CỘT KHĂN ĐỂ CHỈ CHỖ THĂT NÚT VÀ CÁCH MỞ NÚT- KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CỘT KHĂN ĐỂ CHỈ CHỖ THĂT NÚT VÀ CÁCH MỞ NÚT

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Tánh giác xưa nay vẫn là tánh giác, đâu phải vì có các căn mà chẳng phải là tánh giác nữa, hay vì có các căn mà thành tăng thành giảm, thành dơ thành sạch, thành sanh thành diệt?
CỘT KHĂN ĐỂ CHỈ CHỖ THĂT NÚT VÀ CÁCH MỞ NÚT- KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

Lúc ấy A Nan và đại chúng được nghe lời từ bi vô thượng của Như Lai, kệ trùng tụng tinh túy, diệu lý thấu triệt, mắt tâm mở sáng, tán thán là pháp chưa từng có.

A Nan chấp tay đảnh lễ và bạch Phật rằng: Nay con nghe Phật đại bi rộng mở dạy cho những pháp cú về tánh chân thật thanh tịnh diệu thường, nhưng tâm còn chưa thấu rõ thứ lớp mở nút của việc ‘sáu mở một mất’. Cúi xin Phật rủ lòng đại bi thương xót hội này và đời tương lai, ban cho pháp âm để rửa sạch những cấu nhiễm nặng nề của chúng con.

Liền khi ấy, Như Lai nơi tòa sư tử, sửa áo Niết bàn tăng và vén áo Tăng già lê vịn ghế thất bảo đưa tay lấy cái khăn hoa trên ghế do trời Dạ Ma dâng cúng. Rồi ở trước đại chúng cột thành một nút, đưa cho A Nan xem và nói: Cái này gọi là gì?

A Nan và đại chúng đều bạch Phật: Cái ấy gọi lànút.

Lúc ấy Như Lai lại cột khăn hoa thành một nút nữavà hỏi A Nan: Cái này gọi là gì?

A Nan và đại chúng đều bạch Phật: Cái này cũng gọi là nút.

Phật tuần tự cột khăn hoa như vậy tất cả thành sáu nút. Mỗi khi cột xong một nút đều lấy cái nút vừa cột xong trong tay đưa hỏi A Nan, cái này gọi là gì? A Nan
 

và đại chúng cũng tuần tự đáp lời Phật hỏi, cái ấy gọi là nút.

Phật bảo A Nan: Khi ta mới cột khăn thì ông gọi là nút. Cái khăn này trước thật chỉ một cái, cớ sao lần thứ hai, lần thứ ba, ông cũng gọi là nút?

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, cái khăn thêu hoa quý báu này tuy vốn một thể, nhưng con suy nghĩ Như Lai cột mỗi lần thì được gọi là một nút, nếu cột một trăm lần thì rốt phải gọi là trăm nút, huống gì cái khăn này chỉ có sáu nút, chẳng lên đến bảy và cũng không dừng ở năm. Sao Như Lai chỉ cho cái đầu tiên là nút, còn cái thứ hai, thứ ba thì không gọi là nút?

Phật bảo A Nan: Cái khăn hoa báu này, ông biết nó vốn chỉ là một cái, đến khi ta cột sáu lần thì ông gọi là sáu nút. Ông hãy xem xét kỹ, thể của cái khăn này là đồng, nhân cái nút mà có khác. Ý ông thế nào? Cột nút đầu tiên thì gọi là nút thứ nhất, như vậy cho đến cột lần thứ sáu thì gọi là sáu nút, nay ta muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất có được không?

Bạch Thế Tôn, không được. Cả sáu nút này mà còn, thì cái thứ sáu rốt cuộc không phải là cái thứ nhất. Dù cho con có biện giải suốt đời cũng không thể làm cho sáu nút đổi tên được.

Phật dạy: Đúng thế, sáu nút chẳng đồng nhau, xét theo bản nhân là nơi một cái khăn tạo ra, nhưng rốt cuộc không thể làm cho sáu nút tạp loạn lẫn nhau. Sáu căn ông cũng lại như vậy, trong cái rốt ráo đồng, sanh ra rốt ráo khác.
 

Phật bảo A Nan: Hẳn ông muốn sáu nút chẳng thành và mong chỉ nguyên một thể thì phải làm sao?

A Nan thưa: Nếu còn những nút này thì phải trái lung tung, trong đó tự sanh ra nút này không phải nút kia, nút kia không phải nút này. Nếu giờ đây, Như Lai cởi bỏ tất cả, các thắt nút chẳng sanh, ắt là không có đây kia. Còn chẳng có cái gọi là một, thì sáu làm sao mà thành?

Phật dạy: Sáu mở một mất cũng lại như vậy.

Do từ vô thủy, tâm ông cuồng loạn mà cái thấy biết vọng phát. Cái vọng phát sanh chẳng ngừng làm mệt mỏi cái thấy biết mà phát sanh trần tướng, như con mắt mệt thì thấy hoa đốm lăng xăng.

Trong tánh trong lặng sáng suốt không nhân gì mà loạn khởi tất cả thế gian, núi sông, đất đai, sanh tử, Niết bàn…hết thảy đều là những tướng hoa đốm điên đảo do mệt mỏi sanh cuồng.

 

Cái khăn hoa ví dụ cho tánh giác vốn sẳn, do sự bám giữ từ xa xưa mà thắt thành sáu nút, tức là sáu căn. Cái khăn vốn một thể, nhưng từ khi có nút thì chỉ gọi là nút thứ nhất, nút thứ hai, nút thứ ba. Chăm chú vào các nút thắt, chỉ sống nơi các nút thắt, thành ra quên đi cái khăn trước kia đã có. Cái khăn vẫn là cái khăn, tại sao thắt nút rồi thì gọi là nút, không phải vẫn là khăn đó sao?

Tánh giác xưa nay vẫn là tánh giác, đâu phải vì có các căn mà chẳng phải là tánh giác nữa, hay vì có các căn mà thành tăng thành giảm, thành dơ thành sạch, thành sanh thành diệt?

Từ cái mê mờ phân biệt ban đầu, bèn trong cái rốt ráo đồng thành ra cái rốt ráo khác. Do sự khác nhau của các nút, các căn, sanh ra sự khác biệt, phải trái, mâu thuẫn lẫn nhau. Mắt không theo tai, tai không theo ý, sự khác nhau phân mảnh này chính là khổ đau của thế gian.

Nếu tháo mở tất cả sáu nút thắt thì một còn chẳng có huống là có sáu. Tháo mở được tức là giải thoát, nhưng làm sao tháo mở cả sáu nút? Làm sao sáu nút chẳng thành để chỉ nguyên một cái khăn hoa?

Tháo mở nút là tháo mở sự bám giữ thâm căn cố đế nơi các căn chứ không phải phá hủy các căn. Khi thấy nút cũng là cái khăn, có tất cả những tính chất của khăn, chỉ khác là nhỏ hẹp hơn và hình thức bị cuộn lại mà thôi, thì chúng ta thấy nơi căn cũng cùng một ánh sáng cội nguồn, cũng cùng một tánh thấy tánh nghe đã bị giới hạn lại, thậm chí bị khúc xạ. Thế nghĩa là nơi căn, tánh thấy, tánh nghe vẫn hiển bày, chỉ cần không bám giữ thì nút mở toang, tất cả suốt thông từ tánh cho đến căn đến trần cảnh.

 

A Nan thưa: Cái bệnh mệt mỏi sanh cuồng loạn ấy giống như các nút, làm sao cởi bỏ (giải trừ)?

Như Lai dùng tay cầm cái khăn có cột nút, kéo mối bên trái rồi hỏi A Nan: Như thế này mở có được không?_ Bạch Thế Tôn, không thể.

Phật lại dùng tay kéo mối bên phải rồi hỏi A Nan: Như thế này có mở được không_ Bạch Thế Tôn, không thể.

Phật bảo A Nan: Nay ta dùng tay kéo mối bên phải, bên trái mà rốt cuộc chẳng mở được, vậy ông dùng các nào để mở ra?

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, phải mở ngay nơi trung tâm của nút thì tan rã ngay.

Phật bảo A Nan: Đúng vậy, đúng vậy. Nếu muốn hết nút, phải mở ngay nơi trung tâm nút.

 

Nơi trung tâm của nút, của căn là mối nút để mở. Nơi trung tâm của nút, của căn là vô tự tánh, là tánh Không. Sự thắt nút, thắt căn là sự bám giữ vào ngã và pháp hư vọng.

Ở ngay trung tâm của căn mà không có sự bám giữ ngã pháp, không nghiêng lệch về phải về trái, thì ngay nơi đó căn tức là tánh giác Minh Không. Đây là Thiền. Còn an trụ nơi tánh Không của trung tâm căn là Chỉ. Quán thấy căn và tất cả đối tượng của căn, đều vô tự tánh, như huyễn, đây là Quán.

