HẠT GIỐNG NẢY MẦM - NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - ĐƯỜNG XA NẮNG MỚI

HẠT GIỐNG NẢY MẦM
NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - ĐƯỜNG XA NẮNG MỚI

-------o0o-------

"Núi chọn người chứ không phải người chọn núi". Đó là điều chúng tôi đã nghe qua. Ngân Sơn không phải chỗ để ai muốn đến là đến. Về phía mình, rõ là tất cả tham dự vì lòng kính mộ một vùng đất thiêng liêng của địa cầu, tất cả sẽ xả thân, chấp nhận gian nguy vì muốn đến gần với một năng lực mà thực ra chúng tôi chỉ mới tin chứ chưa biết rõ thực sự.
HẠT GIỐNG NẢY MẦM - NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - ĐƯỜNG XA NẮNG MỚI

HẠT GIỐNG NẨY MẦM KHOẢNG THÁNG 9 NĂM 2009, Chúng tôi bốn người ngồi chung nhau dưới bóng của tháp Đại Bồ Đề tại Bodh Gaya, Ấn Độ. Buổi trưa trời nóng gay gắt. Bên kia chân tháp chính là cây Bồ đề thiêng liêng, lúc nào cũng rất nhiều khách đến chiêm bái và cầu nguyện. Dưới chân cây Bồ đề có một phiến đá dày do vua A Dục cho đặt để ghi dấu chỗ Phật thành đạo. Phía bên này trống trải, ít người và buổi chiều mát hơn.

Bốn người gồm có Toàn, một người bạn trẻ, giám đốc một công ty chuyên du lịch hành hương. Vinh, người bạn đời, người cùng đi với tôi suốt cuộc đời, kể cả cuộc đời lãng du ngày rộng tháng dài của tôi. Ngoài ba người, hôm đó có thêm sư cô Huệ Tín, một sư cô trẻ đang tu học tại Ấn Độ. Chúng tôi bàn chuyện hành hương đất Phật, rồi bỗng nhiên quyết định hay tổ chức đi đảnh lễ ngọn núi thiêng Ngân Sơn (Kailash) tại Tây Tạng. Cả bốn người chia tay nhau hôm đó với lòng hào hứng và cảm kích. Chúng tôi nhắc nhở nhau “hãy cầu nguyện”. Chúng tôi biết đi Ngân Sơn là một thử thách khủng khiếp, nếu không đủ ân phước thì không thể đến được.

Nhưng tại sao ngọn núi này, được xem là đỉnh Tu Di trên địa cầu, có tên là Kailash, lại gọi là Ngân Sơn? Hãy đọc lại một đoạn trong A Tì Đạt Ma luận: "Núi Tu Di Sơn Vương này gồm Đông Tây Nam Bắc đều có bốn phía. Phía Đông được tạo nên bằng vàng ròng; phía Tây toàn bằng bạch ngân; phía Bắc toàn bằng lưu ly; phía Nam toàn bằng pha lê. Ở mỗi bên như thế đều có những vật báu bao bọc".

Theo quan niệm cổ về vũ trụ của Ấn Độ, núi Tu Di là trung tâm của Dục giới, trong đó cõi người của chúng ta là một phần tại phía nam, "Nam Thiệm bộ châu". Trong vũ trụ quan này, “chất liệu” tạo thành thế giới gồm bốn thứ cơ bản, đó là vàng ròng, bạch ngân, lưu ly và pha lê. Ta cũng bắt gặp bốn báu chất này trong kinh A Di Đà khi kinh miêu tả cõi giới Tịnh Độ “Tứ biên giai đạo, kim ngân, lưu ly, pha lê hiệp thành”.

Dù vàng bạc hay lưu ly pha lê có dạng vật chất nhưng ở đây ta cần hiểu tính chất của chúng ám chỉ những đặc tính của Tâm. Tâm được xem là có hai đặc trưng chính, đó là có khả năng chiếu rọi và trong suốt, phi tính chất. Vàng ròng và bạch ngân được người xưa sử dụng để biểu thị tính chất chiếu rọi. Lưu ly và pha lê cũng được biết từ thời xưa, thể tính của chúng là trong suốt, tượng trưng cho Tính Không. Lưu ly cũng là một danh hiệu của Phật Dược Sư, người cứu độ chúng sinh bằng thuốc men, dược thảo. Tương truyền thân của Ngài được tạo thành bằng “ngọc lưu ly”, thuốc men chạy đến đâu được Ngài quan sát rõ ràng đến đó.

Ngày nay pha lê (crystal) thực ra chỉ là một món hàng công nghiệp bình thường, ai cũng có thể mua sắm để làm vật trang trí. Lưu ly, được phương Tây dịch là Beryl, là một loại tinh thể trong suốt, ngày nay được dùng để chế tạo các món trang sức. Cả hai, lưu ly và pha lê tuy không đắt tiền và khó kiếm như vàng bạc nhưng chúng biểu tượng cho đặc trưng siêu việt phi tính chất của Tâm.

Kelasa là tiếng Sanskrit, có nghĩa "pha lê". Từ Kelasa đã sinh ra chữ Kailasa và núi Kailash. Do đó Kalash có nghĩa là "núi pha lê", ngọn núi mang danh tính của một trong bốn báu vật của núi Tu Di. Người Tây Tạng mệnh danh ngọn núi này là Gangs Rinpoche, có nghĩa "bảo vật trong núi tuyết". Một danh tính khác là Tise, có nghĩa "đầu nguồn sông" trong tiếng Tây Tạng cổ. Trung Hoa gọi Kailash trong dạng dịch âm là "Đỉnh Võng Nhân Ba Tề" hay "Nhân Ba Thiết".

Khi tìm một từ tiếng Việt thích hợp cho ngọn Kailash thì Bạch ngân, một trong bốn báu vật của Tu Di, bỗng hiện lên trong tôi vô cùng rõ nét. Bạch ngân chính là màu bạc trắng xóa của đỉnh núi tuyết, sáng lòa dưới mặt trời rực rỡ. Trong chúng ta có lẽ nhiều người đã thấy vàng ròng nhưng chưa mấy ai thấy Bạch ngân (bạc ròng), một thứ kim loại cũng gây ấn tượng mạnh, nhất là dưới ánh sáng. Thế nên trong Việt ngữ ngọn núi này có thể được gọi là Bạch Ngân Sơn hay nói gọn là Ngân Sơn.

Ngân Sơn vốn là giấc mơ của tôi từ hơn mười năm trước. Từ ngày biên dịch cuốn Con đường mây trắng của Lama Govinda, tôi vẫn vương vấn tự hỏi đời mình sao chưa đến được Ngân Sơn. Thế nhưng cứ mỗi lần có ý nghĩ đó, tôi lại nhớ đến thủ đô Lhasa của Tây Tạng mà tôi từng một lần thăm viếng cách đây trên mười năm. Và vì thế tôi lại bỏ ý định.

Lhasa để lại cho tôi một ấn tượng quá nhọc nhằn gian khổ. Tại Lhasa tôi biết thế nào là "Hội chứng độ cao". Tôi thuộc loại người nhạy cảm khi lên núi cao. Đó là hiện tượng của thân tâm khi ở trong không khí quá loãng. Trên một độ cao khoảng trên 2500m, không khí bắt đầu loãng, dưỡng khí không đủ để nuôi cơ thể. Thân thể phải hít thở nhiều hơn để có đủ lượng dưỡng khí cung cấp cho hoạt động của thân. Nghe qua, nhiều người cho là không có gì đáng băn khoăn.

Nói một cách chính xác, trên độ cao 500m, không khí chỉ còn 95% áp suất. Với độ cao 3600m của Lhasa, áp suất không chí còn chừng 64%. Với lượng dưỡng khí ít ỏi như thế, tim và phổi vốn điều hòa trong trường hợp bình thường nay sẽ hoạt động không ăn nhịp với nhau. Tại Lhasa, tôi chỉ cần leo vài bước cầu thang là trái tim nặng trĩu. Ngay cả lúc nằm nghỉ trên giường, tưởng chừng như thân đã được nghỉ ngơi, bỗng nhiên hơi thở trở nên gấp rút như đang chạy đua.

Nhiều người lên đến độ cao này dễ bị chảy máu mũi. Lý do là các mao quản trong mũi bị vỡ vì áp lực bên ngoài nhỏ hơn so với bên trong. Lần đến Lhasa tôi không bị chảy máu nhưng môi rất tím và mặt bành ra vì hiệu ứng áp suất đó. Tệ hại nhất là chứng mất ngủ, một điều mà ai cũng phải chịu đựng khi lên độ cao. Chứng mất ngủ là hội chứng đáng sợ nhất trên cao nguyên Tây Tạng. Mất giấc ngủ cùng với bộ phận tim mạch đang rã rời làm chúng ta hoàn toàn mất khí lực. Khi lên đến nơi, có nhiều người chịu không nổi đã bỏ ngay Lhasa đi xuống đồng bằng, nói gì đến các cuộc tham quan vốn cũng rất đòi hỏi thể lực và sự tỉnh táo.

Mười năm trước tôi cố gắng không bỏ cuộc để theo các chương trình tham quan và từng lên đến một độ cao 5010m. Tại ngọn đèo Kampa-La trên đường đi Gyantse, tôi xuống xe, dò từng bước trên thảo nguyên, chân tránh phân trâu, tay tìm một viên đá kỷ niệm, Vinh ngồi lại trên xe, không thể nhấc bước. Tôi tự nhủ đó là điểm cao nhất trong đời viễn du và cũng là lần cuối mình lên Tây Tạng.

Do đó tôi không nghĩ mình dám đi Ngân Sơn đảnh lễ. Vì đảnh lễ Ngân Sơn đồng nghĩa với việc đầu tiên là phải đến chân núi Ngân Sơn, đến một thị trấn mang tên Darchen với độ cao 4670m. Tại đây áp suất không khí chỉ còn chừng 55%. Thế nhưng đó chỉ là phần sơ khởi. Phần chính của cuộc chiêm bái khách sẽ đi bộ ba ngày xung quanh núi với một hành trình dài chừng 52km. Chuyến đi hành cước quanh núi để đảnh lễ đó được gọi là Kora. Trên khoảng đường đó khách hành hương phải leo bộ nhiều đèo, mà đèo cao nhất là Dolma-La với độ cao 5660m. Độ cao này chỉ cung cấp cho khách khoảng 50% dưỡng khí so với thông thường.

Đoạn đường gian khổ sẽ chào đón khách là, trước khi đến Darchen nằm về phía tây Tây Tạng, khách hành hướng phải đi xe một đoạn rất dài trên cao nguyên, bị suy yếu vì hội chứng độ cao, phải trải qua cả tuần mất ngủ, phải chịu một cái lạnh cao nguyên và ăn uống thất thường. Sức khỏe của khách sẽ suy kiệt, lấy đầu sức lực để đi một đoạn đường núi mạn ngược với thử thách ghê gớm như thế.

Thế nhưng lần đó, tháng 9.2009, bên cạnh tháp Đại Bồ Đề, chúng tôi quyết định đi Ngân Sơn. Đến nay tôi vẫn không hiểu vì sao mình dám có quyết định đó.

Vài ngày sau khi thăm Bồ Đề đạo tràng chúng tôi đi Lâm-tì-ni thăm nơi Phật đản sinh. Tại đó, trong một ngôi chùa tôi gặp sư cô trẻ tên là Minh Hiệp. Dường như hết sức tình cờ, cô Minh Hiệp kể đã đi đảnh lễ Ngân Sơn. Cô kể, gần lên đến đèo Dolma-La thì cô kiệt sức. Khi đó cô lắng lòng cầu nguyện. thành tâm chấp nhận cái chết nếu đã đến lúc, nhưng nếu không thì Ngài Quán Thế Âm hãy giúp cô. Vừa nghĩ đến đó thì từ đâu bỗng xuất hiện một tu sĩ Tây Tạng dắt cô đi như bay qua đèo. Khi nhìn lại, cô nhớ đã gặp vị tu sĩ này lúc làm thủ tục nhập cảnh Tây Tạng, ông đứng sau cô và nói nhỏ với cô, "cô là người may mắn”.

Tôi nhìn cô nghe câu chuyện, nghĩ cô là người tu hành chắc không thể vọng ngữ. Còn cô cũng nhìn tôi, đột nhiên chúc tôi đi Ngân Sơn thành tựu. Tôi mới quyết định đi Ngân Sơn vài ngày trước, làm sao cô biết được? Tôi giữ im lặng, lòng lây làm kỳ. Cô còn tặng tôi một tấm hình Ngân Sơn nhỏ dài, chụp theo lối ống kính mở rộng, thấy được toàn cảnh Ngân Sơn.

Bốn người chúng tôi quyết định hè 2010 sẽ lên đường. Còn 9 tháng nữa, tôi tự nhủ, chúng tôi sẽ tổ chức kịp thời. Vài tháng sau tại Việt Nam, tôi gặp lại cô Huệ Tín. Trong lần gặp này, có mặt thêm hai bạn mới, Ngọc Anh và Tuấn.

Khoảng tháng 3.2010, tôi báo cho Toàn năm nay không tổ chức kịp, phải dời qua hè 2011. Nếu đi thì nhất định phải đi trong tháng 7 hay tháng 8 vì chỉ hai tháng hè đó trời trên kia mới đỡ lạnh. Toàn đồng ý dời qua hè 2011, đòi tôi phải làm "trưởng đoàn”. Không cách nào khác tôi nhận lời. Trách nhiệm của tôi là liên hệ và tìm chọn hai công ty tại Nepal để so sánh. Tôi báo cho họ đoàn Việt Nam sẽ có khoảng chừng 12 người tham dự. Đó là một con số khá lớn, nếu ta nhớ rằng, đi Ngân Sơn là một chuyến phiêu lưu, số người càng cao, xác suất xảy ra sự cố càng lớn. Thế nhưng trong tôi âm thầm có một ý tưởng kỳ lạ, muốn nhiều người đi, đã tổ chức thì phải giúp cho những ai có đủ điều kiện có thể tham dự.

Mồng 6 Tết Tân Mão 2011 chúng tôi họp đoàn lần đầu. Ngọc Anh văng mặt nhưng nhăn lại, "giá nào cũng đi". Trong khi có tâm trạng mâu thuẫn, vừa mong có nhiều người được lợi lạc, vừa mong ít người tham gia để chuyến hành hương đầy thử thách này dễ thành tựu. Cuối cùng tôi để mặc cho cuộc đời tự sắp xếp.

Trong cuộc họp, tôi thông báo: "Chuyến đi sẽ bắt đầu từ Việt Nam, đến thủ đô Kathmandu của Nepal. Từ Kathmandu xe sẽ vượt núi Hy Mã đến Nyalam của Trung Quốc. Từ Nyalam với độ cao 3730m, đoàn sẽ đi xe jeep dã ngoại hướng về phía tây, ngày đi đêm nghỉ. Sau vài ngày rong ruổi trên cao nguyên với độ cao tối thiểu 4600m, đoàn sẽ đến hồ thiêng Manasarovar và chân núi Ngân Sơn. Tại chân núi, thị trấn Darchen, đoàn sẽ nghỉ một đêm và sau đó sẽ bắt đầu ba ngày đi bộ đảnh lễ xung quanh Ngân Sơn. Đường đi bộ dài 52km, ngủ lều hai đêm ngoài trời. Về lại Darchen, đoàn sẽ trở về Kathmandu đúng như lộ trình lúc ra đi".

"Tất cả kéo dài 15 ngày, chịu độ cao, chịu lạnh, chịu mọi bất trắc về thời tiết, sức khỏe và chịu rủi ro do chủ trương chính trị của Trung Quốc. Nói thêm, mười ngày không được tắm". "Ai sẽ dám đi?", cả nhóm nhìn nhau mỉm cười.

Theo chương trình, đoàn sẽ khởi hành ngày 7.8.2011 tại Saigon. Đến hồ thiêng đúng vào ngày trăng tròn Vu Lan. Tôi nghe lòng mọi người rạo rực. Trăng sáng sẽ soi trên hồ thiêng Manasanovar khi chúng tôi đến ư? Nói chuyện sơ qua, tôi biết mọi người đã đọc về Ngân Sơn và chiếc hồ huyền diệu này trước khi đến họp. Đúng thôi, tất cả những ai chịu đến họp hôm nay đều là những con người khác lạ. Họ có một niềm tin nơi sự kỳ diệu của thiên nhiên, nơi một thực tại nằm sau những gì ta thấy biết và sự vận hành trong vũ trụ mà ta gọi là "pháp".

Chúng tôi hỏi nhau, ai có hy vọng sẽ đi 50%, 80%... Chưa ai sẽ dám chắc 100%, có lẽ chỉ có Ngọc Anh và chúng tôi. Trong nhóm xuất hiện một nhân vật nữ mà về sau trở thành người quản lý tài chánh cho đoàn, Bích Hà.

Lại một nhân vật nữ đến với đoàn, Lê Cát Trọng Lý, một nghệ sĩ âm nhạc trẻ. Đặc biệt nhất là đoàn có sự góp mặt của Trịnh Thanh Cường, một người đã từng đi Kora hai lần trong những năm qua. Cường là người duy nhất trong đoàn có kinh nghiệm với Ngân Sơn, lại là một nhà hướng dẫn du lịch tâm linh có kiến thức uyên bác và trình độ tu học đáng quí. Trong lần họp đoạn cuối cùng lại có thêm một vị sư tham gia, đó là thầy Viên Định. Thầy đang tu học tại Kathmandu và sẽ đóng một vai trò quan trọng trên đường hành hương.

"Núi chọn người chứ không phải người chọn núi". Đó là điều chúng tôi đã nghe qua. Ngân Sơn không phải chỗ để ai muốn đến là đến. Về phía mình, rõ là tất cả tham dự vì lòng kính mộ một vùng đất thiêng liêng của địa cầu, tất cả sẽ xả thân, chấp nhận gian nguy vì muốn đến gần với một năng lực mà thực ra chúng tôi chỉ mới tin chứ chưa biết rõ thực sự.

Cuối cùng con số thành viên vọt lên đến 22, trong đó có 9 bạn nữ. Trẻ nhất là một bạn sinh viên du học tại Mỹ tuổi chưa đầy 20. Niên trưởng là một vị võ sư tuổi đã 71. Chúng tôi xem nhau như trong một gia đình, hy vọng sẽ đúng như tinh thần mà Govinda đã viết cách đây nửa thế kỷ: "Ai đã đến Ngân Sơn, đã đi trọn một vòng Kora, người đó đã sống lại một cuộc đời mới và cùng nhau nằm trong một gia đình với tất cả những người đi trước và đi sau".

"Một tập hợp xuất hiện khi đầy đủ nhân duyên". Thế nhưng trong những ngày chuẩn bị lên đường, làm sao ai biết được "tập hợp" đó sẽ trải nghiệm được gì? Nhất là trong một chuyến đi hàm chứa vô số loại rủi ro khác nhau, từ những bất thường về việc nhập cảnh Tây Tạng, đến thời tiết, ăn uống, cùng những hiểm nghèo trên đường đi xe và đi bộ.

Về phía tôi, dù là trưởng đoàn, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ chối ai xin gia nhập. Tôi thấy mình không có quyền đó vì nghĩ rằng đi đảnh lễ Ngân Sơn là một hành động chỉ xảy ra khi hội đủ nhân duyên nhiều đời. Có lúc tôi tự hỏi, mình sẽ xử thế nào nếu có ai chưa đủ điều kiện nhưng muốn tham gia. Quả thực đã có người như vậy hỏi thăm xin đi nhưng khi tôi chần chừ chưa biết trả lời sao thì người đó đã tự rút.

Sự tham dự mỗi một trong 22 người của chuyến đi là sự vận hành của nghiệp lực, không hề có tính ngẫu nhiên. Điều hiển nhiên là tất cả sẽ không trơn tru, không suôn sẻ khi những con người đó sinh hoạt chung với nhau trong suốt 15 ngày, đi cùng xe, ngồi cùng bàn, cùng thảo luận từng vấn đề, cùng quyết định từng vụ việc. Sẽ có cảm khái, hạnh phúc và ân sủng nhưng cũng sẽ có áp lực, cọ xát, bất đồng xảy ra trên một độ cao chóng làm con người ta nhọc mệt và đuối sức. Thực tế, đó sẽ là những bài học, là một "khóa nhập thất" cho tất cả chúng tôi.

Sau khi đối tác Nepal bắt đầu chuyển danh sách tham dự viên cho chính quyền Lhasa để xin chiếu khán và thông hành tập thể, tôi tuyên bố "khóa sổ" với 22 thành viên. Sau đó tôi còn nhận thư của ba người nữa xin tham Tôi từ chối và đó là lần đầu tôi nói "không".

Công ty đối tác tại Nepal của chúng tôi xem ra vui mừng khi thấy con số cao hơn hẳn họ dự kiến. Còn tôi thì ngược lại, thầm nghĩ nếu chỉ một người duy nhất đau ốm hay lâm nạn thì đoàn sẽ gặp khó khăn chung. Và xác suất lâm nạn của một đoàn người chưa hề có kinh nghiệm trên núi cao như chúng tôi thật là to lớn.

Điều không ai ngờ là xác suất "lâm nạn" về chính trị tại Tây Tạng lại đến trước tất cả mọi thứ. Đầu tháng 6, hai tháng trước khi lên đường, chúng tôi được tin Trung Quốc đóng cửa biên giới Tây Tạng. Họ không bao giờ nêu lý do về mọi quyết định xuất nhập cảnh, đó là cách làm quen thuộc của "siêu cường” này. Đối tác trấn an chúng tôi, cho hay đầu tháng 8 sẽ mở cửa lại mà dự định chúng tôi sẽ nhập biên giới Tây Tạng vào ngày 10.8. nên sẽ không trở ngại gì.

Trong nội bộ đoàn, chúng tôi trao đổi nếu Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới Tây Tạng thì đoàn sẽ làm gì tại Nepal. Hai năm qua, tôi mơ về Ngân Sơn, tôi không có một kế hoạch thay thế và cũng không hề muốn thay. Trước mắt, tôi đi Nepal là để đi Tây Tạng chứ không muốn gì khác.

Tôi còn một mối lo khác. Giả thử Trung Quốc cho giấy tờ vào Tây Tạng vào đầu tháng 8, nhưng khi đoàn đến nơi, nếu vì một mâu thuẫn nào đó giữa Việt Nam - Trung Quốc, họ không cho nhập cảnh thì sao. Thế nhưng trong tận thâm tâm, một tiếng nói thì thầm trong tôi, đoàn sẽ thực hiện viên mãn chuyến đi của mình.

Ngày 3.8, vài ngày trước khi đoàn lên đường, tôi nhận được thông tin của đối tác kèm theo một văn bản có đóng dấu đỏ. Đoàn chúng tôi 22 người được Trung Quốc cấp chiếu khán và giấy thông hành nhập Tây Tạng. Đi cùng với đoàn là 5 người Nepali theo phục vụ nấu ăn, chuyên chở và dịch vụ cho đoàn. Trở ngại đầu tiên đã được giải quyết.

Hai chúng tôi bay từ Đức đi Dubai rồi đi Kathmandu. Nhóm trong nước bay từ Saigon và Hà Nội đi Bangkok. Họ gặp nhau tại sân bay, nghỉ một đêm tại Bangkok rồi lấy máy bay đi Kathmandu. Chúng tôi sẽ đến Kathmandu ngày 7.8. Khuya hôm đó tôi sẽ ra sân bay đón Trọng Lý một mình đến trước từ Hồng Kông. Ngày hôm sau, đại phái đoàn từ Việt Nam sẽ đến thủ đô Nepal và chuyến hành hương sẽ bắt đầu vào ngày 8.8.2011.

-------o0o-------

Trích: Đường Xa Nắng Mới

Tác giả: Nguyễn Tường Bách

NXB: Hội Nhà Văn, 2012

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan