BỐN PHÁP CỦA GAMPOPA - TULKU URGYEN RINPOCHE - As It Is

BỐN PHÁP CỦA GAMPOPA

 

Tác giả: TULKU URGYEN RINPOCHE

Trích từ nguyên tác AS IT IS (những bài pháp trong 2 năm cuối cùng 1994, 1995)

Việt dịch: Nguyên Chân Lê Việt Dũng.

Phật là trạng thái tỉnh giác hoàn toàn và hoàn hảo. Pháp là con đường dẫn tới trạng thái đó, tức là các giáo lý. Tăng là tất cả chư đạo sư, những bậc nắm giữ, xiển dương và hoằng truyền giáo lý từ thời Đức Phật cho đến bậc thầy từ ái của chúng ta, những người mà chúng ta đã có kết nối. Quy y Tam Bảo với niềm tin và sự xác quyết trọn vẹn đảm bảo rằng chúng ta cũng có...
BỐN PHÁP CỦA GAMPOPA - TULKU URGYEN RINPOCHE - As It Is

Trước khi thọ nhận những giáo lý, hãy phát khởi động cơ của bồ đề tâm cao quý. Hãy nguyện rằng: “Con sẽ nghiên cứu Pháp và đưa vào thực hành một cách đúng đắn để an lập tất cả những mẹ hiền của con, những hữu tình chúng sinh nhiều như hư không, trong trạng thái của giải thoát và giác ngộ tối cao.”

 

Tôi muốn giới thiệu một giáo lý gọi là “Bốn Pháp của Gampopa,” tương tự như bốn chỉ dẫn của ngài Longchen Rabjam. Đầu tiên trong đó là cách thức chuyển tâm về thực hành Pháp. Bao gồm trong đó là bốn niệm chuyển tâm.

Pháp thứ hai là cách thức đảm bảo rằng thực hành Pháp trở thành con đường. Điều này bao gồm những giáo lý về thực hành chuẩn bị (Ngondro) bốn lần một trăm nghìn. Trong Pháp thứ ba, làm sao cho con đường sạch mê lầm, có những giáo lý về giai đoạn phát triển, trì tụng và giai đoạn hoàn thiện.

Và trong Pháp thứ tư, làm thế nào để sự mê lầm xuất hiện như là trí tuệ, có những giáo lý để đạt được sự xác quyết, sự nhận biết của trạng thái tự nhiên bằng ba tri kiến vĩ đại. Có nói rằng nền tảng là Đại Thủ Ấn, con đường là Trung Đạo và quả là Đại Toàn Thiện. Bốn Pháp của Gampopa chứa đựng trọn vẹn con đường để mỗi cá nhân đạt đến giác ngộ hoàn hảo trong thân này và trong đời này.

 

Tất cả chúng ta ở đây và bây giờ đã có được điều vô cùng khó khăn mới có được – đó là thân người quý giá với tám tự do và mười thuận duyên.

Đó là một điều gì đó chỉ xảy ra một lần trong một trăm kiếp. Bây giờ nó xảy ra với chúng ta, chính thời điểm này. Khi chúng ta còn sống trong thân người này, dường như thật là dễ dàng để sinh ra làm người. Dường như chẳng cần phải nỗ lực gì. Tuy nhiên, thành thật mà nói, một thân người là cực kỳ khó đạt được và đòi hỏi một lượng công đức lớn lao từ nhiều đời quá khứ. Chính bởi nghiệp tốt lành trong quá khứ kết hợp với những mong nguyện thanh tịnh mà giờ đây chúng ta mới có được một thân người quý giá.

Hoàn cảnh hiện tại của chúng ta giống như việc tìm thấy một viên ngọc ước quý giá. Xin đừng lãng phí nó. Thời gian đang nhanh chóng cạn dần; tất cả chúng ta đều phải chết. Nguyên nhân của việc không thể đạt được trạng thái hoàn hảo về vật chất trong đời này là bởi vì không có gì tồn tại mãi. Mọi thứ là vô thường; mọi người đều chết. Nếu lúc chết là một kết thúc hoàn toàn, giống như nước khô đi hay lửa bị dập tắt, nó sẽ ổn – cái chết sẽ chẳng có kết quả gì.

Không may là, điều đó không xảy ra. Những kết quả của những hành động nghiệp theo chúng ta sau khi chết như hình với bóng. Luật nhân quả khiến chúng ta phải kinh nghiệm những kết quả của những gì ta đã làm. Những nơi mà chúng ta kinh nghiệm sự chín muồi của nghiệp được gọi là sáu cõi luân hồi. Tình thế này đã tiếp diễn từ vô thủy và chúng ta vẫn chưa được giải thoát.

 

Hãy quán chiếu về ý nghĩa của bốn chủ đề tôi vừa đề cập: khó khăn của việc có được một thân người quý giá; sự thật rằng không gì tồn tại mãi, rằng chúng ta đều phải chết; và mọi người đều bị chi phối bởi kết quả của những hành động nghiệp; và chẳng có nơi nào trong luân hồi có hạnh phúc mãi mãi.

Chúng được gọi là bốn niệm chuyển tâm. Việc thấu triệt chúng là vô cùng quan trọng, bởi vì chúng không phải điều hư cấu hay tưởng tượng. Chúng là những sự thật; chúng lý giải những hoàn cảnh và nhân duyên mà chúng ta sống trong luân hồi.

Không phải là không có khả năng để hiểu được rằng chúng ta sẽ phải chết, cũng như những chi tiết về những gì theo sau đó. Tất cả chúng ta đều đứng xếp hàng vì điều đó, chờ đợi nó xảy ra. Chúng ta cần đối mặt với những sự thật này theo một cách thức rất thực tế. Trước khi bắt đầu thực hành chánh Pháp quý báu, điều quan trọng là cần thực sự giữ chúng trong tâm. Đó là điểm đầu tiên trong Bốn Pháp của Gampopa: cách thức để hướng tâm về với Pháp.

 

Thứ hai, cách thức để đảm bảo thực hành Pháp trở thành con đường, bao gồm các thực hành sơ khởi bốn lần một trăm nghìn.

Thông qua bốn niệm chuyển tâm, chúng ta phát triển mong muốn được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi và đạt được trạng thái giác ngộ cao quý, không chỉ cho bản thân, mà còn cho tất thảy chúng sinh. Chúng ta đã sẵn sàng để quy y Tam Bảo.

Phật là trạng thái tỉnh giác hoàn toàn và hoàn hảo. Pháp là con đường dẫn tới trạng thái đó, tức là các giáo lý. Tăng là tất cả chư đạo sư, những bậc nắm giữ, xiển dương và hoằng truyền giáo lý từ thời Đức Phật cho đến bậc thầy từ ái của chúng ta, những người mà chúng ta đã có kết nối. Quy y Tam Bảo với niềm tin và sự xác quyết trọn vẹn đảm bảo rằng chúng ta cũng có khả năng để trở thành những bậc giác ngộ. Quy y và tìm kiếm chỉ dẫn từ Tam Bảo là điều mở ra con đường dẫn tới giác ngộ. Đó là phần đầu tiên trong các thực hành sơ khởi.

 

Nối tiếp theo điều này là phát Bồ đề tâm. Không có Bồ đề tâm, chúng ta không thể bước đi trên con đường Đại thừa. Hiểu biết rằng mọi hữu tình chúng sinh thực sự là những cha mẹ của chúng ta trong các đời quá khứ sẽ cung cấp một nền tảng quan trọng cho những tiến bộ của chúng ta. Từng con côn trùng nhỏ bé mà chúng ta gặp, không có một ngoại lệ nào, đều đã từng là cha mẹ chúng ta – không chỉ một lần, mà rất nhiều lần. Và tất cả đều đang bước sai đường.

Họ muốn có được hạnh phúc, nhưng không biết làm thế nào để đạt được điều đó. Phát triển bồ đề tâm nghĩa là tạo ra lòng quyết tâm dũng mãnh nhất này: “Tôi sẽ nhận lấy trách nhiệm dẫn dắt mọi hữu tình chúng sinh đến trạng thái giác ngộ!”

Giới nguyện Bồ tát này là điều tạo ra sự khác biệt giữa một hành giả Tiểu thừa và Đại thừa. Thọ nhận giới nguyện này được gọi là phát Bồ đề tâm. Quy y và phát Bồ đề tâm là tinh túy của con đường.

 

Khi thực hành một thời khóa, chúng ta có thể thực hành ba thừa – Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa – một cách đồng thời. Bất cứ khi nào bạn thực hành một bổn tôn riêng biệt nào đó, bạn luôn bắt đầu với Quy y và phát Bồ đề tâm, những yếu tố của Tiểu thừa và Đại thừa. Không có cách nào khác. Tự thân Bổn tôn, trì tụng thần chú và quán tưởng, là thực hành Kim Cương thừa. Như thế, không thể thực hành Kim Cương thừa mà không là một hành giả của Tiểu thừa và Đại thừa. Cả ba thừa đều được thực hành trong cùng một thời khóa.

Các thực hành của cả ba thừa đều nằm trọn trong thực hành sơ khởi. Thực hành đầu tiên là Quy y và Phát bồ đề tâm. Sau đó là Quán tưởng và trì tụng Kim Cương Tát Đỏa, ấy là một thực hành Kim Cương thừa thực sự. Thực hành Kim Cương Tát Đỏa bao gồm bốn sức mạnh chữa lành, đầu tiên là sức mạnh của sự hỗ trợ - quán tưởng Phật Kim Cương Tát Đỏa. Thứ hai là sức mạnh của phương pháp đối trị được áp dụng, trì tụng thần chú trăm âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa và quán tưởng trận mưa và sự tịnh hóa bằng cam lồ. Thứ ba là sức mạnh của sự ăn năn về các ác hạnh và lỗi lầm trong quá khứ. Thứ tư là sức mạnh của lòng quyết tâm, hứa nguyện không bao giờ tái phạm. Đức Phật dạy rằng thực hành trì tụng thần chú Kim Cương Tát Đỏa trong khi nhớ về bốn sức mạnh chữa lành này giúp tịnh hóa mọi ác nghiệp, thậm chí dù cho nó có lớn như núi Tu Di.

 

Sau khi trì tụng thần chú Kim Cương Tát Đỏa sẽ đến phần Cúng dường mạn-đà-la, điều đảm bảo rằng chúng ta sẽ không tạo ra chướng ngại trên con đường thực hành. Trong thực hành này, chúng ta sẽ tạo ra những thuận duyên bằng việc tích tập những tư lương mà chúng ta có thể mang theo – sự tích lũy công đức và trí tuệ. Có ba cấp độ cúng dường mạn đà la: mạn đà la bên ngoài, cúng dường vũ trụ bên ngoài; mạn đà la bên trong, cúng dường các chúng sinh bên trong; và cuối cùng là mạn đà la bí mật, cúng dường sự như thị tuyệt đối, tương ứng với ba thân. Kết hợp cùng nhau, ba cấp độ này được gọi là “ sự tích tập công đức và trí tuệ.”

 

Sau đó là Đạo sư Du già (Guru yoga), phần thứ tư trong các pháp tu sơ khởi. Guru yoga thường được cho là thâm sâu hơn cả thực hành chính yếu, bởi trong đó, chúng ta nhận được những sự ban phước từ một truyền thừa không gián đoạn của các bậc đạo sư.

Những sự ban phước này đến từ Pháp thân Phật Phổ Hiền cho tới bậc thầy gốc của chúng ta. Nó giống như ống nước nối giữa nhà bạn và nguồn cấp nước, thứ cho phép nước chảy ra mỗi khi bạn mở vòi. Dòng truyền thừa không gián đoạn của các đạo sư giác ngộ kết nối với bạn nhờ những vị thầy của bạn giống như ống nước đó. Nhờ đó, chúng ta có thể nhận được những sự ban phước của Phật, Pháp và Tăng, và của ba thân trong thực hành riêng của chúng ta.

 

Khi thực sự dấn thân vào các thực hành sơ khởi, chúng ta có thể xua tan chướng ngại trên con đường tâm linh và tạo ra những thuận duyên để nhanh chóng chứng ngộ kết quả tối thượng. Đó chính xác là ý nghĩa của Pháp thứ hai trong Bốn Pháp của Gampopa: cách thức để đảm bảo thực hành của Pháp trở thành con đường.

Một số người coi họ như là hành giả chỉ của riêng Đại thừa hay Kim Cương thừa. Số khác thì nói họ chỉ theo Theravada, rằng họ không biết cái gì khác ngoài điều đó. Nhưng nói như vậy chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết. Ba thừa không hề tách biệt chút nào. Chúng ta có thể thực hành tất cả chúng đồng thời – thực sự, chúng ta cần phải như vậy để có một nền tảng vững chắc. Không thực sự thấu triệt bốn niệm chuyển tâm và Quy y, chúng ta không có nền tảng thực sự để kết nối với các giáo lý của Đức Phật.

Giống như vậy, nếu bạn muốn uống trà, bạn cần một chỗ để đặt cái cốc. Bạn cần một cái bàn, giống như nền tảng của những giáo lý Tiểu thừa hay Thanh Văn thừa. Bạn cũng cần cái cốc đựng trà, tức là thái độ Đại thừa. Và bạn cần trà – nếu không sẽ chẳng có gì để uống, và bạn cần phải uống. Những giáo lý Kim Cương thừa giống như chất lỏng được đổ vào cốc.

 

Giống như vậy, để giác ngộ, trước tiên chúng ta cần kết nối với Tam Bảo. Quy y liên quan đến việc giao phó bản thân; điều đó chứa đựng giáo lý Tiểu thừa. Sau đó, mục đích của việc chỉ đạt được giác ngộ cho chính mình trong khi tất cả những bà mẹ của chúng ta đang phải trôi lăn trong luân hồi là gì? Điều đó thật đáng xấu hổ. Có nói rằng quan điểm Tiểu thừa thì nhỏ bé như vũng nước trong dấu chân của một con bò, trong khi thái độ Đại thừa thì rộng lớn như đại dương.

Tất cả mọi người cần trở nên giác ngộ - không phải chỉ riêng chúng ta. Thứ ba, không có những giáo lý thâm sâu của Kim Cương thừa bao gồm bổn tôn, thần chú và định, chẳng có cách nào để chúng ta có thể chứng đạt tới giác ngộ hoàn toàn trong đời này và trong chính thân này. Vì thế, chúng ta cần cả ba thừa: Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa. Thật vô ích khi tự coi bản thân là một hành giả cao cấp, kẻ chẳng cần những giáo lý “thấp hơn.” Một thái độ như vậy sẽ là phi thực tế.

 

Đảm bảo rằng thực hành Pháp trở thành con đường nghĩa là tịnh hóa những che ám và ác hạnh, điều tạo ra chướng ngại và ngăn cản con đường dẫn tới giác ngộ hoàn toàn.

Đó là một nguyên nhân chính để thực hành các pháp tu sơ khởi, mặc dù vài người có thể nghĩ rằng chúng là không cần thiết. Nhờ những thực hành sơ khởi, chúng ta thực sự có thể xua tan chướng ngại và khiến thực hành Pháp của mình trở thành con đường của sự giác ngộ.

 

Khi đã xua tan chướng ngại và tích tập công đức và trí tuệ, chúng ta bước sang Pháp thứ ba của Gampopa: làm thế nào để con đường xua tan mê lầm. Mê lầm ở đây được hiểu là thứ che lấp bản tánh bẩm sinh của chúng ta và ngăn cản giác ngộ.

Mọi người đều có Phật tánh, mọi hữu tình chúng sinh không loại trừ một ai. Không may là, chúng ta không biết những gì chúng ta có. Chúng ta rơi vào sự mê lầm và trôi lăn trong luân hồi.

Hãy tưởng tượng khi một viên ngọc như ý rơi xuống bùn và bị che lấp bởi đất bẩn. Trước tiên, viên ngọc cần được nhận ra. Sau đó nó cần được làm sạch. Khi điều này xảy ra, nó có thể được sử dụng. Chúng ta đều là những viên ngọc như ý, nhưng không biết về cái mà chúng ta thực sự là, và như thế không thể sử dụng và hiện thực hóa điều đó. Chúng ta cần lau sạch chất bẩn đang bao phủ trạng thái nền tảng của bản thân ta - tức viên ngọc như ý. Cách thức để làm điều này là thực hành Kim Cương thừa.

 

Cách thức tốt nhất và thâm sâu nhất để làm vậy là nhờ ba nguyên tắc của thực hành Kim Cương thừa: bổn tôn, thần chú và định. Bằng việc tu tập trong giai đoạn phát triển bao gồm bổn tôn, thần chú và định, chúng ta hiện thực hóa điều mà chúng ta đã là.

Để thực hành giai đoạn phát triển một cách đúng đắn, chúng ta cần buông bỏ sự tầm thường, tri kiến thế tục vật chất. Đừng trì tụng những lời cầu nguyện bổn tôn khi nghĩ rằng, “Tôi đang ở thế giới này, trong ngôi nhà bình thường, trong thân thể bình thường của tôi.”

Trước tiên chúng ta cần tan hòa mọi thứ vào tánh không thâm sâu, sau đó quán tưởng cung điện linh thánh, ngai tòa của bổn tôn và mọi chi tiết khác. Nhờ việc tu tập về bổn tôn, thần chú và định này, chúng ta có khả năng khiến con đường xua tan mê lầm.

Hãy nhớ rằng, trong thực hành giai đoạn phát triển, chúng ta không tưởng tượng rằng chúng ta là thứ gì đó mà chúng ta không phải là. Mọi người đều sở hữu tinh túy giác ngộ, điều được ban tặng với ba kim cương, ba phương diện của giác ngộ.

 Cách thức để nhận ra điều đó một cách trọn vẹn là nhờ bổn tôn, thần chú và định. Thực hành phát triển là chỉ đơn thuần nhận biết bản tánh của mọi thứ như nó là.

Tu tập như vậy giống như biết viên ngọc là viên ngọc như ý, điều mà nó thực sự là. Nó không phải là việc chúng ta tưởng tượng một viên đá bình thường trở thành một viên ngọc. Một viên đá sẽ không bao giờ sở hữu giá trị hay phẩm chất của một viên ngọc, dù chúng ta quán tưởng thế nào đi nữa. Đó là sự thâm sâu khó tin trong thực hành giai đoạn phát triển.

 

Bây giờ hãy xem xét Pháp thứ tư của Gampopa, để mê lầm xuất hiện như trí huệ. Mặc dù điều sắp được nói ở đây nghe rất cao, tôi không tự tạo ra bất cứ điều gì. Tôi không có khả năng tạo ra những giáo lý của riêng mình hay phát minh con đường mới mẻ, thâm sâu, không gì hết! Thậm chí nếu tôi có thể, cũng vô ích khi làm vậy, bởi người ta sẽ không thích thú. Thay vào đó, tôi lặp lại những lời dạy của Đức Phật và các đạo sư vĩ đại trong quá khứ.

Mọi hữu tình chúng sinh, không có một ngoại lệ nào, đều có Phật tánh, từ Phật pháp thân đến con côn trùng bé nhỏ nhất. Không có sự khác biệt thực sự nào giữa phẩm chất hay kích cỡ của tinh túy giác ngộ này giữa từng cá nhân. Tuy nhiên, chư Phật và những Bồ Tát giác ngộ hoàn toàn, đã cắt bỏ sự chuyển động của tâm nhị ngay nguyên từ đầu. Đó là cách mà các ngài khác với những hữu tình chúng sinh. Sự biểu hiện của tâm chư Phật và Bồ Tát mang dạng thức của những hoạt động từ ái. Hoạt động này, nhờ những hóa thân và tái sinh, xuất hiện trong tất cả mọi cõi luân hồi để giáo huấn chúng sinh.

 

Mặt khác, những hữu tình chúng sinh lại bị rơi vào sức mạnh ảnh hưởng của suy nghĩ nhị nguyên. Sự chú ý của một người bình thường sẽ trượt theo sự chuyển động của tâm. Đột nhiên, có sự lầm lẫn trong việc tin tưởng về ta và người khác, chủ thể và đối tượng, và tình trạng này cứ tiếp diễn lặp đi lặp lại không ngừng.

Đó là luân hồi sinh tử. Chư Phật và Bồ Tát đã thành công trong việc đi tới miền đất của sự giác ngộ. Nhưng chúng ta, những hữu tình chúng sinh trở nên hoang dại, và giờ đang ở trong trạng thái không thành công, không thỏa mãn, mà tất cả chúng ta đều thấy mình trong đó. Chúng ta vẫn còn trong đại dương của luân hồi; chúng ta chưa thể ngoi lên khỏi mặt nước. Chúng ta trôi lăn trong trạng thái mê lầm của kinh nghiệm này theo sau kinh nghiệm khác không ngừng nghỉ.

Cùng lúc đó, chúng ta không mất đi Phật tánh của mình. Phật tánh không bao giờ tách rời khỏi tâm của chúng ta dù chỉ một giây. Mặc dù chúng ta không tách rời khỏi nó, chúng ta không biết nó, và vì thế chúng ta trôi lăn trong luân hồi.

Bây giờ là lúc để giải phóng bản thân khỏi luân hồi. Nếu chúng ta không làm vậy trong đời này, nó sẽ không tự diễn ra. Chúng ta phải chăm lo cho bản thân mình. Ngay bây giờ, chúng ta có khả năng để thọ nhận những giáo lý và thực hành Pháp. Điều này không đúng sao? Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu không tiếp tục hành xử như một con vật: chỉ tập trung vào ăn và ngủ và để thời gian trôi qua? Tại sao không nắm lấy tương lai của chính mình?

Chúng ta có khả năng nhận ra bản tánh bởi chúng ta đã trải nghiệm lòng từ ái vĩ đại của một bậc giác ngộ hoàn toàn đã xuất hiện trên thế gian này. Đức Phật không chỉ xuất hiện, ngài đã thuyết giảng những chỉ dẫn quý giá về cách thức nhận biết ra Phật tánh. Và những giáo lý về cách thức nhận ra tinh túy giác ngộ này vẫn được trao truyền nhờ dòng truyền thừa không gián đoạn của các đạo sư vĩ đại.

 

“Sự mê lầm xuất hiện và sinh khởi như trí huệ” nghĩa là nhận ra rằng Phật tánh thấm nhập khắp mọi hữu tình chúng sinh. Chúng ta không mất nó; nó không bao giờ tách rời khỏi tâm chúng ta dù chỉ một giây. Phật tánh này luôn hiện tiền, và thứ duy nhất che lấp nó là ý nghĩ của chúng ta. Không gì khác che lấp nó. Tinh túy bị che lấp bởi sự biểu hiện. Điều này giống như mặt trời chiếu sáng rạng ngời trên bầu trời quang đãng. Thứ duy nhất che khuất mặt trời là những đám mây. Và những đám mây tự chúng được tạo thành nhờ sự biểu lộ của mặt trời – ánh sáng và hơi ấm.

Chúng không đến từ một nơi nào khác. Sức nóng từ mặt trời khiến nước bốc hơi và tạo thành những đám mây che khuất mặt trời. Giống như vậy, sự biểu hiện của sự chú ý của chúng ta mang lấy dạng thức là ý nghĩ mê lầm che lấp chúng ta. Nói cách khác, chúng ta đang che lấp Phật tính của mình, và bây giờ là lúc để xua tan sự mê lầm này.

 

Hiện nay, chúng ta có đủ phước báu để có những giáo lý tuyệt vời, điều chỉ cho chúng ta cách thức nhận biết bản tánh của mình và đạt được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Nếu chúng ta lựa chọn sẽ duy trì việc bị che lấp bởi những hành động và cảm xúc, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng ta sống ngày này qua ngày khác. Nếu ngày mai chúng ta chết, hôm nay chúng ta cũng không biết. Chúng ta thực sự ngu ngốc như một loài động vật. Từ một quan điểm khác, thậm chí chúng ta còn ngu ngốc hơn chúng nữa, bởi vì chúng ta có thể nhận những giáo lý về cách thức thực hành; thực sự, chúng ta có thể đã làm vậy. Nếu chúng ta không áp dụng chúng, chúng ta còn ngu hơn nhiều so với một con vật. Động vật không thể thực sự giúp chính chúng; chúng không ở trong một thân tướng có thể thọ nhận những giáo lý. Nhưng không may là, chúng ta, những con người, kẻ đã được giới thiệu vào con đường tâm linh, có thể lãng phí cơ hội quý giá này. Điều đó sẽ thật đáng buồn!

 

Nhờ lòng từ bi của Tam Bảo, bây giờ chúng ta có phước báu để thọ nhận giáo lý, nhờ đó chúng ta có thể để cho mê lầm xuất hiện như trí huệ. Sự mê lầm ở đây nghĩa là tin rằng mọi thứ là cái mà nó không phải là. Sự mê lầm giống như là hiểu lầm. Làm sao chúng ta có thể chuyển hóa mê lầm thành trí huệ? Đầu tiên, chúng ta cần hiểu mê lầm là gì. Mê lầm là việc nhầm lẫn điều nó không phải là với điều nó là. Nó ngược lại với việc biết điều nó là như nó là. Ở Tây Tạng có một loại thuốc gọi là datura, thứ mà khi bạn uống, sẽ khiến người khác xuất hiện như thể họ có năm mươi cái đầu hay ba mươi tay. Chúng ta biết rằng điều này là không thể trên thế giới này; đây là một ví dụ về sự mê lầm.

 

Bên trong Phật tánh có ba phẩm tính của Thân, Khẩu và Tâm giác ngộ. Phẩm tính bất biến, giống như sự mở rộng của không gian được gọi là thân kim cương. Phẩm tính không ngừng dứt gọi là khẩu kim cương. Phẩm tính không sai lầm, khả năng rõ biết mà không cần tư tưởng, được gọi là tâm kim cương. Ba điều này – thân, khẩu và tâm kim cương – luôn hiện hữu như là bản tánh của mọi hữu tình chúng sinh. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nhận biết điều này.

Mặc dù chúng ta có ba kim cương, chúng ta không biết điều đó, và như vậy tiếp tục trôi lăn trong luân hồi. Mê lầm thông thường che lấp ba kim cương bẩm sinh của chúng ta. Thân vật lý với thịt và máu che lấp thân kim cương. Những từ ngữ và âm thanh chúng ta phát ra, thứ bị gián đoạn và được tạo ra một cách không liên tục, che lấp phẩm tính không ngừng dứt của khẩu kim cương. Và những tư tưởng đến và đi của chúng ta, không ngừng khởi sinh và ngừng dứt từ khoảnh khắc này qua khoảnh khắc khác, ngày qua ngày, đời này sang đời khác, chính xác là thứ che lấp phẩm tính không lầm lỗi của tâm kim cương. Điều thiết yếu bây giờ là nhận biết bản tánh của chúng ta, thay vì trở nên mê lầm như vậy.

 

Bài viết liên quan