CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH, HẠNH - BÀI CA ĐẸP ĐẼ CỦA MARPA DỊCH GIẢ - KHENPO TSULTRIM GYAMTSO RINPOCHE

CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH, HẠNH

BÀI CA ĐẸP ĐẼ CỦA MARPA DỊCH GIẢ - KHENPO TSULTRIM GYAMTSO RINPOCHE

 

Ban Dịch Thuật: Thiện Tri Thức - NXB Thiện Tri Thức  2021

Một khi bạn đã đến chỗ chắc chắn về sự kiện tâm không thể tìm thấy, hãy nghỉ ngơi thư giãn trong xác quyết ấy. Khi làm thế, một kinh nghiệm của sáng tỏ tuyệt diệu, sống động, không thể diễn tả sẽ hiện lên.
CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH, HẠNH - BÀI CA ĐẸP ĐẼ CỦA MARPA DỊCH GIẢ - KHENPO TSULTRIM GYAMTSO RINPOCHE

--o0o--

Cái thấy

Cái thứ nhất của ba cây đinh của cái thấy là hiểu với sự chắc chắn xác quyết rằng mọi xuất hiện bên ngoài đều là tâm. Điều này được hiểu ở hai cấp độ. Ở cấp độ giải thích chung, nó tương ứng với quan kiến Duy Tâm rằng mọi xuất hiện liên hệ với thế giới bên ngoài thực ra là những xuất hiện lầm lẫn sanh khởi từ những khuynh hướng thói quen. Thực tế, không có thế giới “bên ngoài” nào khác hay tách lìa với tâm. Thế nên, tất cả xuất hiện chúng ta tri giác chỉ giống như những xuất hiện trong mộng. Chúng có vẻ ở ngoài và có vẻ được tri giác là những đối tượng hiện hữu tách lìa khỏi chủ thể tri giác, nhưng thật ra nhị nguyên như vậy không hiện hữu. Người tri giác và cái được tri giác cả hai đều là những phóng chiếu của tâm.

Cấp độ giải thích phi thường thuộc về Đại Ấn, bản tánh chân thật của tâm, tinh túy của tâm vốn là tánh Không – sáng tỏ. Ở đây nó được giải thích rằng mọi xuất hiện, bên trong và bên ngoài, là sự phô diễn sáng tạo của sự tỏa sáng vốn có của tâm. Chúng ta phải thấu hiểu rằng bản tánh của tâm không chỉ là tánh Không, cũng không chỉ là thoát khỏi tính khái niệm, vô niệm – mà còn là tánh giác thanh tịnh chính là sự sáng tỏ vốn có của tâm. Milarepa hát rất rõ về sự sáng tỏ này, quang minh này, trong dòng về cái đinh thứ hai của cái thấy.

Như thế, bất cứ cách nào bạn nhìn nó, tâm bao gồm mọi sự: không có cái gì khác với tâm; chỉ có tâm. Khi chúng ta có sự tin chắc không thể lay chuyển vào điều này, chúng ta có thể xem cái đinh thứ nhất này được đóng. Cho đến khi ấy, chúng ta phải giữ công việc đóng nó bằng cách nghe những giáo lý về nó và suy nghĩ về nó trở đi trở lại.

Cái đinh thứ hai là bản tánh tinh túy của tâm là quang minh, tịnh quang. Chúng ta cần phải có sự chắc chắn quyết định về cái này, không có chút nghỉ ngờ nào. Rồi chúng ta sẽ đóng được cái thứ hai này. Nếu chúng ta có bất kỳ nghi ngờ hay ngần ngại về điều này, chúng ta chưa đóng nó. Vẫn còn công việc nghe và suy nghĩ để làm.

 

Bạn có được sự chắc chắn rằng bản tánh của tâm là tịnh quang như thế nào? Bước thứ nhất là thấy rằng khi bạn phân tích tâm, bạn không thể tìm thấy cái gì ở đó. Chẳng hạn những tư tưởng không đến từ đâu và không đi về đâu. Nếu chúng là thật, chúng phải đến từ nơi nào khác với bạn khi bạn kinh nghiệm chúng, nhưng chúng không như vậy! Và bởi vì chúng không đến từ đâu, chúng không đi chỗ nào khác khi chúng đi qua bạn. Thế nên, những tư tưởng là trống không, không đến không đi.

