KHI GIẾNG KHÔ MỚI BIẾT QUÝ NƯỚC - NHỮNG XU HƯỚNG LỚN SẼ HÌNH THÀNH THẾ GIỚI TƯƠNG LAI – MAURO F. GUILLÉN

KHI GIẾNG KHÔ MỚI BIẾT QUÝ NƯỚC

NHỮNG XU HƯỚNG LỚN SẼ HÌNH THÀNH THẾ GIỚI TƯƠNG LAI – MAURO F. GUILLÉN

Người dịch: Võ Kiều Linh---o0o---

Đây là trích dẫn từ câu nói của Benjamin Franklin với hàm ý nhắc nhở chúng ta không nên xem thường những điều hiển nhiên, nhưng xét về nghĩa đen thì câu cách ngôn này đặc biệt thích hợp với tình hình hiện nay. Nước là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, nhưng chất lượng và sự phân bố nước trên thế giới luôn là chủ đề nóng của mâu thuẫn và xung đột.
KHI GIẾNG KHÔ MỚI BIẾT QUÝ NƯỚC - NHỮNG XU HƯỚNG LỚN SẼ HÌNH THÀNH THẾ GIỚI TƯƠNG LAI – MAURO F. GUILLÉN

“KHI GIẾNG KHÔ MỚI BIẾT QUÝ NƯỚC”

Đây là trích dẫn từ câu nói của Benjamin Franklin với hàm ý nhắc nhở chúng ta không nên xem thường những điều hiển nhiên, nhưng xét về nghĩa đen thì câu cách ngôn này đặc biệt thích hợp với tình hình hiện nay. Nước là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, nhưng chất lượng và sự phân bố nước trên thế giới luôn là chủ đề nóng của mâu thuẫn và xung đột. Nhất là ở thành phố, tình trạng thiếu nước luôn tái diễn. Không những thế, 1/4 cư dân thành thị, tương đương 1 tỷ người, không có nước máy trong nhà. Tình hình dân số gia tăng phân bố không đồng đều, quá trình đô thị hóa, tầng lớp trung lưu mở rộng và biến đổi khí hậu là những yếu tố sẽ định hình hệ thống kinh tế chính trị liên quan đến tài nguyên nước. Nhà hải dương học và khí hậu học Irina Marinov, đồng nghiệp ở Trường Penn với tôi, cho biết “Trong 200 năm qua, chúng ta đã làm hệ thống thay đổi còn nhiều hơn so với chu kỳ 100.000 năm trong tự nhiên”.

Các vấn đề về nước sẽ còn trầm trọng hơn vào năm 2030. Ông Ian Lyle, giám đốc phụ trách các vấn đề liên bang của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc gia, cho biết: “Miền Tây nước Mỹ có một câu nói xưa rằng whisky là để uống, còn nước là để đấu [tranh]”. Theo công ty tư vấn McKinsey & Co., hệ thống nước là lĩnh vực quan trọng và tốn kém thứ ba trong xây dựng cơ sở hạ tầng tương lai, sau giao thông và năng lượng. Rất khó (và tốn kém) để lưu trữ và vận chuyển nước qua những quãng đường dài. Tương lai của các thành phố xoay quanh việc xây dựng mới cơ sở hạ tầng hệ thống nước và khuyến khích mọi người – gồm người tiêu dùng, nông dân, nhà máy và nhà sản xuất năng lượng – cần quan tâm hơn nữa đến việc sử dụng nước.

Nước và quản lý nước là vấn đề thiết yếu đối với xã hội loài người. Mọi nền văn minh cổ đại lớn - như Ai Cập, Lưỡng Hà, Thung lũng Indus, Trung Quốc, La Mã - đều xây dựng cơ sở hạ tầng và kỹ thuật quản lý nước để nuôi sống và duy trì mật độ dân số lớn trong các đô thị. Suốt chiều dài lịch sử có nhiều thảm họa lớn xảy ra do thiếu nước. Theo Liên Hiệp Quốc, hầu hết các thiên tai, có lẽ lên tới 90%, đều liên quan đến nước. Các cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nổ ra do hạn hán hoặc xung đột về nguồn nước, như ở Somalia năm 2011 hay Sudan và Mali năm 2012. OECD ước tính vào năm 2030, gần 4 tỷ người – tức một nửa dân số thế giới tương lai – sẽ sống trong các khu vực thiếu nước nghiêm trọng, tập trung ở Đông Á, Nam Á và Trung Đông, những nơi có thành thị phát triển nhanh nhất.

Hãy nhìn sâu hơn vào thách thức này: Nước bao phủ hơn 2/3 bế mặt trái đất nhưng 97,5% không thể uống được, nghĩa là con người chỉ có thể sử dụng 2,5% còn lại. Phần lớn trong số đó, có lẽ lên tới 70%, nằm ngoài khả năng tiếp cận vì bị đông cứng trong các tảng băng, sông băng, vùng đất băng đóng và tuyết phủ vĩnh viễn. Khoảng 30% là nước ngầm, và chưa tới 1% là nước sông, hồ, đầm lầy và các hồ chứa khác. Khoảng 1,2 tỷ người hiện không có nước sạch và khoảng 2,8 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ít nhất một tháng/năm. Nguyên nhân khan hiếm có thể là do điều kiện vật chất hoặc kinh tế. Một số khu vực trên thế giới không có đủ nước cho lượng dân số hiện tại và tương lai, trong khi ở các khu vực khác, đặc biệt là Tiểu vùng Sahara châu Phi và một số vùng Nam Á, khan hiếm nước là do thiếu cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn lực kém hoặc vì các yếu tố kinh tế khác. Ở những nơi này, người dân – chủ yếu là phụ nữ và trẻ em có thể mất tới năm giờ/ngày mới mua được nước cho gia đình khi hạn hán.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia ở Nam Á. “Ngay cả ở Chennai, Bangalore, Shimla và Delhi, nước cũng bị hạn chế và Ấn Độ đang bị đe dọa về an toàn lương thực. Cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người thực sự bấp bênh, các đô thị Ấn Độ đang kêu gào vì nước”, theo báo cáo của Ủy ban Phụ nữ Quốc gia Ấn Độ. “Cụ thể, nước bị cắt hai lần/tuần ở Bangalore và 30 phút/ ngày ở Bhopal... Mumbai phải chịu những đợt cắt nước từ tháng Giêng đến tháng Sáu, trong khi một số khu vực ở Hyderabad ba ngày mới có nước một lần”. Các thành phố được nhắc đến đều là những nơi phát triển nhanh nhất thế giới.

---o0o---

Trích: Những Xu Hướng Lớn Sẽ Hình Thành Thế Giới Tương Lai

Tác giả: MAURO F. GUILLÉN

Người dịch: Võ Kiều Linh

NXB Phương Nam Book

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan