ĐỐN NGỘ PHÁP THÂN VÀ PHÁT NGUYỆN

ĐỐN NGỘ PHÁP THÂN VÀ PHÁT NGUYỆN

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

‘‘Tự biết tâm đầy khắp mười phương, thấy mười phương Không như xem chiếc lá trong bàn tay, tất cả sự vật thế gian đều là bản tâm giác ngộ sáng tỏ mầu nhiệm’’, đây là sự về nguồn đích thực, các tướng sanh tử trở về nguồn tánh.
ĐỐN NGỘ PHÁP THÂN VÀ PHÁT NGUYỆN

ĐỐN NGỘ PHÁP THÂN VÀ PHÁT NGUYỆN

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Lúc bấy giờ A Nan và cả đại chúng nhờ Phật Như Lai vi diệu chỉ bày, thân tâm rỗng rang, được không gì chướng ngại.

Cả đại chúng ấy, mỗi người đều tự biết tâm đầy khắp mười phương. Thấy mười phương Không như xem chiếc lá trong bàn tay, tất cả sự vật trong thế gian đều là bản tâm giác ngộ sáng tỏ mầu nhiệm. Tâm tánh viên mãn khắp cả, trùm chứa mười phương cõi nước.

Xem trở lại cái thân do cha mẹ sanh, như một hạt bụi nhỏ lơ lửng như còn như mất trong hư không mười phương. Như biển lớn lặng trong nổi trôi một bọt nước, khởi diệt chẳng màng.

Rõ ràng tự biết vào được tâm thường trụ bất diệt mầu diệu xưa nay. Được cái chưa từng có, bèn chắp tay lễ Phật, ở trước Như Lai nói kệ xưng tán Phật.

Đưa được các ấm, giới, nhập, các đại về Như Lai tạng nghĩa là thấy thật tướng của các pháp ấy là Như Lai tạng, bèn thật biết Như Lai tạng hay Pháp thân của tất cả chư Phật. Trong Như Lai tạng, sự vật gì trong thế gian cũng là Như Lai tạng. Nói cách khác, Niết bàn biến tất cả thế gian thành Niết bàn. Tất cả sự vật thành Chân, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới.

‘‘Tự biết tâm đầy khắp mười phương, thấy mười phương Không như xem chiếc lá trong bàn tay, tất cả sự vật thế gian đều là bản tâm giác ngộ sáng tỏ mầu nhiệm’’, đây là sự về nguồn đích thực, các tướng sanh tử trở về nguồn tánh. Đây là chỗ chứng nghiệm thật sự pháp giới Chân Không Diệu Hữu.

Đốn ngộ là thấy được Như Lai tạng Pháp thân, cả Đại thừa và Nhị thừa đều gọi là Kiến đạo vị, địa vị thấy đạo. Duy thức tông gọi là Thông đạt vị, thông đạt Pháp thân. Đây là con đường Thấy, sau đó là con đường thiền định (Duy thức tông gọi là Tu tập vị), đến cấp độ không tu nữa (Vô học của Nguyên thủy, và Vô công dụng đạo của Đại thừa), cuối cùng thành Phật.

Đốn ngộ hay đại ngộ ít nhất phải đạt đến Kiến đạo vị, tức là cấp độ thứ nhất trong mười địa của Pháp thân là Hoan Hỷ địa. Ở cấp độ này mới thật sự thấy biết Pháp thân hay Chân Như, “ như vậy gọi là trụ bậc Bồ tát Hoan Hỷ địa, vì đã tương ưng với Chân Như bất động” (Phẩm Thập địa, Kinh Hoa Nghiêm). Từ địa này mới vào hàng thánh, từng bước lìa khỏi hẳn sanh tử, giải thoát và giác ngộ.

Để đạt đến đốn ngộ Pháp thân Như Lai tạng này chúng ta thấy Đức Phật đã đưa ngài A Nan đến cửa như thế nào. Khi thì chỉ thẳng, khi thì lý luận bác bỏ, khi thì phá tướng, khi thì hiển tánh, để tiêu trừ phiền não chướng và sở tri chướng nơi tâm ngài A Nan, cuối cùng thu tất cả về nền tảng Như Lai tạng, tức là đưa ngài A Nan vào Như Lai tạng.

Ở đây sự diễn tả việc đốn ngộ Pháp thân của ngài A Nan là chi tiết và đẹp đẽ vào hàng bậc nhất trong số những diễn tả về kinh nghiệm ngộ của các vị tu chứng của mọi tông phái Phật giáo. Nói theo sự xác định của kinh điển Pali, tầng thánh thứ nhất là Tu Đà Hoàn (Nhập lưu) có ba yếu tố :

_ Giải trừ thân kiến : “nhìn trở lại cái thân cha mẹ sanh, như hạt bụi lơ lững như còn như mất trong hư không mười phương, như một bọt nước trong biển lớn lặng trong ”.

_ Hết nghi : vì đã thấy biết trực tiếp “bản tâm giác ngộ sáng tỏ mầu diệu, viên mãn khắp cả, trùm chứa mười phương cõi nước, tất cả sự vật trong thế gian đều là bản tâm sáng tỏ mầu nhiệm”.

_ Bỏ hết giới cấm thủ. Giới cấm thủ là chạy theo những lối tu sai lầm hoặc là bắt chước bề ngoài mà không biết nội dung của chúng là gì. Bỏ được giới cấm thủ vì từ nay đã thấy Con đường đi qua mười địa của Pháp thân.

Với Thiền tông, phải vượt qua quan đầu tiên mới gọi là ngộ, vào được Pháp thân. Quan đầu tiên này là Tổ sư quan hay Sanh tử quan.

Người tu hành chúng ta cần đọc kỹ đoạn này để có thêm tin tưởng, thêm ngưỡng vọng, thêm tinh tấn để vượt qua Bốn gia hạnh vị mà vào Pháp thân. Sự diễn tả này giúp cho chúng ta rất nhiều để biết một kinh nghiệm tâm linh của mình có phải là thật ngộ hay không. Đánh giá sai lầm chỉ làm chúng ta thêm chậm chạp. Cách tốt nhất là nhờ sự thẩm tra của các vị thầy có thẩm quyền.

Diệu trạm tổng trì bất động tôn

Thủ Lăng Nghiêm vương đời ít có

Tiêu điên đảo tưởng trong ức kiếp

Chẳng trải tăng kỳ được Pháp thân.

Đây là bài kệ ngài A Nan xưng tán Đức Phật Thích Ca, bổn sư của ngài, đang ở trước ngài. Nhưng Đức Phật cũng là một với Pháp thân của ngài, cũng là Pháp thân của chư Phật, nên đây vừa xưng tán Sắc thân Phật vừa xưng tán Pháp thân Phật. Pháp thân ấy ngài A Nan cũng vừa thấy biết trong tâm mình, bởi vì không thấy biết Pháp thân nơi mình thì làm sao xưng tán Pháp thân của Đức Phật và của chư Phật.

Cái trong lặng nhiệm mầu (diệu trạm) là sự thanh tịnh trong lặng và bất động mà tất cả sanh tử không ô nhiễm được. Tổng trì, chữ dharani, phiên âm là đà la ni. Tổng trì là gồm trọn, dung nhiếp hết tất cả vũ trụ. Đây là Như Lai tạng diệu chân như tánh, cũng là thật tướng của Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Thấy được cái đó thì tức khắc bao nhiêu tưởng điên đảo trong ức kiếp đều tiêu tan. Cái đó cũng được gọi là Pháp thân. Sự đốn ngộ tức thời mạnh đến nổi a tăng tỳ kiếp thứ nhất tiêu tan mất, cho nên hoan hỷ nói “chẳng trải tăng kỳ”. Một ý nghĩa nữa của “chẳng trải tăng kỳ” là Pháp thân vốn có sẳn nơi các ấm, giới, nhập, nơi các địa, nghĩa là nơi mọi không gian thời gian, cho nên gặp gỡ cái vốn có sẳn thì hết sức ngạc nhiên và hoan hỷ, nhưng chẳng nhọc công nên nói là “chẳng trải”.

Nguyện nay đắc quả thành Bảo Vương

Về độ như thế, hằng sa chúng

Thâm tâm phụng sự vô số cõi

Thế mới gọi là báo Phật ân

Khi biết được nền tảng chung của chúng sanh, thế giới và chư Phật là Pháp thân hay Như Lai tạng thì phát nguyện, trên thì phụng thờ chư Phật, dưới thì phụng sự chúng sanh. Bây giờ mới thực sự phát nguyện vì đã thấy Nền tảng, đã đủ sức đi Con đường lợi mình lợi người, để đến Quả.

Hoan hỷ phát nguyện, sung sức phát nguyện đi trên con đường Bồ tát cho đến cuối cùng, con đường thành Phật độ tất cả chúng sanh.Thành Phật như kinh Đại Bát Nhã nói, là đầy đủ “mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, mười tám pháp bất cọng, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả”.

Bốn hoằng thệ nguyện là việc báo ơn Phật :

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Chỉ có vị đã đạt được một phần Pháp thân mới thấy bốn lời nguyện này là thật, mà không kinh sợ, không thấy mệt mỏi, trái lại còn hoan hỷ, như ngài A Nan khi đạt đến Hoan Hỷ địa. Sở dĩ như thế vì từ đây Trí Bi chân thật đi song đôi với nhau. Bi là độ tất cả chúng sanh và Trí là thấy chúng sanh như huyễn, bản chất là Chân Như tánh. Thế nên độ là độ chúng sanh như thị : “ về độ như thế hằng sa chúng”.

Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho

Đời ác năm trược, thề vào trước

Còn một chúng sanh chưa thành Phật

Rốt chẳng nơi kia giữ Niết bàn.

Cứu độ chúng sanh cho đến tột đời vị lai, kể cả đời ác năm trược cũng xin vào trước, đại bi này sở dĩ dám làm và làm được vì từ đây Bồ tát ở trong Như huyễn tam muội. Nói như Kinh Kim Cương : “cứu độ tất cả chúng sanh mà không thấy thật có chúng sanh nào được cứu độ”.

Đại hùng, đại lực, đại từ bi

Ngưỡng mong xét trừ lầm vi tế

Khiến con sớm lên Vô thượng giác

Nơi mười phương cõi ngồi đạo tràng.

Đức Phật đại hùng đại lực đại từ bi là chỗ ngưỡng vọng của các Bồ tát đã đạt một phần Pháp thân. Bồ tát hạnh là để thực hiện đại hùng, đại lực, đại từ bi của bậc Giác ngộ.

Xin Đức Phật xét trừ cho những lỗi lầm vi tế, bởi vì mới vào Sơ Hoan Hỷ địa là mới được căn bản trí hay tự nhiên trí hay vô sư trí, ngộ được tánh Không hay tánh Như, nhưng vẫn còn những lỗi lầm vi tế chấp ngã chấp pháp tạo thành phiền não chướng và sở tri chướng che mờ tâm địa. Phần sau của Kinh sẽ nói về sự diệt trừ những lỗi lầm vi tế này.

Vô thượng giác là sự thành Phật có giá trị khắp cả mười phương, đại trí tỏa sáng khắp mười phương, đại bi cứu độ khắp mười phương. Có như thế mới thành Đại Trí và Đại Bi được.

Tánh hư không còn có thể tiêu

Tâm kim cương không hề động chuyển.

Lời nguyện này được đặt trong Pháp thân tánh Không nên nó là tâm kim cương không thối chuyển, không lay động. Tùy theo lời nguyện vững chắc đến đâu, trở thành kim cương đến đâu thì hành giả đi vào pháp giới kim cương đến đó.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan