GỒM THU NĂM ẤM VỀ NHƯ LAI TẠNG

GỒM THU NĂM ẤM VỀ NHƯ LAI TẠNG

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

A Nan, ví như có người dùng con mắt thanh tịnh nhìn hư không sáng trong, chỉ thấy một khoảng không trong vắt, tuyệt chẳng có gì. Người ấy vô cớ chẳng nháy mắt nhìn sững hồi lâu phát mỏi, bèn nơi hư không riêng thấy hoa đốm lăng xăng,...
GỒM THU NĂM ẤM VỀ NHƯ LAI TẠNG

A Nan, thế nào là năm ấm vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh?

Tu hành là đưa năm ấm trở về bản tánh của chúng là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Bắt đầu là giảng về tánh thấy, khi đã có được cái thấy thanh tịnh thì chính cái thấy này thấy được bản tánh của năm ấm là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Thấy như thế thì tướng tức là tánh, tánh tức là tướng, sanh tử tức Niết bàn, Niết bàn là sanh tử.

1. Thu sắc ấm

A Nan, ví như có người dùng con mắt thanh tịnh nhìn hư không sáng trong, chỉ thấy một khoảng không trong vắt, tuyệt chẳng có gì. Người ấy vô cớ chẳng nháy mắt nhìn sững hồi lâu phát mỏi, bèn nơi hư không riêng thấy hoa đốm lăng xăng, lại thấy có tất cả những tướng hư giả loạn xạ.

Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy.

A Nan, các hoa đốm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, chẳng phải từ con mắt mà ra. Thật vậy, A Nan, nếu từ hư không đến, đã từ hư không đến thì phải trở vào hư không. Nếu có ra vào thì chẳng phải là hư không. Hư không mà chẳng trống rỗng thì chẳng dung chứa tướng hoa đốm kia sanh diệt, như thân thể A Nan chẳng thể dung chứa một A Nan nào nữa.

Nếu hoa đốm từ con mắt mà ra, đã từ mắt ra thì phải trở vào trong mắt. Nếu hoa đốm từ con mắt mà ra thì lẽ ra nó phải có cái thấy. Nếu có cái thấy thì khi đã ra làm hoa đốm giữa hư không, khi trở lại phải thấy được con mắt. Nếu nó không có cái thấy, thì khi ra đã làm mờ hư không, khi trở về phải làm mờ con mắt.

Lại nữa, khi thấy hoa đốm lẽ ra con mắt phải không lòa, chứ sao khi thấy hư không sáng sạch thì mới gọi là con mắt trong sáng ?

Thế nên phải biết sắc ấm là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Sắc ấm mà chúng ta thấy trước mắt đây với vô vàn hình tướng đều do vọng thấy biệt nghiệp và vọng thấy đồng phận. Cái vọng thấy này là do ‘‘nhìn lâu phát mỏi’’. Bệnh mỏi lòa này không có nguyên nhân, không từ con mắt, không từ hư không, không từ vật trước mắt. Sắc ấm như hoa đốm loạn xạ giữa hư không, chẳng phải từ hư không đến, chẳng phải từ con mắt ra, chúng chẳng từ đâu đến mà cũng chẳng đi về đâu. Chúng không có tự tánh nên như huyễn, chúng không đến không đi, không sanh không diệt, không tăng không giảm…. Chúng là tánh Không vô sở hữu, bất khả đắc. Và tánh Không cũng là tánh Như (Kinh Đại Bát Nhã).

Thấy được sắc ấm như hoa đốm giữa hư không, thì sắc ấm hay hoa đốm chính là hư không. ‘‘Sắc tức là Không’’, sắc ấm hoa đốm chính là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

2. Thu thọ ấm

A Nan, ví như có người tay chân yên ổn, thân thể điều hòa, bỗng như quên mình, không có gì là thuận nghịch. Người này vô cớ lấy hai tay xoa vào nhau giữa hư không thì trong hai bàn tay vọng sanh các tướng trơn, rít, nóng lạnh. Nên biết thọ ấm cũng lại như vậy.

A Nan, các cảm thọ giả huyễn do xúc chạm kia chẳng từ hư không mà đến, chẳng từ hai bàn tay mà ra. Thật vậy, A Nan, nếu từ hư không mà đến thì đã sanh cảm thọ nơi bàn tay,sao lại không sanh cảm thọ nơi thân ? Chẳng lẽ hư không biết chọn lựa chỗ để xúc chạm ?

Nếu từ bàn tay ra thì đáng lẽ chẳng đợi hai bàn tay hợp lại. Lại nữa, nếu từ bàn tay mà ra thì khi hai tay hợp lại mới biết có cảm thọ, đến khi hai tay rời nhau thì cảm thọ phải trở vào. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết tung tích khi vào của cảm thọ. Rồi phải có tâm hay biết, biết ra biết vào, cho đến phải biết có một vật gì qua lại trong thân. Đâu cần chờ đến hai tay hợp lại mới gọi là cảm xúc ?

Thế nên phải biết, thọ ấm là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Cảm thọ là do sự tiếp xúc giữa thân và vật (sắc). Hơn nữa còn phải có tâm hay biết sự tiếp xúc ấy. Như vậy cảm thọ là do nhiều duyên tạm hợp lại mà có, nên là vô tự tánh. Cảm thọ thì vô tự tánh nên như huyễn.

Sắc đã hư vọng, như hoa đốm giữa hư không, thì cảm thọ về sắc cũng là hư vọng, chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Nhìn rộng ra, cuộc đời mỗi người chúng ta chỉ là một đống chồng chất những kinh nghiệm rời rạc, không liên tục, nghĩa là những cảm thọ về chính mình, về người khác, về thế giới. Quan sát kỹ, cuộc đời ấy cũng chỉ là những cảm thọ chẳng phải là ta, chẳng phải của ta, vô tự tánh như những hoa đốm giữa hư không.

Quan sát phân tích đến tận cùng, chúng ta phải được giải thoát, vì những cảm thọ tạo ra cuộc đời chúng ta không thật có. Khi không còn chấp cho rằng những bóng trong gương là hoàn toàn thật, chúng ta thấy ra tấm gương là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

3. Thu tưởng ấm

A Nan, ví như có người khi nghe nói đến me chua thì trong miệng chảy nước miếng. Khi nghĩ đến đứng trên vực núi thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn. Nên biết tưởng ấm lại cũng như vậy.

A Nan, câu chuyện me chua như thế chẳng từ trái me sanh ra, chẳng phải từ miệng vào. Thật vậy, A Nan, nếu do trái me sanh ra thì trái me tự nói lấy, đâu chờ đến người nói. Nếu từ miệng vào thì miệng tự nghe lấy, đâu cần đến tai nghe. Nếu chỉ có tai nghe thì nước miếng sao không chảy ra từ lỗ tai. Việc nghĩ tưởng đứng trên vực núi cũng lại như vậy.

Thế nên phải biết, tưởng ấm là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Nghĩ tưởng đến me chua thì nước miếng ứa ra, nghĩ tưởng đến bờ vực thì chân thấy rờn rợn. Một cái tưởng để thành một kết quả thì phải có đối tượng và hành động tưởng ấy phải tác động lên nhiều tác nhân khác. Tưởng do nhiều nhân duyên sanh ra, nó không thể tự sanh, cũng không phải từ cái khác sanh, cũng không phải vừa tự sanh vừa cái khác sanh. Thế nên nó là tánh Không, vô tự tánh, như mống cầu vồng giữa trời, không thể cầm nắm.

Quán sát phân tích đến rốt ráo, chúng ta sẽ giải thoát, khi thật thấy trực tiếp các tưởng là tánh Không. Tánh Không là một phương diện của Như Lai tạng diệu chân như tánh. Thấy được tánh Không đến đâu thì Như Lai tạng diệu chân như tánh rờ rỡ lộ ra đến đó.

Khi một tưởng khởi lên, hãy đưa nó về nguồn Như Lai tạng diệu chân như tánh. Đây là tu trong từng tưởng niệm.

4. Thu hành ấm

A Nan, ví như dòng sông chảy xiết, các làn sóng nối tiếp nhau,lớp trước lớp sau chẳng vượt nhau. Nên biết hành ấm cũng lại như vậy.

A Nan, tánh chảy như vậy chẳng nhân hư không mà sanh, chẳng nhân nước mà có, cũng chẳng phải tánh của nước, cũng chẳng lìa hư không và nước. Thật vậy, A Nan, nếu nhân hư không mà sanh thì mười phương hư không vô tận sẽ thành dòng nước vô tận, thế giới tự nhiên đều bị chìm đắm. Nếu nhân nước mà có thì dòng sông chảy xiết ấy tánh không phải là nước nữa, và hiện nay có thể chỉ ra tướng của nước và tướng của dòng chảy khác nhau. Nếu dòng chảy tức là tánh nước, thì khi nước đứng lặng đáng lẽ không còn là thể của nước nữa.

Nếu dòng chảy lìa hư không và nước mà có, thì không có cái gì ngoài hư không cả, và ở ngoài nước không thể có dòng nước.

Thế nên phải biết hành ấm là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Kinh Giải Thâm Mật nói :

Thức A đà na rất sâu, vi tế

Tất cả chủng tử như dòng nước xiết

Như Lai không nói cho người phàm ngu

E họ phân biệt chấp làm bản ngã.

Thức A đà na hay A lại da thức rất sâu, vi tế, tất cả chủng tử như dòng nước xiết, đây là hành ấm.

Dòng nước xiết ấy không nhân hư không, nhân nước, cũng chẳng phải bản chất của nước mà có, cũng chẳng lìa hư không, lìa nước, lìa bản chất của nước mà có. Nó là duyên sanh, không sanh ra từ một cái gì, và tất cả các duyên của nó hợp lại cũng chẳng thành được nó.

Quan sát kỹ càng thấu suốt sự không từ đâu sanh ra, sự không thật của dòng thức A lại da, bèn chứng được dòng thức A lại da là vô sanh. Vì dòng A lại da là vô sanh, nên xưa nay chỉ có Như Lai tạng diệu chân như tánh vượt khỏi sanh và vô sanh.

5. Thu thức ấm

A Nan, ví như có người lấy một cái bình tần già, bịt hai đầu lại, trong đó đầy hư không, rồi đi xa ngàn dặm, đem qua nước khác. Nên biết thức ấm cũng lại như vậy.

A Nan, hư không ấy chẳng phải từ phương kia lại, cũng chẳng phải từ phương này vào. Thật vậy, A Nan, nếu hư không từ phương kia lại, thì trong cái bình đã đựng hư không đem đi, ở chỗ cũ lẽ ra phải thiếu một bình hư không. Nếu hư không từ phương này vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra.

Thế nên phải biết thức ấm là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Hành ấm nhỏ nhiệm, vi tế nhưng có chuyển động nhanh nên được ví với dòng nước chảy xiết. Thức ấm khó thấy hơn, vi tế hơn nên được ví như hư không trong cái bình.

Hư không trong bình là thức ấm. Thức ấm như hư không trong cái bình không biết mình là một với hư không ở ngoài (sở tri chướng) rồi do những phiền não tham, sân, si…. (phiền não chướng) phóng chiếu ra sanh tử như hoa đốm, đều là vọng tạo, vọng thấy. Nhưng tánh nó như hư không cho nên những cái vọng tạo, vọng thấy ấy là như hoa đốm giữa hư không. Khi quán chiếu thấy rõ nó như hư không thì nó cũng không đi không đến, không tăng không giảm, không dơ không sạch…như hư không. Khi biết hư không trong bình và hư không ở ngoài là một, lúc ấy bèn giải thoát.

Thật sự có một cái bình nào nhốt được hư không, có một cái thân nào nhốt được tâm diệu minh toàn khắp, có một hoa đốm nào nhốt được hư không ?

Thấy rõ chẳng bóng nào nhốt được gương, chẳng sanh tử nào nhốt được tánh giác, bèn ngay đó thấy bóng và sanh tử đều hư vọng, như huyễn, như mộng.

Bát Nhã Tâm Kinh nói, ‘‘chiếu kiến năm uẩn đều Không, thoát tất cả khổ ách’’. Một uẩn trở về bản tánh của nó là tánh Không, thì bốn uẩn kia cũng đồng thời tan biến. Vậy nên, tu hành là quán chiếu trong từng niệm niệm một uẩn, như một vài ví dụ trong kinh đã gợi ý. Quán chiếu cho đến khi sanh tử hoa đốm tiêu tan, tất cả tướng đều tan vào Như Lai tạng diệu chân như tánh mới hoàn tất con đường tu học.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan