“GIỐNG NHƯ MỘNG” CỦA NAM TUYỀN - TẮC THỨ BỐN MUƠI - BÍCH NHAM LỤC - MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG

“GIỐNG NHƯ MỘNG” CỦA NAM TUYỀN

TẮC THỨ BỐN MUƠI

BÍCH NHAM LỤC - MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG

-----o0o-----

THÙY: Ngưng đi ngỉ đi, cây sắt trổ hoa. Có không có không? Trẻ khôn mất nhịp. dù cho tung hoành ngang dọc cũng khó không bị xỏ mũi. Thử nói xem sai lầm ở chỗ nào? Xin nêu lên xem.

CỬ: Lục Hoàn đại phu lần kia nói chuyện với Nam Tuyền, nói rằng, “ Triệu pháp sư nói, ‘Trời đất với mình đồng căn, vạn vật với mình một thể’ kể cũng kỳ quái thật” Nam Tuyền chỉ vào đóa hoa ngoài sân, rồi gọi Lục đại phu mà nói rằng, “ Người bây giờ thấy đóa hoa này giống như thể một giấc mộng vậy.”

BÌNH: Lục Hoàn đại phu học với Nam Tuyền rất lâu.Bình thường hay lưu tâm nơi lý tính và đắm mình trong bộ Triệu Luân[17]. Một hôm đang nói chuyện với Nam Tuyền bèn nêu lên hai câu kia cho là kỳ đặc. Lục đại phu nói, “ Trời đất với mình đồng căn, vạn vật với mình một thể, kể cũng kỳ quái thật.” Triệu Pháp Sư là bậc cao tăng đời nhà Tấn, cùng với Đạo Sinh, Đạo Dung và Tăng Duệ là môn hạ của ngài La Thập[18], được người đương thời gọi là “ tứ triết.” Thuở còn nhỏ thích đọc Lão Trang, sau đó nhân lúc chép bản Kinh Duy Ma cũ mà có chỗ sờ ngộ. Mới biết rằng cái học của Lão Trang chưa phải là cái thiện cứu cánh. Cho nên mới tông hợp các kinh điển mà viết ra bốn thiên luận.[19]

Cái ý của triết học Lão Trang là “ cái hình thể của thiên địa là lớn, cái hình thể của mình cũng thế; cùng sinh ra ở giữa hư vô. Cái ý của Trang Tử là chỉ luận về “ tề vật”;[20] Đại ý của các thiên luận của Triệu ông nói rằng tính ( của sự vật) đều qui về chính mình. Há không thấy trong luận của ngài có nói rằng, “ phàm bậc chí nhân thì trống không, không hình tướng, song vạn vật không cái gì không phải do mình tạo ra. Phải chăng chỉ có bậc thánh nhân mới hiểu được rằng vạn vật là chính mình. Tuy có thân, có người , có hiền, có thánh, mỗi cái khác nhau, song tất cả đều cùng một tính một thể.

Cổ nhân nói, “ Tất cả càn khôn đại địa chỉ là một tư thể của mình mà thôi. Khi lạnh thì cả trời đất lạnh, khi nóng thì cả trời đất nóng. Có thì cả trời đất có, không thì cả trời đất không. Đúng thì cả trời đất đúng, sai thì cả trời đất sai.” Pháp Nhãn nói, “ Hẳn hắn hắn tôi tôi tôi, nam bắc đông tây đều được, được hay không được , chỉ có tôi không gì không được.” Cho nên (đức Phật) mới nói,”Trên trời dưới trời chỉ có mình ta là tôn quí.”[21] Thạch Đầu đọc bộ, Triệu luận đến chỗ “ vạn vật là chính mình” bèn hoát nhiên đại ngộ. Sau đó soạn cuốn Tham Đồng Khế cũng không ngoài ý này.

Lục Hoàn đại phu lần kia nói chuyện với Nam Tuyền, nói rằng, “ Triệu pháp sư nói, ‘Trời đất với mình đồng căn, vạn vật với mình một thể’ kể cũng kỳ quái thật” Nam Tuyền chỉ vào đóa hoa ngoài sân, rồi gọi Lục đại phu mà nói rằng, “ Người bây giờ thấy đóa hoa này giống như thể một giấc mộng vậy.”
“GIỐNG NHƯ MỘNG” CỦA NAM TUYỀN - TẮC THỨ BỐN MUƠI - BÍCH NHAM LỤC - MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG

Xem ( Lục đại phu) hỏi như thế, thử nói xem họ đồng căn ở chỗ nào? Đồng thế ở chỗ nào? Đến chỗ này rồi, kể ra cũng kỳ đặc hết sức. Há lại giống như kẻ tầm thường không biết trời cao đất dầy? Làm gì có chuyện đó. Lục Hoàn đại phu hỏi như thế, tuy có kỳ đặc thật, song vẫn chưa vượt ra khỏi được giáo ý. Nếu như bảo rằng giáo ý là cùng cực rồi, Thế Tôn việc gì còn phải niêm hoa nữa?[22] Và Tổ Sư từ Tây Trúc đến để làm gì?

Cách đáp của Nam Tuyền, nắm mũi của sư tăng mà đưa chỗ đầu ra, để phá vở các hang hố của người khác. Cho nên mới bèn chỉ đóa hoa ngoài sân rồi gọi Lục đại phu mà nói rằng, “ Người bây giờ thấy đóa hoa này giống như thể một giấc mộng vậy. “ Giống như đặt một người ra bờ vách cao vạn trượng rồi đẩy hẳn một cái để cắt đứt mạng sống của hắn. Nếu như các ông chỉ bị xô ngã trên đất bằng, thì dù có đến lúc Di Lặc hạ sinh đi nữa cũng không biết cách cắt đứt mạng sống.[23]

Cũng giống như một người nằm mộng, muốn tỉnh mà không tỉnh được, lúc được người khác gọi mới tỉnh được.Nếu như mắt của Nam Tuyền mà không ngay chính hẳn đã bị Lục đại phu làm cho lúng túng rồi. Nhìn xem Nam Tuyền nói như thế, song quả thật là khó hiểu. Nếu như mắt của các ông sống động, thì các ông sẽ thấy nó như thể độc dược. Cổ nhân nói, “ Nếu như thấy nơi sự việc thì nó rất là thường tình, còn nếu như dựa vào ý căn mà so đo thì chẳng rờ rẫm ra được.” Nham Đầu nói, “Đây chính là cách sống của bậc hướng thượng, chỉ để lộ ra trước mắt một chút thôi, giống như thể điện chớp.”

Đại ý của Nam Tuyền là như thế , Sư có khả năng bắt cọp tê xử rồng rắn. Đến chỗ này rồi, các ông cần phải tự hiểu một mình mới được. Há không nghe nói, “ Một đường hướng thượng, ngàn thánh không truyền, kẻ học mệt nhọc, như khỉ bắt bóng.” Xem Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Kiến văn giác tri không phải một,

Núi sông không phải quán trong gương,

Trời sương trăng rụng đêm gần nửa,

Ai cùng hồ trong soi bóng lạnh.

BÌNH: Lời nói mê nhỏ của Nam Tuyền, lời nói mê lớn của Tuyết Đậu, tuy họ nằm mơ, song mơ một giấc mơ thật là đẹp. Thoạt đầu nói về “ một thể” , đây thầy ta nói không phải là đồng nhất. “ Kiến văn giác tri không phải một, Núi sông không phải quán trong gương.” Nếu như bảo rằng phải quán trong gương trước rồi sau đó mới hiện rõ, thì chúng đâu có rời chỗ của gương. Sơn hà đại địa, cây cỏ rừng rậm, đừng lấy gương ra mà soi. Nếu như lấy gương ra soi, thì chúng bèn biến thành hai phần. Cứ để cho núi là núi sông là sông, mọi vật trụ nơi vị của mình. Thế gian tướng thường trụ.

“Núi sông không phải quán trong gương”. Thử nói xem phải quán ở chỗ nào? Các ông có hiểu không? Đến chỗ này rồi, các ông phải hướng về “ trời sương trăngrụng đêm gần nửa.” Phía này đã biện rõ cho các ông cả rồi, phía bên kia các ông phải tự qua một mình. Các ông có biết được là Tuyết Đậu đem việc riêng của mình ra mà giúp người khác chăng? “ Ai cùng hồ trong soi bóng lạnh.” Soi một mình hay là cùng soi với người khác? Phải cắt đứt hết cơ duyên hết hiểu biết thì mới đạt đến cảnh giới này được. Hiện giờ chẳng cần hồ trong mà cũng chẳng phải đợi trời sương trăng rụng. Hiện giờ thì như thế nào?

-----o0o-----

Trích “Bích Nham Lục”

Người dịch: HT. Mãn Giác

Bài viết liên quan