HỒI HƯỚNG CỦA BỒ TÁT - Kinh Hoa Nghiêm

HỒI HƯỚNG CỦA BỒ TÁT

Kinh Hoa Nghiêm

-----o0o-----

Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát đem căn lành này hồi hướng, muốn cho tất cả chúng sanh được lợi ích, tất cả chúng sanh được an lạc, tất cả chúng sanh được lợi lớn, tất cả chúng sanh được thanh tịnh, tất cả chúng sanh đều cầu Phật đạo, tất cả chúng sanh đều được bình đẳng, tất cả chúng sanh đều được lòng hiền lành, tất cả chúng sanh đều vào Ðại thừa, tất cả chúng sanh...
HỒI HƯỚNG CỦA BỒ TÁT - Kinh Hoa Nghiêm

HỒI HƯỚNG CỦA BỒ TÁT

Kinh Hoa Nghiêm

-----o0o-----

Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát đem căn lành này hồi hướng, muốn cho tất cả chúng sanh được lợi ích, tất cả chúng sanh được an lạc, tất cả chúng sanh được lợi lớn, tất cả chúng sanh được thanh tịnh, tất cả chúng sanh đều cầu Phật đạo, tất cả chúng sanh đều được bình đẳng, tất cả chúng sanh đều được lòng hiền lành, tất cả chúng sanh đều vào Ðại thừa, tất cả chúng sanh đều được trí huệ lành, tất cả chúng sanh đều trọn đủ hạnh nguyện Phổ Hiền, viên mãn mười trí lực, hiện thành Chánh giác.

Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát lúc đem căn lành trên đây hồi hướng như thế, thời thân, ngữ, ý, ba nghiệp đều giải thoát cả: không dính mắc, không buộc ràng, không chúng sanh tưởng, không mạng giả tưởng, không ngã tưởng, không nhơn tưởng, không đồng tử tưởng, không sanh giả tưởng, không tác giả tưởng, không thọ giả tưởng, không hữu tưởng, không vô tưởng, không tưởng đời này đời sau, không tưởng chết đây sanh kia, không tưởng thường, không tưởng vô thường, không tưởng có ba cõi, không tưởng không ba cõi, chẳng phải tưởng, không phải chẳng phải tưởng.

Như thế là hồi hướng không hệ phược, hồi hướng không hệ phược giải thoát, hồi hướng chẳng phải nghiệp, hồi hướng chẳng phải nghiệp báo, hồi hướng chẳng phải phân biệt, hồi hướng chẳng phải vô phân biệt, hồi hướng chẳng phải tư duy, hồi hướng chẳng phải đã tư duy, hồi hướng chẳng phải tâm, hồi hướng chẳng phải vô tâm.

Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát lúc hồi hướng như thế không chấp trong chấp ngoài, không chấp năng duyên, không chấp sở duyên, chẳng chấp nhơn, chẳng chấp quả, chẳng chấp pháp, chẳng chấp phi pháp, chẳng chấp tư duy, không chấp chẳng tư duy, chẳng chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệt.

Chư Phật tử! Đại Bồ Tát nếu không chấp trước các pháp, thời không hệ phược nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không hệ phược sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh, không hệ phược sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệt.

Nếu có thể không hệ phược với các pháp, thời đối với các pháp cũng không giải thoát.

Bởi vì không có chút pháp nào là hiện sanh, đã sanh, sẽ sanh. Không có pháp nào có thể lấy, có thể chấp.

Tất cả các pháp: tự tướng nó là như vậy. Nó không có tự tánh, tự tánh nó vốn rời lìa. Nó chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải vô lượng, chẳng phải nhỏ, chẳng phải lớn, chẳng phải hẹp, chẳng phải rộng, chẳng phải sâu, chẳng phải cạn, chẳng phải rộn ràng, chẳng phải tịch tịnh, không phải xứ, không phải phi xứ, không phải pháp, không phải phi pháp, không phải thể, không phải chẳng phải thể, chẳng phải có, chẳng phải không có.

Bồ Tát quan sát các pháp là chẳng phải pháp, trong lời nói, thuận theo thế gian, kiến lập chẳng phải pháp làm pháp, chẳng dứt các nghiệp đạo, chẳng bỏ hạnh Bồ tát, cầu Nhứt thiết trí trọn không thối chuyển, rõ biết tất cả nghiệp duyên như giấc mơ, tất cả âm thanh như vang, tất cả chúng sanh như bóng, tất cả pháp như ảo, nhưng cũng chẳng hoại nhơn duyên nghiệp lực, rõ biết các nghiệp lực công dụng nó rộng lớn, hiểu thấu tất cả pháp đều không sở tác, thật hành đạo vô tác chưa bao giờ tạm bỏ.

Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát này trụ Nhứt thiết trí, hoặc xứ hay phi xứ thảy đều hồi hướng Nhứt thiết trí, nơi tất cả chỗ đều hồi hướng không thối chuyển.

Do nghĩa gì gọi là Hồi hướng?

Vì vĩnh viễn độ thế gian đến bờ giác, vì thoát khỏi năm uẩn đến bờ giác, vì vượt qua ngôn ngữ đến bờ giác, vì xa lìa các vọng tưởng đến bờ giác, vì dứt hẳn thân kiến đến bờ giác, vì lìa hẳn chỗ sở y đến bờ giác, vì tuyệt hẳn sở tác đến bờ giác, vì ra khỏi hẳn các cõi đến bờ giác, vì bỏ hẳn các sự chấp lấy đến bờ giác, vì thoát hẳn thế pháp đến bờ giác. Vì những điều trên đây mà gọi là Hồi hướng.

Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát lúc hồi hướng như thế thời là thuận theo Phật mà trụ, thuận theo pháp mà trụ, thuận theo trí mà trụ, thuận theo Bồ đề mà trụ, thuận theo nghĩa mà trụ, thuận theo hồi hướng mà trụ, thuận theo cảnh giới mà trụ, thuận theo hạnh mà trụ, thuận theo chơn thật mà trụ, thuận theo thanh tịnh mà trụ.

Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát hồi hướng như thế thời là liễu đạt tất cả các pháp, thời là trọn vẹn thừa phụng tất cả Chư Phật, không có một Ðức Phật nào mà chẳng thừa phụng, không có một pháp nào mà chẳng cúng dường, không có một pháp nào mà có thể hoại diệt được, không có một pháp nào mà có thể chống trái được, không có một vật nào mà có thể tham trước, không có một pháp nào mà có thể nhàm lìa, với tất cả pháp trong, pháp ngoài không thấy có một chút diệt hoại trái với luật nhơn duyên. Bồ tát này đầy đủ pháp lực không hề thôi ngớt.

Chư Phật tử! Ðây là bực đại Bồ Tát tùy thuận kiên cố nhứt thiết thiện căn hồi hướng thứ sáu.

Lúc đại Bồ tát an trụ nơi bực hồi hướng này thời thường được Chư Phật hộ niệm nên được kiên cố bất thối, nhập pháp tánh tu Nhứt thiết trí, tùy thuận pháp nghĩa, tùy thuận pháp tánh, tùy thuận kiên cố tất cả căn lành, tùy thuận tất cả đại nguyện viên mãn, tùy thuận đầy đủ pháp kiên cố, tất cả như Kim Cang không gì phá hoại được, được tự tại với tất cả pháp.

-----o0o-----

Trích: “Kinh Hoa Nghiêm, Tập 2_ Phẩm Thập Hồi Hướng Thứ Hai Mươi Lăm”.

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan