CÕI TRỜI SẮC GIỚI - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CÕI TRỜI SẮC GIỚI

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Những cõi trời ở trên luôn luôn có ở thế gian này, vì đó là một trạng thái của tâm thức, dầu cảnh trước mắt có như thế nào. Tâm ấy “chỗ dính líu không còn, khéo thấy mười phương thế giới thảy đều lặng trong, nhập vào cái vô biên”.
CÕI TRỜI SẮC GIỚI - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan, tất cả những người tu tâm trong thế gian, nếu không nhờ Thiền na thì không có trí huệ.

Người có thể giữ cái thân không làm việc dâm dục, khi đi khi ngồi đều không tưởng nhớ, ái nhiễm chẳng sanh thì không còn ở trong Dục giới. Người ấy liền được bản thân làm Phạm chúng. Một hạng như vậy gọi là Phạm chúng thiên.

Tập quán ái dục đã trừ, tâm ly dục hiện ra, đối với các luật nghi thì yêu thích tùy thuận. Người ấy liền có thể thực hành Phạm đức. Một hạng như vậy gọi là Phạm phụ thiên.

Thân tâm hoàn hảo, oai nghi chẳng thiếu, cấm giới trong sạch, lại có thêm trí sáng, người ấy liền có thể thống lãnh Phạm chúng, làm Đại Phạm thiên.

A Nan, ba hạng tốt ấy, tất cả khổ não không thể bức bách. Tuy không phải chánh tu chân Tam ma địa mà trong tâm thanh tịnh các lậu của dục giới chẳng động, gọi là Sơ thiền.

A Nan, kế đó là hàng Phạm thiên thống nhiếp Phạm chúng, tròn đầy Phạm hạnh, lóng tâm chẳng động, trong lặng sanh ra ánh sáng. Một hạng như vậy gọi là Thiểu quang thiên.

Ánh sáng soi nhau, chiếu sáng vô tận rọi mười phương, khắp hết thành lưu ly. Một hạng như vậy gọi là Vô lượng quang thiên.

Nắm giữ ánh sáng tròn đủ tạo thành giáo thể, phát ra sự giáo hóa thanh tịnh, ứng dụng không cùng. Một hạng như vậy gọi là Quang âm thiên.

A Nan, ba hạng tốt ấy, tất cả lo buồn không dính dáng bức bách được. Tuy không phải là chánh tu chân tam ma địa mà trong tâm thanh tịnh các lậu thô đã dẹp xuống gọi là Nhị thiền.

A Nan, loài trời như thế ánh sáng tròn vẹn thì thành âm thanh giáo hóa, lộ bày sự mầu diệu, phát thành hạnh tinh thuần, tiếp thông với cái lạc tịch diệt. Một hạng như vậy gọi là Thiểu tịnh thiên.

Trống rỗng, thanh tịnh hiện tiền, dẫn phát không bờ bến, thân tâm khinh an, thành cái lạc tịch diệt. Một hạng như vậy gọi là Vô thượng tịnh thiên.

Thân tâm, thế giới tất cả đều tròn vẹn sáng sạch, tịnh đức thành tựu, cảnh giới thù thắng nương nơi hiện tiền, trở về cái lạc tịch diệt. Một hạng như vậy gọi là Biến tịnh thiên.

A Nan, ba loại tốt ấy đầy đủ đại tùy thuận, thân tâm an ổn, được lạc vô lượng. Tuy chẳng phải chánh đắc chân tam ma địa, mà trong tâm an ổn, hoan hỷ đầy đủ, gọi là Tam thiền.    

A Nan, kế đó, loài trời thân tâm không còn bị bức bách, nhân khổ đã hết nhưng cái lạc chẳng thường trụ, lâu rồi cũng tiêu hoại. Bởi thế cả hai tâm khổ lạc đồng thời chóng bỏ. Những tướng thô nặng diệt mất, tánh phước thanh tịnh sanh ra. Một hạng như vậy gọi là Phước sanh thiên.

Tâm xả viên dung, sự hiểu biết thù thắng thanh tịnh, trong cái phước không gì che đậy ấy, được tùy thuận mầu diệu cùng tột vị lai. Một hạng như vậy, gọi là Phước ái thiên.

A Nan, từ cõi trời đó có hai con đường tẻ: nếu dùng cái tâm tịnh quang vô lượng, phước đức tròn sáng, tu chứng mà an trụ. Một hạng như vậy gọi là Quảng quả thiên.

Nếu nơi tâm trước kia chán lìa cả khổ và lạc, tinh cần nghiên cứu tâm xả tương tục không gián đoạn, đến tột sự xả bỏ, thân tâm đều diệt, ý nghĩ ngưng bặt, trải qua năm trăm kiếp. Người ấy đã lấy cái sanh diệt làm nhân nên chẳng thể phát minh tánh chẳng sanh chẳng diệt, nên nửa kiếp đầu diệt, nửa kiếp sau lại sanh. Một hạng như thế gọi là Vô tưởng thiên.

A Nan, bốn loại tốt ấy, tất cả cảnh khổ vui của thế gian chẳng thể làm lay động. Tuy chẳng phải địa bất động chân thật vô vi, song tâm có sở đắc công dụng thuần thục, gọi là Tứ thiền.        
 

Con đường Phật giáo là Giới, Định, Huệ, trong đó Huệ là quan trọng nhất cho giải thoát và giác ngộ, bởi vì Huệ mới phá tan phiền não mà được hết các lậu.

Xưa cũng như nay, có người tu định trước rồi mới tu huệ, cũng có người đi chưa đến tứ thiền nhưng đã đi vào huệ. Trong thời Đức Phật, có người chưa tu định nhưng chỉ nghe Đức Phật thuyết pháp liền đắc một trong bốn quả thánh.

Những cõi trời nằm trong ba cõi sanh tử là kết quả (quả báo) của việc tu giới và định. Giới và định càng cao càng vi tế thì được lên cõi trời càng cao càng vi tế.

Sơ thiền là tầm, tứ, hỷ, lạc, định. Tầm là hướng tâm đến đối tượng. Tứ là giữ tâm trên đối tượng. Vì còn tầm và tứ, là ý thức còn mạnh cho nên hỷ, lạc, định chưa sâu.

“Tất cả khổ não không thể bức bách, trí sáng, tâm thanh tịnh, trong đó các lậu của dục giới chẳng động”. Có ba cõi trời tương ưng với Sơ thiền, tuy nhiên đây không phải là chánh tu chân Tam ma địa, vì chỉ có định, không có quán, nghĩa là không có huệ.

Nhị thiền là hỷ, lạc, định. Ánh sáng phát sanh mạnh hơn, tạo thành sự giáo hóa thanh tịnh. Các lậu thô đã dẹp xuống. Có ba cõi tương ưng với nhị thiền, đều có tên là ánh sáng.

Tam thiền là lạc, định. Vượt qua hỷ ở nhị thiền, trú xả. Thân tâm thế giới đều tròn vẹn sáng sạch, tương ưng với cái lạc, nhưng chẳng phải chánh đắc chân Tam ma địa.

Tứ thiền là từ bỏ lạc và khổ, xả niệm thanh tịnh, chỉ còn định.          

 

Bốn thiền này là những trạng thái cao cấp của tâm thức, đặc trưng bằng 1/ Không có tư tưởng, định, thanh tịnh, 2/ Lạc, và 3/ Ánh sáng. Tuy như vậy, nhưng vẫn chưa phải là chánh đắc chân tam ma địa. Chân tam ma địa là tam ma địa kim cương như huyễn, hợp nhất định (kim cương) và quán (như huyễn). Bốn thiền chỉ đi sâu vào định mà thiếu quán, tức là quán thấy tánh Không để giải thoát và giác ngộ. Cho nên các lậu “đã dẹp xuống, nhân khổ đã hết nhưng cái lạc chẳng thường trụ, chưa thể phát minh tánh chẳng sanh chẳng diệt”. “Tất cả cảnh khổ vui của thế gian chẳng thể làm lay động, nhưng chẳng phải là địa bất động (địa thứ tám)” để giải thoát.

Như ở tứ thiền Quảng quả thiên, “dùng cái tâm tịnh quang vô lượng, phước đức tròn sáng, tu chứng mà an trụ”, thì ở những Tantra cao nhất, hành giả khi đạt đến tâm tịnh quang này bèn dùng nó để quán tánh Không ở mức độ vi tế nhất hầu đưa hành giả đến giải thoát giác ngộ.

Đạo Phật là Giới, Định, Huệ. Huệ là do quán tánh Không, thấy trực tiếp được tánh Không và chứng ngộ tánh Không, do đó mà giải thoát. Tánh Không là sự vô tự tánh của các pháp, của các cõi Dục giới và các cõi Sắc giới, nên ở đâu hành giả cũng có thể quán tánh Không, ở đâu cũng có thể giải thoát.

 

NGŨ TỊNH CƯ THIÊN

 

A Nan, trong đây lại có năm Bất hoàn thiên, các vị này đã diệt hết tập khí chín phẩm ở cõi dưới, khổ vui đều mất, bên dưới không còn chỗ ở, nên an lập chỗ ở nơi chúng đồng phận của tâm xả.

A Nan, khổ vui cả hai đều diệt, tâm tranh đấu chẳng còn dính líu. Một hạng như thế gọi là Vô phiền thiên.

Thênh thang độc hành, chỗ dính líu không còn. Một hạng như vậy gọi là Vô nhiệt thiên.

Khéo thấy mười phương thế giới thảy đều lặng trong, không còn mọi cấu nhiễm nặng nề của trần cảnh. Một hạng như vậy gọi là Thiện kiến thiên.

Cái thấy trong suốt hiện tiền, rèn luyện không ngăn ngại. Một hạng như vậy gọi là Thiện hiện thiên.

Quán thấy rốt ráo các cực vi, cùng tột tánh của sắc pháp, nhập vào cái vô biên. Một loài như vậy gọi là Sắc cứu cánh thiên.

A Nan, những bậc Bất hoàn thiên ấy, bốn vị Thiên vương Tứ thiền chỉ được kính nghe, nhưng không thể thấy biết. Như hiện nay ở thế gian có đạo tràng của các thánh nơi rừng sâu đồng rộng là chỗ trụ trì của các vị A La Hán nhưng những người thô thiển của thế gian chẳng thể thấy biết.

A Nan, mười tám cõi trời đó, độc hành không giao thiệp, nhưng chưa hết cái lụy của hình sắc. Từ đây trở lại gọi là Sắc giới.

 

Dục giới có tham, sân, mạn, vô minh, chia thành chín phẩm. Sắc giới có tham, mạn, vô minh, ở mỗi thiền trong tứ thiền đều có chín phẩm. Vô sắc giới có tham, mạn, vô minh; bốn thiền của vô sắc giới mỗi thiền có chín phẩm. Đoạn hết tập khí ở 81 phẩm này thì đắc quả A La Hán.

Bất hoàn thiên là đã đoạn hết tập khí của Dục giới, xả niệm thanh tịnh, “bên dưới không còn chỗ ở”. Các vị Bất hoàn thiên không chỉ tu định trong tứ thiền, mà còn quán để nhổ sạch tập khí cho nên đắc quả thứ ba A Na Hàm trong bốn quả Thanh Văn. A Na Hàm dịch là Bất lai, không trở lại dục giới.

Cả năm Bất hoàn thiên đều lấy sự đoạn trừ tập khí làm chính và do đó đắc thấy biết tánh Không, được giải thoát ở quả thứ ba A Na Hàm. Như kinh Đại Bát Nhã nói, muốn đắc bốn quả Thanh Văn và Độc Giác thì phải tu trí huệ tánh Không, muốn đắc các địa Bồ tát cho đến quả Phật thì phải tu trí huệ tánh Không.

Cái định của tứ thiền là tốt nhất, với sự quán chiếu của trí huệ ở trong định ấy có thể giải quyết mọi sự trong Phật giáo.

Những cõi trời ở trên luôn luôn có ở thế gian này, vì đó là một trạng thái của tâm thức, dầu cảnh trước mắt có như thế nào. Tâm ấy “chỗ dính líu không còn, khéo thấy mười phương thế giới thảy đều lặng trong, nhập vào cái vô biên”.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan