CHỈ TÁNH DIỆU MINH LÀ NHƯ LAI TẠNG, LÌA CẢ HAI NGHĨA ‘‘CHẲNG PHẢI’’ VÀ ‘‘TỨC LÀ’’

CHỈ TÁNH DIỆU MINH LÀ NHƯ LAI TẠNG, LÌA CẢ HAI NGHĨA ‘‘CHẲNG PHẢI’’ VÀ ‘‘TỨC LÀ’’

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Toàn thể pháp giới là Như Lai tạng diệu chân như tánh, như cây đàn vi diệu, nhưng không có ngón tay vi diệu thì âm thanh vi diệu chẳng phát ra. Chân tâm bảo giác mỗi người đều sẳn đủ như Phật nhưng không biết nên vụng về chẳng tìm ra diệu dụng.
CHỈ TÁNH DIỆU MINH LÀ NHƯ LAI TẠNG, LÌA CẢ HAI NGHĨA ‘‘CHẲNG PHẢI’’ VÀ ‘‘TỨC LÀ’’

Phú Lâu Na, ông lấy cái sắc, cái không lấn đoạt lẫn nhau trong Như Lai tạng thì Như Lai tạng theo ông mà làm sắc làm không, toàn khắp pháp giới. Thế nên trong đó, gió thì động, hư không thì yên lặng, mặt trời thì sáng, mây che thì tối. Chúng sanh mê muội, trái với giác, hợp với trần, nên phát ra trần lao mà có các tướng thế gian. Ta thì lấy tánh giác diệu minh chẳng sanh chẳng diệt hợp nhất với Như Lai tạng. Như Lai tạng ấy chỉ là tánh diệu giác minh tròn vẹn chiếu khắp pháp giới. Thế nên trong ấy một là vô lượng, vô lượng là một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ, đạo tràng bất động khắp mười phương thế giới. Thân trùm cả mười phương hư không vô tận, nơi đầu một mảy lông thị hiện cõi Phật, ngồi trong vi trần chuyển bánh xe pháp lớn. Diệt trần hợp giác nên tánh Chân Như Diệu Giác sáng tỏ hiện bày.

Nơi chúng sanh, tâm phân biệt tạo thành căn, trần, thức và các đại lấn đoạt lẫn nhau hiện tướng sanh tử trùng trùng. Đó là trái với giác, hợp với trần mà ra nông nổi. Trong Như Lai tạng mà “phát minh” cái sắc, cái không thì Như Lai tạng theo ông mà làm sắc làm không, toàn khắp pháp giới. Còn trong Như Lai tạng mà phát minh tánh giác diệu minh thì tất cả là tánh giác diệu minh. Như Lai tạng là vô ngại, vô ngại với cả sanh tử và Niết bàn. Hãy thấy cho ra nơi cái sắc cái không bản tánh vô ngại ấy. Bậc giác ngộ thì vẫn sống trong cùng một thực tại ấy, nhưng lại trái với trần hợp với giác, chuyển vật tức Như Lai. Nghĩa là lấy tánh Diệu Minh bất sanh bất diệt gồm tất cả vũ trụ này hợp nhất với Như Lai tạng, chuyển tất cả tướng về tánh, để chỉ còn một tánh diệu giác minh tròn vẹn chiếu khắp pháp giới. Chuyển tất cả tướng về ‘‘thật tướng của tất cả các pháp’’, tức là về tánh thì tất cả tướng đều là tánh, tất cả các pháp đều là Chân Như.

Với tâm thức nhiễm ô, cảnh giới của chúng sanh thì ngăn ngại, lấn đoạt lẫn nhau giữa các tướng. Với tâm thức thanh tịnh, các tướng thì vô tự tánh, như huyễn nên vô ngại với nhau. Vô ngại cho đến ở những cấp độ cuối cùng là cảnh giới sự sự vô ngại : ‘‘một là vô lượng, vô lượng là một, trong nhỏ hiện lớn trong lớn hiện nhỏ, đạo tràng bất động khắp mười phương thế giới….nơi đầu một mảy lông thị hiện cõi Phật, ngồi trong vi trần chuyển bánh xe pháp lớn’’.

Kho tàng pháp giới này vẫn thường trụ trước mắt mỗi chúng ta. Hiện bày hay không, và hiện bày đến đâu là do công phu ‘‘diệt trần hợp giác’’ của mỗi chúng ta.

Nhưng Như Lai tạng bổn diệu viên tâm, chẳng phải tâm, chẳng phải hư không, chẳng phải đất, chẳng phải nước, chẳng phải lửa, chẳng phải gió, chẳng phải mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chẳng phải sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng phải nhãn thức giới cho đến chẳng phải ý thức giới, chẳng phải minh, vô minh, chẳng phải hết minh, hết vô minh ; như vậy cho đến chẳng phải lão, chẳng phải tử, chẳng phải hết lão tử, chẳng phải khổ, chẳng phải tập, chẳng phải diệt, chẳng phải đạo, chẳng phải trí, chẳng phải đắc. Chẳng phải bố thí, chẳng phải trì giới, chẳng phải tinh tấn, chẳng phải nhẫn nhục, chẳng phải thiền định, chẳng phải trí huệ, chẳng phải ba la mật đa, như thế cho đến chẳng phải Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, chẳng phải Đại Niết bàn, chẳng phải Thường, chẳng phải Lạc, chẳng phải Ngã, chẳng phải Tịnh.

Do đều chẳng phải pháp thế gian và pháp xuất thế gian nên tức là Như Lai tạng diệu minh nguyên tâm, tức là tâm, tức là không, tức là đất, tức là nước, tức là lửa, tức là gió, tức là mắt tai mũi lưỡi thân ý, tức là sắc thanh hương vị xúc pháp, tức là nhãn thức giới cho đến tức là ý thức giới, tức là minh, vô minh, tức là hết minh, hết vô minh ; như vậy cho đến tức là lão, tức là tử, tức là hết lão tử, tức là khổ, tức là tập, tức là diệt, tức là đạo, tức là trí, tức là đắc, tức là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ, tức là ba la mật đa, như thế cho đến tức là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, tức là Đại Niết bàn, tức là Thường, tức là Lạc, tức là Ngã, tức là Tịnh.

Do đều tức là pháp thế gian và pháp xuất thế gian nên tức là Như Lai tạng diệu minh nguyên tâm, lìa tức là, lìa chẳng phải, là tức là, là chẳng phải.

Làm sao chúng sanh trong ba cõi và hàng Thanh Văn, Duyên Giác xuất thế gian lấy cái tâm có chỗ biết mà đo lường Giác ngộ vô thượng của Như Lai và lấy ngôn ngữ thế gian mà vào được tri kiến Phật.

Như Lai tạng diệu chân như tánh chẳng phải là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Đây là quá trình thiền định và thiền quán đưa mọi tướng về tánh Không, để trực tiếp chứng ngộ tánh Không. Nhưng không phải đi hết quá trình theo thứ tự các pháp thế gian rồi đến các pháp xuất thế gian như vậy. Vì tánh Không, một phương diện của Như Lai tạng, là bản tánh của tất cả mọi sự tướng, nên chỉ cần đi thật sâu vào một sự tướng là chúng ta có thể bắt gặp tánh Không.

Chẳng hạn lão, tử. Đi sâu vào lão hay tử cho đến tận cùng, chúng ta sẽ bắt gặp cái ‘‘chẳng phải lão hay tử’’. Cái chẳng phải ấy là tánh Không. Thế nên chỉ cần đi sâu vào một pháp, thấy thật tướng của nó, liền được giải thoát, tức là giải thoát khỏi cái vọng thấy từ trước đến nay. Chứng ngộ được “chẳng phải” tức là chứng ngộ tánh Không. Nhưng với Đại thừa, tánh Không cũng là tánh Như, do đó thực tại tối hậu mới được gọi là Chân Không Diệu Hữu. Hành giả còn phải thấy cho được mặt kia của tánh Không là tánh Như. Tu chứng mặt nào trước, hay đồng thời một lần cả hai, điều này tùy vào căn cơ và đường lối tu hành của hành giả.

Như một tấm gương, để thấy được tấm gương, phải từ bỏ sự bám chấp vào các bóng. Bóng này chẳng phải gương, bóng kia chẳng phải gương, khi từ bỏ hết mọi bóng, người ta thấy tấm gương. Khi thấy tấm gương tánh Không rồi, người ta nhìn kỹ lại các bóng, bóng nào cũng là gương, đây là tánh Như.

Ở đây chỉ nói về một mặt, một khía cạnh ‘‘tức là’’ hay tánh Như, hay cái ‘‘như thực’’, hay ‘‘thật tế’’ (chữ trong Kinh Đại Bát Nhã), hay ‘‘sự vật đúng như nó là’’….để thấy sự tu hành chỉ là chuyện hằng ngày, rất đời thường chứ chẳng phải là đời sống được che đậy bằng những danh từ, thuật ngữ.

Nhìn một sự vật gì hay một việc gì mà thoát ngoài thương ghét, lấy bỏ, đặt tên, phê phán, binh vực… nghĩa là khách quan hoàn toàn, như một tấm gương không có ta và cái của ta, thì đây là tánh thấy hay là tánh Không, tánh Như. Cái nhẫn rốt ráo của tâm không khởi một niệm này là tánh thấy. Đây cũng là cái nhìn ‘‘chuyển vật’’, nhưng chuyển về tánh Như vô ngã vô pháp của nó, chứ không chuyển để sanh thêm tưởng khác, nhiều vật khác. Cái thấy của các bậc giải thoát và các bậc giác ngộ thì ‘‘lìa tức là, lìa chẳng phải, là tức là, là chẳng phải’’, đó là nơi ‘‘đường ngôn ngữ đứt, chỗ tâm hành diệt’’, cái nhẫn rốt ráo và cũng là sự tự do rốt ráo khắp cả vậy.

Ví như đàn cầm, sắt, không hầu, tỳ bà, tuy có âm thanh vi diệu, mà không có ngón tay vi diệu, rốt cuộc chẳng phát ra được. Ông và chúng sanh cũng như vậy đó. Chân tâm bảo giác mỗi người đều sẳn đủ, thế mà khi ta ấn ngón tay thì hải ấn phát quang, còn các ông vừa mới phát tâm thì trần lao liền nổi.

Do chẳng chuyên cần cầu đạo Vô thượng giác, ưa thích Tiểu thừa, được chút ít đã cho là đủ.

Toàn thể pháp giới là Như Lai tạng diệu chân như tánh, như cây đàn vi diệu, nhưng không có ngón tay vi diệu thì âm thanh vi diệu chẳng phát ra. Chân tâm bảo giác mỗi người đều sẳn đủ như Phật nhưng không biết nên vụng về chẳng tìm ra diệu dụng.

Hải ấn tam muội thường được nói trong Kinh Hoa Nghiêm. Hải ấn là biển lớn mà tất cả các pháp phải in vào để có sự hiện hữu của chúng. Hải ấn là pháp giới như thực. Với người ngộ nhập pháp giới thì chạm vào pháp giới, chạm vào một sắc, một thanh, hương, vị, xúc, pháp thì pháp giới phát quang, hiển bày toàn bộ pháp giới Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Với người tâm thức còn bị trói buộc, khi chạm vào bất cứ cái gì của pháp giới thì trần lao phiền não phát ra. Tâm ấn vào tâm thì hải ấn phát quang, bởi vì có cái gì chẳng phải là Tâm! Khi đã khám phá toàn bộ tấm gương thì soi mặt vào đó bèn thấy tất cả bóng là mình, xưa này nào có ai khác!

Không tu thì làm sao có Tự thọ dụng tam muội để du hý trong biển lớn Phật pháp. Uổng lắm thay!

Và chúng sanh thì tội nghiệp thay, đáng thương xót thay: vừa thấy bất cứ cái gì, đụng vào bất cứ cái gì thì trần lao liền khởi.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan