ĐIỂM TƯƠNG QUAN GIỮA THIỀN VÀ TÂM PHÂN HỌC - Dt. Suzuki; Erich Fromm; Eckhart Tolle - Nghệ Thuật Sống

ĐIỂM TƯƠNG QUAN GIỮA THIỀN VÀ TÂM PHÂN HỌC

Dt. Suzuki; Erich Fromm; Eckhart Tolle - Nghệ Thuật Sống

Mộc Nhiên biên soạn

---o0o---

Erich Fromm cho rằng thực ra chính sự thấu hiểu từ cảm tính, từ thực nghiệm, chứ không phải từ suy luận trí năng, mới thiết lập được mục tiêu của tâm phân học. Ví như nhận biết được hơi thở mình không có nghĩa là suy nghĩ về hơi thở của mình; nhận biết về chuyển động của bàn tay không có nghĩa là suy nghĩ về nó. Ngược lại, một khi tôi suy nghĩ về hơi thở hay chuyển động của...
ĐIỂM TƯƠNG QUAN GIỮA THIỀN VÀ TÂM PHÂN HỌC - Dt. Suzuki; Erich Fromm; Eckhart Tolle - Nghệ Thuật Sống

Erich Fromm cho rằng thực ra chính sự thấu hiểu từ cảm tính, từ thực nghiệm, chứ không phải từ suy luận trí năng, mới thiết lập được mục tiêu của tâm phân học. Ví như nhận biết được hơi thở mình không có nghĩa là suy nghĩ về hơi thở của mình; nhận biết về chuyển động của bàn tay không có nghĩa là suy nghĩ về nó. Ngược lại, một khi tôi suy nghĩ về hơi thở hay chuyển động của bàn tay thì lại không còn nhận biết được về hơi thở hay chuyển động bàn tay nữa. Điều này cũng đúng khi nhận biết về một đóa hoa hay một người, về kinh nghiệm niềm vui, tình yêu hay sự thanh thản. Vì vậy sự thấu hiểu đích thực trong tâm phân học không phải là các công thức phức tạp nằm trong lý thuyết, trong tư duy. Erich Fromm nói rằng, “Trí tuệ chân thật trong tâm phân học có tính đột nhiên; nó đến không vì cưỡng bách hay do trù tính. Nó xuất phát không từ trí não chúng ta mà, nói theo cách người Nhật, xuất phát từ phần bụng. Không thể dùng ngôn từ để mô tả nó cho minh bạch được, và nếu cố làm thế thì sẽ vuột mất nó; tuy vậy nó có thực, có thể ý thức được về nó, và người cảm nghiệm được nó sẽ là một người thay đổi toàn triệt”.

Vậy sự tương quan giữa Thiền và tâm phân học là cách tiếp cận thực tại không qua ngôn từ, suy lý, trí năng, và có vẻ như phi khoa học. Đó cũng là điều đáng ngạc nhiên khi một nhà khoa học như Erich Fromm lại có cái nhìn khác hẳn với các nhà tâm lý học hay tâm phân học khác. Một điểm tương quan giữa Thiền và tâm phân học nữa là tiến trình chuyển hóa cái vô thức thành ý thức, hay nói chính xác hơn, một sự tương quan giữa cái nhìn của D.T. Suzuki và tâm phân học. Những phiền toái trong cách dùng các thuật ngữ như vô thức hay ý thức, nếu được bỏ qua thì vấn đề trở nên minh bạch hơn. Erich Fromm cho rằng vấn đề thuật ngữ là hoàn toàn không quan trọng, vì nói cho cùng, vô thức hay ý thức chỉ là ẩn dụ, chẳng có một vùng nào trong tâm trí con người là vô thức hay ý thức cả. Nói rằng vô thức chuyển thành ý thức, hay đề cập đến vô thức vũ trụ, ý thức vũ trụ cũng chỉ để nêu lên hoạt động của sự tri nhận, để thấy rõ giữa cái biết và cái chưa biết. Vấn đề quan trọng ở đây là con người, chính con người phải giải tan được sự ức chế, đè nén mà mình vô tình không biết, để cảm nghiệm được thực tại trọn vẹn, sáng tỏ trong mọi tri nhận, và không qua phản chiếu của trí năng. Dĩ nhiên không cần nhắc lại rằng điều này không có nghĩa là chối bỏ vai trò thiết yếu của trí năng trong khoa học và trong các lãnh vực thực tế. Điều này là thực sự khó khăn đối với người phương Tây nói riêng, và đối với con người sống trong xã hội nghiêng về khoa học kỹ thuật hiện nay nói chung. Theo Erich Fromm, mục tiêu dùng ý thức để phục hồi trọn vẹn cõi vô thức đòi hỏi khá nhiều nỗ lực và một số điều kiện thuộc quan điểm triết học nhất định, và hầu hết con người trong xã hội phương Tây không muốn điều này. Để sống được như vậy, không chỉ với mục đích tránh được các loại bệnh tâm trí, mà còn sống với ý định tích cực hơn, nhắm vào hạnh phúc của mình, có một sự thấu hiểu thế giới một cách toàn thể, trọn vẹn, tức thì và vô nhiễm, để sống được như vậy thì không gì hơn hãy là người nghệ sĩ đời sống và xem biến dịch của cuộc đời như một nghệ thuật sống, như Suzuki đã mô tả trong Lectures On Zen Buddhism đã nói ở phần trước của sách.

Tuy nhiên, Erich Fromm nhấn mạnh, không nên quên rằng nghệ thuật sống phải phát triển trên tinh thần nhân bản và đạo đức, như tìm thấy trong kinh điển Phật giáo, của các nhà tiên tri, Jesus, Meister Eckhart, hay của Walt Whitman. Dù Thiền vượt qua cả khái niệm đạo đức thông thường, nhưng Thiền vẫn có những mục tiêu đạo đức cơ bản của Phật giáo, như Suzuki đã nói rõ, thành tựu được mục tiêu của Thiền ngụ nghĩa khắc phục được lòng tham trong mọi hình thức, dù là tham của, tham danh hay tham ái; nó còn ngụ nghĩa phải khắc phục được tính tự mãn, tự phụ và loại trừ được ảo tưởng về quyền năng vô hạn. Mục tiêu của Thiền còn bao hàm việc khắc phục ước muốn phục tùng vào người mà mình cho là có thẩm quyền dạy dỗ cho mình cách sống.

Như vậy Erich Fromm đã đặt mục tiêu của Thiền và tâm phân học song song nhau, nghĩa là thực hiện được sự chuyển hóa cõi vô thức thành ý thức, cũng là con đường để tiếp cận sự tỏ ngộ. Tuy nhiên phương thức mà Thiền và tâm phân học dùng để đạt được mục tiêu này khác nhau hoàn toàn. Phương thức của Thiền là ‘tấn công trực diện vào sự tri nhận sai lạc bằng cách ngồi thiền, tham công án, và chịu sự hướng dẫn của Thiền sư’. Trong khi đó, phương thức của tâm phân học là ‘rèn luyện ý thức để nắm bắt được vô thức, định hướng chú tâm vào sự tri nhận đã bị biến dạng; giúp nhận ra ảo tưởng trong chính mình; mở rộng tầm kinh nghiệm của con người bằng cách tháo dỡ sự ức chế’. Nhưng phương thức của Thiền không phải là một ‘kỹ thuật’ tách biệt với suy tưởng của Phật học, của hành vi và đạo đức thể hiện ở người thầy và thể hiện trong không khí chung của thiền viện, nghĩa là không thể mở sách hướng dẫn ra rồi ngồi luyện tập theo đó một tuần năm giờ để thành Phật được! Phương cách của tâm phân học là dựa vào thực nghiệm tâm lý. Nó khảo sát sự phát triển tinh thần của một người từ thời ấu thơ đến lúc trưởng thành, tìm cách phục hồi những kinh nghiệm thuở nhỏ để giúp người này nhận biết được những gì bị ức chế, đè nén trong vô thức. Nó phát hiện những ảo tưởng trong tâm trí con người về thế giới chung quanh, giúp họ loại trừ hay giảm thiểu được cái nhìn méo mó, biến dạng do tiến trình trí năng gây ra. Khi người ta không còn xa lạ với chính mình nữa, họ bắt đầu mở lòng ra giao tiếp với vũ trụ bên trong chính mình, và do đó cũng mở lòng ra giao tiếp với vũ trụ bên ngoài. Ý thức lầm lạc đã biến mất, và do đó đối cực giữa ý thức-vô thức cũng biến mất. Một thực tại mới được hiển lộ, trong đó ‘núi lại là núi’. Nhưng phương thức của tâm phân học hay của Thiền cũng chỉ là phương pháp, và không có phương pháp nào bảo đảm được sự thành tựu mục tiêu. Yếu tố cho phép sự thành tựu này lại nằm sâu xa trong tính cách mỗi cá nhân, và hiện nay người ta biết rất ít về các yếu tố này.

Vì giữa Thiền và tâm phân học có mối tương quan về mục tiêu, tuy khác nhau về phương cách, nên Thiền nhân và nhà tâm phân học có thể tìm hiểu qua lại nhau. Kiến thức và mối quan tâm thực về Thiền có thể có ảnh hưởng rất phong phú và sáng tỏ trên lý thuyết của tâm phân học. Thiền đã đem lại ánh sáng mới về bản chất của trí tuệ, về sự sáng tạo, về cách khắc phục cái kinh nghiệm lầm lạc trên sự phân cách giữa chủ thể-đối tượng do trí năng tạo ra. Tư tưởng Thiền cũng mở ra chân trời mới cho tâm phân học, giúp các nhà nghiên cứu tâm phân học có được một quan điểm cơ bản hơn và sự thấu hiểu thực tại như là mục tiêu tối thượng. Ngược lại, tâm phân học có thể cũng có một ý nghĩa nào đó đối với Thiền nhân, là những người đang theo học Thiền, giúp họ tránh được sự nguy cơ do chủ quan thuần túy tưởng rằng mình đã đạt đến một trạng thái phi thường của Thiền, trong khi đó chỉ là một hiện tượng do tâm lý, do tự kỷ ám thị khiến họ rơi vào trạng thái mơ màng như bị thôi miên. Việc này chính các tổ sư Thiền cũng thường nhắc nhở các Thiền sinh của mình, nhưng những nghiên cứu về thôi miên hay tự kỷ ám thị trong tâm phân học đã phần nào đó giải thích được một số hiện tượng thuộc tinh thần mà trước kia người ta xem chúng là siêu nhiên.

Erich Fromm đã không ngần ngại nói lên lòng biết ơn của mình đối với món quà quí giá của phương Đông là Thiền, đặc biệt là D.T. Suzuki đã nỗ lực đem suy nghĩ của phương Đông đến cho phương Tây, giúp cho phương Tây hiểu được Thiền, thấy được con đường thoát ra cho những bế tắc trong tư duy khoa học phương Tây. Erich Fromm kết luận, “Làm sao có được sự hiểu biết như vậy, nếu như không có Phật tính trong mỗi người chúng ta, nếu như con người và sự hiện hữu của họ không thuộc phạm trù phổ quát, nếu như sự thấu hiểu thực tại tức thì, sự tinh thức, và tỏ ngộ không phải là kinh nghiệm phổ quát?”.

Đến đây chúng ta đã phần nào hình dung được Thiền theo diễn giải của Suzuki và Thiền trong cái nhìn của Erich Fromm. Chúng ta cũng đã thấy Đông và Tây đã gặp nhau ở một điểm chung, đó là mục tiêu của Thiền, là Phật tính trong mỗi người, tuy phương thức để đạt được mục tiêu này có khác biệt nhau. Khái niệm Phật tính có thể còn xa lạ với nhiều người phương Tây, cả với nhiều người phương Đông hiện nay, nhưng như Erich Fromm đã công nhận đó là món quà quí giá từ phương Đông, đã mở ra con đường mới cho nhiều nhà nghiên cứu tâm phân học phương Tây đã quá quen với lối suy luận logic. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ điểm thêm một vài khía cạnh trong suy tưởng của Erich Fromm. Chúng ta sẽ bàn đến các vấn đề như tình yêu, hiện hữu và sở hữu, và lời gợi ý của Erich Fromm về nghệ thuật sống.

---o0o---

Trích: Nghệ Thuật Sống

Tác Giả: Dt. Suzuki; Erich Fromm; Eckhart Tolle

Mộc Nhiên biên soạn

Nhà Xuất Bản Thanh Niên

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan