CHẲNG PHẢI NHÂN DUYÊN - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHẲNG PHẢI NHÂN DUYÊN

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Phải biết tánh thấy minh diệu này chẳng phải nhân chẳng phải duyên, chẳng phải tự nhiên chẳng phải chẳng tự nhiên. Không có cái chẳng phải (phi) và không chẳng phải (bất phi), không có cái tức là (thị) và chẳng phải tức là (phi thị).
CHẲNG PHẢI NHÂN DUYÊN - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

A Nan thưa: Tánh thấy diệu kỳ này chắc chẳng phải là tự nhiên. Nay con phát minh là do nhân duyên sanh, nhưng tâm vẫn còn chưa rõ. Xin hỏi Như Lai nghĩa ấy như thế nào cho hợp với tánh nhân duyên?

Phật bảo: ông nói nhân duyên, ta lại hỏi ông, nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền. Vậy cái thấy này nhân nơi sáng mà có thấy hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi trống không mà có thấy hay nhân nơi ngăn bít mà có thấy?

A Nan nếu nhân nơi sáng mà có thì lẽ ra chẳng thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà có thì lẽ ra chẳng thấy được sáng. Như thế cho đến nhân nơi trống không, nhân nơi ngăn bít thì cũng đồng như nhân nơi sáng và tối.

Lại nữa, A Nan, cái thấy này lại duyên nơi sáng mà có thấy, hay duyên nơi tối mà có thấy? Duyên nơi trống không mà có thấy, hay duyên nơi ngăn bít mà có thấy?

A Nan, nếu duyên nơi trống không mà có, thì lẽ ra không thấy được ngăn bít. Nếu duyên nơi ngăn bít mà có thì lẽ ra không thấy được trống không. Như vậy cho đến duyên nơi sáng, nơi tối, cũng đồng như trống không và ngăn bít.

Tánh thấy không nhân cái gì mà có, cũng không duyên nơi cái gì mà có. Vì nhân duyên thuộc về sanh diệt, mà tánh thấy thì chẳng sanh chẳng diệt, nhân duyên là chia cắt, mà tánh thấy không thể chia cắt.

Chẳng phải tự nhiên, chẳng phải nhân duyên, muốn ngộ ra cái này phải vượt khỏi tâm, ý, ý thức. Nói cách khác, phải tham thiền cho tới lúc tâm, ý, ý thức tạo ra sanh tử và mọi hý luận về nó sụp đổ. Còn có hai chướng phiền não và sở tri thô nặng thì chẳng thể thấy được thực tại hiện tiền này là gì.

Phải biết tánh thấy minh diệu này chẳng phải nhân chẳng phải duyên, chẳng phải tự nhiên chẳng phải chẳng tự nhiên. Không có cái chẳng phải (phi) và không chẳng phải (bất phi), không có cái tức là (thị) và chẳng phải tức là (phi thị).

Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp.

Nay ông làm sao ở trong ấy mà lấy tâm thi thố đem các danh tướng hý luận thế gian phân biệt cho được? Như lấy tay chụp bắt hư không, chỉ thêm tự nhọc, hư không làm sao để cho ông nắm bắt?

Tánh thấy chẳng phải nhân duyên nên “thanh tịnh bản nhiên”. Tánh thấy chẳng phải tự nhiên, nghĩa là chẳng phải một vật có sẳn, nên “toàn khắp pháp giới”.

Thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới nên chẳng phải là tôi hay của tôi, chẳng phải là anh hay của anh. Toàn khắp pháp giới nên chỉ gá vào căn mắt của mỗi người để biểu lộ. Thanh tịnh bản nhiên nên “ánh hiện” ra mọi cái được thấy mà chẳng bị nhiễm ô.

Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp. Không là gì cả mà là tất cả. Một câu kinh này đủ để quán chiếu trọn đời. Bởi vì tùy theo sự quán chiếu sâu cạn khác nhau mà có những cấp độ Bồ tát sâu cạn khác nhau.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan