ĐẠO PHẬT VÀ QUAN NIỆM Y ĐỨC - NGUYỄN THẾ ĐĂNG - BÁO GIÁC NGỘ NĂM -1997

ĐẠO PHẬT VÀ QUAN NIỆM Y ĐỨC

Tác giả: Nguyễn Thế Đăng

Báo Giác Ngộ - 1997

Trong lĩnh vực y đức, theo cái nhìn Phật Giáo, có hai mối tương quan: tương quan giữa người với người và tương quan giữa y sĩ và bệnh nhân.
ĐẠO PHẬT VÀ QUAN NIỆM Y ĐỨC - NGUYỄN THẾ ĐĂNG - BÁO GIÁC NGỘ NĂM -1997

 

Trong lĩnh vực y đức, theo cái nhìn Phật Giáo, có hai mối tương quan: tương quan giữa người với người và tương quan giữa y sĩ và bệnh nhân.

  1. Giữa người với người là lòng tôn trọng.

Đạo Phật chỉ cho chúng ta đối xử với người khác bằng tấm lòng tôn trọng, vì nơi người khác luôn luôn tiềm ẩn những gì tốt đẹp nhất.

Chính cái nhìn người khác trong mối tương quan giữa con người với nhau, chúng ta sẽ sống với nhau bằng sự tôn trọng, thiện ý, khoan dung, nhẫn nại, siêng năng phục vụ, cung cấp nuôi dưỡng (cúng dường)...

2- Giữa y sĩ và bệnh nhân là lòng từ bi.

Nền tảng của y học là lòng từ bi. Mặc dù y học có tiến bộ đến đâu, hoặc là nhân loại có thể có nhiều nền y học khác nhau, thì ý định và cứu cánh của y học luôn luôn là lòng từ bi. Cũng như đức Phật được xưng là bậc Đại Y Vương, chữa cho con người khỏi nỗi khổ của sanh, già, bệnh, chết, thì y học cũng chữa cho con người khỏi một phần bệnh tật, đau đớn của thân và tâm. Cứu người, đó là điểm chung nhất của y học và đạo Phật.

Đi vào chi tiết của mối tương quan trên, chúng ta thấy đạo Phật cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc.

Ví dụ thông thường người bệnh biết ơn y sĩ bằng tiền bạc cộng thêm với một sự nhớ ơn lâu mau nào đó. Nhưng ở đây, không chỉ có người bệnh biết ơn, mà thầy thuốc cũng phải biết ơn người bệnh, vì nhờ có người bệnh, thầy thuốc mới có dịp thực hiện chức năng bổn phận mình đối với cuộc sống. Người bệnh là cơ hội để mình học hỏi phát triển nghề nghiệp chuyên môn lẫn nhân cách đạo đức của mình. Chữa bệnh không chỉ là một thao tác nghề nghiệp mà còn là một dịp để y sĩ kết duyên với người bệnh, tạo ra mối tương thân tương ái là căn bản của nhân tính. Các nhân duyên đó, mối tương quan tốt đẹp đó sẽ không hề mất đi trong tương lai. Khi biết rằng một bàn tay, một cử chỉ, lời nói sẽ không bao giờ mất đi trong không gian, thời gian, người y sĩ sẽ sống với nghề nghiệp mình cẩn trọng hơn, tốt đẹp hơn, phong phú hơn và tin yêu hơn. Và có thể nói, người bệnh chính là ý nghĩa cuộc đời của người y sĩ. Khi ta không biết đối xử với một con người, chúng ta cũng sẽ không biết đối xử với thế giới và với chính mình.

Chữa bệnh không chỉ là làm một công việc để được trả tiền nuôi sống bản thân, chữa bệnh còn là một sự làm phước :

Dẫu xây chín bậc phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người

Phước đức, đó là điều mà bằng cái gì tốt đẹp nhất nơi mỗi chúng ta, chúng ta có thể hình dung. Làm nghề thầy thuốc là cơ hội để hiển lộ và phát huy tính thiện. Dầu có ít duyên với đạo bao nhiêu đi nữa, thì chúng ta cũng thấy được rằng cứu cánh của mọi cuộc đời là tính thiện. Trong thâm sâu ai cũng tôn vinh cái Thiện, và ai cũng hình dung con người hoàn hảo là con người chí thiện. Và không phải chỉ ái mộ, tôn sùng, mà chúng ta còn phải thực hiện nó cho cuộc đời mình. Chỉ khi nào đạt đến tính thiện một cách toàn vẹn, thì cuộc đời mỗi người mới được gọi là hoàn thành, Y học chính là sự hiển lộ của thiện tâm ấy. Cũng như trong lĩnh vực văn chương, thi hào Nguyễn Du đã nhận ra cái cứu cánh của mọi cuộc đời là thiện tâm ấy, khi chấm dứt Truyện Kiều bằng hai câu thơ :

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

***

Đối với bệnh tật, đạo Phật cũng có cái nhìn hơi khác. Y học thông thường nhìn bệnh tật như một đối nghịch xa lạ, ghê tởm, một con quái vật độc địa ở đâu đó nhảy vào thân tâm đục khoét và nỗ lực của y học là trừ khử, trục xuất, cắt lìa nó đi. Đạo Phật thấy bệnh tật là một cái gì gần gũi hơn, ít đối nghịch hơn. Như bất kỳ vật gì ở đời, dù tốt dù xấu, đều có mặt tiêu cực và tích cực của nó. Đạo Phật cũng nhìn ra mặt tích cực của bệnh tật: sự thức tỉnh của nó trước cái giới hạn của cuộc đời là sanh lão bệnh tử. Nhờ sự thức tỉnh này mà con người mới tìm cách vươn lên để vượt thoát, mới tìm cách đạt đến cái không hề bị lệ thuộc vào sanh lão bệnh tử. Nhờ tâm bệnh phiền não khổ đau, con người mới lo toan cho hết tâm bệnh, trả tâm về trạng thái khỏe mạnh vốn là, gọi đó là An lạc.

Đạo Phật nhìn y học là một con đường đưa đến Phật pháp, nghĩa là một con đường dẫn đến sự hoàn thiện của con người. Y học là một con đường để thực hiện Bát chánh đạo, tức là một con đường để thực hiện sự toàn thiện của chính con người. Bởi thế, trong đạo Phật có nhiều vị Phật, đại Bồ Tát mà danh hiệu và lối tu hành mang những danh từ y dược. Y học của đời thường rất cần đến đạo Phật để mở rộng ý nghĩa, để được một định hướng lớn lao trong sự tiến hóa hướng thượng của nhân loại, để tìm thấy những giá trị vĩnh cửu ở chính tự thân mình. Từ đó mỗi người sống và làm việc trong lĩnh vực y học nhìn nhận ra ý nghĩa của công việc và cuộc đời mình, đồng thời ý nghĩa của con người và của thế giới.

Đạo Phật không chỉ soi sáng và đem lại cho lĩnh vực y học những ý nghĩa và hướng đi quyết định, mà chúng ta có thể suy ra, trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống cũng thế. Nếu như một trong những ý nghĩa lớn lao của y học là khi tiến hành chữa bệnh cho người, cũng là lúc chúng ta đang tự chữa lành bệnh cho chính mình; khi chúng ta đang phụng sự cho sự bình an của thân tâm người khác, cũng là lúc chúng ta đem lại sự hoàn thiện cho chính mình. Trong thời đại ngày nay, có rất nhiều lĩnh vực so với thời xưa. Tất cả những lĩnh vực đó đều cần đạo Phật soi sáng và khai thị ý nghĩa, dầu đó là kinh tế, khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội... Đạo Phật không “dị ứng” hay từ chối khước từ bất kỳ lĩnh vực nào (tùy duyên), nhưng luôn luôn hiện diện ở ngay trong mỗi lĩnh vực (bất biến) để giải thoát cho lĩnh vực đó khỏi những bế tắc, lạc lối hoặc nông cạn không có ý nghĩa đối với cơ tiến hóa của nhân loại.

Quan điểm của đạo Phật về cuộc đời cũng như vậy. Bất cứ cái gì cũng có thể cứu thoát cho người, đồng thời cũng chính cái ấy, nếu không biết dùng, đều hại cho người. Các bộ môn của đời sống cũng vậy, lĩnh vực nào cũng có thể cứu người mà cũng có thể hại người. Ví dụ khoa học kỹ thuật nếu không biết dùng sẽ chỉ phát triển chiến tranh, tạo cho tâm hồn thích bạo lực, sự lợi dụng vật chất để ăn chơi vô độ, sự vô luân đối với sự sống, sự tàn phá thiên nhiên...

Chúng ta có thể kết luận rằng một trong những đóng góp quan trọng nhất của đạo Phật cho thời đại này, khi sắp bước qua thiên niên kỷ thứ 3, chính là sự soi sáng vào những lĩnh vực hiện đại của con người. Bởi vì qua hai thiên niên kỷ rồi, chúng ta cũng đã thấy, sự lầm than thống khổ lớn nhất của con người là sống sai ý nghĩa, nghĩa là không có chánh kiến. Mà chánh kiến là sự mở đầu của đời sống toàn diện, tức là Bát chánh đạo.

Bài viết liên quan