ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ NGHIỆM TÍNH THƯỜNG TRỤ - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ NGHIỆM TÍNH THƯỜNG TRỤ

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Tánh nghe vẫn thường trực hiện diện, dầu khi thức, khi ngủ mộng và cả khi thân thể tiêu tan. Tánh nghe thường trụ qua tất cả mọi trạng thái của đời sống, cho nên biết được tánh nghe, sống được với nó, an trụ trong nó, người ta sẽ thoát khỏi vòng sống chết.
ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ NGHIỆM TÍNH THƯỜNG TRỤ - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy, muốn cầu quả thường trụ thì giác tâm nhân địa cần phải tương ứng với danh mục quả vị. Bạch Thế Tôn, như trong các quả vị Bồ đề, Niết bàn, Chân Như, Phật tánh, Am ma la thức (Bạch tịnh thức), Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí, bảy danh hiệu ấy tuy tên gọi khác nhau nhưng thể thanh tịnh viên mãn vững chắc như kim cương vương, thường trụ chẳng hoại.

Nếu cái thấy nghe này lìa ngoài cái sáng tối, cái động tĩnh, cái thông bít, rốt ráo không có tự thể, cũng như tâm niệm rời tiền trần thì vốn không chỗ có, thế thì tại sao lấy cái rốt ráo đoạn diệt ấy làm nhân địa tu hành mà mong được quả là bảy đức thường trụ của Như Lai?

Bạch Thế Tôn, nếu lìa sáng tối thì cái thấy rốt ráo là không, như không có tiền trần thì tự tánh của niệm diệt mất, tới lui xoay vần, suy xét chín chắn thì vốn không có tâm và tâm sở của con, vậy con lấy cái gì làm nhân địa để cầu Vô thượng giác? Như Lai trước đã dạy tánh trong lặng thuần túy, viên mãn, thường trụ, nay lời nói trái ngược nhau, rốt cuộc thành hý luận. Đâu là lời chân thực của Như Lai, xin Thế Tôn rủ lòng đại từ khai mở chỗ mê lầm cho con.

 

Nói tánh Không là vô tự tánh không có nghĩa là không có gì cả, đây là Không Như Lai tạng, sự không có tuyệt đối, sự vắng mặt tuyệt đối. Nhưng lại có Bất Không Như Lai tạng, sự hiện hữu tuyệt đối, sự có mặt tuyệt đối.

Như ở đoạn trước nói Như Lai tạng “chẳng phải” tất cả, đây là Không Như Lai tạng. Đồng thời Như Lai tạng “tức là” tất cả, đây là Bất Không Như Lai tạng.

Cho nên nghe rằng tánh thấy nghe lìa ngoài tiền trần thì không có ở đâu cả thì tình thức mê lầm bèn nghĩ rằng Rốt ráo Không (Tất cánh Không) là không có gì cả nên phải hỏi tiếp. Đoạn vừa rồi đã nói: “Khi ấy cái thấy biết hiện diện mà chẳng do tiền trần, vốn sảng tỏ mà chẳng theo căn, chỉ gá nơi căn mà tánh sáng phát ra” là đã đủ để không thắc mắc tiếp vậy.

 

Phật bảo A Nan: ông học rộng nghe nhiều, mà các lậu chưa hết, trong tâm chỉ biết suông cái nhân điên đảo, còn cái điên đảo thật sự trước mắt lại chưa thể biết, e rằng tâm thành của ông vẫn chưa tin phục.

Nay ta thử đem các việc thế gian để giải trừ cái nghi của ông.

Liền đó, Như Lai bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông và hỏi A Nan rằng: Nay ông có nghe không?

A Nan và đại chúng đều nói: Dạ, có nghe.

Khi tiếng chuông hết ngân, Phật lại hỏi: Nay ông có nghe không?

A Nan và đại chúng đều nói: Dạ, không nghe.  

Khi ấy La Hầu La lại đánh một tiếng chuông. Phật lại hỏi: Nay ông có nghe không?

A Nan và đại chúng đều nói: Dạ, đều có nghe.

Phật lại hỏi A Nan: Theo ông, thế nào là có nghe, thế nào là không nghe?

A Nan và đại chúng đều bạch Phật rằng: Tiếng chuông nếu có đánh thì chúng con được nghe. Đánh lâu tiếng hết, âm vang đều dứt, thì gọi là không nghe.

Như Lai lại bảo La Hầu La đánh chuông, rồi hỏi A Nan: Theo ông nay có tiếng không?

A Nan và đại chúng đều nói: Dạ, có tiếng.

Ít lâu sau tiếng hết, Phật lại hỏi: Theo ông hiện giờ có tiếng không?

A Nan và đại chúng đều đáp: Dạ không có tiếng.

Lát sau, La Hầu La lại đánh tiếng chuông. Phật lại hỏi: Theo ông nay có tiếng không?

A Nan và đại chúng đều nói: Dạ, có tiếng.

Phật lại hỏi A Nan: Theo ông, thế nào là có tiếng, thế nào là không tiếng?

A Nan và đại chúng đều bạch Phật rằng: Tiếng chuông nếu có đánh thì gọi là có tiếng. Đánh lâu tiếng hết, âm vang đều dứt, thì gọi là không có tiếng.

Phật bảo A Nan và đại chúng rằng: Hôm nay vì sao các ông nói trái ngược lộn xộn như thế ?

A Nan và đại chúng đều bạch Phật: Cớ sao giờ đây chúng con bị gọi là trái ngược lộn xộn?      
 

Phật bảo: Ta hỏi ông về nghe thì ông nói là nghe. Lại hỏi ông về tiếng thì ông nói là tiếng. Chỉ cái nghe và cái tiếng mà trả lời không nhất định, như thế không gọi là trái ngược lộn xộn sao được?

A Nan, tiếng hết không còn vang, ông nói là không nghe. Nếu thật không nghe thì tánh nghe đã diệt, đồng như cây khô, khi tiếng chuông lại đánh lên, làm sao ông còn biết được ?

Biết rằng có biết rằng không, đó là tiếng của trần hoặc có hoặc không, chứ tánh nghe đó đâu có vì ông mà thành có thành không. Tánh nghe mà quả thật không có thì cái gì biết là không có tiếng ?

Thế nên, A Nan, trong cái nghe, cái tiếng tự có sanh có diệt, chẳng phải vì ông nghe tiếng sanh tiếng diệt mà khiến cho tánh nghe của ông là có là không. Ông còn điên đảo, lầm cho cái tiếng là cái nghe thì lạ gì chẳng mê mờ lấy cái thường cho là cái đoạn. Trọn chẳng nên nói, lìa ngoài các thứ động tĩnh, đóng bít, mở thông thì cái nghe không có tự tánh.

 

Đức Phật ‘‘thử đem các việc thế gian’’ để chỉ cho ngài A Nan tánh nghe, nếu ‘‘thành tâm’’ lãnh nhận thì có thể nhận biết tánh nghe đang có nơi mình. Đây là một thí nghiệm trực tiếp để chúng ta trực tiếp nhận biết tánh nghe.

Bốn lần Đức Phật bảo La Hầu La đánh chuông. Hai lần đầu Đức Phật hỏi có nghe không, hai lần sau Đức Phật hỏi có tiếng chuông không. Nhưng đại chúng đều lầm lẫn giữa có nghe và có tiếng. Khi có tiếng chuông, ngài A Nan và cả đại chúng đều nói có nghe; khi tiếng chuông hết vang, ngài A Nan và đại chúng đều trả lời là không nghe. Ngài A Nan và đại chúng đều lẫn lộn giữa cái nghe và cái tiếng. Lỗi lầm là do đồng hóa cái nghe với cái tiếng. Cái tiếng thì khi có khi không, còn cái nghe vẫn luôn luôn hiện diện.

Nhưng khi không nghe tiếng biết là không nghe tiếng, như vậy chính xác là có nghe, có nghe cái không có tiếng. Đánh chuông có nghe, mà không đánh chuông cũng có nghe, nghe cái không có tiếng. Như vậy cái nghe hay sâu xa hơn nữa, tánh nghe, thì hiện diện thường trực, dù có tiếng hay không có tiếng. Tánh nghe luôn luôn hiện hữu, thấu thoát qua có tiếng và không có tiếng. Nó luôn luôn hiện hữu, ở đây và bây giờ. Nó không có không gian và thời gian. Nó là cái hiện tại vĩnh cửu.

Cái tiếng có sanh có diệt, còn tánh nghe thường nghe nên không sanh không diệt. Chạy theo tiếng thì có sanh có diệt, còn ‘‘ở trong tánh nghe’’ thì không sanh không diệt.

Hơn nữa, tánh nghe thì nghe toàn khắp mọi hướng nên tánh nghe thì ở khắp, tiếng ở phương nào cũng đều nghe, ở đâu có tiếng thì ở đó có tánh nghe. Tiếng thì có sanh có diệt và ở khắp, cho nên cái không sanh không diệt bao trùm mọi cái sanh diệt là tánh nghe cũng ở khắp.

Ở trước thì nói tánh thấy, ở đây thì nói tánh nghe. Tánh thấy tánh nghe gần gủi với chúng ta biết bao nhiêu, cụ thể biết bao nhiêu, bởi vì ngay nơi căn mắt, căn tai mà nhận ra tánh thấy tánh nghe.  

Nhưng cũng chớ nhầm lẫn rằng, tánh thấy là của tôi, tánh nghe là của tôi. Nó ‘‘thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới’’ nên chẳng phải của ai cả. Nó chỉ ‘‘gá vào căn’’ để mà biểu lộ cho người có căn, thế thôi.

Khi đã tin được tánh nghe vốn thường trực ở nơi mình, thì thường xuyên ở trong tánh nghe để nghe tiếng sanh diệt và nghe cái không có tiếng. Khi có tiếng, đó là tánh nghe, khi không có tiếng đó là tánh nghe. Tiếng ở các phương đều nghe, tiếng ở khắp nơi đều nghe, thì tánh nghe ở khắp cả. Công phu như vậy cho đến lúc thực sự gặp gỡ, tương ưng được với tánh nghe.

Khi đã thấy biết được, nhất niệm tương ưng với tánh nghe, thì sau đó tu là niệm niệm tương ưng với tánh nghe, nghĩa là ‘‘xoay nghe, nghe tự tánh’’(phản văn, văn tự tánh) như trong bài kệ của ngài Văn Thù khi chọn căn viên thông ở sau. Đây là sự tiệm tu, dần lên các địa cho đến viên mãn.

 

Như có người đang ngủ say trên giường gối, trong nhà có người giã gạo. Người ấy trong mộng, nghe tiếng giã gạo lầm cho là tiếng gì khác, hoặc cho là đánh trống, hoặc cho là dộng chuông. Ngay khi mộng người ấy tự lấy làm lạ sao tiếng chuông lại vang lên như tiếng của cây, của đá. Khi chợt tỉnh dậy biết là tiếng giã gạo bèn nói với người nhà, chính khi đang mộng, tôi lầm tiếng chày là tiếng trống.

Này A Nan, người ấy ở trong mộng đâu có nhớ những việc động tĩnh, mở đóng, thông bít. Thế thì thân thể tuy ngủ, nhưng tánh nghe không mờ tối. Dầu thân hình ông có tiêu tan, mạng căn có đổi dời, tánh ấy làm sao vì ông mà tiêu diệt được ?

 

Tánh nghe vẫn thường trực hiện diện, dầu khi thức, khi ngủ mộng và cả khi thân thể tiêu tan. Tánh nghe thường trụ qua tất cả mọi trạng thái của đời sống, cho nên biết được tánh nghe, sống được với nó, an trụ trong nó, người ta sẽ thoát khỏi vòng sống chết.

Tánh nghe thì ‘‘thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới’’. Thanh tịnh bổn nhiên vì luôn luôn có mặt, có tiếng hay không có tiếng đều nghe, không bị cái gì, trạng thái tâm thức nào làm ngăn ngại. Toàn khắp pháp giới vì chỗ nào có tiếng chỗ đó có tánh nghe, chỗ nào không có tiếng chỗ đó có tánh nghe.

 

Bởi vì chúng sanh từ vô thủy đến nay theo các sắc thanh, rong ruổi theo niệm tưởng mà lưu chuyển, chưa từng khai ngộ bản tánh thanh tịnh, mầu diệu, chân thường. Không theo cái chân thường ấy mà đuổi theo các thứ sanh diệt, do đó đời này sang đời khác cứ tạp nhiễm mà lưu chuyển.

Nếu bỏ đi cái sanh diệt, giữ lấy tánh chân thường, thì ánh sáng thường trụ hiện tiền, mọi thứ căn, trần, thức, tâm, tức thì tiêu mất.

Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình là cấu. Hai thứ ấy một lúc xa lìa thì con mắt pháp của ông tức thời thanh tịnh sáng suốt. Thế thì tại sao không thành Tri giác vô thượng?

 

Thật ra chúng ta vốn đang thấy bằng tánh thấy, nghe bằng tánh nghe, chỉ vì một niệm bỏ quên mà phân thành chủ khách, tâm cảnh…, rồi như chàng Diễn Nhã Đạt Đa điên cuồng bỏ chạy vì những vọng tưởng của chính mình.

Ngay bây giờ đây mà không đuổi theo các thứ sắc thanh và niệm tưởng thì không những khỏi lưu chuyển, mà bản tánh thanh tịnh, mầu diệu, chân thường liền hiện tiền trước mắt. Trong bản tánh vốn dừng lại, tịch lặng, bất động từ vô thủy, đây là ông chủ, chỉ cần chúng ta không đuổi theo sắc thanh và các vọng tưởng thì tức khắc chúng ta cũng là ông chủ vốn dừng lại từ vô thủy.

Thấy được cái vốn dừng lại từ vô thủy này, gọi là có được con mắt pháp thanh tịnh (pháp nhãn thanh tịnh).

Khi thật sự dừng lại lâu trong cái vốn dừng lại ấy thì các lưu chuyển của căn, trần, thức, tâm đều được thấy là cũng dừng, cũng bất động. Khi đã nhập sâu vào tánh không sanh không diệt, thì các tướng sanh diệt cũng trở thành không sanh không diệt. Khi đã là chủ lâu năm, thì tất cả đều là chủ, không có cái gì ngoài ông chủ.

Khi không còn bị các thứ sanh diệt quấy nhiễu, thì ánh sáng thường trụ (thường tịch quang, tịnh quang) hiện tiền, trong ánh sáng căn bản ấy, mọi thứ căn, trần, thức, tâm, tức thì tiêu mất, vì bản tánh của chúng vốn là ánh sáng thường trụ.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan