BIẾT CÁI MỘT GIẢI THOÁT TẤT CẢ - KHENCHEN THRANGU RINPOCHE - KINH VUA CỦA ĐỊNH – BÀI CA ĐẠI ẤN

BIẾT CÁI MỘT GIẢI THOÁT TẤT CẢ

KHENCHEN THRANGU RINPOCHE

KINH VUA CỦA ĐỊNH – BÀI CA ĐẠI ẤN

-----o0o-----

Trong bài ca của Jamgön Kongtrul, các đoạn kệ trước hết ca ngợi đạo sư gốc của ngài, sau đó là các vị tổ của dòng truyền thừa. Trong mỗi đoạn, các vị trí địa lý được nhắc đến: Đức Tilopa ở Uddiyana phía Tây, Đức Marpa ở thung lũng phía Bắc của Trowo, và Shepa Dorje hay Đức Milarepa ở dãy núi tuyết Labchi phía Tây. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những địa điểm bình thường lại...
BIẾT CÁI MỘT GIẢI THOÁT TẤT CẢ - KHENCHEN THRANGU RINPOCHE - KINH VUA CỦA ĐỊNH – BÀI CA ĐẠI ẤN

Trong bài ca của Jamgön Kongtrul, các đoạn kệ trước hết ca ngợi đạo sư gốc của ngài, sau đó là các vị tổ của dòng truyền thừa. Trong mỗi đoạn, các vị trí địa lý được nhắc đến: Đức Tilopa ở Uddiyana phía Tây, Đức Marpa ở thung lũng phía Bắc của Trowo, và Shepa Dorje hay Đức Milarepa ở dãy núi tuyết Labchi phía Tây. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những địa điểm bình thường lại được bao gồm khi đang nói về các đạo sư đã chứng ngộ. Tại sao lại tốn công nhắc tới những nơi ở trong bối cảnh mô tả những phẩm tính của định, trí huệ hiện diện trong trạng thái tâm của các vị? Có một lý do cho điều này.

Những đạo sư được sinh ra như những con người trong thế giới của chúng ta, Nam Thiện Bộ Châu. Khi đã sinh ra ở đây, các vị thọ nhận các giáo lý và thực hành chúng. Qua sự thực hành này, các vị chứng đắc của những thành tựu phổ thông và tối thượng. Sau đó, các vị có thể hướng dẫn những người khác và có những câu chuyện kể về các vị đã làm như thế nào. Nếu không phải như vậy, nếu các vị đạo sư này là những chúng sinh siêu phàm trên trời, thì chúng ta sẽ cảm thấy xa lạ với họ và xem những thành tựu của họ là hoàn toàn nằm ngoài tầm với của mình. Ví dụ như, các vị là những vị Phật siêu vượt khỏi thế giới bình thường của chúng ta thì điều này thật sự làm nản lòng chúng ta bởi vì có vẻ như là chúng ta không thể làm như các vị. Nhưng bởi vì các vị là những con người, nên chúng ta, những con người, có thể tiếp theo những bước chân của các vị, thực hành Pháp và thành tựu chứng ngộ. Theo cách này, chúng ta có sự tự tin và vững dạ sâu sắc.

 Ở phương Tây, trong dãy núi tuyết Labchi

Đã thành tựu trạng thái hợp nhất trong một đời

Giữa những vị tổ của dòng truyền thừa, người thứ tư được nói đến là Shepa Dorje, Đức Milarepa. Trong số những nơi mà ngài đã nhập thất có sáu pháo đài. Pháo đài nổi tiếng nhất được tìm thấy trong dãy núi tuyết Labchi.

Shepa Dorje là một trong những tên gọi của Đức Milarepa, nhưng ngài còn có nhiều tên gọi khác nữa. Ngài được gọi là Dorje Gyaltsen có nghĩa là “Ngọn cờ Kim cương của sự Chiến thắng”, Thu Chen - “Phù thuỷ vĩ đại”, và Đức Milarepa - “Mila Áo vải”. Nhưng Shepa Dorje - “Kim Cương Cười” là tên bí mật của ngài. Nó được các daka (không hành nam) và dakini (không hành nữ) xuất hiện trên mandala trong lễ quán đảnh Chakrasamvara dâng tặng cho ngài, thông qua đạo sư vĩ đại Đức Marpa. Các daka và dakini tuyên cáo rằng tên ngài nên là Shepa Dorje, có nghĩa là Hasa Vajra theo tiếng Sanskrit.

Đức Milarepa là một học trò của nghĩa chân thật. Sở hữu tinh tấn và trí tuệ, ngài có thể tịnh hoá tất cả những chướng ngại và nghiệp xấu của mình và trong chính thân thể và đời này, ngài chứng ngộ cái được gọi là trạng thái hợp nhất của một vị nắm giữ Kim cương hoặc Kim Cương Trì. Như tôi đã nói đến trước đây, Đức Milarepa đã từng khẳng định rằng ngài không phải là một hoá thân của bất kỳ vị Phật hay vị Bồ tát nào. Ngài tự cho mình là một “tên tội đồ lớn”. Nhưng ngài có thể gặp một vị đạo sư có đầy đủ các phẩm tính đặc biệt và thọ nhận những giáo lý phi thường về Đại Ấn và Sáu Pháp của Đức Naropa.

Ở phương Đông, ở Dakla Gampo thiên đường

Một bác sĩ đáng tôn kính, Bậc Chiến thắng thứ hai

Đã chứng ngộ định của địa thứ mười.

Vị đạo sư thứ năm được nhắc đến trong dòng truyền thừa là Pháp vương Gampopa, người đã được tiên đoán bởi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như là một tái sinh trong tương lai của Bồ tát Ánh trăng Trẻ trung. Sự tiên đoán này khẳng định rằng ngài sẽ ngự giữa những núi non trên một ngai vua. Một nơi như vậy có hiện hữu trên thực tế.

Đại sư Gampopa đã gặp Đức Milarepa và thọ nhận những giáo huấn cốt lõi. Sau đó, ngài đi thực hành ở một nơi vắng vẻ, rất xa xôi được gọi là Dakla Gampo, được ví như là một cõi trời hoặc cõi tịnh độ. Khi ngài đến mảnh đất hoàn toàn thanh tịnh này, Gampopa đã nguyện: “Giờ đây, trong mười ba năm, ta sẽ nhất tâm tập trung vào tu tập định, và không đi đâu.” Ngài đã phát tâm an trụ nhập thất trong một lều thiền nhỏ và tập trung một cách nghiêm ngặt vào thực hành. Nhưng ngay đêm đó, ngài mơ thấy một dakini xuất hiện và bảo ngài rằng: “ So với việc dành mười ba năm thiền định, hãy dành mười ba năm ấy để làm lợi ích cho những người khác.” Khi ngài tỉnh dậy, ngài nghĩ: “Làm sao ta có thể làm lợi ích cho những người khác bằng cách sống ở nơi xa xôi này?” Nhưng, cùng ngày đó, một người hành thiền xuất hiện, người này đã trở thành học trò đầu tiên của ngài. Sau đó, các học trò tiếp tục đến cho tới khi, cuối cùng, có khoảng 800 người hành thiền đã tụ tập xung quanh để ngài giảng dạy. Điều này đã được nói đến ở đây:

Trong các luân xa của Thân, Khẩu và Tâm,

Rất nhiều các thành tựu giả của bốn dòng lớn và tám dòng nhỏ

Đã đạt sinh lực của Đại Ấn

Và không khỏi thành tựu giác ngộ.

Sau đại sư Gampopa, đã xuất hiện vô số các đạo sư khác trong số những học trò của ngài. Các vị được nhắc đến như là “bốn dòng lớn và tám dòng nhỏ.” Trong bối cảnh này, học trò lớn nhất của Gampopa là Karmapa thứ nhất, Dusum Khyenpa. Gampopa đã tiên đoán về ngài: “Con trai ta, hãy đi tới Khampo Gang-ra ở phía Đông và đặt ngai thành tựu của con. Làm như vậy, hoạt động của con sẽ lan rộng khắp miền trung Tây Tạng, Tsang và Kham.” Đức Karmapa đầu tiên đã làm như vậy. Đầu tiên, ngài thiết lập chỗ của mình ở Khampo Gang-ra ở Kham. Đây là chỗ Thân của ngài. Sau đó, chỗ Khẩu của ngài được thiết lập ở Karma Gon. Sau đó, chỗ Tâm của ngài được thiết lập ở Ogmin Tsurphu ở miền Trung Tây Tạng. Từ đó về sau, dòng truyền thừa này tiếp tục. Một trong những học trò lớn khác của Gampopa là Dorje Gyaltsen hoặc Phagmo Drubpa, đã thành lập nhiều trường phái Kagyu khác. Những hành giả trong những dòng truyền thừa này đã đạt thành tựu tối thượng, trạng thái giác ngộ, nhiều không tính đếm được như là những giọt nước mưa. Những dòng tiếp theo mô tả những phẩm tính của sự từ bỏ và chứng ngộ của tất cả các vị tổ của dòng truyền thừa từ Đức Tilopa cho tới tận vị đạo sư gốc của Jamgön Kongtrul, Situ Kinh Vua của định Padma Nyinchey Wangpo. Bởi những phẩm tính vĩ đại của mình, các vị “không khỏi thành tựu giác ngộ.” Nói cách khác, giác ngộ là không thể tránh khỏi. Tại sao tất cả những đạo sư này trong bốn dòng lớn và tám dòng nhỏ, từ Đức Tilopa cho tới vị đạo sư gốc của Jamgön Kongtrul đạt giác ngộ một cách không thể tránh khỏi? Bởi vì các vị đã thiết lập sinh lực Đại Ấn trong dòng tâm của mình. Đây là phẩm tính đặc biệt, sức mạnh và năng lực của tu tập Đại Ấn, khiến cho thành tựu giác ngộ là không thể tránh khỏi.

Khéo léo trong việc hấp dẫn thông qua Bồ đề tâm,

Các vị không khỏi làm lợi ích cho các chúng sinh.

Những vị đạo sư của bốn dòng lớn và tám dòng nhỏ đã rất thành công trong việc làm lợi cho các chúng sinh. Vô số các học trò và người đi theo quần tụ xung quanh các vị. Đây không phải là kết quả của một mánh khoé chính trị hoặc một sự lôi kéo giả dối nào đó về phía các vị. Các vị không cố gắng dành lấy sự vĩ đại qua việc thu thập nhiều học trò. Nó xảy ra một cách tự phát. Tại sao? Bởi vì các vị “khéo léo trong việc hấp dẫn thông qua Bồ đề tâm.” Qua động lực của các vị bằng thái độ của tâm giác ngộ được gọi là “Bồ đề tâm”, ước nguyện mạnh mẽ để mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, các vị không có cố gắng chủ ý thu hút những người đi theo. Khi mọi người tiếp xúc với một người rất vị tha, nhân hậu và bảo vệ họ, tự nhiên họ cảm thấy “Đây là một người bạn. Đây là người mà tôi có thể tin tưởng được.” Ngược lại, những người khác sẽ thấy “Thật khó chịu khi ở cạnh con người thù địch này. Đây không phải là một người bạn, một người mà tôi có thể tin tưởng được.” Những kết quả như vậy tự nhiên theo sau. Lý do tại sao tất cả các đạo sư vĩ đại đã thành công lớn trong việc mang lại lợi ích cho các chúng sinh, có vô số học trò, và hành động sâu rộng là do động lực quý báu của Bồ đề tâm của các vị. Bồ đề tâm khai mở trọn vẹn trong dòng tâm của các vị và các vị làm việc chỉ vì lợi lạc cho những chúng sinh khác.

Đã đạt sự giàu có sâu xa, sự toàn hảo của hai sự tích tập,

Các vị không khỏi trở nên thịnh vượng.

Sự huy hoàng và thịnh vượng vĩ đại thuộc về các đại thành tựu giả của dòng truyền thừa Kagyu không được tích trữ bằng các phương tiện của một sự theo đuổi có tính toán từ phía các vị. Điều này tự phát do hai sự tích tập sâu rộng của công đức với những đối tượng liên quan và của trí huệ vô trụ. Bởi vì tích tập vô lượng công đức và trí huệ, “các vị không khỏi trở nên thịnh vượng.” Sự thịnh vượng và huy hoàng phi thường được tụ hội một cách tự nhiên.

Phẩm tính thứ tư được nói đến trong bài ca là:

Hiểu biết trọn vẹn rằng việc biết cái một giải thoát tất cả,

Các vị không khỏi hồi đáp lời tiên tri vĩ đại.

Điều này có nghĩa là các vị có sự học sâu rộng mà không phải là kết quả của việc dành nhiều năm để nghiên cứu hoặc tham dự đại học. Thay vào đó, nó sinh khởi từ “việc biết cái một giải thoát tất cả.” Biết cái một là trạng thái tự nhiên của Đại Ấn. Do bởi thấy trực tiếp tinh tuý của tánh giác bổn nguyên, bản thân trạng thái trí huệ của Đại Ấn hoặc trí huệ phân biệt tối cao, nên bóng tối vô minh và không biết bị loại bỏ hoàn toàn. Do đó, không có bất cứ vô minh hay thiếu kiến thức nào. Thực vậy, khi không có bất cứ nghi ngờ gì thì bèn có cái biết bao la vô hạn.

Đã mô tả những phẩm tính siêu việt của các đạo sư gốc và dòng truyền thừa và may mắn tuyệt hảo của việc đi theo một dòng truyền thừa như vậy, Jamgön Kongtrul đưa ra hai ví dụ hỗ trợ cho điều này. Ví dụ đầu tiên là:

Những người con trong dòng truyền thừa của những người cha giàu có này

Có những sự phong phú tự hiện hữu vĩ đại của nghiệp trước.

Người con của một người cha giàu có thì tự nhiên giàu có, do công đức của người ấy. Một người như vậy không cần làm gì khác để có công đức để được sinh vào trong một gia đình giàu có như vậy. Người ấy không cần phải thông minh, hay chăm chỉ hay may mắn, anh ta chỉ cần có một người cha giàu có. Tương tự như vậy, nếu chúng ta có may mắn lớn lao để kết nối với dòng truyền thừa của những đạo sư siêu việt, không cần phải đặc biệt thông minh, chúng ta vẫn thừa kế sự giàu có vô tận của dòng truyền thừa.

Ví dụ thứ hai là:

Họ là những người con của những sư tử tuyết và kim xí điểu vĩ đại.

Bởi sức mạnh của dòng dõi gia đình, họ hoàn toàn trưởng thành ngay lập tức.

Con cháu của một con sư tử tuyết hoặc kim xí điểu không cần tự rèn luyện nhiều, ăn nhiều vitamin hoặc thức ăn đặc biệt nhằm phát triển những anh dũng của mình. Vô vàn sức mạnh và những khả năng biểu hiện một cách tự nhiên do bởi năng lực của dòng dõi gia đình hoặc giống loài. Những phẩm tính này không đến từ những nguồn khác.

Điều này có nghĩa là:

Là những đệ tử của dòng các thành tựu giả Kagyu,

Thiền định của họ tự nhiên sinh khởi qua sức mạnh của những phúc lành này.

Phẩm tính vĩ đại nhất bắt nguồn từ việc thọ nhận những giáo huấn truyền miệng phi thường từ vị đạo sư gốc của chúng ta cũng như những phúc lành của dòng truyền thừa, không phải từ thông minh hay may mắn đặc biệt. Nó cũng không đến một cách đơn thuần từ việc giả bộ thực hành như Jamgön Kongtrul đã nói:

Khoe khoang sự đau đớn của họ trong nhiều năm thực hành

Chỉ đơn giản là dành nhiều năm thực hành, cố gắng nỗ lực rất nhiều để dấn thân vào thực hành, bản thân điều này là chưa đủ. Đây không phải là nơi bắt nguồn của những phúc lành của sự thành tựu. Một ai đó có thể nói “Tôi đã thực hành trong nhiều hoàn cảnh khó khăn trong tất cả những năm này,” và sau đó, tự xem mình là đặc biệt bởi vì đã làm như vậy. Nhưng sự khó khăn, trong bản thân nó là không có lợi ích nào cả. Một ai đó có thể thậm chí là:

Tự hào vì an trụ trong biếng nhác.

Mặc dù chúng ta đã dành nhiều năm nhập thất ở nơi vắng vẻ, xa xôi, nếu chúng ta chưa có thể thâm nhập sâu sắc vào nền tảng của sự thực hành, không thể giải tỏa những nghi ngờ của chúng ta, hoặc không thể chăm chỉ theo nghĩa chân thật, chỉ thư giãn trong một khoảng thời gian ở một nơi yên tĩnh sẽ không thật sự giúp ích.

Khoe khoang là đã phải chịu đựng nỗi đau như vậy,

Một số người có thể cực kỳ chăm chỉ và trải qua những khó khăn lớn trong thực hành của mình, nhưng nếu nó được làm một cách mù quáng, không thật sự biết những điểm chính yếu, không có gì để khoe khoang cả.

Đánh giá thấp những người khác và ngạo mạn

Điều này có nghĩa là người ta xem bản thân quá đặc biệt bởi đã dấn thân vào những thực hành sâu xa, và hạ thấp phẩm giá của những người khác, những người chưa làm những thực hành như vậy. Chỉ trích những người khác trong khi tán dương bản thân không phải là cách để thành tựu những phúc lành và chứng ngộ.

Tính điểm với tư tưởng lan man về mình và người

Đếm những chứng ngộ của các địa và các con đường,

Một số người so sánh bản thân với những người bình thường, “tính điểm với tư tưởng lan man về mình và người.” Mỗi khi họ đạt một chút kinh nghiệm, như là một giấc mơ lạ lùng, họ thấy sự kiện này rất đặc biệt và cao siêu. Họ tính đếm những kinh nghiệm này và cố gắng tìm ra địa hay cấp độ chứng ngộ nào mà họ đã tới. Những hành động như vậy là hoàn toàn vô ích. Về danh sách các lỗi lầm này, Jamgön Kongtrul nói:

Đây là những phẩm tính của những người hành thiền vô minh trong thời kỳ mạt pháp.

Những phẩm tính này đến từ không thật sự hiểu biết cách thực hành hoặc thọ nhận những giáo huấn cốt lõi. Chỉ dành thời gian dấn thân thiền định theo một cách u mê, ngu ngốc sẽ không khiến chúng ta trở thành một thành tựu giả.

Chúng ta không có những thứ này, và mặc dù tôi không có danh hiệu của một thành tựu giả,

Nhưng qua những giáo huấn truyền miệng tuyệt hảo của dòng truyền thừa gương mẫu,

Tôi đã thấy trí huệ của Đại Ấn tối hậu.

Bản thân Jamgön Kongtrul nói rằng ngài có may mắn lớn lao khi thọ nhận những giáo huấn truyền miệng tuyệt hảo của dòng truyền thừa thanh tịnh. Đây là lý do tại sao ngài đã thấy trí huệ Đại Ấn tối hậu. “Việc thấy trí huệ Đại Ấn tối hậu” bằng những phương pháp của những giáo huấn phi thường và những phúc lành của dòng truyền thừa thường xuất hiện trong hình thức của sự quán đảnh làm chín muồi. Có hai loại quán đảnh: “độc nhất” và “phổ thông”. Quán đảnh độc nhất hoặc đặc biệt là giáo huấn chỉ thẳng hoặc một sự dẫn nhập vào trạng thái tánh giác bổn nguyên, trí huệ vốn là bản tánh của sự quán đảnh. Điều này là cái được chỉ ra trong suốt lễ quán đảnh.

Thông qua quán đảnh cái bình, chúng ta được trao quyền thực hành hình tướng của vị bổn tôn. Thông qua quán đảnh bí mật, chúng ta được trao quyền để thực hành tịnh hoá hoàn toàn các kinh mạch, các khí và tinh tuý. Thông qua quán đảnh hiểu biết - trí huệ, chúng ta được trao quyền để chứng ngộ hay nhận biết cái được gọi là trí huệ như gương (Đại Viên cảnh trí). Đây là ba trong bốn sự quán đảnh, cái bình, bí mật và hiểu biết - trí huệ, được trao truyền nhằm chứng ngộ cái tối hậu, vốn là quán đảnh thứ tư, còn được gọi là quán đảnh ngôn từ quý báu. Quán đảnh thứ tư là sự dẫn nhập trực tiếp vào trí huệ Đại Ấn tối hậu. Quán đảnh này thường được trao tặng qua những phương tiện như là một cử chỉ tượng trưng như là đưa ra một viên pha lê. Đạo sư Kim cương dẫn nhập vào tánh giác bổn nguyên, bản tánh của tâm, bản tánh của các sự vật, bản tánh của trạng thái Đại Ấn. Điều này là ý nghĩa của “sự quán đảnh độc nhất hoặc đặc biệt.”

 Cũng có một quán đảnh bình thường hay phổ thông, trong đó, chúng ta chỉ đơn giản là tham dự một lễ và thọ nhận một cấp độ nào đó của những phúc lành. Chỉ đơn giản là thọ nhận những phúc lành đảm bảo rằng vào một lúc nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ có may mắn chứng ngộ quán đảnh chân thật.

Trong truyền thống Đại Ấn, trạng thái tự nhiên của Đại Ấn không chỉ được chỉ ra trong một lễ quán đảnh, nó có thể được chỉ ra dựa trên những giáo huấn cốt lõi. Qua những phương tiện giáo huấn truyền miệng, học trò có thể được dẫn nhập vào trí huệ Đại Ấn tối hậu.

Đại Ấn nền tảng là cái thấy, sự hiểu biết các sự vật như chúng là.

Đại Ấn con đường là kinh nghiệm thiền định

Đại Ấn quả là chứng ngộ tâm ta là Phật.

Jamgön Kongtrul nói rằng, sau khi đã được dẫn nhập vào Đại Ấn, có ba phương diện: nền tảng, con đường và quả. Như đã mô tả ở đây, Đại Ấn nền tảng là, theo ý nghĩa của sự hiểu biết trí thức, đạt được tại cái thấy đúng đắn về sự hiểu biết các sự vật như chúng là qua những phương tiện của lý luận và suy diễn. Đại Ấn con đường là được dẫn nhập trực tiếp vào bản tánh của Đại Ấn trong kinh nghiệm của chính chúng ta. Bằng cách tu tập trong kinh nghiệm đúng đắn về bản tánh của Đại Ấn, chúng ta hiện thực hoá Đại Ấn quả. Đại Ấn quả là cái mà tất cả các đạo sư của dòng truyền thừa Kagyu mô tả như là “việc chứng ngộ vị phật giác ngộ hoàn hảo trong bản tánh của tâm ta.”

Dựa vào Đại Ấn nền tảng, chúng ta có thể kinh nghiệm Đại Ấn con đường và chứng ngộ Đại Ấn quả. Đối với Jamgön Kongtrul, điều này đã xảy ra trong dòng tâm của ngài, không phải bởi vì ngài đặc biệt hay vĩ đại, mà bởi như ngài nói:

Tôi là kẻ kém cỏi, nhưng thầy tôi rất tốt,

Mặc dù sinh ra trong thời kỳ mạt pháp, tôi rất may mắn.

Mặc dù tôi có chút kiên trì, những giáo huấn truyền miệng rất thâm sâu.

Jamgön Kongtrul đã nói rằng ngài thiếu những phẩm tính phi thường hoặc những thiện lành, bất cứ cái gì. Ngài thừa nhận rằng ngài sinh vào thời kỳ mạt pháp, và có chút ít lòng kiên trì. Mặc dù ngài đã chứng ngộ nền tảng, con đường và quả, điều này không khiến ngài cảm thấy đặc biệt. Ngài xem mình như là một người thực hành “kém cỏi”, bình phàm. Ngài đang nói điều này để hạ thấp tính kiêu ngạo.

Vậy thì làm thế nào mà ngài đã đạt tới thành tựu như vậy? Jamgön Kongtrul cho rằng đó là nhờ sự tuyệt hảo của thầy mình. Ngài có may mắn tuyệt hảo là được chấp nhận bởi một vị thầy gốc siêu việt với nhiều phẩm tính đa dạng và nhiều phúc lành. Hơn thế nữa, mặc dù ngài sinh ra trong thời kỳ mạt pháp khi mà năm sự suy hoại đang lan tràn không kìm chế được, và không phải trong thời kỳ Hoàn hảo (một thời đại Vàng son), nhưng ngài đã có may mắn lớn lao khi kết nối với một dòng truyền thừa thanh tịnh và thọ nhận những giáo huấn cốt lõi và những phúc lành cần thiết cho sự thực hành. Theo cách hiểu này, ngài vô cùng may mắn.

Về những lỗi lầm, Jamgön Kongtrul mô tả bản thân là người lười biếng và không kiên nhẫn, cho thấy rằng ngài không phải là một hành giả nhiệt tình và siêng năng. Ngài nói một cách khiêm tốn rằng lý do mà chứng ngộ có thể sinh khởi là hoàn toàn dựa vào sự sâu xa của những giáo huấn truyền miệng này.

Trong bài ca này, cho tới lúc này, Jamgön Kongtrul đã trình bày những phẩm tính của đạo sư gốc của ngài, những phẩm tính của các vị tổ dòng truyền thừa, và những lỗi lầm của các hành giả trong thời kỳ mạt pháp. Ngài đã làm vậy để cho chúng ta hiểu, và sau đó, kinh nghiệm và chứng ngộ trạng thái chân thật của Đại Ấn. Trong phần tiếp theo của bài ca, ngài sẽ tiếp tục giải thích cái thấy của Đại Ấn theo các nghĩa của nền tảng, con đường và quả.

---o0o---

Trích: “KINH VUA CỦA ĐỊNH – BÀI CA ĐẠI ẤN”

Khenchen Thrangu Rinpoche

Hoàng Lan dịch

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo – 2021

 

Bài viết liên quan