Thiền, Chỉ, Quán là phương tiện để mở nút

 

A Nan, ta nói Phật pháp từ nhân duyên sanh, chẳng phải chấp lấy tướng hòa hợp thô thiển theo thế gian. Như Lai phát minh các pháp thế gian và xuất thế gian, biết rõ bổn nhân của chúng theo duyên gì mà có ra. Như vậy cho đến một hạt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết số mục. Hiện tiền các thứ, cây tùng thẳng, cây gai cong, chim hạc trắng, chim quạ đen, đều rõ nguyên do.

 

Bổn nhân là tánh giác. Đây là nền tảng phát sanh các pháp thế gian và xuất thế gian. Duyên nhiễm ô thì thành ‘‘các pháp thế gian, núi sông, đất đai, sanh tử, Niết bàn….hết thảy đều là những tướng hoa đốm do mệt mỏi sanh cuồng’’. Không có duyên nhiễm ô thì ‘‘thanh tịnh bản lai, toàn khắp pháp giới’’.

Với bậc giác ngộ thì các duyên khiến có sự khác biệt trong vũ trụ, duyên ấy là vô tự tánh, là tánh Không, nên khác biệt mà vẫn không có khác biệt, có mà vẫn là không có, vẫn giải thoát. Với chúng sanh thì thấy khác biệt, chấp bám khác biệt, cho đó là thật, mà thành ra sanh tử.

Có các duyên khác biệt nên có hạt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cho đến các vật hiện tiền, cây tùng thẳng, cây gai cong, chim hạc trắng, chim quạ đen….tất cả đều biết vì đều nằm trong pháp giới thể tánh trí, hay căn bản trí hay vô phân biệt trí. Nằm trong ấy thì đều bình đẳng vì đều là nền tảng tánh Không, nhưng vẫn thấy biết sự sai biệt vì có sai biệt trí hay hậu đắc trí.

Vừa thấy cái đồng nhất của tất cả mọi sự, tức là tánh Không, vừa thấy tướng khác biệt của tất cả mọi sự, điều này trở nên hoàn toàn ở một Đức Phật.

‘‘Hiện tiền các thứ, cây tùng thẳng, cây gai cong, chim hạc trắng, chim quạ đen’’, đó chẳng phải là khuôn mặt xưa nay, trí huệ bổn nguyên của chúng ta đấy sao ?
 

Thế nên, A Nan, tùy nơi tâm ông mà chọn lựa trong sáu căn, nếu trừ được cái nút nơi căn ấy rồi thì trần tướng tự diệt, các vọng tiêu mất, chẳng phải chân đó sao ?

A Nan, nay ta lại hỏi ông : Cái khăn hoa này hiện có sáu nút, có thể cùng một lúc mở ra tất cả để trừ bỏ hết được không ?

Bạch Thế Tôn, không thể. Những nút ấy vốn theo thứ lớp cột lại mà sanh, thì nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút ấy tuy là đồng thể, nhưng cột lại không đồng thời, thì khi cởi nút, làm sao cùng một lúc mà trừ bỏ hết được?

Phật bảo: Cởi trừ sáu căn cũng lại như vậy. Căn ấy khi mới mở, trước được nhân Không, đến khi tánh Không tròn sáng thì giải thoát pháp chấp. Giải thoát khỏi pháp chấp rồi, thì cả hai nhân không và pháp không đều chẳng sanh. Đó gọi là Bồ tát do Tam ma đề mà đắc Vô sanh pháp nhẫn.

 

Mới mở được căn, trước được nhân không, là mở được ngã chấp. Mở được nút thắt nơi căn thì căn rỗng rang, tánh Không bắt đầu xuất hiện. Mở được đến đâu thì tánh Không tròn sáng hiện ra đến đó. Nhờ sức mạnh của tánh Không tròn sáng này mà pháp chấp dần dần tiêu tan. Ngã chấp là căn, pháp chấp là cảnh. Khi tánh Không tròn sáng hoàn toàn hiện ra, căn và cảnh, hay ngã và pháp, hoàn toàn được giải trừ. Khi tất cả căn cảnh, ngã pháp đều chẳng sanh, đây là Vô sanh pháp nhẫn của Bồ tát địa thứ tám, do tâm thường an trụ trong Chỉ Quán mà đạt được.

 

--oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan