CHỈ MÊ NGỘ KHÔNG CÓ NHÂN, HẾT MÊ LÀ GIÁC NGỘ, DIỄN NHÃ ĐẠT ĐA

CHỈ MÊ NGỘ KHÔNG CÓ NHÂN, HẾT MÊ LÀ GIÁC NGỘ, DIỄN NHÃ ĐẠT ĐA

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Phật dạy : Tánh diệu giác viên minh, vốn hoàn hảo khắp cả, sáng tỏ, mầu diệu. Thế mà đã gọi là vọng thì làm sao có nhân, nếu có nhân vào đâu thì làm sao gọi là vọng ? Chỉ tự các vọng tưởng xoay vần làm nhân cho nhau, từ cái mê tích chứa thêm mê,...
CHỈ MÊ NGỘ KHÔNG CÓ NHÂN, HẾT MÊ LÀ GIÁC NGỘ, DIỄN NHÃ ĐẠT ĐA

Phú Lâu Na thưa : Chân tâm bảo giác tròn sáng, thanh tịnh mầu diệu của con và của Như Lai tròn đầy sẳn đủ không hai, thế mà con trước kia mắc lấy vọng tưởng từ vô thủy, ở lâu trong luân hồi, nay được sự chỉ dạy của Phật nhưng chưa rốt ráo. Thế Tôn thì tất cả các vọng đều diệt sạch, chỉ còn một chân thường mầu diệu. Xin hỏi Như Lai, tất cả chúng sanh nhân đâu có vọng, tự che lấp tánh diệu minh mà phải chịu chìm đắm như vậy ?

Phật bảo Phú Lâu Na : Ông tuy trừ được nghi, mà các lầm còn sót vẫn chưa hết. Nay ta lại lấy những việc trước mắt trong thế gian mà hỏi ông.

Ông há chẳng nghe trong thành Thất La Phiệt có chàng Diễn Nhã Đạt Đa một buổi sáng lấy cái gương soi mặt, bỗng thích cái đầu trong gương, lông mày và con mắt có thể thấy được, rồi giận trách cái đầu của mình sao không thấy mặt mày, cho đó là yêu quái, không vì cớ gì phát điên cuồng bỏ chạy.

Ý ông thế nào ? Người ấy vì nguyên nhân gì mà vô cớ điên chạy ?

Phú Lâu Na thưa : Đó là tâm người ấy điên cuồng, chứ không có lý do nào khác.

Phật dạy : Tánh diệu giác viên minh, vốn hoàn hảo khắp cả, sáng tỏ, mầu diệu. Thế mà đã gọi là vọng thì làm sao có nhân, nếu có nhân vào đâu thì làm sao gọi là vọng ? Chỉ tự các vọng tưởng xoay vần làm nhân cho nhau, từ cái mê tích chứa thêm mê, trải qua số kiếp nhiều như bụi.

Tuy Phật chỉ rõ ra, vẫn còn chưa thể trở lại. Nguyên nhân của mê chỉ nhân mê mà tự có. Tỉnh ngộ cái mê vốn không nhân, vọng nào có chỗ nương dựa. Còn không có cái gì sanh ra, thì muốn sự diệt nào ?

Chúng sanh là chàng Diễn Nhã Đạt Đa. Mê vọng thứ nhất là không tin mình có mặt mày, không tin mình có bổn lai diện mục, khuôn mặt xưa nay của mình. Từ cái mê vọng đầu tiên đó, một hôm soi gương thấy mặt mày trong gương bèn thích cái đầu trong gương. Nổi giận trách cái đầu của mình sao không thấy mặt mày, rồi tin rằng không có mặt mày là chuyện bình thường. Và rồi nhìn cái mặt mày thấy trong gương này là điều kỳ dị, hẳn là yêu quái, phát điên bỏ chạy. Với sự hiểu biết do phân biệt mê vọng như vậy thì phát điên bỏ chạy là đúng thôi. Cái chính thật là mình thì do nhiều vọng tưởng đối đãi mà hóa ra sợ phát điên bỏ chạy. Thật không có gì khôi hài cho bằng mà cũng không có gì bi đát cho bằng.

Đức Phật chỉ bày rõ ràng để vô hiệu hóa cái mê lầm hư vọng này : cái mê vọng ấy không nhân vào đâu mà có mà lại làm nhân cho nhau để tích chứa thêm mê lầm vọng tưởng. Chỉ cần quan sát cho thấu nguồn tột đáy mê vọng không có nhân, không nhân đâu mà có cả, như hoa đốm giữa không trung, không từng có chỗ sanh ra, thì muốn diệt thế nào. Thấy được thật tướng của hư vọng thì ngay đó hết vọng.

Tánh diệu giác viên minh, vốn hoàn hảo khắp cả, sáng tỏ mầu diệu, trong đó làm gì có mê vọng và nguyên nhân của mê vọng. Cho nên sắc thanh hương vị xúc pháp trước mắt là khuôn mặt xưa nay của chúng ta, vốn hằng hằng thanh tịnh, có dám thấy và dám nhận hay không, hay cho rằng mình không có mặt mày, còn kia là yêu quái.

Người được giác ngộ như người khi thức nói việc trong mộng, tâm dầu sáng suốt nhưng đâu có vì nhân duyên gì để nắm lấy vật trong mộng. Huống là cái mê thấy mọi sự hiện giờ chẳng có nguyên nhân, vốn không chỗ có.

Như chàng Diễn Nhã Đạt Đa trong thành kia, đâu có nhân duyên gì mà tự sờ đầu mình rồi bỏ chạy. Bỗng nhiên hết điên thì cái đầu chẳng phải do ở ngoài mà có. Dầu cho chưa hết điên, cái đầu cũng chẳng hề mất.

Phú Lâu Na, tánh vọng là như vậy, không nhân đâu mà có.

Ông chỉ không theo phân biệt thế gian, nghiệp quả và chúng sanh, ba thứ tương tục ấy. Ba duyên mà đoạn, thì ba nhân chẳng sanh, cái điên cuồng của Diễn Nhã Đạt Đa trong tâm ông liền tự hết. Hết tức là Giác ngộ, cái tâm tuyệt vời sáng tỏ trong sạch, vốn khắp cùng pháp giới, chẳng từ người khác mà được, nào phải nhọc nhằn khẩn thiết tu chứng gì đâu ?

Thế gian, nghiệp quả và chúng sanh tương tục tạo thành sanh tử. Nhưng cả ba đều do vọng tưởng phân biệt điên đảo mà thành. Như những hành động của chàng Diễn Nhã Đạt Đa đều là vọng tưởng phân biệt và những phản ứng của vọng tưởng phân biệt mà thành.

Sanh tử là việc điên cuồng trong mộng, không do đâu, nhân duyên gì mà có. Thấy được là mộng và mộng thì không có tác dụng gì, mộng ấy không có nguyên nhân, căn cứ, bèn là giải thoát. Tu là tin mình đang sống trong mộng, nên không thương ghét, không tạo nghiệp, không thể tạo tác cái gì và cũng chẳng thể phá hủy cái gì. Rồi đưa tất cả giấc mộng đang thấy này trở về cội nguồn ánh sáng tức là tánh Minh Không của nó, bèn là giải thoát khỏi sanh tử như mộng. Khi chứng được như mộng, đó là vô sanh pháp nhẫn.

Mộng là do phân biệt mà có, điên cuồng là do phân biệt mà có. Nhưng phân biệt thì không có nhân, không có căn cứ gốc gác. Thấy được sự không có nhân, không có tự tánh của mộng và điên cuồng, ngay đó liền giải thoát. Bởi xưa nay chỉ là Chân tâm bảo giác tuyệt vời sáng tỏ trong sạch, cùng khắp pháp giới, vốn là giác ngộ, có mộng có điên nào đâu, cho nên khi biết sanh tử là mộng, thì sanh tử trói buộc tự hết, hết tức giác ngộ, mới biết pháp giới vốn giác ngộ xưa nay.

Khi thật biết là mộng thì mọi sự trói buộc và cái đối trị của chúng là sự tu hành nhọc nhằn khẩn thiết chấm dứt vì đều là việc trong mộng. Có lâu dài đến a tăng kỳ kiếp thì cũng là mộng mà thôi.

Ví như người ở trong áo mình buộc một hạt châu như ý mà chẳng tự biết nên phải đi xin ăn lưu lạc phương xa, nghèo khổ đói rách. Tuy nghèo khổ cùng cực nhưng hạt châu không hề mất. Bỗng có người trí chỉ bày cho hạt châu ấy thì chỗ mong cầu đều toại nguyện, trở nên rất giàu có. Mới biết hạt châu thần chẳng phải do ngoài mà được.

Hạt châu như ý Phật tâm này bao trùm cả ba cõi sanh tử, không có cái gì ở ngoài nó, không chỉ sự vật mà cả những ý tưởng, các mong cầu,cả những tư tưởng lan man vô ích. Tất cả đều là Nó, thế thì chẳng phải ‘‘tất cả chỗ mong cầu đều toại nguyện’’ sao? Chẳng phải ‘‘trở nên rất giàu có’’, giàu có đến vô tận sao ?

Hạt châu ánh ra năm màu, đó là năm ấm, ánh ra căn trần thức, bảy đại, tất cả thế gian, không có gì không phải là nó, đó là ‘‘như ý’’, là vô tận tạng của Như Lai tạng.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan