CÓ THỂ NHẬN RA VÔ MINH NHƯNG KHÔNG THỂ NHẬN RA GIÁC NGỘ - SRI NISARGADATTA MAHARAJ – TA LÀ CÁI ĐÓ

CÓ THỂ NHẬN RA VÔ MINH NHƯNG KHÔNG THỂ NHẬN RA GIÁC NGỘ

SRI NISARGADATTA MAHARAJ – TA LÀ CÁI ĐÓ

---o0o---

Hỏi: Thuyết giáo của ông chẳng có gì thay đổi, năm nào cũng thế. Hình như không có tiến triển nào trong những gì ông nói với chúng tôi. Maharaj: Người đau ốm trong bệnh viện được chữa trị và bình phục. Chữa trị là công việc lập đi lập lại một cách đều đặn, hầu như chẳng có gì thay đổi, nhưng sức khỏe thì không như thế. Thuyết giảng của Ta có thể lập đi lập lại một cách...
CÓ THỂ NHẬN RA VÔ MINH NHƯNG KHÔNG THỂ NHẬN RA GIÁC NGỘ - SRI NISARGADATTA MAHARAJ – TA LÀ CÁI ĐÓ

Hỏi: Thuyết giáo của ông chẳng có gì thay đổi, năm nào cũng thế. Hình như không có tiến triển nào trong những gì ông nói với chúng tôi.

Maharaj: Người đau ốm trong bệnh viện được chữa trị và bình phục. Chữa trị là công việc lập đi lập lại một cách đều đặn, hầu như chẳng có gì thay đổi, nhưng sức khỏe thì không như thế. Thuyết giảng của Ta có thể lập đi lập lại một cách đều đặn, nhưng kết quả của nó lúc nào cũng mới đối với từng người.

H: Giác ngộ là gì? Ai là người giác ngộ? Bằng chỉ dấu nào để nhận ra một Gnani?

M: Giác ngộ không hề có một chỉ dấu khác biệt nào. Chỉ có thể nhận ra vô minh, nhưng không thể nhận ra giác ngộ. Người giác ngộ cũng không tự nhận là một cái gì đặc biệt. Tất cả những ai tuyên bố về sự vĩ đại và tính độc nhất của mình đều không phải là Gnani. Họ nhầm lẫn một sự phát triển khác thường nào đó với giác ngộ. Gnani không có khuynh hướng tự nhận mình là một người giác ngộ. Người giác ngộ xem mình hoàn toàn bình thường, đúng với bản tánh chơn thật của chính mình. Tự xưng mình là một thần linh có quyền năng vô hạn, thông suốt mọi sự và hiện hữu khắp nơi là một biểu hiện rõ ràng của vô minh.

H: Liệu Gnani có thể truyền đạt kinh nghiệm của mình cho một kẻ vô minh? Liệu sự giác ngộ có thể được trao truyền từ người này sang người khác?

M: Có thể chứ. Lời dạy của Gnani có công năng xóa bỏ vô minh và sự tăm tối trong tâm. Lời dạy không quan trọng, nhưng công năng đằng sau lời dạy mới quan trọng.

H: Công năng đó là gì?

M: Công năng của sự tin tưởng, dựa trên sự giác ngộ cá nhân, và chứng nghiệm trực tiếp của chính mình.

H: Một số vị giác ngộ nói rằng phải đạt được, chứ không thể cho. Một người chỉ có thể dạy, nhưng học lại thuộc về riêng mỗi người.

M: Thì cũng thế thôi.

H: Có rất nhiều người tập luyện Yoga trong nhiều năm nhưng không có kết quả. Điều gì có thể là nguyên nhân thất bại của họ?

M: Một số người quá say mê với những trạng thái xuất thần, với ý thức trong tình trạng trống vắng. Nếu không ý thức trọn vẹn thì làm sao có thể có tiến bộ?

H: Rất nhiều người tu tập pháp định Samadhi. Trong Samadhi ý thức rất mãnh liệt, nhưng họ vẫn không đạt kết quả gì.

M: Họ mong đợi những kết quả gì? Vì sao giác ngộ lại là kết quả của một cái gì đó? Cái này đưa đến cái kia, nhưng sự giác ngộ không phải là một cái gì đó bị ràng buộc bởi các tương quan nhân quả. Giác ngộ hoàn toàn ở mọi tương quan nhân quả. Nó ở ngay trong cái Ta. Hành giả Yogi biết rất nhiều điều kỳ diệu, nhưng không biết gì về cái Ta. Người giác ngộ trông rất bình thường và cảm thấy rất bình thường, nhưng biết rất rõ cái Ta.

H: Có rất nhiều người cố gắng một cách tha thiết để hiểu rõ chính mình, nhưng kết quả rất hiếm. Cái gì có thể là nguyên nhân?

M: Họ chưa truy tìm nguồn gốc của sự hiểu biết một cách đúng mức, họ chưa thực sự biết rõ cảm thọ, cảm xúc và ý nghĩ của chính mình. Điều này có thể là một nguyên nhân của sự trì trệ. Nguyên nhân khác: một số tham ái vẫn còn.

H: Tiến bộ hay thoái bộ trong tu tập là điều tất nhiên. Người tìm đạo nhiệt thành vẫn gắng sức đi tới bất chấp mọi chướng ngại. Bậc giác ngộ có thể giúp gì cho một người tìm đạo như thế?

M: Nếu tha thiết, người đi tìm có thể nhận được ánh sáng. Ánh sáng dành cho tất cả và luôn luôn có đó, nhưng người đi tìm thì chẳng có bao nhiêu, và trong số ít người đó những người sẵn sàng lại càng hiếm hoi. Sự chín mùi của trái tim và tâm thức là vô cùng cần thiết.

H: Sự giác ngộ của ông do tinh tấn mà có, hay do công đức của Tôn sư?

M: Giáo pháp là của Tôn sư, tín tâm là của Ta. Tín tâm của Ta đối với Tôn sư làm cho Ta tin lời ngài là đúng thật, Ta đi sâu vào lời ngài nói, sống lời ngài nói, và bằng cách đó Ta đã nhận ra cái Ta là. Con người và lời lẽ của Tôn sư làm cho Ta tin tưởng, và tín tâm của Ta đem lại kết quả.

H: Liệu một Đạo sư có thể trao truyền sự giác ngộ mà không cần đến ngôn từ, tín tâm; như ngay bây giờ, không có một sự chuẩn bị nào?

M: Được chứ, nhưng người nhận đâu? Ông biết đó, Ta rất tương cảm với Tôn sư, Ta tin tưởng ngài đến độ chỉ còn lại rất ít đề kháng trong Ta, nên tất cả đã diễn ra thật dễ dàng và chóng vánh. Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế. Sự lười biếng và bất an thường gây chướng ngại cho đến khi được phát hiện và loại trừ, sự tiến bộ diễn ra rất chậm chạp. Tất cả những người chứng ngộ ngay tại chỗ, chỉ bằng một cái chạm nhẹ, một cái nhìn hay một ý nghĩ, đều là những người đã chín mùi. Những trường hợp như thế thật hi hữu. Đa số cần thời gian để chín mùi. Sadhana làm cho sự chín mùi nhanh hơn.

H: Điều gì làm cho một người chín mùi? Yếu tố gây chín mùi là gì?

M: Dĩ nhiên là sự thành khẩn, một người phải thực sự khao khát. Xét cho cùng, người giác ngộ là người thành khẩn nhất. Dù làm bất cứ gì người giác ngộ đều làm một cách trọn vẹn, không hạn chế mà cũng không dè dặt. Lòng trung thực sẽ đưa ông đến thực tại.

H: Ông có yêu thương thế gian này không?

M: Khi bị đau đớn, ông khóc. Vì sao thế? Vì ông yêu thương chính ông. Đừng giam hãm tình yêu của ông bằng cách giới hạn nó với thân xác; hãy để nó rộng mở. Lúc đó nó sẽ trở thành tình yêu thương tất cả. Khi tất cả mọi sự nhận dạng hư giả về cái Ta bị quẳng đi, cái gì còn lại là tình yêu bao trùm tất cả. Hãy loại bỏ mọi ý tưởng về chính ông, ngay cả ý tưởng ông là Thượng đế. Không một định nghĩa nào về cái Ta là có giá trị.

H: Tôi chán ngấy những hứa hẹn. Tôi ngao ngán chuyện tu tập vì chỉ làm tôi mất thì giờ và công sức mà chẳng được gì. Tôi muốn thực tại ngay đây và bây giờ. Có thể được chăng?

M: Dĩ nhiên là được, miễn là ông thực sự nhàm chán tất cả mọi thứ, kể cả những pháp môn tu tập của ông. Khi ông chẳng mong cầu gì ở thế giới, ở Thượng đế, khi ông không muốn gì, không tìm kiếm gì, không mong đợi gì thì Thực tại Tối thượng sẽ đến với ông mà chẳng cần mời mọc, và thật bất ngờ!

H: Nếu một người bận rộn với đời sống gia đình, và những chuyện thế gian, nhưng tu tập nghiêm túc như được chỉ dạy trong kinh sách, liệu người đó có đạt được kết quả không?

M: Sẽ đạt được kết quả, nhưng người đó sẽ bị kết quả trói buộc như một tổ kén.

H: Nhiều bậc thánh nhân bảo rằng khi một người đã chín mùi và sẵn sàng thì sẽ giác ngộ. Những gì các vị đó nói có thể là sự thật, nhưng chẳng ích lợi gì nhiều. Phải có một con đường thoát ra, không tùy thuộc vào sự chín mùi, tức là cần đến thời gian; cũng không tùy thuộc vào sự tu tập, tức là cần đến tinh tấn.

M: Không thể gọi đó là một con đường, nó gần như là một diệu thuật thì đúng hơn. Mà thậm chí cũng không phải thế. Hãy ở trong trạng thái rộng mở và yên lặng, chỉ thế thôi. Cái mà ông tìm kiếm kề cận với ông đến nỗi không thể có chỗ cho một con đường.

H: Có rất nhiều người vô minh trên thế gian này, còn những bậc giác ngộ chẳng có bao nhiêu. Vì sao vậy?

M: Đừng bận tâm đến tha nhân, mà hãy quan tâm đến chính ông. Chỉ cần biết ông hiện hữu. Đừng bận tâm đến danh xưng, chỉ hiện hữu. Bất cứ danh xưng hay hình tướng nào mà ông gán cho chính mình đều ngăn che bản tánh chơn thật của ông.

H: Tại sao lại ngưng tìm kiếm trước khi giác ngộ?

M: Mong cầu chân lý là mong cầu cao thượng nhất trong các mong cầu, nhưng nó vẫn là một sự mong cầu. Tất cả mọi mong cầu phải được buông bỏ để cho cái thật hiện hữu. Hãy nhớ rằng ông hiện hữu. Đó là vốn luân chuyển của ông. Hãy xoay cái vốn đó, rất nhiều lãi sẽ sinh ra.

H: Vì sao lại có sự tìm kiếm?

M: Đời là một sự tìm kiếm, người ta không thể không tìm kiếm. Khi tất cả mọi sự tìm kiếm chấm dứt, đó là Trạng thái Tối thượng.

H: Vì sao Trạng thái Tối thượng đến và đi?

M: Trạng thái Tối thượng không đến, không đi. Nó hiện hữu.

H: Ông nói từ chứng nghiệm của chính ông?

M: Dĩ nhiên. Đó là một trạng thái phi thời, thường tại.

H: Với tôi nó đến và đi, với ông thì không. Vì sao có sự khác biệt này?

M: Có thể là Ta không còn ham muốn. Hoặc là sự ham muốn cái Tối Thượng của ông chưa đủ mãnh liệt. Chắc hẳn là ông sẽ cảm thấy tuyệt vọng khi tâm ở ngoài tầm với.

H: Tôi phấn đấu suốt đời nhưng chẳng đạt được bao nhiêu. Tôi đọc. Tôi nghe. Tất cả đều vô ích.

M: Nghe và đọc đã trở thành một thói quen với ông.

H: Tôi cũng bỏ rồi. Bây giờ tôi không đọc nữa.

M: Cái mà ông đã bỏ thì bây giờ không còn quan trọng. Cái gì mà ông chưa bỏ? Tìm ra cái đó và bỏ nó đi. Tu tập – Sadhana – là tìm cái để buông bỏ. Hãy buông bỏ cho đến khi ông hoàn toàn rỗng rang.

H: Làm sao một kẻ vô minh lại có thể mong cầu trí tuệ? Một người cần biết đối tượng của sự mong cầu để mong cầu. Khi cái Tối thượng là cái không thể biết thì làm sao nó có thể được mong cầu?

M: Con người chín mùi một cách tự nhiên và trở nên sẵn sàng cho sự giác ngộ.

H: Nhưng yếu tố làm cho chín mùi là gì?

M: Nhớ rõ chính mình, sự biết rõ cái “Ta hiện hữu” làm cho người ta chín mùi rất mãnh liệt và nhanh chóng. Hãy từ bỏ tất cả những ý tưởng về chính ông, chỉ đơn thuần hiện hữu.

H: Tôi chán ngán tất cả những pháp môn và phương tiện, những diệu thuật, kỹ xảo, và tất cả những trò nhào lộn của tâm. Có cách nào cảm nhận thực tại một cách trực tiếp và tức thời?

M: Ngưng dùng đến tâm của ông rồi xem chuyện gì xảy ra. Làm điều duy nhất này một cách rốt ráo. Tất cả chỉ có thế.

H: Lúc còn trẻ, tôi đã từng có những kinh nghiệm lạ lùng – thoáng qua nhưng có thể nhớ được – về không, chỉ không, nhưng hoàn toàn ý thức. Nhưng điều nguy hiểm là sự mong muốn tái tạo lại từ ký ức những khoảng khắc đã qua đi.

M: Tất cả chỉ là tưởng tượng. Trong ánh sáng của ý thức đủ mọi chuyện xảy ra, một người không cần phải cho chuyện gì đó là quan trọng đặc biệt. Cảnh trí của một đóa hoa cũng kỳ diệu như linh ảnh của Thượng đế. Cứ để kệ mọi chuyện như chúng là. Việc gì phải ghi nhớ rồi biến ký ức thành phiền não? Đừng để ý đến chúng, đừng phân chia thành cao, thấp, trong, ngoài, thường và vô thường. Vượt ra khỏi chúng, trở về với nguồn gốc, đến với cái Ta không bao giờ thay đổi, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Chỗ yếu của ông là ông tin rằng ông đã được sinh ra vào thế giới. Trong thực tế thế giới luôn luôn được tái tạo trong ông và bởi ông. Hãy thấy được tất cả mọi thứ đều xuất phát từ ánh sáng, tức cội nguồn hiện hữu của chính ông. Trong ánh sáng đó ông sẽ tìm thấy tình yêu và năng lượng vô tận.

H: Nếu tôi là ánh sáng đó, tại sao tôi không biết?

M: Muốn biết, ông cần một cái tâm biết, một cái tâm có khả năng biết. Nhưng tâm ông lúc nào cũng chạy, không bao giờ tĩnh lặng, không bao giờ phản chiếu đầy đủ. Làm sao ông thấy được mặt trăng với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy khi mắt ông bị bệnh tật ngăn che?

H: Liệu chúng ta có thể bảo rằng mặt trời tạo ra cái bóng, nhưng một người không thể nhìn thấy mặt trời trong cái bóng. Người ấy phải quay lại.

M: Một lần nữa, ông lại đề cập đến bộ ba: mặt trời, thân và bóng. Trong thực tế không hề có một sự phân chia như thế. Những gì Ta đang nói chẳng liên quan gì đến nhị nguyên hay tam nguyên. Đừng hình dung và ngôn từ hóa. Chỉ thấy và hiện hữu.

H: Tôi có phải thấy, để là?

M: Thấy cái ông là. Đừng hỏi ai khác, đừng để người khác bảo ông về chính ông. Hãy nhìn vào trong và thấy. Tất cả các đạo sư chỉ có thể nói với ông là như thế. Chẳng cần phải tìm cầu hết đạo sư này đến đạo sư khác. Tất cả các giếng đều có cùng một thứ nước. Ông chỉ cần lấy nước từ giếng nào gần nhất. Trường hợp Ta, nước ở trong Ta, và Ta là nước.

---o0o---

Trích: “Ta Là Cái Đó”

Tác giả: Sri NisargadatTa Maharaj

Người dịch: Vũ Toàn

NXB Phương Đông - 2008

Ảnh: nguồn Internet

 

Bài viết liên quan