VÔ MINH ĐẦU TIÊN - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

VÔ MINH ĐẦU TIÊN

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Thanh tịnh bản nhiên, sao lại bỗng nhiên sanh ra núi sông, trời đất? Chỉ vì một niệm bất giác, liền phân ra chủ thể (năng) và đối tượng (sở). Do đó có ta sanh ra, có người sanh ra, có thế giới sanh ra
VÔ MINH ĐẦU TIÊN - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Phú Lâu Na và các vị A La Hán vô học hết lậu trong hội rằng: Hôm nay Như Lai vì khắp hội này tuyên nói tánh chân thắng nghĩa ở trong thắng nghĩa. Khiến cho ở trong hội, hàng Định tánh Thanh Văn và hết thảy các vị A La Hán chưa đắc ngã không và pháp không, phát tâm hướng về thượng thừa đều được chỗ tu hành chân chánh, đất thật tịch diệt, đạo tràng chân tịnh của Nhất thừa. Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông tuyên nói.

Phú Lâu Na và các vị im lặng cung kính chờ nghe pháp âm Phật.

Phật bảo: Phú Lâu Na, như lời ông nói, thanh tịnh bản nhiên, sao lại bỗng nhiên sanh ra núi sông, đất đai? Ông chẳng thường nghe Như Lai tuyên nói, tánh giác diệu minh, bổn giác minh diệu?

Phú Lâu Na thưa: Bạch Thế Tôn, đúng thế, con thường nghe Phật tuyên nói nghĩa ấy.

Thanh tịnh bản nhiên, sao lại bỗng nhiên sanh ra núi sông, trời đất? Chỉ vì một niệm bất giác, liền phân ra chủ thể (năng) và đối tượng (sở). Do đó có ta sanh ra, có người sanh ra, có thế giới sanh ra. Một niệm quay về ở trong tánh giác thì đâu có cái gì sanh ra, vì xưa nay vẫn là Như Lai tạng diệu chân như tánh vô sanh.

Thấy sanh ra, đó là vô minh tạo ra sanh tử. Thấy vô sanh, ngã không pháp không, đó là đất thật tịch diệt, đạo tràng chân tịnh của Nhất thừa.

Trong phần sau, ở quyển Tám, nói về Bồ tát địa thứ tám, vị đắc Vô sanh pháp nhẫn như sau: “Một tâm Chân Như, gọi là Bất động địa”. Bất động là không còn bị cái động của một niệm bất giác phân chia thành chủ thể và đối tượng, tâm và cảnh, không còn thấy một tâm Chân Như bất động thanh tịnh bản nhiên, sao lại bỗng dưng sanh ra núi sông, trời đất. Một trong những danh từ để chỉ địa này trong Kinh Hoa Nghiêm là Đồng chân địa. Đồng chân là trong trắng, chưa hề bị nhiễm ô bởi cái vô minh phân hai này.

Phật bảo: Ông gọi là giác minh, vì tánh nó là minh nên gọi là giác. Hay vì cái giác có chỗ chẳng minh nên gọi là minh giác (làm sáng cái giác)?

Phú Lâu Na thưa: Nếu có cái chẳng minh nên gọi là cần giác, ắt giác có chỗ chẳng minh. Phật dạy: Nếu không có chỗ để minh (sở minh) thì không có cái minh giác. Có chỗ để minh (sở minh) thì không phải là tánh giác, vì không có chỗ nào chẳng phải là minh. Nếu có chỗ không minh thì lại chẳng phải là tánh giác trong lặng sáng tỏ. Tánh giác hẳn là minh, vọng mà có ra minh giác.

Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu. Giác ở khắp cả, không chỗ nào không giác. Minh ở khắp cả, không chỗ nào không minh. Diệu ở khắp cả, không chỗ nào không diệu.

Thế nhưng vô minh bắt đầu là khi vọng tưởng rằng có một trung tâm là mình, có cái minh ở nơi mình bèn có ngay phía bên kia chẳng minh. Khi đã giành tánh giác về phần mình thì phía bên kia chẳng phải là giác. Cái chẳng phải là giác là minh này là cái ở ngoài ta, là núi sông, đất đai, con người, thế giới, là hữu tình lẫn vô tình.

Có cái năng minh, năng giác bèn có ngay cái sở minh, sở giác. Cái sở minh này được tưởng là không có minh nên cái năng minh cần nỗ lực để minh nó. Cái sở giác này thấy như vô tri nên cái năng minh cần phải tạo tác ra cái giác để giác nó. Càng nỗ lực để minh, để giác thì hố chia cách giả tạo càng thêm lớn. Vô minh lại chồng thêm vô minh. Cho nên không sanh một niệm vô minh bất giác, không sanh một niệm phân chia minh và giác, phân chia năng minh, sở minh và năng giác sở giác thì tất cả là tánh giác minh diệu, núi sông, đất đai… nào có sanh ra. Núi sông, đất đai, con người, thế giới là có mà vô sanh, đó gọi là diệu.

Tánh giác minh diệu như một tấm gương trong đó có núi sông, đất đai, con người, thế giới, như những ảnh hiện. Tất cả những ảnh hiện này không khác và không ngoài tấm gương, cho nên nói là gương sanh là sai mà nói là các bóng tự sanh cũng sai. Chúng hiện nhưng như huyễn, chúng hình như có sanh nhưng thật ra vô sanh. Đại thừa hay dùng chữ Chân Không Diệu Hữu là như vậy.

Có sở minh, sở giác, có chỗ để minh, để giác, khi có chỗ, có một nơi chốn bèn không toàn khắp pháp giới nên hư vọng. Có năng minh, năng giác là có một trung tâm giả tạo mới lập nên bèn mất tánh thanh tịnh bổn nhiên. Không có năng minh và sở minh hư vọng, năng giác và sở giác tạo tác thêm hoa đốm thì đây là tánh giác minh, thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới, chỉ một tâm Chân Như.

Mở mắt mà nhìn, tất cả chỉ là một tánh giác, tánh minh, tánh diệu toàn khắp, còn có chỗ nào cho núi sông, đất đai… đã sanh ra, đang sanh ra hay sẽ sanh ra. Đây là thấy bằng tánh thấy, nghe bằng tánh nghe, giác bằng tánh giác, trong đó vô minh tiêu tan.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan