DẠY CHÚNG - PHẦN BÌNH GIẢNG - NGƯỜI VÔ SỰ – THÍCH NHẤT HẠNH

DẠY CHÚNG - PHẦN BÌNH GIẢNG

NGƯỜI VÔ SỰ – THÍCH NHẤT HẠNH

–––––o0o–––––

Khi đọc Lâm Tế Lục, ta có thể gặp một câu rất mù mờ khó hiểu và ta cố công tìm hiểu xem Tổ muốn nhắn nhủ gì. Kỳ thực những điều Tổ nói chỉ để khơi mở tuệ giác nằm trong lòng ta mà không phải là tuệ giác.
DẠY CHÚNG - PHẦN BÌNH GIẢNG - NGƯỜI VÔ SỰ – THÍCH NHẤT HẠNH

Khi đọc Lâm Tế Lục, ta có thể gặp một câu rất mù mờ khó hiểu và ta cố công tìm hiểu xem Tổ muốn nhắn nhủ gì. Kỳ thực những điều Tổ nói chỉ để khơi mở tuệ giác nằm trong lòng ta mà không phải là tuệ giác. Cũng như ta dùng cái cuốc cái thuổng đào đất để lấy hũ vàng lên. Nếu ta coi cái cuốc cái thuổng là hũ vàng thì thật sai lầm. Cũng vậy, những lời dạy của Bụt, của Tổ không phải là chân lý, không phải là thực tại, không phải là Bản Môn, không phải là giải thoát, nhưng nó có công năng giúp ta trở về tiếp xúc được với giải thoát, an lạc ở ngay trong tự thân ta. Khi Tổ nêu ra một câu hay một chữ có ý nghĩa thâm trầm mà ta lại đi tìm cái thâm trầm đó trong mỗi câu mỗi chữ là sai, ta phải đi tìm điều ấy nơi sự sống của bản thân trong mỗi giây mỗi phút. Hễ càng tham vấn càng thấy mờ mịt, và trong chúng ta đã có nhiều người như vậy. Học thầy này thầy kia khắp nơi, cuối cùng ta càng mờ mịt thêm. Nghe ở đây có thầy giỏi, ta liền tìm tới tham vấn. Nghe có thầy ở nơi khác giỏi hơn, ta vội bỏ vị này rồi chạy tới vị thầy kia... cứ chạy vòng như vậy suốt đời, rốt lại không đi tới đâu cả.

Kẻ đại trượng phu là người không bàn vua bàn giặc. (Trích Lâm Tế Lục)

Văn Hán-Việt là ‘Đại trượng phu nhi, mạc kỳ ma luận, luận chủ luận tặc’. Chữ chủ ở đây là chúa, tức là vua. Từ luận chủ luận tặc này phát xuất từ thành ngữ ‘Được làm vua, thua làm giặc.’ Nghĩa là chiến thắng thì làm vua, chiến bại thì làm giặc. Đối với con người lớn (bậc đại trượng phu) thì là vua hay là giặc không phải là bản chất của sự thật.

Bàn thị bàn phi, bàn sắc bàn tài. (Trích Lâm Tế Lục)

Thị là phải (yes), phi là không (no). Chúng ta để ra quá nhiều thì giờ để đàm luận đúng hay sai, thật uổng cả kiếp người.

Tôi đây, mỗi khi có người tới, dù người ấy xuất gia hay tại gia, tôi cũng nhìn thấy được tường tận gốc gác của kẻ ấy.

Nghĩa là Tổ có con mắt rất sáng. Khi có một thiền sinh tới, chỉ cần người đó nói một câu hay làm một cử chỉ gì là Tổ nhìn và thấy được tường tận gốc gác của người này ngay.

Nhận diện được rằng tất cả những âm thanh, danh từ và văn cú mà kẻ ấy đưa ra đều là mộng huyễn, và cũng thấy được con người thật của kẻ ấy, con người thật không bị trần cảnh làm chướng ngại.

Khi đến với thầy, ta đã khoác lên rất nhiều bộ mặt để trình diện, thay vì trình diện con người thật của ta. Ta chỉ giới thiệu những mỹ phẩm ta bôi trét vào người và mớ áo quần đã thu thập được trong quá khứ. Đó là những kiến thức, kinh nghiệm, những cái ta cho là hay, là tốt... Những thứ đó không phải là con người thật của ta. Tổ là một vị thầy có con mắt rất sáng. Tổ nhìn là Tổ thấy được tất cả những giả tạo mà người ấy đã phủ lên người, và đồng thời Tổ cũng thấy được con người thật của người ấy, con người thật không bị trần cảnh làm chướng ngại. Tổ mỉm cười. Tại vì Tổ biết trong mỗi người đều có một con người thật dù có mặc vào bao nhiêu lớp áo đi nữa, con người thật đó cũng không bị hư hao. Tôi đây, mỗi khi có người tới, dù người ấy xuất gia hay tại gia, tôi cũng nhìn thấy được tường tận gốc gác của kẻ ấy, nhận diện được rằng tất cả những âm thanh, danh từ và văn cú mà kẻ ấy đưa ra đều là mộng huyễn, và cũng thấy được con người thật của kẻ ấy, con người thật không bị trần cảnh làm chướng ngại.

- Bạch Thầy, con đã tu được bảy năm trong truyền thống Theravada.

- Bạch thầy, con đã tu được ba năm trong truyền thống Tây Tạng.

- Bạch thầy, con đã đọc sách như thế này, con đã nghiên cứu như thế này.

- Bạch thầy, con đã ngồi thiền như vầy.

- Bạch thầy con là giáo thọ trong truyền thống này.

- Bạch thầy, con đã học xong cao đẳng Phật học.

Có những người đã đến và tự giới thiệu như vậy khi họ tới học hỏi ở những vị thầy mới. Tất cả những thứ ấy đều là những cái vỏ bên ngoài, những âm thanh, danh từ và văn cú mà người đó đưa ra để trình diện với người thầy. Vị thầy không cần những thứ ấy, vì tất cả những thứ ấy đều là mộng huyễn. Nếu thấy được con người thật của họ thì vị thầy có thể giúp được người đó thấy được con người thật của họ, lúc đó họ sẽ có tự do.

Con người thật không bị trần cảnh làm chướng ngại. Trong chữ Hán có chữ ‘thừa cảnh’. Thừa tức là cỡi lên. Thừa cảnh nghĩa là cỡi lên trần cảnh đi tới nhưng không vướng vào trần cảnh. Cũng như khi ta đi chùa bằng xe đạp hoặc xe hơi, cho dù chiếc xe đó cũ kĩ hay sang trọng thì khi tới cửa chùa ta cũng phải để ngoài cửa và đi vào bằng con người của mình thôi.

Vua Thành Thái rất hâm mộ cảnh chùa Từ Hiếu đồng thời thích lên thăm thiền sư Cương Kỷ để được nghe dạy về giáo lý. Cuộc sống trong triều đình rất nhiêu khê, thành ra có được một buổi trưa lên ngôi chùa thanh vắng đó, ngồi với thiền sư Cương Kỷ một giờ đồng hồ là một hạnh phúc rất lớn.

Chùa Từ Hiếu lúc bấy giờ có lệ là tất cả chúng gặp nhau dưới nhà trù vào lúc ba giờ chiều. Dưới bếp thường đã có sẵn một rổ sắn luộc để mỗi người ăn một củ sắn, uống một bát nước chè tươi, rồi mới bắt đầu chấp tác buổi chiều. Có lần vua Thành Thái tới chùa vào khoảng hai giờ rưỡi, lúc các thầy còn đang nghỉ trưa, chùa rất im lặng. Vua để xe ở ngoài, và bảo những người tùy tùng hộ giá ở lại đó, vua một mình bước lên đồi Dương Xuân, một mình đi vào chùa. Chùa hoàn toàn tĩnh lặng, không một bóng người qua lại. Vua rất thích, vì trong Cung (chốn vua ở) đâu được như vậy. Vua một mình đi từ hồ Bán Nguyệt leo lên cấp bực đi qua Lạc Nghĩa Đường, vào trong phương trượng. Cửa không khóa, thành ra vua đi vào và thấy hòa thượng Cương Kỷ đang ngồi rất thẳng, trước mặt có một dĩa sắn và một bát nước chè tươi. Hòa thượng cũng dùng thức ăn giống như mấy thầy, mấy chú và mấy điệu. Vua ngồi sụp xuống dưới và để tay lên bắp vế của hòa thượng.

Hòa thượng Cương Kỷ tuổi đã lớn, có một tướng rất lạ là mi mắt sụp xuống nên ngài không thấy gì hết. Khi nào có khách tới, ngài phải lấy tay vén mi lên thì mới thấy được người đó. Ngài muốn đọc sách thì cũng phải vén mi lên mới đọc sách được. Thấy có người đặt tay lên đùi mình (thị giả đâu có làm như vậy), Ngài hỏi: ‘Ai đó?’ Vua nói: ‘Thành Thái, vua đây.’ Ngài nói: ‘Vua đó hả, mời Hoàng Thượng ngồi chơi.’ Một cách rất an nhiên, hòa thượng bẻ củ sắn ra làm hai mời vua ăn một nửa. Và vua ăn ngon lành. Vua muốn đi tìm một con người thật, và hòa thượng Cương Kỷ sống với con người thật của mình không vì chức tước, danh vọng và quyền hành mà đánh mất con người thật đó.

Đó là chuyện thật xảy ra ở chùa Từ Hiếu. Ai ở chùa Từ Hiếu cũng đều đã được nghe câu chuyện đó cả. Vua đã tới bằng con người thật của vua không mang áo mão, chức tước, danh vọng và quyền hành. Và vua đã được thiền sư Cương Kỷ tiếp đón bình thường. Cả hai bên đều gặp nhau với tư cách của con người thật. Hòa thượng không gặp vua với tư cách một thiền sư, và vua không gặp hòa thượng với tư cách của một vị hoàng đế. Hai người đều có tự do cả.

Tôi đây, mỗi khi có người tới, dù người ấy xuất gia hay tại gia, tôi cũng nhìn thấy được tường tận gốc gác của kẻ ấy, nhận diện được rằng tất cả những âm thanh, danh từ và văn cú mà kẻ ấy đưa ra đều là mộng huyễn, và cũng thấy được con người thật của kẻ ấy, con người thật không bị trần cảnh làm chướng ngại. (Trích Lâm Tế Lục)

Cái cách nhìn này chính là tông chỉ huyền diệu của Bụt. Cảnh giới của Bụt không bao giờ tự xưng mình là ‘cảnh giới của Bụt.’

Có tên tức là có sự loại trừ (apoha). Chúng ta có khuynh hướng nói lá là loại trừ mây, nói con là loại trừ cha, nói thầy là loại trừ trò. Trong khi đó thì trò nằm trong thầy và thầy nằm trong trò, con nằm trong cha và cha nằm trong con. Đó là cái nhìn bất nhị, là tông chỉ huyền diệu (huyền chỉ) của Bụt.

Muốn thực chứng điều ấy không có khó. Vì không tu tập, ta không duy trì được cái thấy đó trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Sống như vậy rất là mầu nhiệm. Và ta có thể sống cái thiên thu trong một khoảnh khắc, ta có thể sống với tất cả trong cái một, ta có thể sống cái vô hạn trong cái hữu hạn.

Chính cái con người học đạo vô y (không nương tựa bám víu) ấy mới chứng nghiệm được cảnh giới kia. (Trích Lâm Tế Lục)

Người học đạo là người tu (the practitioner). Vô y tức là không bám víu, không dựa vào trần cảnh, không chạy theo một điều gì. Đó là danh từ của Tổ. Danh từ nào cũng vậy, dù có hay cách mấy mà bị người ta lạm dụng nhiều quá thì cũng mất hay. Những danh từ của Làng Mai như ‘đã về đã tới’ nếu bị lạm dụng một hồi thì cũng mất cái hay của nó. Thành ra ta phải học sử dụng rất khéo léo, cần dùng mới dùng. Như chữ ‘love’ trong tiếng Anh, vốn rất hay. Nhưng bây giờ vì bị lạm dụng quá nhiều, như thích ăn hamburger mà họ nói là ‘I love hamburger’, nên không còn ý nghĩa gì nữa.

Nếu có ai tới hỏi tôi về Bụt, tôi sẽ ứng hiện cảnh giới thanh tịnh; muốn hỏi tôi về Bồ-tát, tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới từ bi; muốn hỏi tôi về Bồ Đề, tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới tịnh diệu; muốn hỏi tôi về Niết Bàn, tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới tịch tĩnh. (Trích Lâm Tế Lục)

Tất cả đều có sẵn trong người của Tổ. Vì vậy khi có ai hỏi về Bụt, Tổ hiện cảnh giới của Bụt ra cho họ xem; hỏi về Bồ-tát, Tổ hiện cảnh giới của Bồ-tát ra cho họ xem; hỏi về Bồ Đề, Tổ hiện cảnh giới Bồ Đề ra cho họ xem; hỏi về Niết Bàn, Tổ hiện cảnh giới tịch tĩnh ra cho họ coi. Tổ có đủ tất cả những điều ấy, nhưng Tổ không phải chỉ là những điều ấy. Người ta muốn cái gì, Tổ cho cái đó.

Cảnh thì muôn ngàn sai khác nhưng người thì không. (Trích Lâm Tế Lục)

Nếu quý vị muốn tôi viết bút pháp thì tôi viết bút pháp; muốn tôi đọc thơ thì tôi đọc thơ; muốn tôi nói về Trịnh Công Sơn thì tôi nói về Trịnh Công Sơn. Nhưng những thứ ấy không phải là tôi. Cảnh thì muôn ngàn sai khác nhưng người thì không. Nếu quý vị cho rằng tôi là bút pháp, là thơ, là Trịnh Công Sơn, thì quý vị sai lầm.

Vì vậy cho nên ta có thể ứng vật hiện hình, như mặt trăng trong nước. (Trích Lâm Tế Lục)

Mặt trăng trong nước, mặt trăng đó chỉ là hình bóng mà thôi. Hình ảnh này Tổ lấy từ trong Kinh Kim Quang Minh. (Điều này chứng tỏ Tổ học nhiều, nhưng Tổ không dính mắc vào Kinh.)

–––––o0o–––––

Trích: “Người Vô Sự”

Tác giả: Thích Nhất Hạnh

NXB Hồng Đức, 2013

Ảnh nguồn: Internet

Bài viết liên quan