Bạn cũng có thể khảo sát tâm để thấy bạn có thể định vị nó ở đâu. Nó ở trong thân bạn? Ở ngoài? Ở đâu đó chặng giữa? Nếu bạn nói nó ở trong thân, thì ở phần trên hay phần dưới? Bất cứ chỗ nào bạn nhìn trong thân, bạn không thể thấy tâm; bạn chỉ có thể thấy nhiều thứ khác nhau. Thế nên bạn không thể định vị tâm trong thân thì bạn cũng không thể tìm thấy nó ở đâu cả.

Một khi bạn đã đến chỗ chắc chắn về sự kiện tâm không thể tìm thấy, hãy nghỉ ngơi thư giãn trong xác quyết ấy. Khi làm thế, một kinh nghiệm của sáng tỏ tuyệt diệu, sống động, không thể diễn tả sẽ hiện lên.

Đó là bản tánh tịnh quang của tâm.

Cái đinh thứ ba là, trong tịnh quang này, không có cái gì để nhận biết, hiểu biết, hay phân biệt một cách khái niệm – nó vượt khỏi hiểu và biện biệt. Điều này nghĩa là khi bạn không thể tìm thấy cái gì để trụ vào hay bám nắm. Bạn chỉ không tìm thấy cái gì, nhưng đồng thời bạn có sự chắc chắn về tịnh quang. Khi nào chúng ta có khuynh hướng bám nắm nào vào tịnh quang như cái gì thật, dù rất vi tế, thì bấy giờ chúng ta chưa đóng cái đinh chót này. Đây là điểm then chốt – tinh túy của tâm là tánh Không, không thể nắm bắt, và không có cái gì để thấy hay chứng ngộ - thế nên nó là sáng tỏ và tánh Không đồng thời. Sự sáng tỏ là không thể phân biệt hay tách lìa tánh Không – thực sự không có khác biệt, phân biệt nào giữa chúng. Điều này rất khó chứng ngộ. Nếu chúng ta nghĩ bản tánh của tâm là sự sáng tỏ, tức thời chúng ta mất ý nghĩa tánh Không. Khi chúng ta nghĩ bản tánh của tâm là tánh Không, lập tức chúng ta mất ý nghĩa sáng tỏ. Chỉ khi tâm dừng bám nắm, không có bất kỳ hôn trầm hay mê mờ nào, cái đinh thứ ba này mới được đóng.

Khi tất cả ba cái đinh này đã được chứng ngộ hay được đóng hoàn toàn, bấy giờ đây là cái thấy đích thực của Đại Ấn.

 

Thiền định

Cái đinh thứ nhất hay điểm tinh túy của thiền định là “mọi tư tưởng trong pháp thân là giải thoát”. Pháp thân ở đây để chỉ bản tánh tinh túy của tâm, tịnh quang. Nếu bạn có thể an trụ, nghỉ ngơi một cách tự nhiên trong cái thấy của Đại Ấn như đã giải thích, bấy giờ những tư tưởng chỉ đơn giản khởi lên từ tịnh quang và tiêu tan trở lại vào đó, như thế chúng tự - giải thoát, giống như những làn sóng khởi lên từ đại dương và tan trở lại vào đại dương. Đại dương sanh ra sóng, chính là sóng, và hấp thu trở lại sóng mà không hề thay đổi bản tánh nền tảng của nó. Trong cùng cách, tịnh quang sanh khởi những tư tưởng, là bản tánh của những tư tưởng và hấp thu trở lại những tư tưởng vào nó. Nếu trong thiền định của chúng ta, chúng ta còn bị mắc vào trong những tư tưởng khiến chúng có vẻ lọt vào trong tâm và chúng ta muốn vứt bỏ hay thoát khỏi chúng, thì chúng ta còn chưa đóng cái đinh thứ nhất này. Đó là một dấu hiệu rằng thiền định của chúng ta chưa là Đại Ấn. Nếu trong thiền định chúng ta có thể để cho những tư tưởng tiêu tan như tôi vừa diễn tả, bây giờ thiền định của chúng ta sẽ rất mạnh mẽ. Có một thần lực hay năng lực lớn khi có thể làm như vậy.

Cái đinh thứ hai của thiền định là tánh giác, quang minh, và lạc của tâm an trụ là thực sự ba cái tên cho cùng một tinh túy. Khi chúng ta nghĩ đến tâm, đôi khi nó rất tỉnh giác và quang minh, và đôi khi không. Tương tự, đôi khi nó có vẻ hạnh phúc và an lạc, và đôi khi không; đôi khi nó có vẻ hôn trầm và khốn khổ. Tuy nhiên thực ra tâm luôn luôn tỉnh giác, quang minh và lạc, bởi vì ba phẩm tính này chính là tinh túy của nó; chúng không thể tách biệt nhau. Bạn không thể chia tách chúng và nói, “Phần này của tâm tôi là tánh giác, phần này là sáng tỏ và phần này là lạc.” Khi chúng ta tin đầy đủ rằng ba phẩm tính này là không thể phân chia và chúng luôn luôn hiện diện như là bản tánh nền tảng của tâm, bấy giờ cái đinh thứ hai được đóng. Nếu chúng ta còn ngần ngại và nghĩ chúng là những phẩm tính tách lìa, hay tách lìa với cái mà tâm thực sự là, thì bấy giờ chúng ta còn chưa đóng cây đinh thứ hai này.

Cái đinh thứ ba là thiền định chân thực là không cố gắng. Thực sự không có cái gì để làm bởi vì bản tánh chân thật của tâm vốn toàn thiện y như nó là. Nếu bạn còn gian lận bằng cách cố gắng điều khiển tâm bạn hay kinh nghiệm bằng bất cứ cách nào, bấy giờ bạn chưa xong, được cái đinh thứ ba này. Nếu không có cố gắng hay tạo tác giả tạo trong thiền định của bạn, nếu bạn có thể nghỉ ngơi thư giãn không bám chấp hay trụ vào bất cứ cái gì xảy ra, bấy giờ đó là thiền định Đại Ấn chân thật.

 

Hạnh

Cái đinh thứ nhất của Đại Ấn là khi bạn chứng ngộ Đại Ấn, bạn không phải làm bất cứ nỗ lực đặc biệt nào để thực hành những hành động thiện của thân, ngữ và tâm. Chứng ngộ bản tánh chân thật của tâm, Đại Ấn, khiến những hành động của thân, ngữ và tâm tự nhiên tốt lành, bởi vì khi bạn chứng ngộ Đại Ấn, mọi mê mờ của tâm thức biến mất. Tâm bạn là một trạng thái tốt lành và thanh tịnh, bởi thế mọi hành động của thân và ngữ sẽ cũng như vậy. Điều này không chỉ là một trạng thái tốt lành bình thường, nó sẽ là loại trạng thái tốt lành nhất hay hoàn thiện nhất, sanh ra sự tốt lành vô tận.

Chẳng hạn, nếu trong một giấc mộng bạn nhận biết bạn trong mộng bấy giờ bạn dừng bám chấp vào vật như là thật. Bởi thế bạn không có mê mờ và mọi sự bạn làm là hoàn thiện và tốt lành. Thế nên nếu bạn không có lỗi lầm xem sự vật là thật, bấy giờ hạnh của thân, ngữ, tâm của bạn sẽ tự nhiên hoàn thiện.

Cái đinh thứ hai của hạnh là những hành vi nghiệp xấu thì “tự nhiên thanh tịnh trong nền tảng của chúng”. Điều này nghĩa là bởi vì các thiền giả nam nữ chứng ngộ Đại Ấn không cho những sự vật là thật, họ không bao giờ mê mờ, thế nên họ không bao giờ làm những hạnh xấu. Mọi hạnh xấu đều sanh khởi từ mê mờ. Tuy nhiên, khi bạn chứng ngộ Đại Ấn, không còn mê mờ nữa! Thật vậy, bạn nhận biết bản thân mê mờ là thanh tịnh một cách bổn nguyên. Thế nên những trạng thái xấu của tâm được tịnh hóa một cách tự nhiên. Những hành động của thân và ngữ đi theo tâm, nên nếu tâm ở trong một trạng thái tốt lành tự nhiên, bạn không lo gì về cái còn lại, nó cũng đều thanh tịnh tự nhiên.

Chẳng hạn giả sử bạn đang mộng và không nhận biết đó là giấc mộng và người nào làm hại hay thù ghét bạn xuất hiện. Bạn sẽ đi vào những hành vi xấu của thù ghét, sỉ nhục hay ném đá vào họ vân vân. Nhưng nếu bạn thấu hiểu đó chỉ là một giấc mộng, bạn chỉ nghĩ, “Ồ, đây là một giấc mộng”, và không nghĩ đó thật là kẻ thù của bạn, bạn sẽ không làm hành động xấu với thân và ngữ. Nói cách khác, chỉ bằng nhận biết bạn đang mộng, bạn thấy kẻ thù trong mộng ấy chỉ là một xuất hiện không có bản chất. Tương tự, khi chứng ngộ bản tánh chân thực của tâm, sáng tỏ - tánh Không, Đại Ấn, người ta nhận biết rằng mọi xuất hiện khiến sanh ra phiền não và nghiệp xấu chỉ là những xuất hiện. Khi điều này xảy ra, một cách tiềm năng những hành vi xấu chỉ đơn giản xuất hiện từ tịnh quang và tan biến vào nó, không đi đâu cả, không làm gì cả hay không gây hại nào cả.

Khi bạn hoàn toàn chắc chắn rằng mọi hành vi xấu là như thế này, bấy giờ bạn đóng cây đinh thứ hai của hạnh. Nếu đôi khi bạn xem những hành vi xấu là thật và đôi khi không, hay nếu bạn có những nghi ngờ và ngần ngại, nghĩ, “Đây là một việc xấu nếu làm, tôi cần cố gắng tránh nó”, bấy giờ bạn chưa đóng cây đinh này. Theo cái thấy Đại Ấn, người ta không cố gắng từ bỏ những hành vi xấu như thể người làm, hành vi, và đối tượng của hành vi là thật. Thật vậy, cả ba cái này không thật, chúng chỉ là những chế tạo khái niệm. Nên thay vì thế điều người ta cần làm là thiền định về bản tánh của những tư tưởng chế tạo ra ba cái ấy là bản tánh của tịnh quang, và tu tập cái hiểu rằng những xuất hiện của ba cái ấy chỉ là trò phô diễn sáng tạo của sự tỏa sáng vốn có sẵn của tâm. Khi người ta có thể làm hai điều này, tất cả mọi hành vi xấu đều tự - giải thoát — chúng được chứng ngộ là bản tánh của sự thanh tịnh bốn nguyên.

 

Cái đinh thứ ba của hạnh, “những chiến lược tánh Không quang minh không thể chế tạo”, dạy rằng bản tánh chân thật của tâm, sáng tỏ - tánh Không, không phải là cái gì người ta có thể thao tác. Không tốt khi nghĩ, “Phương thuốc cho mê mờ là tánh Không quang minh, thế nên tốt hơn, tôi có được nó hay tạo ra nó”. Không phải làm cái gì như vậy. Sáng tỏ - tánh Không là bất biến; nó là một thực tại bao giờ cũng có mặt. Bất kể bạn làm gì bạn không thể làm hại nó, cũng không thể làm cái gì tốt hơn nó đã vốn là – nó vốn toàn thiện! Khi bạn hoàn toàn chắc chắn điều này và như một kết quả bạn không còn nghĩ cần phải sửa chữa cái mà bản tánh nền tảng đã vốn là, bấy giờ cái đinh này đã được đóng.

Tuy nhiên, có lẽ sanh khởi loại chắc chắn này là điều khó khăn. Đôi khi chúng ta có nhiều đức tin, lòng bi hay sự sắc bén của tâm thức, và những lúc khác chúng ta có vẻ đầy nghi ngờ, tức giận và hôn trầm. Rất khó để tin với đảm bảo rằng tinh túy của tâm không thay đổi chút nào qua những trạng thái ấy. Thậm chí rất khó để hiểu cái đó có nghĩa là gì. Thế nên chúng ta cần suy nghĩ lập đi lập lại về những giáo lý này, và rồi trí huệ biết bản tánh chân thật của tâm sẽ tăng trưởng và sự chắc chắn sẽ sanh khởi.

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan