HỆ THỐNG MICHELANGELO - Daniel Coyle

HỆ THỐNG MICHELANGELO

-Daniel Coyle

-----o0o-----

Nói một cách ngắn gọn, thợ học nghề đã phải dành hàng nghìn giờ để giải quyết các vấn đề, cố gắng và thất bại và lại cố gắng, trong phạm vi của một thế giới được xây dựng dựa trên hệ thống sản xuất ra sự xuất chúng. Cuộc đời của họ về cơ bản giống như một thực tập sinh 12 tuổi, người dành 10 năm trời dưới sự giám sát của Steven Spielberg để vẽ hình, dựng cảnh,...
HỆ THỐNG MICHELANGELO - Daniel Coyle

Vài năm trước, David Banks, một nhà thống kê của Đại học Carnegie Mellon đã viết một bài báo ngắn với tựa đề “Vấn đề của thiên tài”. Ông chỉ ra rằng thiên tài không phân bố đồng đều theo không gian và thời gian; trái lại, họ có xu hướng xuất hiện theo từng cụm. “Câu hỏi lớn nhất mà chúng ta có thể đặt ra cho các nhà sử học là, “Tại sao một số giai đoạn và địa điểm lại sản sinh ra nhiều thiên tài hơn những giai đoạn và địa điểm khác một cách đáng ngạc nhiên như vậy?” Banks viết. “Về mặt nhận thức, thật đáng xấu hổ khi điều này hầu như không bao giờ được đề cập tới một cách trực diện… mặc dù câu trả lời sẽ có những tác động vô cùng to lớn tới giáo dục, chính trị, khoa học và nghệ thuật”.

Banks chỉ ra ba cụm chính mà những người vĩ đại đã xuất hiện với số lượng lớn: tại Athen từ năm 440 TCN đến năm 380 TCN, tại Florence từ năm 1440 đến 1490 và tại London từ năm 1570 đến 1640. Trong số này, Florence là nổi bật và được ghi chép đầy đủ hơn cả. Trong giai đoạn một vài thế hệ, với dân số ít hơn thành phố Stillwater, bang Oklahoma ngày nay một chút, mảnh đất Florence này đã tạo ra vô vàn thành tựu nghệ thuật được cả thế giới biết đến. Một thiên tài cô độc thì có thể hiểu được, nhưng hàng tá thiên tài, trong vòng hai thế hệ? Điều này diễn ra như thế nào?

Banks liệt kê ra những diễn giải theo tư duy truyền thống về Thời kỳ Phục hưng như sau:

Sự thịnh vượng, mang lại tiền của và thị trường hỗ trợ cho nghệ thuật.

Hòa bình, mang lại sự ổn định để tìm kiếm tài năng và diễn ra quá trình tư duy triết học.

Tự do, giúp giải phóng những người nghệ sỹ khỏi sự kiểm soát của chính quyền và tôn giáo.

Động lực xã hội, cho phép những con người nghèo khó nhưng tài năng được bước vào thế giới nghệ thuật.

Quan điểm về mô hình mang lại cơ hội và môi trường giúp tạo nên một làn sóng của căn nguyên và thể hiện bản thân.

Tất cả những giải thích trên dường như khá giống nhau, và chỉ đáng tin ở bề nổi, khi may mắn sao, chúng đã quy tụ được những đặc điểm để ca ngợi Thời kỳ Phục hưng. Nhưng không may mắn ở chỗ, Banks tiếp tục, sự tồn tại của hầu hết những yếu tố này trong thực tế lại trái ngược hoàn toàn với những ghi chép của lịch sử. Về mặt động lực xã hội, Florence thế kỷ XV không hề thịnh vượng, hòa bình hay tự do như bình thường. Sự thật là thành phố đã bị chìm trong nạn dịch hạch thảm khốc, bị chia rẽ bởi những cuộc chiến dữ dội giữa những gia đình thế lực và bị kiểm soát dưới bàn tay sắt của nhà thờ.

Do đó, tư duy thông thường lại tiếp tục và có lẽ nên được đảo ngược lại. Chính những cuộc chiến, trận dịch hạch và nhà thờ hà khắc đã tạo ra sự hội tụ tài năng nói trên. Tuy nhiên, logic này không đủ vững chắc để trụ được dưới sức nặng của chính nó, bởi rất nhiều địa điểm khác có những yếu tố này nhưng đã không tạo ra bất cứ điều gì tương tự như những tài năng nghệ thuật mà Florence tạo ra. Tài liệu của Banks đã minh họa một cách rõ ràng chu trình bất tận khi chúng ta áp dụng lối tư duy truyền thống về tự nhiên/nuôi dưỡng đối với những thắc mắc liên quan tới tài năng. Chúng ta càng cố gắng chưng cất cả đại dương bao la những yếu tố tiềm năng thành một khối cô đọng của sự duy nhất, những bằng chứng lại càng trở nên mâu thuẫn và chúng ta càng hướng gần hơn tới kết luận tưởng chừng không thể tránh khỏi, rằng thiên tài đơn giản là bẩm sinh và do đó, hiện tượng như Thời kỳ Phục hưng là sản phẩm của sự may mắn mù quáng. Như nhà sử học Paul Johnsons đã viết, thể hiện quan điểm về học thuyết trên, “Thiên tài đột nhiên xuất hiện giữa cuộc đời và cất tiếng nói từ khoảng không, rồi im bặt, bí hiểm như lúc xuất hiện”.

Bây giờ, hãy nhìn lại vấn đề này qua lăng kính của tập luyện sâu. Myelin không quan tâm đến sự thịnh vượng, hòa bình hay cơ hội. Nó cũng không quan tâm nhà thờ đang làm gì hay ai chết trong trận dịch hạch, hay một ai đó có bao nhiêu tiền gửi trong ngân hàng. Nó đặt ra những câu hỏi giống với những gì chúng ta đã đặt ra với chị em nhà Brontë và nhóm Z-Boys: Những nghệ sỹ ở Florence đã làm gì? Họ đã rèn luyện như thế nào và trong thời gian bao lâu?

Lịch sử đã ghi lại rằng Florence được coi là tâm chấn, đánh dấu sự xuất hiện của một phát minh xã hội đầy sức mạnh gọi là phường hội thủ công. Phường hội (guild - có nghĩa là “vàng”) là sự liên kết của những người thợ dệt, họa sỹ, thợ kim hoàn và một vài người trong số đó đứng ra tổ chức để điều phối sự cạnh tranh và kiểm soát chất lượng. Phường hội hoạt động giống như các công ty do người làm công tự làm chủ. Họ có sự quản lý, quyền lợi và những chính sách chặt chẽ để kiểm soát những ai có thể làm việc trong hội. Tuy nhiên, điều mà họ đã làm được tốt nhất chính là phát triển tài năng. Phường hội được xây dựng dựa trên hệ thống học nghề, trong đó những cậu bé khoảng 7 tuổi được gửi đến sống với thợ cả để học trong thời hạn nhất định từ 5 đến 10 năm.

Một thợ học nghề làm việc trực tiếp dưới sự giám hộ và giám sát của thợ cả, người thường xuyên đảm đương vai trò người giám hộ trước luật pháp của đứa trẻ. Thợ học nghề học từ cơ bản đến nâng cao, không qua bài giảng hay lý thuyết mà qua thực hành: trộn màu sơn, chuẩn bị khung vẽ, mài đục. Họ hợp tác và cạnh tranh với nhau trong một hệ thống cấp bậc nâng cao dần, sau vài năm lên thợ phụ rồi đến thợ cả, khi đã đủ tay nghề. Hệ thống này tạo ra một chuỗi đào tạo liên tục: da Vinci học dưới sự giám sát của Verrochio, Verrochio do Donatello truyền dạy, Donatello do Ghiberti phụ trách; Michelangelo do Ghirlandaio giám sát, Ghirlandaio do Baldovinetti dạy bảo… Tất cả thường xuyên ghé thăm xưởng điêu khắc của nhau trong một sự sắp xếp mang tính hợp tác - cạnh tranh mà ngày nay chúng ta gọi là mạng lưới xã hội.

Nói một cách ngắn gọn, thợ học nghề đã phải dành hàng nghìn giờ để giải quyết các vấn đề, cố gắng và thất bại và lại cố gắng, trong phạm vi của một thế giới được xây dựng dựa trên hệ thống sản xuất ra sự xuất chúng. Cuộc đời của họ về cơ bản giống như một thực tập sinh 12 tuổi, người dành 10 năm trời dưới sự giám sát của Steven Spielberg để vẽ hình, dựng cảnh, đặt máy quay. Ý niệm về việc một đứa trẻ như vậy một ngày nào đó có thể trở thành đạo diễn điện ảnh vĩ đại khó khiến chúng ta ngạc nhiên: nó gần như “không thể tránh khỏi” (hãy nhìn Ron Howard).

Chúng ta cùng tìm hiểu về Michelangelo. Từ 6 đến 10 tuổi, ông sống với gia đình của một người thợ xẻ đá, học cách sử dụng búa, đục trước khi có thể đọc, viết. Sau một thời gian cố gắng học hành qua loa và không vui vẻ cho lắm, ông trở thành thợ học việc của Ghirlandaio vĩ đại. Ông làm công việc đẽo đá, phác thảo, sao chép và chuẩn bị những bức bích họa trên tường những nhà thờ lớn nhất tại Florence. Rồi ông được bậc thầy điêu khắc Bertoldo dạy dỗ và được những danh nhân khác nữa chỉ dẫn tại nhà của Lorenzo de’ Medici, nơi Michelangelo sống đến năm 17 tuổi. Ông chỉ là một nghệ sỹ đầy triển vọng nhưng ít được biết tới cho đến khi sáng tạo ra tác phẩm Pietà năm 24 tuổi. Người ta gọi Pietà là một tác phẩm siêu phàm thanh khiết, nhưng người tạo ra nó lại muốn được nói khác đi. “Nếu mọi người biết được tôi đã phải làm việc vất vả ra sao để có được thành tựu của mình,” sau đó, Michelangelo đã phát biểu, “thì nó không tuyệt diệu đến vậy đâu”.

“Với thời gian học tập kéo dài, học viên sớm được làm quen với những vật liệu khác nhau, sao chép và phối hợp trong công việc, hệ thống học nghề cho phép các cậu bé có vẻ như hết sức bình thường về mọi khía cạnh là những con người sở hữu kỹ năng nghệ thuật ở cấp độ cao,” Bruce Cole đã viết như vậy trong cuốn “Nghệ sỹ Thời kỳ Phục hưng trong lao động”. “Nghệ thuật – cũng như Thời kỳ Phục hưng – có thể được truyền dạy bởi một loạt các công đoạn theo trình tự phát triển tăng dần, từ việc nghiền bột màu đến tạo ra các bản sao chép, đến thực hiện những thiết kế mà thợ cả đặt ra, đến sáng tạo ra những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc của riêng mình”.

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những nghệ sỹ vĩ đại của Thời kỳ Phục hưng là một nhóm đồng nhất, nhưng sự thật là họ cũng giống như bất kỳ nhóm người được lựa chọn ngẫu nhiên nào khác. Họ cũng xuất thân từ những gia đình giàu có hay nghèo khổ; họ có cá tính khác nhau, có những người thầy dạy dỗ khác nhau, động lực khác nhau. Nhưng họ có một điểm chung: tất cả đều dành hàng nghìn giờ đồng hồ để tập luyện sâu, kích hoạt và tối ưu hóa những mạch điện trong não bộ, sửa lỗi, đua tranh và cải thiện các kỹ năng của mình. Họ tham gia vào công việc sáng tạo nghệ thuật vĩ đại nhất mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện: họ là kiến trúc sư thiết kế cho chính tài năng của mình.

-----o0o-----

Trích: Mật Mã Tài Năng

Tác giả: Daniel Coyle

Người dịch: Quỳnh Chi, Nhà Xuất Bản Thế Giới, 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan