CÔ ĐƠN CÙNG NHAU - Tác giả: TONI BERNHARD - Dịch giả: Thuý Linh

CÔ ĐƠN CÙNG NHAU

Tác giả: TONI BERNHARD - Dịch giả: Thuý Linh

Nguồn: https://www.lionsroar.com/alone-together/
-------o0o-------

Đức Phật đã nói, bất cứ điều gì bạn “thường xuyên suy nghĩ và nghiền ngẫm đều trở thành khuynh hướng của tâm thức bạn”. Vì vậy, chẳng hạn, mỗi khi bạn phản ứng với nỗi cô đơn bằng lòng bi mẫn, bạn sẽ hướng tâm thức phản ứng theo cách đó vào lần tiếp theo khi bạn cảm thấy cô đơn.
CÔ ĐƠN CÙNG NHAU - Tác giả: TONI BERNHARD - Dịch giả: Thuý Linh

Làm thế nào để chúng ta giảm những khó chịu của nỗi cô đơn và cảm thấy kết nối hơn với những người khác? Toni Bernhard gợi ý cách thực hành theo những giáo lý đạo Phật ưu tú về từ, bi, hỷ và xả..

---o0o---

Toni Bernhard là tác giả của cuốn sách đoạt giải thưởng “Ốm như thế nào: Hướng dẫn lấy cảm hứng từ Phật giáo cho người bị bệnh mãn tính và người chăm sóc họ” và “Thức dậy như thế nào: Hướng dẫn lấy cảm hứng từ Phật giáo để điều chỉnh niềm vui và nỗi buồn”. Cuốn sách mới nhất của bà có tên là “Làm thế nào để Sống tốt với Đau đớn và Bệnh tật Kinh niên: Một Hướng dẫn chánh niệm.” Trước khi bị bệnh, bà là giáo sư luật tại Đại học California - chi nhánh Davis. Blog của bà, “Biến rơm thành vàng” do Psychology Today tổ chức trực tuyến. Trang web của bà: www.tonibernhard.com.

---o0o---

Vào năm 2001, tôi đã mắc phải căn bệnh có vẻ như là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Tôi vẫn chưa hồi phục. Hãy tưởng tượng những cơn đau nhức kèm theo cảm cúm - đó là cảm giác của tôi mỗi ngày, ngay cả khi không bị sốt. Nó đã buộc tôi phải đánh đổi công việc và cuộc sống năng động bên ngoài để có được sự cô lập tương đối, với việc hầu như chỉ ở trong nhà. Vì luôn thích ở một mình, nên tôi đã mất cảnh giác khi nỗi cô đơn đi theo tôi vào cuộc sống mới này. Tôi khao khát có được tình thân từ những người khác và có thể chia sẻ những chuyến phiêu lưu với bạn bè và gia đình. Tôi cũng có ác cảm mạnh mẽ với cảm giác cô đơn mới này và điều đó càng làm tôi thêm đau khổ. Nói chung, đó là một thời kỳ đen tối đối với tôi về cả thể chất lẫn tinh thần.

Trong thời gian đó, tôi đang đọc cuốn tiểu thuyết của Ann Packer, tên là: “Cuộc lặn biển từ bến tàu Clausen”, và bắt gặp đoạn văn này: “Cô đơn thật là buồn cười. Nó gần giống như một người khác. Sau một thời gian, nó sẽ trở thành bầu bạn nếu ta cho phép nó. ” Ngay lập tức, việc thực hành tâm Từ (metta) trong Phật giáo đến với tâm thức tôi. Tâm Từ (Metta) thường được dịch là lòng yêu thương từ ái, nhưng tôi thích cách dịch hiện đại hơn - sự thân thiện. (Đây cũng là cách thể hiện chính xác hơn vì “metta” có nguồn gốc từ chữ “mitta”, có nghĩa là “bạn bè”.) Những lời của Packer gợi ý cho tôi rằng có thể thay đổi phản ứng của mình đối với nỗi cô đơn từ ác cảm sang thân thiện.

---

“Tôi không cần phải yêu thích cảm giác cô đơn, nhưng ghét bỏ chỉ khiến nó siết chặt lấy tôi.”

---

Metta là một trong bốn Tâm Vô Lượng (Brahmaviharas), cùng với tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Các Tâm Vô Lượng được đề cập đến trong một số văn bản Phật giáo thời kỳ đầu, bao gồm Kinh Kalama nổi tiếng, và được gọi với nhiều tên: bốn vô lượng tâm, bốn trạng thái siêu việt, và an trú thiêng liêng. Theo truyền thống, chúng được hiểu như những sự an trụ tâm cao nhất. Tôi coi chúng là “bốn trạng thái rõ biết (tỉnh giác)” và là cốt lõi của những giáo lý của Đức Phật - bốn phương pháp thực hành mà tôi có thể dựa vào để được giúp đỡ bất cứ khi nào gặp khó khăn. Với những lời của Packer như một hướng dẫn ban đầu, tôi phát hiện ra rằng việc trưởng dưỡng một hoặc nhiều Tâm Vô Lượng là một phương thuốc chữa trị cho nỗi cô đơn.

  • Tính thân thiện của tâm Từ (Metta)

Nếu tôi định để nỗi cô đơn “làm bầu bạn”, như Ann Packer đã đề xuất, thay vì liên tục cố gắng ép nó ra khỏi tâm thức, điều này không bao giờ có tác dụng, tôi phải bắt đầu chào đón nó bằng sự cởi mở nồng nhiệt. Điều này để lộ ra một nỗi buồn sâu sắc bên dưới sự chán ghét. Việc cho phép bản thân cảm thấy buồn sẽ làm giảm phản ứng tiêu cực của tôi đối với nỗi cô đơn. Sau một tuần hoặc lâu hơn, thay vì coi nó như kẻ thù, tôi bắt đầu coi nó như một người bạn cũ đã xuất hiện dù không mời mà đến. Cũng như bạn sẽ không quay lưng lại với một người bạn cũ, tôi đã ngừng quay lưng lại với cảm giác cô đơn. Tôi xem nó như một trong vô số cảm xúc đến và đi trong tâm thức. Tôi không cần phải yêu thích cảm giác cô đơn, nhưng ghét bỏ chỉ khiến nó siết chặt lấy tôi. Qua nhiều năm, tôi đã học được rằng việc đối xử với bất kỳ cảm xúc đau đớn nào bằng sự thân thiện sẽ làm mất đi những nỗi khó chịu đi kèm và giảm bớt cường độ của nó.

  • Sự dịu dàng của tâm Bi

Đối xử với nỗi cô đơn bằng sự thân thiện cho thấy rằng tôi đang tự trách mình vì cảm thấy cô đơn, như thể đó là bằng chứng cho sự yếu đuối về tinh thần từ phía tôi. “Bạn không nên cần đến sự đồng hành của những người khác để có được hạnh phúc,” tôi tự giải thích cho chính mình với giọng gay gắt. "Hãy dừng việc suy ngẫm ngu ngốc này lại và làm điều gì đó mang tính xây dựng."

Phương pháp đối liệu cho kiểu tự nói chuyện này là tâm Bi, và là Tâm Vô Lượng thứ hai. Một trái tim bi mẫn đáp lại bằng sự quan tâm và ân cần trước sự hiện diện của những đau khổ. Tự trách bản thân là trái ngược lại với tự yêu thương bản thân. Trong khi trau dồi tâm Từ (metta) đối với cảm giác cô đơn, tôi cũng bắt đầu thay đổi cách tự nói với mình những lời trách móc thành những lời cảm thương: “Toni yêu mến - không phải lỗi của bạn khi bạn trở thành người hầu như chỉ ở trong nhà. Tất nhiên, bạn rất buồn về nhiều thay đổi mà nó dẫn đến, bao gồm cả sự cô lập với những người khác. Hãy đối xử tốt với bản thân như thể bạn đối với một người thân yêu đã đến với mình để giúp bạn vơi đi nỗi cô đơn ”. Nói những lời từ bi thấu hiểu bản thân mình theo cách này giúp giảm bớt sự than thân trách phận.

Một thực hành bi mẫn đặc biệt mạnh mẽ khi đối mặt với nỗi cô đơn là tonglen, đến từ truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Tonglen là phương pháp thực hành hai - cho - một vì bạn đồng thời nuôi dưỡng tâm bi cho bản thân và cho người khác. Đây là cách nó vận hành. Khi hít vào, hãy hít vào đau khổ của người khác. Khi thở ra, hãy thở ra bất cứ sự tử tế, từ bi và bình an nào mà bạn có thể trao tặng.

Tôi thực hành tonglen bất cứ khi nào cô bạn cũ có tên là cô đơn của mình đến thăm. Những chuyến thăm này có xu hướng trùng với những sự kiện mà tôi không thể tham gia. Một năm, gia đình tôi tụ họp tại nhà của chúng tôi trong kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày. Tôi dành phần lớn thời gian trong phòng ngủ của mình, lắng nghe những âm thanh của tiếng cười phát ra từ phía trước của ngôi nhà. Tiếng cười càng to, nỗi cô đơn của tôi càng trở nên dữ dội hơn. Sau đó, tôi nhớ đến thực hành tonglen. Tôi hít vào nỗi buồn của tất cả mọi người trên thế giới, những người quá ốm đau hoặc quá đau đớn để có thể ở bên gia đình trong một dịp đặc biệt. Sau đó, tôi tập hợp bất cứ lòng tốt, lòng trắc ẩn và sự bình yên nào mà tôi có trong mình và, ngay khi thở ra, tôi gửi nó đến tất cả những người đó. Khi làm điều này, tôi cũng đang gửi những trạng thái tâm trí nhẹ nhàng đó cho chính mình bởi vì tôi là một trong những người ấy.

Một lý do mà tonglen là một phương pháp thực hành có sức mạnh như vậy là nó kết nối bạn với mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới. Giống như nhiều người khác, tôi có xu hướng chỉ tập trung vào những rắc rối của riêng mình. Trong chuyến họp mặt gia đình vừa kể trên này, tôi đã hành động như thể tôi là người duy nhất trên thế giới cô đơn. Mở lòng với những người khác đang đau khổ đã đưa tôi ra khỏi suy nghĩ tập trung vào bản thân mình.

  • Niềm vui đồng cảm của tâm Hỷ (Mudita)

Tâm Hỷ (Mudita) là Tâm Vô Lượng thứ ba. Tâm Hỷ (niềm vui đồng cảm) đến với bạn do bởi sự cảm thông là khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác. Khi bạn thực hành mudita, bạn rèn luyện cảm giác vui vẻ hoan hỉ dành cho những ai đang cảm thấy hạnh phúc.

Tôi đã nhắc đến ở trên rằng cô đơn là một cảm xúc phức tạp, thường đi kèm với sự tự trách bản thân. Nó cũng thường đi kèm với sự oán giận. Một vài năm trước, cả gia đình tôi đã đi du lịch từ những vùng khác nhau của California đến Disneyland để có thể dành cả ngày cùng nhau. Có tám người hiện tại trong gia đình chúng tôi, nhưng chỉ bảy người có thể tham gia chuyến đi đặc biệt này.

---

“Cuộc sống luôn là một sự trộn lẫn của những trải nghiệm thú vị và khó chịu.”

---

Sau khi học cách trau dồi sự thân thiện (tâm Từ) và lòng bi mẫn (tâm Bi) mỗi khi cô đơn ghé thăm, tôi nghĩ mình đã làm hòa với cô bạn cũ này. Trong khi gia đình tôi tụ tập ở Disneyland, tôi dự định sẽ dành một ngày yên tĩnh ở nhà, tận hưởng nỗi cô đơn. Vì vậy, tôi đã rất ngạc nhiên khi mới bắt đầu không chỉ cảm thấy cô đơn mà còn là “cô đơn tức giận”. Không mất nhiều thời gian để tôi nhận ra rằng cơn giận dữ này bắt nguồn từ sự phẫn uất. “Thật không công bằng khi họ đang tụ tập vui chơi còn tôi thì không được,” tôi cứ lặp đi lặp lại.

Để giảm bớt đau khổ của mình, tôi quyết định tập trung vào thực hành tonglen. Tôi hít vào sự đau khổ của những ai phải ở nhà trong khi gia đình và bạn bè được đi chơi vui vẻ. Điều này có tác dụng, nhưng "nỗi cô đơn tức giận" vẫn còn, vì vậy tôi chuyển sang tâm hỷ, niềm vui đồng cảm. Tôi nghĩ về khoảng thời gian vui vẻ mà họ đang có bằng cách hình dung ra cảnh họ vui vẻ bên nhau và đi những chuyến đi mà tôi yêu thích. Phải mất thời gian, nhưng cuối cùng nỗi cô đơn và tức giận của tôi cũng giảm bớt và tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc cho họ. Sau đó, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Tôi bắt đầu cảm thấy như thể họ đang ở Disneyland là để cho tôi. Đột nhiên, tôi không chỉ cảm thấy hạnh phúc cho họ; bản thân tôi cũng thấy hạnh phúc, nỗi cô đơn và tức giận tan biến.

  • An lạc của tâm Xả (sự bình đẳng)

Bình đẳng là Tâm Vô Lượng thứ tư. Nó đề cập đến một tâm trí định tĩnh và an lạc trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả khi có những cảm xúc đau đớn. Sau khi rèn luyện tâm Từ - tính thân thiện, tâm Bi (lòng bi mẫn) và tâm Xả (niềm vui cảm thông), việc trau dồi sự bình đẳng đã đưa đến may mắn nhân đôi cho tôi khi đối mặt với nỗi cô đơn. Tôi bắt đầu bằng cách nhắc nhở tâm thức về chân lý cao quý đầu tiên, trong đó Đức Phật đã đưa ra một danh sách những trải nghiệm đau đớn mà mọi người có thể mong đợi gặp phải vào một thời điểm nào đó trong đời. Ít nhất hai mục trong danh sách đó liên quan đến nỗi cô đơn: nhận được những gì chúng ta không muốn (cảm giác cô đơn) và đánh mất những gì chúng ta trân trọng (tình thân của những người khác). Để làm hòa với những trải nghiệm khó chịu và đau đớn này, tôi đã tìm đến tâm Xả (sự bình đẳng).

Tôi bắt đầu bằng cách nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống luôn là một hỗn hợp của những trải nghiệm thú vị và khó chịu. Danh sách những trải nghiệm đau khổ của Đức Phật cho tôi biết rằng cảm giác cô đơn cũng không sao bởi vì những trải nghiệm khó chịu đi kèm với những hoàn cảnh sống của con người. Điều này có nghĩa là cô đơn không phải là do một số khiếm khuyết trong tính cách của tôi; khi các hoàn cảnh sống của tôi đã chín muồi để nó xuất hiện, nên nó đã xảy ra. Khi tôi chấp nhận mà không có ác cảm rằng không phải lúc nào tôi cũng có thể đạt được điều mình muốn hoặc cảm thấy theo cách mình muốn, trái tim tôi đã mở ra và tạo không gian cho nỗi cô đơn. Sau đó, tôi bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi cảm xúc khó chịu này cho đến khi nó qua đi.

Tôi không bao giờ biết khi nào nỗi cô đơn sẽ ghé thăm. Tuy nhiên, tôi biết rằng liều thuốc tốt nhất cho nó là thực hành bất kỳ Tâm Vô Lượng nào phù hợp với hoàn cảnh gây ra nỗi cô đơn. Tin tốt lành là mỗi khi bạn cam kết thực hành một Tâm Vô Lượng, nó sẽ đến một cách tự nhiên hơn. Như Đức Phật đã nói, bất cứ điều gì bạn “thường xuyên suy nghĩ và nghiền ngẫm đều trở thành khuynh hướng của tâm thức bạn”. Vì vậy, chẳng hạn, mỗi khi bạn phản ứng với nỗi cô đơn bằng lòng bi mẫn, bạn sẽ hướng tâm thức phản ứng theo cách đó vào lần tiếp theo khi bạn cảm thấy cô đơn. Với sự thực hành tận tâm, tâm Từ (sự thân thiện), tâm Bi (lòng bi mẫn), tâm Hỷ (niềm vui cảm thông) và tâm Xả (sự bình đẳng) có thể trở thành phản ứng tự nhiên của bạn đối với cảm xúc đau đớn này. Điều này đã đúng trong cuộc sống của tôi và tôi tin rằng nó có thể đúng với cuộc sống của bạn.

-------o0o-------

 

Bài viết liên quan