CHỈ RÕ TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CON MẮT - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHỈ RÕ TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CON MẮT

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Tánh thấy là tấm gương “chân tâm thường trụ” mà mình đang sống, đang dùng mỗi giây mỗi phút đây. Nó không thay đổi, không động, bao giờ cũng chiếu sáng, chẳng hề thiếu hụt. Chính vì không thay đổi, không động nên nó mới thấy được những cái thay đổi, chuyển động. Thế mà không biết, lập ra cái thấy phân biệt rồi chạy theo trần cảnh...
CHỈ RÕ TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CON MẮT - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Khi ấy A Nan cùng tất cả đại chúng đều im lặng, ngơ ngác.

Phật bảo A Nan: Hết thảy những người tu học trong thế gian, hiện tuy thành được chín bậc định thứ lớp mà chẳng được hết lậu thành A La Hán, đều do chấp lấy vọng tưởng sanh tử lầm cho là chân thật. Thế nên ông nay tuy được học rộng nghe nhiều mà chưa thành quả thánh.

Các cấp bậc thiền, từ sơ thiền cho tới phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng nằm trong ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Chỉ có thấy được cái chân thật, cái từ đó ba cõi sanh ra, do đó không lệ thuộc vào ba cõi, thì mới bước vào giải thoát.

Thấy được ba cõi là vọng tưởng sanh tử thì ở trong cái chân thật, và ở trong cái chân thật thì thấy ba cõi là vọng tưởng sanh tử.

A Nan nghe rồi lại đau xót khóc lóc, năm vóc gieo xuống đất, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật: Từ khi con phát tâm xuất gia theo Phật, chỉ ỷ lại vào oai thần của Phật, thường tự nhủ, khỏi phải nhọc nhằn tu hành, Như Lai sẽ ban cho con chánh định (Samadhi) mà chẳng biết thân tâm Phật và con không thể thay thế nhau, bỏ mất bản tâm, tuy thân xuất gia, tâm chẳng nhập đạo, ví như đứa con cùng khổ, bỏ cha trốn đi.

Ngày nay mới biết, dù có đa văn học rộng nghe nhiều nếu chẳng tu hành thì cũng như người chưa được nghe, giống như người nói chuyện ăn, rốt cuộc chẳng no được.

Bạch Thế Tôn, nay chúng con bị hai thứ chướng trói buộc, là do chẳng biết cái tâm tánh vốn thường hằng vắng lặng. Cúi mong Như Lai thương xót kẻ lạc lối cùng đường, khai phát cho cái tâm diệu minh, mở con mắt đạo cho chúng con.

Chúng ta là những đứa con cùng khổ, càng sống thì càng bị hai thứ chướng phiền não và sở tri trói buộc bởi vì không biết được ta là cái gì, sanh ra từ đâu, chết đi về đâu.

Hiện thời chúng ta chỉ sống ở hai cấp độ: các giác quan và cao hơn là ý thức. Hai cấp độ ấy đều nằm trong vô thường, lưu chuyển. Còn cái gì từ đó giác quan và ý thức sanh ra, chúng ta không biết. Cái gì làm nền tảng cho cuộc sống vô thường lưu chuyển của chúng ta ở thế gian này, chúng ta không biết.

Toàn bộ cuốn kinh này là để chúng ta ngộ nhập bản tâm diệu minh của mình, để hết lang thang lạc lỏng. Muốn ngộ nhập nó, phải sử dụng tất cả thân tâm mình, tất cả tài nguyên hiện có của mình: giới, định, huệ, lòng tin, sự khát khao, sự kính trọng và vâng lời đối với Tam Bảo, tinh tấn, kiên trì…Càng có nhiều bao nhiêu thì càng dễ đi và đi nhanh chừng ấy.

Khi ấy từ chữ Vạn ở ngực Như Lai phóng ra ánh sáng báu. Ánh sáng ấy rực rỡ trăm ngàn màu sắc, chiếu khắp đồng thời tất cả thế giới chư Phật mười phương nhiều như số vi trần. Ánh sáng rưới khắp đảnh các Như Lai ở các cõi Phật khắp mười phương, rồi xoay về A Nan và tất cả đại chúng.

Phật bảo A Nan: Nay Như Lai vì ông dựng cờ pháp lớn, cũng khiến tất cả chúng sanh mười phương đạt được tâm tánh tịnh minh vi diệu, được con mắt pháp thanh tịnh.

Đây là lần phóng ánh sáng thứ hai để hiển thị tâm tánh.

Phóng ánh sáng chiếu khắp đồng thời tất cả thế giới chư Phật mười phương hiển bày tâm tính tịnh minh hay tánh thấy thì toàn khắp, không chỗ nào không có. Ánh sáng hay tánh thấy và thế giới thì không hai, tánh và tướng thì không hai.

Ánh sáng rưới khắp đảnh các Như Lai ở các cõi Phật khắp mười phương rồi xoay về A Nan và tất cả đại chúng là trong ánh sáng hay tánh thấy, chư Phật và chúng sanh không hai. Bóng và gương không hai, hãy mở to mắt mà thấy.

A Nan, trước đây ông đã trả lời với ta rằng thấy nắm tay chói sáng. Nắm tay chói sáng ấy do đâu mà có? Làm sao thành nắm tay? Ông lấy cái gì thấy?

A Nan thưa: Do toàn thân Phật như vàng Diêm phù đàn, sáng ngời như núi báu, từ thanh tịnh sanh ra nên có ánh sáng. Quả thật, con lấy mắt mà thấy năm ngón tay Phật nắm lại, đưa ra cho đại chúng xem nên có tướng nắm tay.

Đây là lần khai dẫn thứ ba của Đức Phật, “Ông lấy cái gì để thấy?” Nếu chưa thấy thì dùng ba pháp tu đi sâu vào, vượt khỏi cảnh và con mắt, thì sẽ biết cái gì đang thấy đây.

Chỉ một câu hỏi này mà cứ tìm kiếm, truy nguyên mãi thì có lúc thấy tận mặt cái gì đang thấy này.

Cái thấy toàn thân Phật như vàng ròng, thanh tịnh và sáng ngời, không một chút bụi bặm, không có khe hở nào cho vọng tưởng, đó là tánh thấy.

Phật bảo A Nan: Hôm nay Như Lai chân thật bảo ông: Những người có trí cần lấy thí dụ mà được khai ngộ.

A Nan, ví như nắm tay của ta, nếu không có bàn tay thì không có nắm tay ta. Nếu không có con mắt của ông thì không thành cái thấy của ông. Lấy con mắt của ông so với nắm tay của ta, nghĩa ấy có giống nhau chăng?

A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Nếu không có con mắt của con thì không thành cái thấy của con. Lấy con mắt của con so với nắm tay của Phật, nghĩa của sự ấy giống nhau.

Phật bảo A Nan: Ông nói giống nhau, nghĩa ấy không đúng. Vì sao thế? Nếu người không có bàn tay thì hẳn nhiên không có nắm tay. Còn người không có con mắt, chẳng phải hoàn toàn không có cái thấy. Tại sao như thế? Ông thử ra đường hỏi những người mù mắt: anh có thấy gì chăng? Những người mù mắt chắc sẽ trả lời: Hiện nay trước mắt tôi chỉ thấy tối đen, chứ không thấy gì khác.

Lấy nghĩa ấy mà xét thì tiền trần tự tối chứ cái thấy nào có thiếu kém gì.

Thí dụ là cái gần nhất để nhận ra tánh thấy vốn có sẵn nơi mình.

Bàn tay co lại thành nắm tay, tiền trần có thay đổi, sanh diệt, còn con mắt thấy tiền trần thì không thay đổi theo cảnh.

Cái thấy bao giờ cũng hiện diện, dầu mắt bị hư. Lúc ấy vẫn thấy: thấy tối đen.

Cái thấy không thay đổi theo cảnh, bao giờ cũng thấy. Đi sâu hơn nữa thì tánh thấy thấy qua con mắt cũng không thay đổi theo cảnh tiền trần, và lúc nào cũng hiện diện, lúc nào cũng thấy.

Tánh thấy là tấm gương “chân tâm thường trụ” mà mình đang sống, đang dùng mỗi giây mỗi phút đây. Nó không thay đổi, không động, bao giờ cũng chiếu sáng, chẳng hề thiếu hụt. Chính vì không thay đổi, không động nên nó mới thấy được những cái thay đổi, chuyển động. Thế mà không biết, lập ra cái thấy phân biệt rồi chạy theo trần cảnh như các bóng trong gương có đến có đi, có còn có mất…để oan uổng lưu chuyển trong sanh tử không có thật như hoa giữa hư không.

A Nan thưa: Trước mắt những người mù chỉ thấy tối đen, sao gọi là thấy được?

Phật bảo A Nan: Những người mù không có con mắt chỉ thấy tối đen, so với người có mắt ở trong nhà tối, hai cái tối ấy khác nhau hay không khác?

Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Người có mắt ở trong nhà tối cùng với những người mù, so sánh hai cái tối đen ấy thật không khác nhau.

A Nan, nếu người mù không có mắt, thấy ở trước mắt hoàn toàn tối đen, bỗng nhiên được con mắt sáng thì thấy lại nơi tiền trần đủ mọi loại sắc mà gọi là con mắt thấy; thì người ở trong nhà tối kia, thấy phía trước hoàn toàn tối đen, bỗng được đèn sáng, nên thấy tiền trần đủ mọi loại sắc, lẽ ra phải gọi là cái đèn thấy. Nếu ngọn đèn tự nó thấy được thì không thể gọi là đèn. Lại nữa, nếu đèn thấy thì liên can gì tới ông!

Thế nên phải biết, đèn hiển sáng các sắc, còn cái thấy là mắt chứ không phải đèn. Mắt hiển sáng các sắc, tánh thấy là tâm chứ chẳng phải mắt.

A Nan và đại chúng tuy được nghe lời Phật dạy như vậy nhưng tâm chưa khai ngộ nên miệng vẫn im lặng, còn mong Như Lai từ tâm chỉ bày, nên chắp tay lắng lòng trông chờ Phật thương xót dạy bảo.

Đoạn kinh này cho chúng ta biết tánh thấy gần gủi sít sao với mỗi người chúng ta biết bao nhiêu, gần hơn thân thể, gần hơn con mắt, gần hơn những ý tưởng lăng xăng. Bởi vì tánh thấy chính là ta.

Người mù không có mắt vẫn thấy tối đen. Như vậy, không có mắt vẫn có cái thấy, vẫn có tánh thấy.

Đèn hiển sáng các sắc, nhưng đèn không có cái thấy; mắt hiển sáng các sắc, nhưng tự riêng mắt, mắt cũng chẳng có tánh thấy. Lại nữa, tánh thấy chẳng phải núp sau con mắt. Thế thì tâm, hay tánh thấy, là gì, ở đâu?

Căn và cảnh chỉ là các duyên cho tánh thấy hiển lộ. Tánh thấy hay tâm thì minh diệu. Minh cho nên thấu thoát qua các duyên căn cảnh, không vướng mắc nơi các duyên căn cảnh. Như ánh sáng của gương thấu thoát qua các bóng, không bị ngăn ngại bởi các bóng. Diệu là vẫn hiện diện nơi các duyên căn cảnh, thậm chí không có nó thì không có căn cảnh, nhưng rất khó nhận ra, vì nó có nơi căn cảnh mà không lệ thuộc vào căn cảnh, nghĩa là không ở nơi căn cảnh. Như nơi các bóng chính là gương, nhưng lạc vào các bóng thì khó thấy gương. Các bóng chính là gương nhưng các bóng không phải là gương.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan