ra điều đó không? Các bạn có thể thiền định về nó? Đây có phải là điều mà các bạn thực sự nghĩ rằng các bạn có thể thực hiện? Xin hãy nhận ra cơ hội mà các bạn đang có, sự quý báu của các giáo lý này và xin hãy thực hành. Đừng chỉ là một kẻ khùng điên và tiêu phí cơ hội này. Các giáo huấn trực chỉ không bao giờ được xa lìa. Đức Phật A Di Đà không ở quá xa. Đức Phật nguyên thủy Phổ Hiền không ở quá xa. Nếu các bạn biết phải thiền định thế nào các bạn sẽ khám phá sự bất nhị và các bạn sẽ khám phá ra rằng không có sự phân cách giữa các bạn và chư Phật.

     Bản tánh của tâm thì trống không, thoát khỏi mọi giới hạn. Nó không màu sắc, hình dạng hay các yếu tố phân biệt đối với bất kỳ loại nào và tùy thế nó lang thang trong sinh tử, kinh nghiệm nỗi khổ và tích tập nghiệp. Thực ra, tâm có năng lực để đạt được tự do và kinh nghiệm được đại lạc và hạnh phúc chân thật. Tất cả chín thừa của Phật Pháp hiện hữu là để cho bản tánh của tâm có thể được thấu suốt phù hợp theo các nhu cầu và khả năng của hành giả. Mỗi phái tìm kiếm để khám phá trạng thái vô ngã và định danh sự khám phá đó một cách thích hợp. Một vài phái gọi nó là bản tánh của tâm. Các Thanh Văn gọi nó là sự không có cá tính đối với một con người. Phái Yogachara, “Duy Thức” gọi nó là tâm không có bản ngã (vô ngã). Phái Trung Quán gọi nó là trung đạo. Các phái khác gọi nó là trí huệ siêu việt, tinh túy của các đấng Thiện Thệ, mahamudra (Đại Ấn), một bindu tinh túy, nền tảng rộng khắp, giác tánh bình thường hay tamal gyi shepa. Khi ta bắt gặp nó, bất chấp sự định danh của nó, không chút hồi niệm các sự kiện trong quá khứ, không cần đến sự tiên liệu các sự kiện trong tương lai, trong giây phút hiện đây, để mặc như nó là, tâm bình thường hay giác tánh (sự tỉnh giác) này không phải là cái gì trống rỗng hay hư vô mà đúng hơn nó hoàn toàn rõ ràng. Nó không là cái gì đặc biệt, phi thường vì sự biểu hiện của giác tánh thì vô hạn. Nó không tản mác bởi nó là nhất-vị. Tinh túy là Pháp Thân. Bản tánh là Báo Thân. Phẩm tính là Hóa Thân và sự không thể phân chia của ba điều đó là svabhavakaya (Thân Tự Tánh). Sự truyền dạy này được trao cho Lhacham Pema Sel trong đời Đức Padmasambhava. Bà đã giữ gìn nó và về sau đã hóa thân là Longchenpa là bậc đã ban các giáo lý Dzogchen kỳ diệu nhất. Đây là các giáo huấn tinh túy đến trực tiếp từ Đức Padmasambhava và chúng chỉ dạy cách thức đạt được giải thoát. Điều này được thành tựu nhờ thấu suốt cái thấy về giác tánh nội tại. Sau khi nhận được các truyền dạy và giáo huấn về bản tánh này, điều quan trọng là đưa chúng vào đời sống của các bạn bằng cách thực hành chúng. Một khi các bạn đã được dạy cách thiền định, quả là một phí phạm lớn lao nếu các bạn không thực hành.

     Các giáo lý này là tâm yếu của Đại Thành tựu giả vĩ đại Karma Lingpa. Bởi chúng ta không biết được chúng ta sẽ còn sống vào ngày mai không nên bây giờ là lúc để chuẩn bị cho cái chết và cách tốt nhất để làm điều đó là thể nhập cái thấy Dzogchen. Cái thấy đó sẽ siêu vượt các giai đoạn tan rã vào lúc chết : tia sáng trắng, tia sáng đỏ, và sự thoáng ngất tối sầm, được theo sau bởi sự ló rạng của tịnh quang. Nếu chúng ta quen thuộc với giác tánh tịnh quang thì khi đó ta sẽ đạt được giải thoát trong ánh sáng căn bản. Nếu không, Bardo Pháp Tánh sẽ xuất hiện và chúng ta sẽ có các cơ hội khác để nhận ra các cõi Phật thuần tịnh như sự phô diễn của các bổn tôn xuất hiện trước tiên trong sự biểu lộ an bình và sau đó trong biểu lộ phẫn nộ. Nếu các cõi Phật không được nhận ra và nếu sự giải thoát không xảy ra thì Bardo trở thành sẽ rõ ràng và ta sẽ bị lôi vào các trạng thái tái sinh trong sinh tử trong tương lai. Cho tới khi tri giác mê lầm được giải thoát, các bạn sẽ tiếp tục khoác lấy các hình tướng và trải nghiệm thân xác các bạn đang bị thiêu đốt trong địa ngục hay bất kỳ kinh nghiệm nào của hiện thân vật lý, và cứ lặp đi lặp lại mãi. Nó sẽ không ngừng dứt cho tới khi sự mê lầm trong tâm bị cạn kiệt. Sự mê lầm trong tâm bị cạn kiệt nhờ thiền định. Nếu các bạn không thực hành, thì các bạn hy vọng điều gì? Làm thế nào tôi có thể giúp đỡ các bạn? Điều khiến tôi có phần e ngại là đã quá rộng rãi với những khám phá quý báu này, nhưng điều đó là xứng đáng nếu các bạn đưa những giáo lý này vào tâm khảm và thực hành chúng. Hãy thận trọng suy nghĩ điều này. Nếu các bạn không thiền định, thế thì không tốt. Nó làm suy đồi mọi sự. Mọi sự trở nên hư hỏng. Xin đừng lãng phí cơ hội này. Hãy nỗ lực thực hành.

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan