ĐỨC TIN NHƯ SỰ TIN CẬY CHÂN THẬT - TRÍCH "SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC" - TAITETSU UNNO

ĐỨC TIN NHƯ SỰ TIN CẬY CHÂN THẬT

SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC - TAITETSU UNNO

–––––o0o–––––

Kinh nghiệm trung tâm của Phật giáo Chân tông được gọi là tín tâm (shinjin), thường được dịch là đức tin, nhưng bởi vì đức tin có vô vàn hàm ý, cần thiết phải phân biệt những cách dùng khác nhau của từ ngữ này. Trong Phật giáo, chúng ta thấy có ba từ ngữ Sanskrit thường được dịch là “đức tin”. Sraddha (tin cậy), prasada (trong sáng và bình thản) và addhimukti (hiểu). Tín tâm chứa đựng...
ĐỨC TIN NHƯ SỰ TIN CẬY CHÂN THẬT - TRÍCH

Kinh nghiệm trung tâm của Phật giáo Chân tông được gọi là tín tâm (shinjin), thường được dịch là đức tin, nhưng bởi vì đức tin có vô vàn hàm ý, cần thiết phải phân biệt những cách dùng khác nhau của từ ngữ này. Trong Phật giáo, chúng ta thấy có ba từ ngữ Sanskrit thường được dịch là “đức tin”. Sraddha (tin cậy), prasada (trong sáng và bình thản) và addhimukti (hiểu). Tín tâm chứa đựng một số những yếu tố này, và cái hiểu căn bản của Thân Loan có thể dịch đúng sang Anh ngữ là “tin cậy chân thật”, “giao phó chân thật”.

Tổng quát, đức tin Phật giáo thường đến ở lúc bắt đầu con đường tôn giáo, chỉ ra sự tin cậy, giao phó theo những lời dạy của đức Phật. Cũng thế, trong Phật giáo Đại thừa nó tạo thành giai đoạn đầu tiên của cuộc tìm đạo, trước ba giai đoạn tiếp theo; như vậy là tin rồi đến hiểu, thực hành và chứng đắc. Trong thiền, danh từ đức tin thường được dùng để chỉ sự biểu lộ hoàn toàn của tự tánh tuyệt đối.

Đức tin cũng là chung trong những tôn giáo thế giới, từ bhakti xuất thần trong Ấn Độ giáo đến ân sủng kỳ diệu trong Tin Lành. Đức tin gồm nhiều sự việc khác nhau đối với những người khác nhau: hành vi của ý chí, quyết tâm bằng lý trí, cách thức hiểu biết, sùng mộ nồng nhiệt, món quà từ Thượng Đế. Trong khi những kinh nghiệm hiện thực có thể biến thái khác nhau, chúng chia xẻ một cơ cấu chung, đặt nền tảng trên mối tương quan giữa con người và thiêng liêng, tương đối và tuyệt đối, phàm tục và thánh thiện.

Tín tâm cũng chứa một số sắc thái của đức tin, nhưng cái chánh là thức tỉnh với thực tại-như-nó-là, vượt khỏi bất cứ hình thức ý niệm hóa nào của nhị nguyên chủ thể-khách thể. Khi Paul Tillich nói đến “Thượng Đế vượt khỏi Thượng Đế của thần học”, một lối nói tương tự của Phật giáo có thể là “Phật vượt khỏi Phật của nhị nguyên”. Một đức Phật như thế không biến mất trong chiều kích siêu việt mà xuất hiện ở đây và bây giờ giữa cuộc đời thường nhật. Hoạt động này, được một số người diễn tả như là tính siêu việt, tựu thành trong sự xuất hiện của Danh Hiệu, nam mô A Di Đà Phật, trong thế giới chúng ta.

Tín tâm như là tin cậy, giao phó chân thật chuyển động trong hai hướng mà cuối cùng trở thành một. Một mặt, một người giao phó hoàn toàn cái ngã cho Bổn Nguyện Nguyên Sơ, công việc của đại bi. Và mặt khác, người ta giao phó hoàn toàn cái ngã cho thực tại của tự ngã nghiệp báo hữu hạn của mình. Cái sau được cái trước làm cho có thể. Như thế, chúng tạo thành một sự thức tỉnh đơn nhất. Đây là tín tâm hay đức tin như là sự tin cậy chân thật.

Trong đời sống hàng ngày tin cậy là nền tảng của bất kỳ loại tương giao có ý nghĩa nào. Điều này đúng dù là tin cậy giữa những cá nhân, những quốc gia, những nhóm chủng tộc, xã hội hay tôn giáo. Không có sự tin cậy này chúng ta không thể làm việc cùng nhau và xã hội không thể vận hành. Với sự tin cậy lẫn nhau này, chúng ta giữ lời hứa, hẹn gặp, tuân thủ những luật lệ và giữ gìn pháp luật. Những việc ấy tùy thuộc vào quyết định của chúng ta, nhưng cũng tùy vào những khiếm khuyết của con người.

Tất cả chúng ta đều biết những lời hứa không thành, những tình bạn bị phản bội và những thỏa thuận bị bãi bỏ. Những thất thường của cái ngã tự phục vụ mình xé rách mạng lưới tương giao của con người, làm vỡ tan sự thống nhất của đời sống, làm trào vọt giận dữ, ghét hận, bạo lực và chiến tranh. Phá vỡ sự tin cậy thường do sự kiêu căng của quyền lực. Một ví dụ cổ điển là sự xâm phạm hơn bốn trăm bản hiệp ước mà chính phủ Mỹ đã ký với những nước bản địa ở châu Mỹ. Không có một bản nào được tôn trọng.

Khi tôi đang chờ đợi việc dạy học đầu tiên, nhiều hứa hẹn đến với tôi chỉ để bị phá bỏ sau đó. Tôi cảm thấy chán nản và tức giận, bởi vì sự tin cậy của tôi vào người ta bị xâm phạm. Tôi than thở sự việc này với một trong những vị thầy Phật giáo của tôi biết rõ hoàn cảnh của tôi. Tôi nói với ngài, “Con không bao giờ tin vào người khác nữa!” Và ngài trả lời, “Dĩ nhiên là không. Làm sao anh có thể tin những người khác khi anh còn chưa tin chính anh.” Điều đó không chỉ làm tôi câm miệng mà còn đặt cho tôi vấn đề sự trung thành của tôi đối với niềm tin vào những người khác được đến đâu.

Nếu người ta còn không tin cậy vào chính mình, nếu cái ta còn quá không đáng tin, làm sao cái gọi là niềm tin của một người như vậy có thể có ý nghĩa nào? Niềm tin trong nghĩa thông thường, căn cứ vào một tự ngã không vững bền, không chỉ không đáng tin mà cũng còn dễ vứt đi, do hoàn cảnh. Nhưng tín tâm được phát khởi từ cái gì chân thật, thực sự và thành thật, khiến chúng ta buông đi chấp ngã và làm cho cái ngã tin cậy vào thực tại duy trì tất cả và thường trụ ở khắp tất cả. Thực tại này được gọi bằng những tên khác nhau: Bổn Nguyện, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, Phật A Di Đà hay đơn giản đời sống chân thật và thực sự.

Niềm tin phát sanh từ tự ngã không thể sản sanh ra tính tâm linh chân thật, bởi vì nó thường trực tìm cách nâng cấp đời sống của nó bằng giàu có, uy tín, quyền lực, danh tiếng, … thậm chí còn dùng tôn giáo cho lợi ích của nó. Khi mối quan tâm chủ yếu là sự thực dụng của tôn giáo, người ta dễ thờ cúng, mê tín, pháp thuật, bùa phép – mọi cái để làm phồng lớn tự ngã. Điều này cũng đưa đến cái gọi là trào lưu chính thống và cuồng tín tôn giáo, chúng lạm dụng lòng tin cho những mục tiêu tự bành trướng mình.

Tôi dịch tín tâm không chỉ là tin cậy mà là tin cậy chân thật để nhấn mạnh nguồn gốc của nó là chân thật, thực sự và thành thật – công việc của đại bi. Tín tâm như một quà tặng đến từ thực tại vốn chân thật, thực sự và thành thật, và như thế nó không cắm rễ vào tự ngã mong manh, không bao giờ bị tan vỡ hay tiêu tán. Cái khả năng được hiến tặng này cho phép chúng ta tự nhiên tin cậy, giao phó chính mình cho thực tại như nó vốn là. Khi những hậu quả của cuộc đời nghiệp báo đã được tiêu xài hết, cuối cùng sự tin cậy chân thật kết thúc trong giác ngộ tối thượng.

Chúng ta sẽ khám phá đầy đủ hơn công việc của Bổn Nguyện, nhưng bây giờ đã đủ để nói rằng tin cậy chân thật có một xác quyết không đòi hỏi chứng nhận hay xác định. Một câu nói như “tôi tin” hay “tôi có đức tin” là dư thừa. Khi mặt trời chiếu sáng ban ngày, có ai tuyên bố, “Tôi tin là mặt trời chiếu sáng?” Hay khi mưa đổ xuống khắp nơi, cần gì để chứng minh cho nó, nói rằng, “Tôi có đức tin rằng trời đang mưa?”

Thân Loan thường dùng thành ngữ “đại dương của tin cậy chân thật”. Khi người ta đi vào đại dương bao la của lòng bi của A Di Đà, không còn gì xác định tự ngã nữa. Người ta sống tự nhiên, tự phát trong đại dương không bờ không đáy, được hộ trì bởi tính làm nổi của nước mặn. Không có sự sợ hãi phải chìm, và mọi nghiệp xấu cuối cùng sẽ được chuyển hóa trong nước của đại dương.

Đấy là lý do tại sao trong khi mục tiêu trên Con Đường của những vị Thông Tuệ là giác ngộ, thì mục tiêu tối hậu của đời sống Phật giáo Chân tông là tin cậy, giao phó chân thật. Tin cậy chân thật ắt hẳn dẫn đến giác ngộ tối thượng. Như thế sự thách thức lớn nhất đối với chúng ta là tín tâm hay tin cậy chân thật. Theo lời của Thân Loan:

Đối với con người ngu dốt bao giờ cũng chìm đắm trong sanh tử với vô số chuyển sanh, sự đạt được quả giác ngộ tối thượng, vô song không là khó. Cái khó đích thực là tin cậy chân thực.

Khó khăn của sự tin cậy chân thật là do tự nhốt giam mình, do sự khẩn thiết đầy quyền năng của cái tự ngã muốn chống chọi và che chở chính mình. Nó càng đương đầu với những khó khăn của đời sống, nó càng rút mình vào trong vỏ bọc. Cái mà chúng ta thấu hiểu là tin cậy chân thật không nương dựa vào “tôi” là gì và “tôi” tin gì; hơn nữa cái ngã tự mở ra với công việc của đại bi chân thật. Để làm rõ hơn, đây là những lời của Saichi:

Lòng tôi là lòng ngài;
Lòng ngài là lòng tôi.
Chính lòng ngài trở thành tôi;
Không phải tôi trở thành A Di Đà,
Mà A Di Đà trở thành tôi –
Nam mô A Di Đà Phật.

Con người tin cậy chân thật trở thành đáng tin cậy trong nghĩa thông thường nhất. Lý do là nền tảng của niềm tin không phải là tâm thức thất thường của con người mà là thực tại thường trụ của Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng. Một người như thế thì không đặc biệt là tốt hay đức hạnh. Đáng tin cậy chỉ đơn giản là cách sống tự nhiên nhất như một người chân thật, thật sự.

–––––o0o–––––

Trích “Sông Lửa Sông Nước”

Tác giả: Taitetsu Unno

Người dịch: An Cư

NXB Thiện Tri Thức, 2001

Bài viết liên quan