CHỈ NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

CHỈ NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

‘‘Nhân địa pháp hạnh bản khởi của Như Lai và chỗ phát tâm thanh tịnh của Bồ tát, là chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như Lai, đó chính là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh’’. Nhân địa và quả địa ấy là tánh Viên Giác, mà kinh này nói là Như Lai tạng diệu chân như tánh.
CHỈ NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

A Nan và cả đại chúng nghe lời Phật dạy, nghi lầm tiêu trừ, tâm ngộ thật tướng, thân ý khinh an, được sự chưa từng có. Rồi lại rơi nước mắt, đảnh lễ dưới chân Phật, quỳ gối chấp tay mà bạch Phật rằng : Đức Vô Thượng Đại bi, Thanh tịnh Bảo Vương, khéo khai mở tâm chúng con, hay dùng các nhân duyên phương tiện như thế dẫn dắt những kẻ chìm đắm trong tối tăm ra khỏi bể khổ.

Bạch Thế Tôn, nay con tuy được vâng nghe pháp âm như thế, biết Như Lai tạng diệu giác minh tâm cùng khắp mười phương thế giới, trùm chứa các cõi nước bảo nghiêm thanh tịnh của chư Phật mười phương, Như Lai vẫn còn trách con đa văn mà không có công dụng, không kịp thời tu tập. Nay con giống như người long đong phiêu bạt, bỗng được vị thiên vương ban cho cái nhà đẹp. Tuy được ngôi nhà lớn, nhưng cần yếu là phải do cửa mà vào. Cúi mong Như Lai đại bi chỉ cho chúng con và những người còn tăm tối trong hội này, rời bỏ Tiểu thừa, trọn vẹn được con đường bổn nguyên phát tâm vô dư Niết bàn của Như Lai và khiến cho hàng hữu học biết theo đâu nhiếp phục các sự bám níu (phan duyên) lâu đời, được tổng trì đà la ni, nhập tri kiến Phật.

Thưa lời ấy xong, năm vóc gieo xuống đất, trong hội nhất tâm trông chờ ý chỉ từ bi của Phật.

Ngài A Nan mặc dầu đã vào được nhà Như Lai, nhưng vì đại chúng mà hỏi cho rõ cửa vào, làm sao phát được tâm bổn nguyên để đi trên con đường Phật đạo cho đến cuối cùng. Con đường ấy là Pháp thân của chư Phật, làm sao để bước vào Pháp thân ?

Bấy giờ Thế Tôn thương xót hàng Thanh Văn Duyên Giác trong hội chưa được tự tại nơi tâm Giác ngộ và những chúng sanh phát tâm Giác ngộ (tâm Bồ đề) trong thời mạt pháp về sau, khi Phật đã diệt độ, mà khai thị con đường diệu tu hành Vô thượng thừa, tuyên dạy A Nan và đại chúng rằng :

Các ông quyết định phát tâm Bồ đề, đối với diệu Tam ma đề của Như Lai chẳng sanh mệt mỏi, thì trước hết nên rõ hai nghĩa quyết định ở sơ tâm giác ngộ.

Muốn thành Phật thì phải phát tâm Bồ đề hay tâm Giác ngộ. Nói chung, phát tâm Bồ đề là nguyện đạt đến giác ngộ để độ thoát tất cả chúng sanh. Giác ngộ và tất cả chúng sanh đều nằm trong tâm Bồ đề gồm cả trí huệ và đại bi, vấn đề là làm sao phát tâm cho đúng vào con đường, đúng vào nhân địa thành Phật, bởi vì sơ tâm giác ngộ cũng chính là cứu cánh giác ngộ.

Nhân địa hay nền tảng thành Phật này được nói trong phần mở đầu Kinh Viên Giác như sau :

‘‘Nhân địa pháp hạnh bản khởi của Như Lai và chỗ phát tâm thanh tịnh của Bồ tát, là chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như Lai, đó chính là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh’’. Nhân địa và quả địa ấy là tánh Viên Giác, mà kinh này nói là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

Sơ tâm giác ngộ là một với giác ngộ viên mãn. Đây là tánh giác, nền tảng chung của các bậc giác ngộ và tất cả chúng sanh. Đó cũng là nền tảng từ đó xuất sanh căn, trần, thức, các đại. Nền tảng đó là bản tánh Như Lai tạng của tất cả và bao trùm tất cả.

Những phương tiện tu hành, những con đường tu hành, những pháp môn bề ngoài có vẻ khác nhau, đều phát khởi từ nên tảng này, đi trong nền tảng này, và kết thúc nơi nền tảng bao trùm toàn khắp này.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan