CHÚNG SANH VÀ THẾ GIỚI, CÔNG ĐỨC SÁU CĂN - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHÚNG SANH VÀ THẾ GIỚI, CÔNG ĐỨC SÁU CĂN

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Nay ông nên biết những phương Đông, Tây, Nam, Bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, phương trên, phương dưới là giới. Quá khứ, hiện tại, vị lai là thế. Phương chốn có mười, sự lưu chuyển có ba. Tất cả chúng sanh đan dệt cái hư vọng mà hỗ tương thành lập.
CHÚNG SANH VÀ THẾ GIỚI, CÔNG ĐỨC SÁU CĂN - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

A Nan, thế nào là chúng sanh và thế giới ? Thế là thời gian dời đổi, giới là không gian phương chốn. Nay ông nên biết những phương Đông, Tây, Nam, Bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, phương trên, phương dưới là giới. Quá khứ, hiện tại, vị lai là thế. Phương chốn có mười, sự lưu chuyển có ba. Tất cả chúng sanh đan dệt cái hư vọng mà hỗ tương thành lập.

Sự đổi dời là trong thân, thế (thời gian) và giới (không gian) gắn bó với nhau. Nhưng tính của giới ấy tuy thiết lập ra mười phương mà định vị được rõ ràng thì thế gian chỉ thấy phương đông, tây, nam, bắc; phương trên, phương dưới không có vị trí rõ ràng, ở giữa càng không có chỗ nhất định. Số bốn của giới đã rõ, nhân với số ba của thế, thì ba lần bốn, bốn lần ba, xoay chuyển thành số mười hai. Biến chuyển ba lớp, một chục thành trăm, thành ngàn, thì tổng quát trước sau ở trong sáu căn, mỗi thứ có thể có đến một ngàn hai trăm công đức.

A Nan, trong sáu căn ấy, ông lại xét định hơn kém thế nào ?

Như căn mắt xem thấy phía trước thì sáng, phía sau thì tối, phương trước toàn sáng, phương sau toàn tối, phải trái hai bên, ba phần chỉ được hai. Tóm lại công đức của căn mắt không hoàn toàn, trong ba phần công đức thì một phần không có. Vậy nên biết căn mắt chỉ có tám trăm công đức.

Như căn tai nghe khắp mười phương không sót, động thì như có xa có gần, tĩnh thì không có bờ bến. Vậy nên biết căn tai đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.

Như căn mũi biết ngửi thông cả thở ra thở vào, nhưng còn thiếu khoảng giữa hai hơi thở. Nghiệm xét căn mũi ba phần thiếu một. Vậy nên biết căn mũi chỉ có tám trăm công đức.

Như căn lưỡi tuyên nói đủ các trí thế gian và xuất thế gian. Lời nói có phần hạn, nhưng nghĩa lý thì không cùng tận. Vậy nên biết căn lưỡi đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.

Như căn thân biết xúc chạm, biết các cảm giác dễ chịu và khó chịu. Khi hợp thì biết, khi rời thì không biết. Rời chỉ có một phần, hợp thì có hai phần, nghiệm xét căn thân ba phần thiếu một. Vậy nên biết căn thân chỉ có tám trăm công đức.

Như ý căn lặng chứa tất cả pháp thế gian và xuất thế gian trong mười phương ba đời. Dù phàm hay thánh không có cái gì chẳng bao dung tột cùng bờ mé. Vậy nên biết ý căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.

Thế giới và chúng sanh, thời gian và không gian, đều do vọng tưởng phân biệt ‘‘đan nhau hư vọng mà thành’’. Vọng tưởng phân biệt ấy được ‘‘nhân lên’’, ‘‘biến chuyển nhiều lớp’’ thành ra một thế giới và chúng sanh cứng đặc, nặng đục gọi là sanh tử. Thế giới và chúng sanh ấy đã mất tự do vì đã mất tánh Không, mất ánh sáng vì không còn tánh Minh, mất an lạc, du hý vì đã lìa ngoài tánh Diệu.

Tu hành là trở lại thế giới bổn nguyên, nơi thế giới và chúng sanh là Không, là Minh, là Diệu. Tu hành là an trụ trong tánh thấy, tánh nghe thay vì chạy theo vọng tưởng.

Ở trước vừa nói ‘‘sáu căn đang làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà’’, tại sao ở đây lại nói công dụng của sáu căn bằng từ công đức ? Vì căn vừa có nghiệp cướp bóc, phá gia tài khi chạy theo hiện tượng bên ngoài, nhưng cũng có khả năng đưa các hiện tướng trở lại thành của báu trong nhà.

Đoạn trước, Kinh nói : ‘‘Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, mê mình làm vật, bỏ mất bản tâm, bị vật xoay chuyển, nên ở trong ấy lại xem thấy có lớn nhỏ. Nếu hay chuyển được vật tức đồng Như Lai, thân tâm tròn sáng, đạo tràng bất động, trên đầu một mảy lông có thể ngậm chứa mười phương cõi nước’’.

Công đức thật sự của các căn là chuyển được vật tức đồng Như Lai vậy.

A Nan, nay ông muốn ngược dòng sanh tử ái dục, trở lại chỗ tột cùng gốc rễ lưu chuyển, đến cái không sanh diệt, thì phải xét nghiệm sáu căn đang thọ dụng đây, cái nào là hợp, cái nào là lìa, cái nào sâu, cái nào cạn, cái nào là viên thông, cái nào chẳng viên mãn ?

Nếu ngay nơi đây được căn viên thông, ngược dòng nghiệp đan dệt hư vọng từ vô thủy kia, theo được tánh viên thông, thì so với cái căn không được viên thông, thật là gấp bội, một ngày bằng một kiếp.

Nay ta đã hiển bày đầy đủ số lượng công đức vốn có của sáu căn trong lặng tròn sáng như vậy, tùy ông chọn cho kỹ căn nào có thể nhập, ta sẽ phát minh khiến ông tăng tiến.

Mười phương Như Lai nơi mười tám giới, mỗi mỗi tu hành, đều được Vô thượng Giác ngộ viên mãn. Trong các giới ấy không có chỗ nào hơn kém. Chỉ vì ông có thấp kém, chưa thể viên mãn trí huệ tự tại, nên ta nêu bày khiến cho ông chỉ cần ở nơi một căn mà thâm nhập. Nhập một căn không vọng, cả sáu căn kia cùng lúc thanh tịnh.

Sáu căn đang thọ dụng đây dù đang lưu chuyển theo bên ngoài hay đang ngược dòng về gốc thì luôn luôn hiện hành trên cái không sanh diệt. Chúng chưa bao giờ lìa tánh không sanh không diệt, bao giờ chúng cũng viên thông với cội nguồn tức là cái không sanh diệt. Biết được các căn luôn luôn thông với nguồn tánh, lưu xuất từ nguồn tánh, đó gọi là viên thông, đó gọi là mở nút.

Chính cái biết các căn vốn viên thông với nguồn tánh diệt trừ mọi điên đảo hư vọng. ‘‘Nhập một căn không vọng’’ nghĩa là căn vốn không vọng, vốn viên thông với nguồn tánh, chứng thực được như vậy thì tất cả sáu căn cùng lúc thanh tịnh.

Khi nói một căn không vọng vì viên thông với nguồn tánh nghĩa là các căn là sự biểu lộ của nguồn tánh. Các tướng mà các căn kinh nghiệm cũng là sự biểu lộ mầu diệu của nguồn tánh. Gốc ngọn, đầu cuối đều là tánh : tất cả tướng đều là tánh. Đây chính là sự thanh tịnh toàn khắp ‘‘không có chỗ nào hơn kém’’ của trí huệ tự tại.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan