KẺ KHÁC – WILLIAM B.IRVINE - BÀN VỀ HAM MUỐN

KẺ KHÁC

BÀN VỀ HAM MUỐN – WILLIAM B.IRVINE

-------o0o-------

Giả sử bạn thức dậy vào một buổi sáng và phát hiện ra rằng bạn là người cuối cùng trên hành tinh này – trong đêm, người ngoài hành tinh đã xóa sổ nhân loại, trừ bạn.
KẺ KHÁC – WILLIAM B.IRVINE - BÀN VỀ HAM MUỐN

Giả sử bạn thức dậy vào một buổi sáng và phát hiện ra rằng bạn là người cuối cùng trên hành tinh này – trong đêm, người ngoài hành tinh đã xóa sổ nhân loại, trừ bạn. Giả sử, bất chấp sự vắng mặt của mọi người, những tòa nhà thế kỷ, những căn nhà, cửa hàng và đường phố của thế giới này vẫn y nguyên như buổi tối hôm trước. Những chiếc xe vẫn ở đó, còn chủ nhân của nó đã biến mất, và xăng vẫn còn đầy tại các trạm xăng không có người trông coi. Điện vẫn còn hoạt động. Thế giới này vẫn như cũ, ngoại trừ việc tất cả mọi người, trừ bạn, đã biến mất. Tất nhiên là bạn sẽ rất cô đơn, nhưng chúng ta hãy lờ đi khía cạnh cảm xúc khi trở thành người cuối cùng, mà thay vào đó hãy tập trung vào khía cạnh vật chất.

Trong tình huống được mô tả, bạn có thể thoả mãn nhiều ham muốn vật chất mà bạn không tài nào thỏa mãn được ngoài đời thực. Bạn có thể sở hữu chiếc xe trong mơ ước của mình. Bạn thậm chí có thể có một phòng trưng bày đầy những chiếc xe hơi đắt tiền. Bạn có thể có ngôi nhà mơ hoặc sống trong một cung điện. Bạn có thể mặc những bộ đồ đắt tiền. Bạn không chỉ có được một chiếc nhẫn kim cương lớn mà còn cả Viên kim cương Hy vọng. Câu hỏi thú vị là: nếu không có mọi người xung quanh thì liệu bạn có muốn những thứ đó hay không? Liệu những ham muốn vật chất tồn tại trong bạn khi thế giới này đang đông đúc người có còn hiện hữu không nếu những người khác biến mất? Có lẽ là không.

Nếu chẳng có ai để gây ấn tượng thì tại sao phải sở hữu một chiếc xe ô tô đắt tiền, một cung điện, những bộ cánh sang trọng hay đồ trang sức cơ chứ?

Nếu bạn thấy mình đơn độc trong một thế giới vật chất dự dật thì rất có thể những ham muốn của bạn sẽ chuyển theo hướng thiết thực hơn. Bạn có thể thử sống trong một cung điện, nhưng sẽ dọn đi và chọn sống ở một ngôi nhà ấm cúng hơn và dễ lau dọn hơn. Bạn có thể thử những bộ cánh đắt tiền nhưng rồi lại trở về với những bộ đồ thoải mái hơn. Quả thật, bạn thậm chí có thể mặc bộ đồ ngủ suốt cả ngày, hoặc vào những ngày xuân đẹp trời, bạn có thể mặc đồ lót hoặc khỏa thân đi dạo phố. Bạn có thể tậu một chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền để rồi nhận ra mình chẳng có ai để gặp và giờ giấc không còn cần thiết nữa.

Cuộc đời bạn cũng sẽ thay đổi theo những cách đời thường. Nếu bạn là phụ nữ thì tại sao bạn phải trang điểm? Rốt cuộc thì hầu hết chuyện trang điểm đều không phải vì lợi ích của người được trang điểm mà vì những người gặp người được trang điểm. Nhưng nếu không có người khác thì tại sao phải bận tâm về vẻ ngoài của bạn trước người khác? Và nếu người phụ nữ cuối cùng bỏ qua chuyện trang điểm thì người đàn ông cuối cùng trên hành tinh sẽ dừng lo lắng về kiểu tóc của anh ấy và đặc biệt là sẽ không còn lo lắng xem kiểu tóc của mình trông như thế nào từ đằng sau. Đoán chừng anh ta sẽ chỉ quan tâm đến các vấn đề thiết thực, chẳng hạn như để kiểu tóc đó thì có cảm giác gì và đầu tóc của anh ta có dễ giữ sạch không. Anh ấy giữ đầu tóc sạch sẽ vì bản thân chứ không nhằm mục đích gây ấn tượng với người khác.

Nếu so sánh lối sống của người cuối cùng trên Trái đất với của chính ta thì sẽ nhanh chóng nhận ra sức ảnh hưởng của những người khác lên cuộc đời chúng ta. Chúng ta ăn mặc, chọn một căn nhà và mua đồng hồ đeo tay với sự hiện diện của kẻ khác trong tâm trí. Chúng ta tốn cả mớ tiền để thể hiện ra bên ngoài một hình ảnh được xây dựng kỹ nhằm giành được sự ngưỡng mộ của người khác hoặc có thể để làm họ ganh tỵ với ta. Chúng ta kiềm chế bản thân và những ham muốn của mình để hòa hợp với hình ảnh mà ta muốn thể hiện. Và để chu cấp tài chính cho những hoạt động thể hiện bản thân của mình, chúng ta có thể dành cả cuộc đời trưởng thành để làm một công việc mà ta chán ghét.

Nếu thấy mình ở trong hoàn cảnh được mô tả là người cuối cùng, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi loài người, và kết quả là sự tồn tại vật chất của chúng ta sẽ được đơn giản hóa một cách triệt để. Đồng thời, chúng ta có lẽ sẽ không thích thú sự tự do mới tìm được này. Trái lại, chúng ta sẽ sớm ngộ ra được lời bình luận của Seneca rằng: “Việc sở hữu bất cứ thứ gì quý giá sẽ chẳng mang lại niềm vui nào nếu ta không có ai đó để chia sẻ”.

Sống một mình có thể thật khổ sở, nhưng chung sống với những người khác cũng không phải điều dễ dàng. Schopenhauer than phiền rằng xã hội “ép chúng ta, vì hòa bình, phải co mình lại hoặc thậm chí thay đổi hoàn toàn nhân dạng của mình”. Xã hội “đòi hỏi sự hy sinh quên mình đến nghiệt ngã, chúng ta phải từ bỏ ba phần tư bản thân ta để trở nên giống như những người khác.” Ông nói thêm rằng: “Chẳng có điều gì từ xã hội của loài người mà có thể bù đắp cho sự buồn chán, khó chịu và phiền toái của nó hoặc cho sự hy sinh bản thân mà nó cho là cần thiết”.

Theo Schopenhauer: “Hầu như mọi khổ đau của chúng ta đã bắt nguồn từ việc phải có liên hệ, tiếp xúc với người khác.” Ông nói thêm rằng: “Những người hoài nghi đã từ bỏ mọi tài sản cá nhân để đạt được niềm hạnh phúc từ việc chẳng có điều gì làm phiền tới họ và từ bỏ cả xã hội theo cách tương tự là điều khôn ngoan nhất mà một người có thể làm.” Nhìn chung, con người, ngay cả những nhà tư tưởng vĩ đại như Schopenhauer, cũng thật khó khăn khi sống thiếu nhau. Chúng ta – loài người đáng thương đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: cảm thấy khó khăn khi sống với người khác, nhưng thậm chí còn khó khăn hơn khi thiếu họ.

Ganh tỵ là một trong những điều khiến việc sống chung với người khác trở nên khó khăn. Sự ganh tỵ mà chúng ta dành cho kẻ khác giống như một thứ chất lỏng ăn mòn, nó phá hủy hạnh phúc và sự bình thản của chúng ta, theo triết gia hoài nghi Antisthenes, điều đó “giống như sắt bị gỉ sét, người ganh tỵ bị ăn mòn bởi chính cảm xúc của họ”. Và khi người khác cảm thấy ganh tỵ đối với chúng ta thì điều đó có thể đầu độc cuộc sống của ta. Triết gia và nhà kinh tế học người Anh John Stuart Mill gọi ganh tỵ là “cảm xúc phản xã hội và đáng ghét nhất trong tất cả các cảm xúc”. Theo Đức Phật, nó là “thứ thuốc độc nhất”.

Mặc dù ganh tỵ và ghen tuông thường được coi là từ đồng nghĩa, nhưng ta có thể phân tách sự khác biệt trong hàm ý. Một người ghen tuông vì anh ta sợ đánh mất thứ gì đó mà anh ta đã “sở hữu”. Ví dụ, một người chồng ghen tuông có thể sợ vợ mình rơi vào tay người đàn ông khác. Trái lại, một người trải nghiệm cảm giác ganh tỵ khi anh ta muốn thứ gì đó mà mình đang thiếu - người chồng mà tôi vừa đề cập có thể ganh tỵ với một anh hàng xóm vì anh này cưới được một cô vợ xinh đẹp. Chỉ khi nào anh ta có được vợ của anh hàng xóm thì anh ta mới có thể có cảm giác ghen tuông với cô ấy. (Để phân biệt giữa ganh tỵ và ghen tuông theo cách này, tôi đang đi theo quan điểm của La Rochefoucauld: “Ghen tuông ở mức độ nào đó là chính đáng và công bằng, vì nó chỉ nhằm mục đích bảo vệ một cái gì đó thuộc về chúng ta hoặc chúng ta nghĩ là thuộc về mình, trong khi ganh tỵ là một sự điên cuồng không thể chịu đựng nổi bất cứ thứ gì thuộc về kẻ khác”).

Sự ganh tỵ chứa đựng yếu tố ngưỡng mộ: nếu tôi ganh tỵ với căn nhà của ai đó thì suy ra rằng tôi ngưỡng mộ nó. (Triết gia Soren Kierkegaard mô tả ganh tỵ là sự không thể bày tỏ lòng ngưỡng mộ). Trong trường hợp của lòng ganh tỵ, những cảm giác ngưỡng mộ đó xen lẫn với một cảm giác về sự bất công. Nếu tôi ganh tỵ với ngôi nhà của ai đó thì tự sâu trong lòng, tôi cảm thấy cuộc đời thật bất công khi anh ta được sở hữu một ngôi nhà, còn tôi chẳng có gì. Tôi có thể biện minh cho cảm giác này theo nhiều cách. Tôi có thể nghĩ rằng mình làm việc chăm chỉ hơn, mình là một người tốt hơn, có tấm lòng trong sạch hơn, có cuộc sống khó khăn hơn, hoặc đang túng thiếu hơn anh ta. Nếu thế giới này công bằng thì tôi cũng sẽ được sống trong một ngôi nhà như vậy.

Chúng ta dễ vướng vào cảm giác ganh tỵ vì nguyên do đơn giản là chúng ta quen thuộc với cuộc đời của mình hơn cuộc đời của người khác. Chúng ta ý thức được sâu sắc những nỗ lực, nhu cầu và hành động tử tế của bản thân v.v… Vì điều này mà bất khi nào điều tốt đẹp đến với chúng ta thì rõ ràng là chúng ta xứng đáng với chúng. Ngay cả khi nhờ vận may run rủi mà ta trúng giải độc đắc hàng triệu đô-la thì điều đó có vẻ vẫn hoàn toàn công bằng. Đồng thời, chúng ta phần lớn không biết đến những nỗ lực, nhu cầu và hành động tử tế của những người xung quanh. Do đó, khi điều tốt đẹp đến với họ, ta không hề nhận ra họ xứng đáng với những điều đó, hay ở mức độ nào đó, họ xứng đáng với chúng nhiều như chúng ta.

Đôi lúc thật bất công khi người khác có thứ mà bạn thiếu. Trong những trường hợp như vậy, than thở về hoàn cảnh thì không phải là biểu hiện của lòng ganh tỵ. Chẳng hạn, bạn đang cạnh tranh với một nhân viên khác để được thăng chức. Giả sử hiệu suất công việc của bạn tốt hơn cô ta trong mọi khía cạnh có thể đánh giá được, nhưng cô ta được thăng tiến vì ngủ với sếp. Nếu bạn ghen tức với sự thăng tiến của nhân viên này thì bạn đang trải nghiệm sự tức giận chính đáng, chứ không phải là ganh tỵ. Xét đến các quy tắc ở nơi làm việc thì cô ta không xứng đáng được thăng chức, bạn mới xứng. Trong hầu hết trường hợp mà chúng ta ganh tức với người khác về những thứ họ đang có thì lý luận từ sự bất công, nếu ta xem xét kỹ, là vô giá trị. Những lời phàn nàn về sự bất công của chúng ta thực sự không hơn gì một vỏ bọc che đậy cho cảm giác ganh tỵ của ta, mặc dù chúng ta có thể không nhận ra nó một cách rõ ràng.

-------o0o-------

Trích: “Bàn Về Ham Muốn”.

Tác giả: William B.Irvine.

Việt Dịch: Nhóm Tâm Lý Học Tội Phạm.

NXB Công Thương – 2022.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan