CHÚNG SANH LANG THANG TRONG SANH TỬ VÌ KHÔNG NHẬN BIẾT DÒNG -PHẬT TÂM - LONGCHEN RABJAM

Chúng sanh đang lang thang trong sanh tử qua mười hai mắt xích nhân duyên. Từ hai cái không giác ngộ khởi lên sự hình thành (tiến trình cuộc sống) trong sanh tử, từ đó khởi lên tiếp nối thức, sanh sắc v.v…. và họ lang thang mãi trong sanh tử vì mười hai nhân duyên tiếp nối nhau không dứt.
CHÚNG SANH LANG THANG TRONG SANH TỬ VÌ KHÔNG NHẬN BIẾT DÒNG -PHẬT TÂM - LONGCHEN RABJAM

PHẬT TÂM - LONGCHEN RABJAM

---*---

CHÚNG SANH LANG THANG TRONG SANH TỬ VÌ KHÔNG NHẬN BIẾT DÒNG

Dù mỗi người đều có dòng bản tánh ấy, họ lang thang trong sanh tử. Tại sao thế ? Những nguyên nhân khiến chúng sanh lang thang trong sanh tử là vì họ không thấu hiểu sự hiện diện của Phật tánh trong bản thân họ và họ nắm bắt tự ngã một cách vô lý ; và những duyên là những nhiễm ô phiền não tương tục, những ảnh hưởng của bạn xấu, sự nghèo nàn và sự tác động bên ngoài. Mahayanasutralamkara nói :

Những kinh nghiệm của nhiễm ô phiền não, sức mạnh của những bạn xấu,
Nghèo nàn và tác động bên ngoài –
Tóm tắt đó là bốn lỗi lầm che ám dòng
Mà con cần phải hiểu.
Od-Rim nói :
Không nhận rõ trí huệ bổn nguyên sáng rỡ,
Tri giác tâm như là “tôi” và bám luyến vào ngã tánh,
Tri giác những đối tượng như là “những cái khác” và bám nắm ngã tánh của chúng,
Bởi vì hai điều này, chúng sanh lang thang trong sanh tử
Và kinh nghiệm đủ thứ hạnh phúc và khổ đau.

SỰ LANG THANG TRONG SANH TỬ PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO

Tâm bổn nguyên vốn là quang minh, tánh không, sự sáng tỏ và trí huệ tự-khởi. Tinh túy của nó là trống không như bầu trời, bản tánh của nó là sự sáng tỏ như mặt trời mặt trăng, sự tỏa chiếu lòng bi của nó là sự khởi lên không dứt như mặt một tấm gương không vết bẩn. Nó là Phật tánh, bản tánh của pháp thân, báo thân và hóa thân, và nó tự do không rơi vào sự nghiêng lệch của sanh tử và niết bàn. Dù vậy, trong trạng thái vốn sẵn đó, những mê lầm phát triển (như sau, bởi vì không thể nghiệm trí huệ tánh giác khởi lên tự nhiên như nó vốn là và những hình tướng xuất hiện như năng lực biểu lộ của trí huệ đó) : Phương diện tinh túy trống không (tánh không) mở rỗng rang cho cửa (hay cơ hội) của sự khởi lên ; từ phương diện của bản tánh sáng tỏ xuất hiện năm ánh sáng tự-khởi như là những đối tượng (do vì không thấu hiểu những ánh sáng là năng lực của trí huệ tánh giác) ; và phương diện trí huệ tánh giác đại bi khởi lên như nhận thức phân tích. Guhyagarbhamayajalatantra nói :

“Lạ lùng thay ! Từ chính trong Phật tánh, những chúng sanh bị mê lầm bởi những ý niệm và nghiệp.”

HAI CÁI KHÔNG GIÁC NGỘ

Vào lúc phóng dật vào những mê lầm, phương diện không thể nghiệm trí huệ (vốn ở nơi mình) được gọi là không giác ngộ bẩm sinh (vô minh câu sanh). Phương diện tri giác những cái tự-được tri giác như là những cái khác được gọi là không giác ngộ tưởng tượng (vọng tưởng). Do không thấu hiểu những tự-xuất hiện của trí huệ khởi lên từ trạng thái tự nhiên, và do bám chấp vào ngã tánh của những cái được tri giác như là những đối tượng, chúng sanh bị mê lầm bởi chúng như là có thế giới bên ngoài và có chúng sanh bên trong với những thân thể cá biệt, từ đó tạo ra sự chín muồi của nghiệp và những thói quen tập khí, và tâm thức với năm độc….

Gốc rễ của mê lầm là không giác ngộ, vô minh. Prajna-paramitasancayagatha nói : “Tất cả chúng sanh trí năng thấp, vừa và cao đều khởi lên từ không giác ngộ, vô minh. Đức Phật nói như vậy.”

Về sự nắm bắt nhị nguyên, điều kiện của mê lầm, Prajna-paramita-astasahasrika nói : “Do nắm bắt “tôi” và “cái của tôi”, chúng sanh lang thang trong sanh tử.”

CHÚNG SANH ĐANG LANG THANG TRONG SANH TỬ NHƯ THẾ NÀO

Chúng sanh đang lang thang trong sanh tử qua mười hai mắt xích nhân duyên. Từ hai cái không giác ngộ khởi lên sự hình thành (tiến trình cuộc sống) trong sanh tử, từ đó khởi lên tiếp nối thức, sanh sắc v.v…. và họ lang thang mãi trong sanh tử vì mười hai nhân duyên tiếp nối nhau không dứt.

TẠI SAO CHÚNG SANH LANG THANG TRONG SANH TỬ

Nếu nghĩ rằng không thể có được khi sự lang thang trong sanh tử lại xảy ra từ Phật tánh, trạng thái bổn nguyên trong đó không hề có sanh tử, như thế là lầm. Dù nước trong sáng, không dơ bẩn, không chướng ngại lại trở thành băng, cứng như đá, do gió mùa đông. Cũng thế, vì sự khởi lên của cái được nắm bắt và người nắm bắt, từ trạng thái bổn nguyên vô sanh những xuất hiện hình tướng như huyễn xuất hiện theo đủ thứ hình dạng như là cứng đặc. Dohakosa-nama-caryagiti nói :

Bị gió thổi và kích động,
Dù nước mềm mại trở thành cứng như đá.
Bị kích động bởi những tư tưởng, những hình tướng không hiện hữu, như mộng huyễn
Trở thành rất cứng đặc và kiên cố.

Trong Tâm có hiện diện trạng thái của Pháp thân, nó là tinh túy thanh tịnh bổn nguyên, được gọi là “nền tảng phổ quát tối hậu của sự hợp nhất”, với những thuộc tính của các sắc thân, những cõi Phật và những trí huệ. Nhưng khi người ta phóng dật khỏi Phật tánh, những thuộc tính này của Phật tánh sẽ bị che ám bởi vì vô minh mê lầm thấy chúng như là cái được nắm bắt và người nắm bắt, bởi thế mà gieo trồng những hạt giống của những thói quen khác nhau như huyễn từ thời vô thủy trong nền tảng phổ quát của tập khí. Sau đó, dựa vào sức mạnh của những thói quen khác nhau, chúng sanh sẽ kinh nghiệm những cõi hạnh phúc hay thấp kém…. Khi lang thang trong sanh tử như trong một giấc mộng, họ nắm bắt những tri giác như là “tôi” và “tự ngã”, trở thành tham dự vào ghét và muốn và năm độc và tích tập nghiệp và những thói quen. Họ trở nên mê lầm không có lý do nào cả và buông lung trong đủ loại bám luyến cho chúng là thật, và họ lang thang liên tục trong vòng những xuất hiện huyễn ảo, ngày đêm không khoảnh khắc nào ngừng. Nhưng sự tương tục chạy đuổi theo sanh tử này không có căn cứ, nền tảng. Thế nên dù họ có vẻ phóng dật khỏi cái vốn tự giải thoát là Phật tánh, họ cũng lang thang với sướng khổ như sự mê lầm của một giấc mộng. Chẳng hạn khi một hoàng tử lang thang trong đường phố, chịu sự mất mát trạng thái làm hoàng tử của mình, dù nó tự nhiên vốn có gia tài được thừa kế của nhà vua, nó cũng tạm thời khốn khổ…. Cũng thế, ngay lúc người ta lang thang vô vọng trong sanh tử, Phật tánh vẫn hiện diện trong tất cả chúng sanh.

SỰ CHỨNG ĐẮC GIẢI THOÁT DO ĐÁNH THỨC DÒNG

Tâm, trí huệ của chư Phật, nó là tinh túy vốn thanh tịnh và bất nhiễm, thì hiện diện một cách bổn nguyên. Qua phương diện biểu lộ của bản tánh quang minh sáng rỡ của tâm (Phật tánh), những thuộc tính của những sắc thân của Phật đã tự nhiên thành tựu. Điều này được giải thích bởi chín thí dụ (trong phần trước). Phương diện tánh không (của tâm quang minh) là những thuộc tính của Pháp thân, nó được giải thích bằng thí dụ hư không trong mọi tantra và kinh. Sự không thể phân (của những xuất hiện hình tướng và tánh không) là “những đức hạnh của bản tánh tối hậu vô thủy” của tất cả mọi hiện tượng. Dù nó được gọi là “dòng hiện diện tự nhiên” bởi vì nó bất biến, và dòng cũng được gọi là “dòng phát triển” bởi vì nó biểu lộ sự phát triển của những đức hạnh do tịnh hóa những nhiễm ô, nguồn gốc của nó là bản thân trí huệ tánh giác tự hữu sáng rỡ. Khi do hoàn thành hai sự tích tập, người ta đánh thức hai dòng, những che ám hai dòng được xóa tan và những đức hạnh của chúng có thể biểu lộ, và cuối cùng người ta có được hai thân với những đức hạnh của chúng. Sáu ba la mật được bao hàm trong hai sự tích tập, vì chúng cũng là hai giai đoạn phát triển và thành tựu…. Ba quán đảnh, cái bình, bí mật và trí huệ, là cho sự hoàn thiện “giai đoạn phát triển”. Thế nên chúng thuộc về sự tích tập công đức, bao gồm quán tưởng những mạn đà la của bổn tôn v.v…. mọi tu hành tâm linh phối hợp với sự ý niệm hóa. Quán đảnh “ngữ” quý báu là cho sự hoàn thiện “giai đoạn thành tựu”. Thế nên nó thuộc về sự tích tập trí huệ, bao gồm tất cả những tham thiền về quang minh sáng ngời và mọi tu hành phối hợp với sự thoát khỏi ý niệm hóa. Bằng cách tu hành hai tích tập này, người ta tịnh hóa những che ám các dòng, và từ dạ con của sự che ám, Phật tánh ở trong chính mình khởi lên như mặt trời từ giữa những đám mây.

 

---*---

Trích “Phật Tâm”

Việt dịch Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức, 2000

Bài viết liên quan